TP,HCM: Khai mạc Tuần lễ Văn hóa Phật giáo PL.2562

21/05/2018 9:12
Chiều qua, 20-5 (6-4-Mậu Tuất), tại khuôn viên chùa Phổ Quang (Q.Tân Bình), đã chính thức diễn ra lễ khai mạc Tuần lễ văn hóa Phật giáo PL.2562, thu hút đông đảo Phật tử trong và ngoài thành phố cùng đến tham dự.
Chư tôn đức dự lễ khai mạc
Quang lâm chứng minh buổi lễ có HT.Thích Như Tín, Thành viên HĐCM, Chứng minh BTS GHPGVN TP.HCM; HT.Thích Thiện Tánh, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó BTS GHPGVN TP.HCM; TT.Thích Trí Chơn, Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM; TT.Thích Đạt Đức, Phó Thường trực Ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM… cùng chư tôn đức Tăng Ni Ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM. 
Bên cạnh đó, tại buổi lễ còn có sự hiện diện của đông đảo chư tôn đức Tăng Ni trên địa bàn TP, đại diện chùa Phổ Quang, cùng nhiều gian hàng có mặt tại hội chợ lần này. 
Được biết, Tuần lễ Phật đản năm nay nằm trong khuôn khổ chào mừng Đại lễ Phật đản PL.2562 sắp tới, với nhiều dấu mốc đáng ghi nhận, hứa hẹn sẽ mang lại sự đổi mới hơn so với mùa Phật đản mọi năm. 
Phát biểu khai mạc Tuần lễ văn hóa Phật giáo, TT.Thích Trí Chơn cho biết: “Năm 2018 là năm đầu nhiệm kỳ IX của GHPGVN TP.HCM. Để đánh dấu những thành quả đạt được của Đại hội đại biểu Phật giáo TP lần thứ IX, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, và hướng đến kỷ niệm 55 năm ngày Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân cúng dường Tam bảo, cầu nguyện Đạo pháp trường tồn, nước nhà độc lập, thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc; Đại lễ Phật đản và Tuần lễ Phật đản PL.2562 tại TP.HCM năm nay sẽ được tổ chức thật quy mô, trang nghiêm và trọng thể. Đây cũng là dịp tôn vinh ngày đản sanh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hòa cùng một trong những ngày lễ hội văn hóa tôn giáo của thế giới”. 
Theo đó, Tuần lễ Văn hóa Phật giáo TP.HCM PL.2562 sẽ được diễn ra từ ngày 20 đến hết ngày 29-5 (tức từ 6 đến Rằm tháng Tư ÂL), với các hoạt động cụ thể như sau: Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Phật giáo, bao gồm: Triển lãm cuộc đời và đạo nghiệp Bồ-tát Thích Quảng Đức, những di vật, hình ảnh của Ngài và chư Thánh tử đạo cùng chư vị tiền bối hữu công trong pháp nạn 1963 (từ 27-5 đến 3-6), tại Trụ sở GHPGVN TP.HCM - Việt Nam Quốc Tự (242-244 đường 3/2, P.12, Q.10, TP.HCM); Triển lãm các tác phẩm văn hóa nghệ thuật Phật giáo (từ 20 đến 29-5), tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo TP.HCM - chùa Phổ Quang (số 3 Huỳnh Lan Khanh, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM).
Hội chợ Văn hóa phẩm Phật giáo, với 66 gian hàng bao gồm: các gian hàng văn hóa phẩm Phật giáo, thư pháp, hội chợ ẩm thực chay... Hội chợ diễn ra từ ngày 20-5 đến hết ngày 27-5, tại chùa Phổ Quang (TP.HCM). 
Bên cạnh đó, nhằm thể hiện lòng tôn kính Đấng cha lành trong ba cõi - mừng ngày Đức Thế Tôn đản sanh, cũng là để tỏ lòng tri ân chư vị tôn túc hữu công trong pháp nạn 1963, đặc biệt là Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân. 
Tại Tuần lễ Văn hóa Phật giáo dịp này, còn có chương trình đại nhạc hội do Ban Văn hóa chủ trì tổ chức, với chủ đề: “Lửa thiêng bất diệt”, diễn ra vào 19 giờ 30 (Chủ nhật, ngày 27-5), tại sân lễ Việt Nam Quốc Tự (Q.10, TP.HCM). 
Ngoài ra, thông qua ngày kỷ niệm Đức Thích Ca Mâu Ni ra đời và kỷ niệm 320 năm Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM, Ban Văn hóa còn tổ chức diễu hành xe đạp, mang ý nghĩa kêu gọi quần chúng hãy chung tay bảo vệ môi trường, thể dục vận động bằng phương tiện giao thông; thể hiện nếp sống chậm giúp con người có được sự thảnh thơi an lạc. Dòng xe đi qua các tuyến phố cũng là dịp để chư thiện tín Phật tử gần xa có cơ hội chiêm ngưỡng, đảnh lễ Đức Phật. Thời gian dự kiến diễn ra lễ diễu hành xe đạp là vào 5 giờ (ngày 27-5), chia làm 7 nhóm với 7 điểm xuất phát, mỗi nhóm gồm 50 xe. 

Thông qua Tuần lễ Văn hóa Phật giáo năm nay, cũng là cột mốc đầu tiên của Ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM nhiệm kỳ mới, tôi mong rằng sẽ khuyến khích được mọi người hướng về những điều thiện lành, bằng các giá trị đạo đức văn hóa, góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh và tốt đẹp hơn. 
Đối với những hoạt động văn hóa, đặc biệt là trong sự kiện Tuần lễ Văn hóa Phật giáo lần này, cũng đều kế thừa và dựa trên những tiêu chí, nền tảng tốt đẹp của đợt lễ hội trước, song năm nay, mọi thứ được làm mới lại về hình thức, về tính nghệ thuật, về chất lượng... 
Chúng tôi đặt ra yêu cầu cho mỗi gian hàng đều phải thể hiện được giá trị cốt lõi của Phật giáo, thông qua cách bài trí, nguyên vật liệu, âm thanh, cho đến cung cách ứng xử đối với Phật tử và khách đến tham quan... 
Quan điểm của chúng tôi là nhìn nhận và phát triển văn hóa Phật giáo trên hai lĩnh vực: Một là, bày tỏ sự tôn kính; hai là, thể hiện các giá trị nghệ thuật. Do vậy, việc sử dụng hình ảnh, tôn tượng đức Phật và chư vị Bồ-tát ở bất cứ phương diện nào, cần hết sức cẩn trọng, không phải vì để truyền bá Phật giáo, để hòa nhập với thời đại mà tùy tiện, gây phản cảm được. 
 TT.Thích Trí Chơn
Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM

Tin Tức Liên Quan