Trở về với bình an trong tâm

17/02/2019 7:29
Dòng người đến chùa vẫn có những hình ảnh xấu xí, như đốt nhang nhiều, bẻ lộc non, chen lấn, nhét tiền lẻ vào tay Phật để cầu xin may mắn, thăng tiến...
Trở về với bình an trong tâm - Ảnh 1.

  Ngựa giấy với đủ kích cỡ có giá từ 200.000 - 500.000 đồng/con được người dân mua để làm lễ hóa vàng, sắp kín lối đi vào đền Chợ Củi, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Mỗi ngày, có hàng trăm con ngựa giấy được hóa vàng ở đây - Ảnh: DOÃN HÒA

Đầu năm đi chùa là nét văn hóa - tâm linh của người Việt bao đời. Tuy nhiên, trong dòng người đến chùa vẫn có những hình ảnh xấu xí, như đốt nhang nhiều, bẻ lộc non, chen lấn, nhét tiền lẻ vào tay Phật để cầu xin may mắn, thăng tiến... Làm sao để việc đi chùa là sinh hoạt văn hóa lành mạnh không chỉ trong dịp đầu năm?

Nhiều ý kiến của các bậc tu hành đại diện cho nhà chùa chia sẻ những giải pháp...

Mọi thứ trong đời mình đều do mình quyết định, nỗ lực thay đổi, thực hiện mà thành chứ không có ngôi sao nào đủ năng lực đó. Phải giữ niềm tin nhân quả mới biết cách để kiến tạo cuộc sống của mình tốt lên chứ không dựa dẫm bất kỳ ai, kể cả Đức Phật

Thượng tọa THÍCH TRÍ CHƠN

* Thượng tọa THÍCH TRÍ CHƠN (trưởng Ban văn hóa Phật giáo TP.HCM):

Có trách nhiệm của nhà chùa

Trước tiên, phải khẳng định việc đi chùa là nét đẹp văn hóa - tâm linh của người Việt. Qua việc tới chùa - nơi thanh tịnh, trung tâm tu học, hướng dẫn con người điều thiện - với hình ảnh Đức Phật an nhiên, buông xả, thập phương bá tánh có thể lắng lòng, tiếp xúc với sự thiện lành để sửa đổi bản thân, phục thiện (nếu chưa tốt) hoặc sống tốt hơn (nếu đã tốt rồi). 

Thế nhưng nhiều người đi chùa lại không hiểu ý nghĩa tốt đẹp đó, lại bị ảnh hưởng tâm lý đám đông nên đến chùa trong tâm thế khác: xem chùa là nơi để thỏa mãn các ước nguyện của bản thân, coi Đức Phật là người sẽ ban phát những điều mình cần và lấy thước đo trong cuộc sống thế tục để hành xử khi tới chùa.

Đi chùa đầu năm điều cốt yếu là làm cho tâm an qua việc tiếp xúc với năng lượng tích cực, thiện lành nơi cửa Phật. 

Khi tâm an thì nhìn cuộc sống rõ ràng hơn, đúng bản chất hơn (trí tuệ phát sinh), từ đó những lo âu, phiền não được tháo gỡ, không còn là vấn đề đáng sợ nữa, như câu nói "tâm an vạn sự an". 

Để quần chúng phật tử hiểu và thực hành điều này, thiết nghĩ tăng sĩ, nhà chùa, giáo hội nên hướng dẫn họ một cách thường xuyên qua các buổi giảng, chia sẻ, lớp giáo lý. 

Nhà chùa, tu sĩ phải thấy hiện tượng xấu xí trong việc đi chùa của bá tánh có phần trách nhiệm của mình.

Tiếc là, nhiều chùa hiện nay chỉ mới đáp ứng nhu cầu cúng bái của người dân mà chưa có hướng dẫn cách sống, thay đổi nhận thức để họ có hành xử đúng đắn trong tinh thần Phật dạy về chánh tín (niềm tin chân chính, đúng đắn), chánh tri kiến (cái thấy đúng). 

Hiện tượng các chùa vẫn lấy việc "cúng sao giải hạn" làm "phương tiện" cũng cần phải thay đổi để người dân không tiếp tục đến chùa vì niềm tin sai (mê tín).

Ở chùa Khánh An - nơi tôi đang trú xứ, người đến chùa đều được hướng dẫn không thắp nhang vô tội vạ, thay vì lễ bái hãy ngồi tĩnh lặng để thở, tiếp xúc với năng lượng an lành của Phật trong không gian thanh tịnh, bình an. 

Làm vậy nhưng phật tử vẫn đông, họ rất thích, nên trở về chùa với họ là trở về với bình an bên trong tâm hồn. 

Tôi nghĩ, để được vậy, các cơ sở phải kiên trì, công tác truyền thông cũng cần liên tục, bên cạnh đó giáo hội cần có chủ trương và được sự đồng thuận của tăng ni để công tác hướng dẫn, giáo dục đi vào thực tế, thống nhất từ Bắc chí Nam.

Trở về với bình an trong tâm - Ảnh 3.

Người dân nhét tiền qua khe tủ kính lên đầu tượng ở Phủ Dày (Nam Định) - Ảnh: NAM TRẦN

* Đại đức THÍCH GIÁC MINH LUẬT (chủ nhiệm CLB Nhân Sinh, TP.HCM):

Hướng dẫn người trẻ chuyển hóa tham - sân - si

Với người có hiểu biết về Phật pháp, họ coi việc đi chùa là dịp trở về để nuôi dưỡng thân tâm, tu bồi đạo đức, học hỏi giáo lý và tích tạo các công đức lành qua các thiện sự như công quả, từ thiện, hỗ trợ các khóa tu. 

Đối với họ, việc van xin, mong cầu ân huệ, cứu rỗi không còn quan trọng mà tất cả đều tùy thuận theo nhân - duyên - quả và phước báu mà họ đang nỗ lực gieo trồng, sửa đổi để trở thành một người có ích với thiện tâm trong sáng.

Những hành động như chen chúc, giành giật đồ cúng lễ; đốt nhiều khói nhang, vàng mã; quăng tiền lẻ ở gốc cây, tượng Phật... thật không ý nghĩa và lãng phí vô cùng. 

Nếu những việc này không nghiêm túc nhìn nhận và khắc phục ở mỗi cá nhân thì chúng ta sẽ tiếp tục gián tiếp truyền lại những thói quen tật xấu cho thế hệ con cháu.

Là người tu hành trẻ - tôi luôn cố gắng hướng dẫn, nhắc nhở các bạn trẻ mà tôi tiếp xúc khi đi chùa phải mang một tâm thái nhẹ nhàng. 

Quán chiếu mỗi hành động đều dạy cho chúng ta những bài học ý nghĩa như cúi lạy Phật để thấy mình còn nhỏ bé, bỏ đi ngạo mạn, tham lam và dục vọng rồi nguyện dứt trừ; ăn cơm chậm rãi để trân trọng những hạt gạo, thức ăn từ công phu lao tác mệt nhọc của người làm ra; nói năng nhẹ nhàng điềm đạm, đi đứng khoan thai để học cách điềm tĩnh hơn, tỉnh thức hơn trong lời mình nói, việc mình làm.

* Thượng tọa THÍCH NHƯ GIẢI (trưởng Ban hướng dẫn phật tử Phật giáo tỉnh Quảng Nam):

Hun đúc tinh thần tự cường ở lớp trẻ

Giáo hội trung ương đến tỉnh, thành đã có nhiều văn bản hướng dẫn về bài trừ mê tín, không nên đốt vàng mã - dâng sao giải hạn. 

Bản thân tôi trụ trì 19 năm ở ngôi chùa quê tại Duy Xuyên (Quảng Nam) không có dâng sao giải hạn đầu năm hay cho xăm bói quẻ, mà tôi dùng lời Phật ý kinh soạn 1.000 bài thơ 4 câu (thể lục bát hay tứ tuyệt) để làm lộc vui xuân. 

Chùa tôi thì dứt khoát chưa và không bao giờ có vàng mã, không sao hạn, thậm chí 19 năm nay tôi chưa từng đi cúng mà chỉ lo giảng dạy ở trường và các chùa trong tỉnh khi có khóa tu, ngày lễ.

Chúng ta nên hướng dẫn người dân bằng sự kiên nhẫn, những hành động cụ thể và họ từ từ ngộ ra. 

Giáo dục văn hóa theo tôi còn từ nhà trường về tinh thần dân tộc, hào khí tiền nhân. 

Hun đúc tinh thần tự cường vào lớp trẻ, giúp họ tin nhân quả, vì nếu quên nhân luân, quên nguồn gốc thì khi tin sẽ tin quờ tin quạng, không có nhận định sáng suốt thành ra mê tín - tin thần quyền. 

Theo đó, nếu đem tâm đó, nhận thức đó đi chùa thì chỉ xin, cầu mà thôi.

Sớm có bộ quy tắc ứng xử chốn thiền môn

Theo thượng tọa Thích Trí Chơn - trưởng Ban văn hóa Phật giáo TP.HCM, hiện Ban văn hóa Phật giáo TP.HCM đang thực hiện kế hoạch về việc cho ra một cẩm nang đi chùa, du lịch tâm linh (tham quan các chùa) được xem như một bộ quy tắc ứng xử ở chùa. 

Có thể, về hình thức sẽ là tờ bướm hoặc cuốn sổ tay bỏ túi với ngôn ngữ bằng hình ảnh sinh động cùng những dấu hiệu nên/không nên cụ thể, hướng dẫn phật tử, người đi chùa và cả khách du lịch có những hành xử đúng như thắp nhang bao nhiêu, để giày dép ở đâu, mặc trang phục ra sao... 

Từ đó, giúp quần chúng đến chùa nâng cao văn hóa của mình trong nếp sinh hoạt, tín ngưỡng, du lịch tâm linh, để chùa vừa đẹp vì hình ảnh trang nghiêm mà người đi chùa cũng trang nghiêm tự thân.

 

Theo Tuoitre.vn

Tin Tức Liên Quan