Pháp Thoại “Hạnh Cây Xương Rồng” tại Như Lai thiền tự - Arizona - Hoa Kỳ

25/09/2019 1:40
Trong chuyến hoằng pháp tại Hoa Kỳ, vào ngày 15/09/2019, hội đủ duyên lành Thượng tọa Thích Trí Chơn đã có mặt tại Như Lai thiền tự - Arizona - Hoa Kỳ. Và tại đây thầy cũng đã có hai thời pháp thoại cùng ngày để chia sẻ đến hội chúng.


Arizona là tiểu bang sa mạc, có khí hậu nóng, chính vì khí hậu nóng mà loài cây xương rồng trở thành đăc trưng và là biểu tượng của thành phố Phoenix. Khác với Việt Nam hay những nơi khác, ở đây có những cây xương rồng cao đến 3 - 4m. Với cái nhìn ngang qua lý duyên sinh và tính chất vạn pháp của người học Phật, ta thấy Phật như thế nào qua hình ảnh cây xương rồng?

Xương rồng là cây có thể chịu đựng và sống thọ trong thời tiết khắc nghiệt, cho dù thiếu nước, thiếu phân, thiếu độ ẩm, phía trên là nắng gắt, phía dưới thì sỏi đá khô cằn. Có nghĩa là cây xương rồng từ trong gian khó, từ trong khắc khổ mà đi lên. Vì thế khi nhìn cây xương rồng, không chỉ đơn giản là những gì hiện hữu trước mắt chúng ta. Cũng như khi nhìn hình ảnh của đức Như Lai Thế Tôn thành đạo dưới cội bồ đề thì ta cũng phải thấy luôn một Gô Ta Ma Cồ Đàm suốt những tháng năm tu khổ hạnh. Ta thấy được ý chí kiên định của một bật thánh, từ gian khó vượt lên để tìm ra chân lý, 6 năm gian khổ chính là bệ phóng để Ngài thành tựu đạo quả.


Ngoài ra ta còn thấy được ý chí vượt khó mãnh liệt của cậy xương rồng. Cái khó khăn là cái bên ngoài, còn ý chí mãnh liệt là cái bên trong. Nếu như xương rồng chỉ chịu đựng mọi khó khăn để tồn tại thôi vẫn chưa đủ, mà cốt lỗi là nằm ở ý chí đương đầu ẩn tàng bên trong. Con người chúng ta cũng phải thế, phải biết học ý chí mãnh liệt từ cây xương rồng. Từ khó khăn mà phát sinh ý chí, tý chí mà lớn dần lớn dần thành hạnh nguyện lợi tha. 

Bên cạnh đó, ý chí cần phải đi đôi với giải pháp, trong đạo ta có thể gọi đó là phương pháp hành trì chuyển hóa hoặc là pháp môn tu. Chúng ta đang sống một nơi có đầy đủ cám dỗ về ngũ dục lục trần, nhưng hãy làm thế nào để chí nguyện của mình vẫn trung kiên. Cho nên sống trên đời, những gian nan khó khăn chính là bệ phóng cho sự trưởng thành giúp ta đi lên trong cuộc đời. Những người không đi qua gian nan, không đi qua khó khăn sẽ có ít hạnh phúc, ít có cảm nhận được giá trị sâu sắc sự có mặt của mình. Đi sâu vào khó khăn để thấy hạnh phúc, đi sâu vào trong những bế tắc để thấy con đường thong dong. Đó là ánh sáng tuệ giác mà ta cần phải quán chiếu để thấy được. Chúng ta phải chiến thắng chính mình, khó khăn bên ngoài dễ dàng vượt qua nhưng khó khăn bên trong mới đáng lo ngại.Chúng ta phải thực tập làm sao để có được ý chí vượt qua những khó khăn khốn đốn như xương rồng. Làm sao để khi thấy những lôi cuốn mà không tham đắm, thấy những con đường đen tối mà tâm vẫn cứ sáng ngời.

Nhìn vào xương rồng, trước hết ta thấy gai. Sở dĩ xương rồng biến lá thành gai là vì sự trường tồn và thích nghi trước thời tiết, môi trường sống khắc nghiệt. Tự thân biết biến lá thành gai để giảm thiểu sự thoát hơi nước để bảo vệ chính mình. Lại một bài học nữa ta học từ cây xương rồng đó là sống phải biết thích nghi, nếu không thích nghi với môi trường ta sẽ khó mà tồn tại được. Qua sự chuyển hóa để thích nghi kia của xương rồng, ta cũng rút ra được bài học cho mình về tính vô ngã. Nhưng chúng ta hãy nhớ, phải tuỳ duyên mà bất biến, cảnh sống như thế nào thì ta thuận hoà như thế đó, bản chất đừng để đánh mất, lý tưởng đừng để nhạt nhoà, con đường đi đừng bít lấp. Như vậy ta mới có thể sống hoà hợp và vương lên.


Cuối cùng, hình ảnh cây xương rồng tuy thân hình xù xì gai gốc nhưng bên trong tươi nhuận nhiều nước đã dạy chúng tađừng vội nhìn hình tướng bên ngoài mà đánh giá một con người. Hãy nhìn cho sâu, cho kỹ, nhìn sâu bằng tuệ quán để hiểu cho tường tận những giá trị cốt lõi bên trong một con người hay sự vật hiện tượng nào khác. Đừng nhìn thấy sự khô cằn sỏi đá mà cho là bên trong cũng sỏi đá khô cằn. Điều đó nhắc nhỡ chúng ta, sự tu tập là quay về với chinh mình và để nuôi dưỡng cái bên trong, nuôi dưỡng sự từ bi, mát mẽ, nhẹ nhàng, thương yêu.Nếu như thời tiết khắc nghiệt làm cho cây xương rồng kia có được sự mền mại mát mẻ bên trong, thì trong những hoàn cảnh bế tắc khó khăn mà ta vẫn giữ được năng lượng tươi mát như cây xương rồng thì đó mới đích thực là người tu.

Trước khi kết thúc, thầy khuyến tấn đại chúng hãy quay về soi chiếu tự tánh sáng ngời nơi mỗi chúng ta để thấy được Phật, thấy được Pháp, thấy được Tăng ở mọi hiện hữu trên đời chứ không phải chỉ ở ngôi chùa mà chúng ta đang đi.

 

Quảng Thức, Minh Tuệ

 

 


Tin Tức Liên Quan