Giờ tham vấn khóa tu “Sống tỉnh thức” lần thứ 39

15/07/2019 4:16
Buổi vấn đáp trong khóa tu “Sống tỉnh thức” lần thứ 39 được diễn ra tại Pháp đường Chánh Niệm vào lúc 15 giờ (14.07.2019_12.06 Kỷ Hợi) sau khóa lễ sám hối. Dưới sự chứng minh của Thầy viện chủ và Tăng thân Tu viện Khánh An, nhằm giaỉ đáp những trăng trở, khó khăn cũng như tâm lành tu học của các hành giả đến với khóa tu.

Những thắc mắc của các hành giả đặc ra trong đó có về giáo lý, về chánh niệm, phương thức hành thiền, đời sống tín ngưỡng và đời sống xã hội. Chúng tôi xin lược ra một số câu hỏi thật sự cần thiết và lợi lạc cho số đông nhằm giúp ích cho quá trình tu tập.

 

Chị Nguyễn Thị Thanh Mai, PD Liên Thanh, đặc câu hỏi về Tứ Thánh Đế. Thế nào là trong Khổ có Tập, có Diệt và có Đạo? Với câu hỏi này, được thầy Trung Lâm giải đáp và lấy ví dụ về người bị đạp gai để giúp cho hành giả dễ dàng hình dung. Rằng khi một người giẫm phải gai, họ sẽ cảm thấy đau, nhức nhói, khó chịu, lo lắng, sợ sệt. Và những nổi đau đó chính là trạng thái của Khổ, cái gai chính là nguyên nhân của khổ (Tập), Diệt chính là khi cái gai được lấy ra khỏi bàn chân và không còn đau nhứt nữa. Đạo chính là phương pháp và cách thức để lấy cái gai ấy ra. Qua đó thầy viện chủ cũng nhấn mạnh thêm về tính tương tứccủa các pháp. Đó là nguyên do vì sao trong Khổ có Tập, có Diệt và có Đạo. Khi quán chiếu thật sâu sắc ta sẽ có thể tìm kiếm nguyên nhân của khổ đau (Tập) ngay trong cái khổ (Khổ) và ta cũng sẽ tìm ra con đường giải thoát, diệt khổ (Diệt - Đạo).

 


Cô Ngô Thị Kim Loan, PD Như Nhẫn có câu hỏi thắc mắc về chánh niệm. Theo cô được học thì chánh niệm là nhớ nghĩ chân chánh và chánh niệm cũng là ý thức được sự có mặt trong giây phút hiện tại. Nhưng trong quá trình hành thiền cô cảm thấy an lạc và phóng tâm nghĩ về người thân, cũng muốn họ được tu tập như mình để có được bình an. Vậy có phải lúc đó cô đã đánh mất chánh niệm không? Thầy viện chủ chia sẽ, đó là sự vận hành bình thường của dòng tâm thức. Trong khi hành thiền, nếu có âm thanh,  hình sắc bên ngoài tác động hay nội tâm khởi lên bất cứ suy nghĩ gì, hãy ghi nhân sự có mặt của các hiện tượng đó rồi quay về hơi thở của mình. Lấy hơi thở để trú tâm, định tâm. 



Cũng có câu hỏi từ một phật tử đặt ra, trong lúc ngồi thiền có nên áp dụng cùng lúc thiền chỉ và thiền quán? Thầy trả lời rằng những phật tử mới sơ cơ chỉ nên thực tập thiền chỉ, là dừng lại, để tập sống trong giây phút hiện tại và cảm nhận thực tại nhiệm mầu. Hoặc với phương pháp sổ tức, tức tập đếm và theo dỏi hơi thở vào ra. Nhưng nếu ta thực tập thiền chỉ cho thật nghiêm túc và sâu sắc, ta cũng sẽ thấy được sự có mặt của thiền quán đang ẩn hiện bên trong, tức là sự tương tức. Ta thấy được tánh vô thường về sự sinh, diệt trong từng hơi thở vào ra, thấy được tánh vô thường đó chính là sự có mặt của thiền quán trong thiền chỉ.



Một phật tử hoang mang trong việc buôn bán và muốn giải đáp rằng có nên tin vào “Thầy cúng”để giúp buôn mai bán đắc không? Thầy Quảng Thức trả lời như sau: Khi ta hoàn toàn đặt niềm tin vào một đối tượng mơ hồ mà họ có thể ban phước, giáng họa cho ta thì ta trở nên ù lỳ, mù tịch, thiếu phấn đấu mà chỉ biết dựa dẫm vào cái không thật có bằng sự thiếu chánh kiến của mình. Trái lại, nếu ta có niềm tin nơi Tam Bảo, biết rõ nhân quả nghiệp báo là cái hình thành nên con người ta cũng như những thành quả mà ta đạt được thì đó là ta có chánh kiến. Do nhu cầu mưu sinh của mỗi cá nhân, bên cạnh đó, vì là một Phật tử nên chúng ta cũng cần sống có chánh mạng và chánh nghiệp để có được những hoa trái tốt đẹp mà không phải dựa dẫm vào một thế lực tà ma ngoại đạo. Thầy viện chủ cũng chia sẽ thêm, việc này được hiểu nôm na rằng, nếu như người buôn bán có những chiêu trò trong kinh doanh, thì ông thầy cúng cũng là hình thái khác của 1 dạng tiếp thị. Hãy tin vào năng lực, trí tuệ và sức lực của chính mình mà phấn đấu làm ăn chân chánh. Đành rằng nghi lễ là một lẽ thiết thực nhưng cúng bái phải đi vào con đường “chánh tín”. Như ở chùa vẫn có việc cúng bái lễ nghi, nhưng thông qua việc cúng bái, ta đem lòng thành của ta chiêu cảm đến Đức Phật để tạo ra năng lượng công đức lành của sự cung kính mà làm thiện duyên trong cuộc sống hằng ngày với niềm tin tuyệt đối vào nhân quả, không giao phó, mặc cả. Ta phải biết chọn nghề nghiệp thiện lành, điều đó giúp được mình, được người và cả xã hội. Mọi người ai cũng mong muốn mình gặp nhiều thuận lợi trong kinh doanh, tuy vậy đừng chỉ biết mỗi việc kiếm thật nhiều tiền. Tài sản quý nhất của ta chính là hạnh phúc bên gia đình và là nụ cười của con cái, người thân.... Hạnh phúc ấy ta cần dàn trải ra một cách hợp lý, hạnh phúc trong công việc và cũng hạnh phúc trong gia đình. Hạnh phúc cho thân nhưng cũng phải biết chăm lo hạnh phúc cho tâm.




Tất cả những chia sẽ của các hành giả cũng như một số câu hỏi trong buổi tham vấn đều được mọi người đón nhận và hoan hỉ trước giải đáp của quý thầy.

 

Tin: Tâm Minh Tuệ, Ảnh: Minh Trường


Một số hình ảnh được trong buổi tham vấn:






Tin Tức Liên Quan