Khóa tu Sống Tỉnh Thức lần thứ 47: Đối diện lẽ tử sinh.

31/05/2020 10:01
Sáng 31/5/2020 (nhằm 9/4/Canh Tý), sau một thời gian dài vì dịch Covid-19, Khóa tu Sống Tỉnh Thức lần thứ 47 đã được diễn ra. Như thường lệ, sau khi thiền hành và ôn tụng Năm Giới Quí Báu là pháp thoại của Thầy Viện chủ.

Sau khi đại chúng vân tập về Pháp đường Chánh Niệm, thầy viện chủ thăng toà với pháp thoại mang tên: “Đối diện lẽ tử sinh”.

 

Thầy nói rằng, một người với tâm bất an thì ít nhiều có tác động tiêu cực đến môi trường xung quanh. Thái độ sống của chính mình cũng sẽ là tặng phẩm mà ta nhận được. Ta vui, những điều tuyệt diệu sẽ đến. Ta buồn mọi thứ  tồi tệ sẽ quay về. Nếu gục ngã, nghĩa là ta chấp nhận đánh mất những gì đã cố gắng.... "Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi" thế nên hãy sống tích cực, luôn hướng về phía trước để có thể nhìn thấy cơ hội trong khó khăn và chắc chắn, bạn sẽ chiến thắng.

Trong cuộc sống không ai có thể tạo ra sự hoàn hảo, sự tuyệt đối trong mọi việc làm của mình. Dù ở bất cứ nơi nào cũng đều có khó khăn, thử thách. Và trong mỗi khó khăn ấy đều mở ra một con đường, một hướng giải quyết mới.

Những tháng qua, đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác hại nặng nề cho nhân loại:

1.    Thiệt hại về kinh tế 

2.    Những dư chấn tâm lý làm con người sợ hãi, thấp thỏm, sầu muộn

3.    Số người nhiễm bệnh trên khắp thế giới lớn hơn 6 triệu người.

4.    Số ca tử vong xấp xỉ con số 400,000 người.

Covid-19 là biến cố của nhân loại. Dù muốn hay không thì nó vẫn xảy đến. Vì thế, thay vì lo lắng, sợ hãi, ta hãy thực tập đối mặt với chúng để được sống an nhiên hơn.

Qua những câu chuyện về hành trình tu tập của Thầy từ miền cao nguyên Pleiku đến nơi Sài Gòn đô thị phồn hoa hay xa hơn là đất Đông Âu băng tuyết lạnh lẽo, Thầy đã trải qua bao gian nan, cực khổ thậm chí đôi khi còn cận kề đối mặt với cái chết. Có những lúc gặp tai nạn giữa đường, có những khi tưởng chừng như máy bay “xếp cánh”. Từ mỗi câu chuyện, mỗi sự kiện xảy ra trong cuộc đời của chính mình, chiêm nghiệm lại, Thầy khuyên đại chúng mỗi ngày nên thực hành đúng lời dạy của đức Phật, siêng làm việc thiện lành, tránh xa các đường ác. Bởi điều thiện chính là chiếc thuyền to đưa chúng ta qua sông lớn tránh được tai nạn nguy hiểm. Ai gìn giữ được niềm tin với điều thiện thì trong nhà hòa thuận, an vui, rồi hiện đời được vui vẻ, phước tự nhiên đến. Người làm điều thiện, tạo nhân lành nhân tốt không cần cầu phước mà phước cũng đến. Còn làm điều ác mà cầu Phật ban phước cho mình, Phật cũng không ban nổi, bởi vì quả đi theo nhân.

Về cận tử nghiệp, Thầy nói, vào giờ phút lâm chung, khi đang đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết, tâm ta muốn về chỗ nào thì nguồn năng lượng tái sinh đẩy ta về chỗ đó nhiều hơn. Những đột biến thay đổi tâm lý vào giờ phút cuối cùng trước khi chết có thể diễn ra theo chiều hướng tốt hoặc xấu.

Chính vì thế, ta phải sống có ý thức hơn và lưu giữ giá trị chánh niệm để không bị nuối tiếc, sầu khổ lôi kéo.

Trong bài Kinh Người biết sống một mình theo bản dịch của Thiền sư Thích Nhất Hạnh có đoạn:

Đừng tìm về quá khứ

Đừng tưởng tới tương lai

Quá khứ đã không còn

Tương lai thì chưa tới. 

Hãy quán chiếu sự sống

Trong giờ phút hiện tại

Kẻ thức giả an trú

Vững chãi và thảnh thơi.

Phải tinh tiến hôm nay

Kẻo ngày mai không kịp

Cái chết đến bất ngờ

Không thể nào mặc cả.

Người nào biết an trú

Đêm ngày trong chánh niệm

Thì Mâu Ni gọi là

Người Biết Sống Một Mình.

 

Sự sống chỉ có mặt ngay giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây. An trú chánh niệm trong hơi thở. Rõ biết hơi thở trong mỗi khoảnh khắc, mỗi phút giây ấy chính là người biết tận hưởng cuộc sống.

Thường ngày chúng ta để cho tâm chạy nhảy, rong chơi, đuổi theo sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, chúng ta không có chánh niệm. Khi ngồi lại tụng kinh, niệm Phật, hành thiền v.v.. là chúng ta quay về với chánh niệm, không để cho tâm rong ruổi theo trần cảnh, không để cho tâm bị lôi cuốn, ràng buộc bởi các duyên, không để cho tâm loạn động bởi các niệm tưởng, mà để cho tâm an trú vào các thiện pháp, để cho tâm thanh tịnh, sáng suốt, đó chính là sống trong chánh niệm. Tuy nhiên, nếu tụng kinh, niệm Phật mà để cho tâm lăng xăng, thân một nơi mà tâm một ngả, phan duyên, khởi phiền não, vọng tưởng thì cũng không phải là sống trong chánh niệm.

Người có chánh niệm biết rõ mình đang nghĩ gì, làm gì, tâm có phiền não, vọng tưởng hay không, biết rõ đâu là việc làm đưa đến an lạc, hạnh phúc, đâu là con đường đưa đến bất hạnh, khổ đau. Người có chánh niệm ý thức rõ sự có mặt của mình và những người xung quanh trong từng thời khắc hiện tại, ý thức rõ những gì đang diễn ra, ý thức được sự sinh diệt, vận hành của các pháp. Người không có chánh niệm thường sống trong ảo tưởng, mơ hồ, bị trần duyên lôi cuốn, chạy đuổi theo sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp dẫn đến tạo nghiệp và cuối cùng là nhận lãnh khổ đau.

Tất cả mọi sự được - mất, thành - bại, có - không đều nằm ngay trong hơi thở của chính mình. Quán chiếu để thấy được rằng cuộc sống màu nhiệm, mong manh, nhẹ nhàng, sâu lắng hay huỷ hoại đều nằm trong hơi thở.

Hơi thở còn, sự sống còn. Hơi thở mất, mất tất cả!

Trong đời sống nhân loại nói riêng, tất cả sinh vật có sự sống nói chung, hơi thở là nguồn mạch của sự sống. Không những thế, hơi thở còn ảnh hưởng từng giây từng phút đến các  cảm giác, giấc ngủ, bộ nhớ, năng lực tập trung và toàn bộ sự sống của chúng ta cho đến khi nhắm mắt lìa đời.

Từ ngàn xưa, hơi thở trở thành một đề mục tối cần thiết cho những nhà ẩn sĩ, đạo sĩ, tu sĩ, các vị nương đề mục này để an trú vào thiền định, hưởng được những hạnh phúc an lạc của các cảnh giới mà hầu như ngày nay rất hiếm được thấy có ai làm được và thậm chí trở thành không tưởng hay giả tưởng.

Hơn thế nữa, có vị do nhờ hơi thở này mà đã trở thành vĩ nhân, thánh nhân và điều hiển nhiên nhất là chính Đức Phật Thích Ca của chúng ta cũng do từ hơi thở này mà ngài đã trở thành Phật Chánh Đẳng Chánh Giác có một không hai trên thế gian.

Do vậy, hơi thở chính là tài sản vô giá mà tất cả chúng ta ai ai cũng đều có, nhưng có thì có, mà mấy ai biết tận dụng nó, hiểu được nó để từ đó đem lại nguồn an lạc cho chính mình và cho toàn thể nhân loại.

Sự sống luôn hiện diện trong thực tại nhiệm màu. Vì thế, bậc trí giả luôn trú tâm vào sự vững chãi, thảnh thơi. Đức Phật dạy ta hãy buông xuống, bỏ những thứ không cần thiết để có được sự an lạc, bình yên. Hạnh phúc màu nhiệm chỉ có bây giờ và ở đây. Sống trọn vẹn sâu sắc trong mỗi phút giây ta đang có mặt là khi ấy ta đã thực hành được lời dạy của Đức Thích Ca Mâu Ni.

Nhiều người dành cả cuộc đời để tạo dựng hạnh phúc. Có người thỏa mãn với điều mình cho là hạnh phúc, nhưng cũng có người vẫn loay hoay tìm kiếm, vì cho rằng hạnh phúc là điều gì đó xa vời khó đạt đến. Họ đâu biết rằng hạnh phúc thật sự ở ngay bên cạnh chúng ta. Chính các phương pháp luyện tập thiền định sẽ giúp ta nuôi dưỡng tâm an là con đường dẫn đến hạnh phúc trọn vẹn, một cuộc đời thảnh thơi. Một khi chúng ta nhận ra thực tại nhiệm màu luôn có mặt và được thể hiện thường xuyên ở ngay trong chúng ta cũng như ở những người khác thì suối nguồn hạnh phúc sẽ tuôn chảy.

Là đệ tử của Đức Phật ta hãy quán chiếu, niệm tưởng để có được cái tự tại an nhiên trong cuộc đời. Đừng chấp vào cái ngã, tham đắm dục lạc, mãi chạy theo cái ảo vọng bên ngoài thì sẽ luôn ôm ấp khổ đau

Covid-19 là cơ hội để ta thực tập lẽ tử sanh để đối mặt với cái chết, để ta sống ý nghĩa, sâu sắc, ý vị hơn, trọn vẹn trong mỗi phút, mỗi giây ta sẽ chạm được bình an và hạnh phúc.

Kết thúc thời pháp thoại, cả hội chúng đồng hoan hỷ. 

Ngọc Ánh


Hình ảnh ghi nhận trong khóa tu:































Tin Tức Liên Quan