Pháp thoại: “Tiếng Chuông Mầu Nhệm”

4/04/2020 10:16
Đêm 27/3/2020, tại Pháp đường Chánh Niệm, Thầy Viện chủ đã dành thời giờ thiền tọa buổi tối để hướng dẫn đại chúng cách thỉnh chuông. Thầy nói, ai trong đời cũng đã từng trải qua thời gian cắp sách đến trường, khi ấy, tiếng chuông là tiếng của chữ nghĩa, kiến thức, sự hiểu biết, tri thức, tiếng chuông dạy chúng ta tư cách làm người, tiếng của đạo đức, tư cách sống.

Đến khi trưởng thành hơn, khi gia nhập quân ngũ, tiếng chuông, tiếng kẻng như tiếng của kỉ luật nề nếp tập thể, của sự tuân lệnh. 

Riêng đối với Phật giáo, chuông là một pháp cụ rất quan trọng trong nhà thiền dù là tu thiền, tịnh, mật, dù Nam tông, Bắc tông hay khất sĩ, dù ở chùa hay ở nhà thì tiếng chuông không thể thiếu vắng, đặc biệt là các tòng lâm, tự viện

Chuông bao gồm: 

Chuông báo chúng: thỉnh lên để báo đại chúng hành trì - tụng kinh, thiền tọa, chấp tác, hội họp.

Chuông đại hồng: thỉnh vào sáng tối hai thời. 

Chuông gia trì: một bộ đôi đi liền với chuông gia trì là chiếc mõ được đặt trên Phật đường để tụng kinh mỗi ngày. 

Trong làn không khí yên tĩnh êm đềm của buổi sớm mai, khi vạn vật của đất trời như còn đang say nồng trong giấc ngủ thì tại những ngôi già lam lại vang lên âm thanh thánh thót của tiếng chuông báo chúng. Tiếng chuông thong thả ngân nga như đem mùi thiền làm tăng vẻ đẹp cảnh thiên nhiên, lá cây rung động, ngọn khói thướt tha như cảm tiếng gọi của Mâu Ni muốn theo về nơi hư không tịch mịch. Tiếng chuông như tiếng của tình thương người mẹ đánh thức đứa con của mình đang chìm trong cõi u mê, tăm tối.







Vào những ngày Tết, tiếng chuông Đại hồng  ngân vang  từng tiếng khiến mọi vật đều trở nên ấm cúng lạ thường. Tiếng đại hồng chung oai nghiêm và ấm áp thấu cả tam thiên đại thiên thế giới đã xua đuổi những bóng hình sợ hãi và đánh tan u tịch. Tại Khánh An, đại hồng chung vẫn khoan thai điểm từng tiếng rành rọt suốt cả ba ngày Tết. Âm thanh ngân dài, ấm áp và thuần hậu

Tiếng chuông chùa như là tiếng gọi của Đức Thế Tôn, tiếng gọi của sự tỉnh thức:

Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe

Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm

Người nghe chuông phải nghe bằng cả thân và tâm chứ không chỉ nghe bằng tai, lắng đọng những dòng tư tưởng, an trú trong sự giác tỉnhTiếng chuông như là một thông điệp để nhắc ta quay về với chánh niệm. Người thỉnh chuông gửi tiếng chuông đi với tâm niệm an lành và thanh tịnh.

Trong bài kệ thỉnh chuông, Chư Tổ có dạy:

MINH CHUNG

Nguyện thử chung thinh, siêu pháp giới.

Thiết vi u ám tất giai văn.

Văn trần thanh tịnh chứng viên thông, 

Nhất thiết chúng sinh thành chánh giác.

Con người vì nghiệp lực quá sâu dày, vô minh bao phủ, ái dục luôn bao trùm, khiến cho chúng sanh mãi triền miên trong phiền não. Trần cấu luôn che đậy, chánh báo, y báo xen lẫn quấn lấy nhau, tạo nên cảnh giới tối tăm mờ mịt. Nên mỗi khi thỉnh chuông, quý thầy thường phát lòng từ bi thệ nguyện, nhờ thần lực gia trì, khiến cho âm thanh như một lời pháp nhũ, vang thấu thiên đường, dội vào địa ngục, các chúng sanh có duyên nghe được, thảy đều bớt khổ, tĩnh giác hồi đầu, nhĩ thức viên thông, chứng vô thượng đạo.

Người thỉnh chuông là thế, còn người nghe chuông, mỗi khi chuông thỉnh lên phải thầm niệm bài:

VĂN CHUNG

Văn chung thinh, phiền não khinh

Trí huệ trưởng, Bồ Đề sanh

Ly địạ ngục, xuất hỏa khanh

Nguyện thành Phật, độ chúng sanh

Nghe tiếng chuông mà phát khởi, trong tích tắc, bất chợt trở về tự tánh thanh tịnh, thì vô biên phiền não đều dứt sạch, địa ngục vô gián từ đó mà phá, vô lượng trí tuệ từ đó mà sanh, Phật Đạo vô thượng từ đó mà viên thành.

Sau khi nói lên ý nghĩa của tiếng chuông, Thầy đã hướng dẫn đại chúng thực hành.





Kết thúc bài học, ai nấy cũng đều hoan hỷ.

Tin: Ngọc Ánh, Ảnh: Trung Nhuận

Tin Tức Liên Quan