Thiền giảng “Tâm thư gửi bạn Covid19” - Bài 02

7/04/2020 10:57
Chiều ngày 05/04/2020, buổi thiền giảng thứ hai về “Tâm thư gửi bạn Covid19” được thầy Trí Chơn chia sẽ tại vườn Che Chở - Tu viện Khánh An.

Trong buổi thiền giảng lần thứ nhất, chúng ta đã tìm hiểu về định danh của Covid, đã biết được điểm xuất phát của Covid và sự tiến hóa của Covid trong tất cả mọi sự vật hiện tượng.

 

Hôm nay, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu về đoạn thứ hai của bức tâm thư.

Trong công phu tu tập, có một vị bồ tát dạy về hạnh lắng nghe, đó là bồ tát Quán Thế Âm. Ngài dạy chúng ta lắng nghe bằng sự thành khẩn, nghe mà không phán xét, không phản ứng. Nghe mà không kì thị, không phân tích, không chia chẻ. Nghe bằng tất cả trái tim của mình, nghe những điều người kia nói và cả những điều người kia không nói. Phải tập nghe cho thấu đáo mới hiểu được sự sâu thẩm của tiếng nói kia. Pháp môn này, người đệ tử Phật thực tập được, con Chúa thực tập cũng được, con của Thánh Ala thực tập cũng được. Bất cứ ai đi theo một lý tưởng hay một chủ thuyết nào cũng đều thực tập được, có thể là một chính khách, một văn sĩ, một nhân sĩ, doanh nhân, tiểu thương, cho đến một bác nông phu, tất cả đều có thể thực tập để đem lại kết quả tốt cho đời sống của mình.

 


Mỗi ngày chúng ta thường lắng nghe ai? 

Thứ nhất là nghe những người xung quanh. Có thể là ông bà, cha mẹ, con cái, anh chị em, bạn bè,... ở trong đạo có thể lắng nghe tiếng nói của thầy hay đệ tử, tín đồ của mình. Thông thường, ít khi nào chúng ta chịu lắng nghe bằng sự chú tâm và thành khẩn hay lắng nghe mà không phán xét, không thanh kiến, không phản ứng. Tâm lý chúng ta luôn có một cái khuôn định sẳn trong đầu mình, nếu người đó là thân, là tốt với mình thì mình mặc nhiên với những “lời tốt” kia, mình nghe một cách hời hợt. Còn nếu người kia không thân, không tốt với mình thì mình nghe bằng một định kiến có sẳn trong lòng, vậy nên những lời nói kia dù là thiện chí mình cũng nghe trong thận trọng, không thể nào thấu được trái tim người ấy. Những cái đó phần nào đã gây phiền não cho mình và cho người.

 

Khi lắng nghe ta hãy cố gắng mở trái tim mình ra, giống như một cái ly hay cái chén, nhờ miệng ly/ chén rộng mà đáy ly thì nhỏ cho nên khi đổ nước vào tuy có mạnh tay nhưng chúng cũng sẽ nằm trọn trong chiếc ly ấy. Còn chúng ta nghe theo kiểu “miệng chai”, tuy thân chai  rộng nhưng miệng hẹp nên khi đổ nước không vào, hoặc vào ít, phần nhiều đi ra ngoài. 


 

Thứ hai là lắng nghe thế giới xung quanh.

Nếu biết mở rộng trái tim và nhìn một cách sâu sắc thì chỉ cần nhìn cọng cỏ, hòn sỏi dưới chân, một chiếc lá vàng rơi, những con cá bơi lội vui tươi hay ngoi ngóp trong hồ cũng  có thể nghe nó muốn nói gì. Ta chỉ cần lắng lòng cho thật sâu, lúc này ta sẽ nghe được tiếng nói của vạn loại chúng sinh, ta sẽ nghe được tiếng nói của môi trường xung quanh.

 

Thứ ba lắng nghe tiếng nói của chính thân thể mình, trái tim mình.

Lắng nghe tấm thân đang nói với ta những gì, lắng nghe tâm đang nói với ta những gì. Nghe những tiếng nói của thân và của tâm. Một vết thương nói ta điều gì, một nỗi buồn nói ta điều gì ....

 

Vậy thì một người sống theo hạnh nguyện của bồ tát Quán Thế Âm là biết lắng nghe những người xung quanh mình, lắng nghe môi trường sống và lắng nghe chính mình. Tất cả mọi âm thanh đều là sự sống, nhưng chính âm thanh của sự sâu lắng, vô thanh ấy mới là âm thanh nói lên sự thật, lẽ đời mà chúng ta cần phải học hạnh bồ tát Quán Âm để hiểu.

 

Chúng ta đang sống trong một bối cảnh toàn cầu bị chi phối bởi dịch bệnh, vậy thì chúng ta cần phải lắng nghe như thế nào về bạn Covid? Nghe như thế nào cho đúng và cảm nhận như thế nào cho chính xác? Thực ra, Covid không chỉ mới xuất hiện với chúng ta trong vài tháng nay, mà tiên tổ, ông bà, bạn bè của Covid đã có mặt với chúng ta từ hàng nghìn năm trước, hàng trăm năm hay vài chục, vài năm trở lại đây. Có những cái ta tưởng chừng dường như không liên đới, ta tưởng đó không phải là Covid nhưng lại là hiện thân của Covid. Trong tâm thư, thầy nói những “tuýp người” nóng nảy, bực tức, sân giận như động đất, như sóng thần, như bão lũ, hạn hán, cháy rừng,... đó là cơn nộ khí của thiên nhiên. Những trận dịch bệnh lịch sử cũng vậy, nó là bà con dòng họ của Covid19 hiện giờ.

 

Có những cái ầm ầm như động đất, như sóng thần, cũng có những cái âm thầm như dịch bệnh nhưng con người vẫn chưa ý thức được tại sao. Để đến giờ phút này, bạn Covid19 đến một cách rất lặng lẻ mà rồi cả thế giới phải chao đảo, ngả nghiêng. Xét về mặt hiện tượng, sự có mặt của Covid trong mấy tháng qua đã làm trên 1 triệu người nhiễm bệnh, gần 70 nghìn người chết ở thời điểm hiện tại. Đó là nổi đau thương của nhân loại. Về kinh tế, xã hội cũng gồng gánh nhiều đau thương. Tàu biển phải dừng lại, máy bay phải dừng lại, xe lửa, xe hơi,... tất cả đều phải dừng lại. Ở gốc độ này, ta thấy mình chịu nhiều thiệt hại, nhưng trong tổng thể của thiên nhiên là có lý do của nó.


 

Chúng ta chỉ là một sự sống trong vô vàng sự sống. Chim muông, thú rừng là một sự sống; con người, cọng cỏ, đất đá hay những con cá là một sự sống, thì trái đất này cũng vậy. Ví như con thú khi bị thương, nó chỉ cần nằm thật yên, lúc này nó không cần toan tính là phải ăn gì, uống gì cả, mà nó tự làm lành bằng cách lếm vào những vết thương trên cơ thể. Con người khi bị một vết thương hay cơn bệnh cũng cần phải nằm yên. Khi địa cầu mang bệnh, thì địa cầu cũng cần phải nằm yên... Virus xuất hiện là sự điều chỉnh thân thể của thiên nhiên, buộc tất cả mọi hoạt động trên thế giới phải dừng lại, để thân thể thiên nhiên bớt đau nhứt, để có cơ hội hồi phục dần những tổn thương.

 

Ta biết rằng, căn nhà duy nhất của chúng ta đó chính là địa cầu và bầu không khí này là không gian duy nhất để chúng ta hít thở. Chúng ta có đầy đủ phước báu để được làm thân người, để có được trí tuệ, có được những ứng xử nhưng chúng ta luôn chủ quan, tin vào mình làm chủ thế thế giới, tin vào trí thông minh của mình để rồi mình tàn phá thiên nhiên... làm đủ thứ chuyện trên đời. Hãy dừng lại, dừng khai thác thiên nhiên, dừng đào xới gây đau đớn trong lòng đất mẹ và hãy bớt tiêu thụ vô độ. Kể cả một tòa nhà, một tòa cao óc, một khu đô thị mọc lên, kèm theo đó là bao nhiêu sự thay đổi biến thiên của môi trường, của cuộc sống chứ đừng nghĩ chúng chỉ mang lại cho mình tiện nghi. Cho nên những cơn rên siết của đất mẹ, những sự mệt mỏi đau nhứt của thiên nhiên buộc con người phải dừng lại.


 

Kể từ khi con người dừng lại trong vòng vài tháng trở lại đây, sự phục hồi của thiên nhiên dần trở nên kì diệu. Vũ Hán là một thành phố công nghiệp đầy ô nhiễm, giờ đây trở nên rất trong lành. Những dòng sông ô nhiễm ở nước Ý đã trở nên cực đẹp. Đâu đó ngoài đường phố xuất hiện những giống chim mới lạ hót líu lo, thú rừng vui thích đi là đà trên mặt đất... Như vậy để chúng ta thấy được sự tích cực của việc dừng lại. Giờ đây con người nên chia sẽ bớt không gian cho thiên nhiên, cho chim muông thú rừng.

 

Một khi cán cân lệch lạc thì những bất ổn của sự sống xảy ra, nhưng đó lại là sự cân bằng của vũ trụ. Cho nên cái dừng lại trong tự nhiên đó là sự phục hồi chứ không phải áp đặt lên một nổi khổ đau nào khác. Chính vì chúng ta đã tàn phá, gây khổ đau quá nhiều cho thiên nhiên nên giờ đây ta cần phải dừng lại và nhìn lại.



 

Trung Tuệ



Tin Tức Liên Quan