Thiền giảng “Tâm thư gửi bạn Covid19” - Bài 3

8/04/2020 7:33
Chiều ngày 6/4/2020, tại Vườn Che Chở, trong chuỗi bài giảng về bức tâm thư, Thầy Trí Chơn đã tiếp tục gửi đến đại chúng bài học thứ 3.

Tại sao virus Corona là một loài đáng sợ mà mỗi khi nghe nhắc đến tên ai cũng phải xa lánh mà Thầy lại gọi chúng là bạn? Thầy nói rằng, bạn chính là người tri kỷ, có thể hiểu ta, nâng đỡ ta trong lúc hoạn nạn, vui buồn có nhau. Trong cuộc đời, chúng ta khó tránh khỏi những lúc khó khăn, vấp ngã. Những lúc này, bạn bè chính là những người cùng ta chung vai sát cánh vượt qua mọi nghịch cảnh. Dù buồn – vui, sướng – khổ thì vẫn là bạn. Một tình bạn đẹp nghĩa là cả hai phía luôn đối xử với nhau thân ái, chân thành, biết hy sinh, có thiện ý dành cho nhau. Tình bạn xuất phát từ sự vô tư khi đến với nhau sẽ luôn thể hiện rõ ràng trong từng hành động, cử chỉ, luôn mong những điều tốt đẹp nhất đến với mình. Có những người bạn giúp ta điều chỉnh được những khiếm khuyết, sửa cho ta những thói hư để trở nên hoàn thiện hơn. Có những người bạn đôi lúc làm ta đau nhưng sau cơn đau đó con tim ta sẽ lành lặng như thuở ban đầu. Cũng như thế, Covid-19 là nỗi đau của cả nhân loại nhưng bạn virus ấy chính là sản phẩm của tâm thức con người tạo ra. Chúng là giặc hay là bạn, chỉ cần thay đổi cách nhìn, ta sẽ có nhận thức khác nhau.



Covid-19 xuất hiện khiến cho con người ta phải dừng lại. Dừng tất cả mọi hoạt động tàn phá mẹ thiên nhiên, dừng khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên hữu hạn để mọi thứ trở về cái bản chất uyên nguyên, sơ khai như thuở ban đầu.

Chúng ta phải sống như thế nào để trọn vẹn được trong mối quan hệ giữa thiên nhiên với đất trời. Suy cho cùng tất cả những gì ta tạo ra đều phục vụ cho cái ăn, cái ở của bản thân mình, phục vụ cho cái thân tứ đại, cho cái khát ái, dục vọng. Vì thế, tập sống ít muốn, biết đủ thì cuộc sống sẽ trở nên tươi đẹp hơn, các giá trị vô hình khi ấy sẽ hiện hữu trước mắt ta. Sống không biết đủ, không biết điểm dừng ta càng ngày  càng lún sâu vào tội lỗi, và càng ôm cái đau khổ. Hãy lấy hai chữ “chất lượng” để tránh lãng phí của cải vật chất. Sống theo “chuẩn mực”. Xác định rõ rằng cái này ta “cần” hay “muốn”. “You need or you want”. Chúng ta chỉ “cần” 10% nhu cầu nhưng cái “muốn” lại chiếm 90%. Đôi lúc ta chỉ thỏa mãn cái “muốn” chứ không phải cái  “cần”. Hãy ứng dụng chữ “cần” trong cuộc sống để giới hạn mọi khát ái. Chính vì vậy, Phật dạy chúng ta phải sống muốn ít, biết đủ để ngăn ngừa lòng tham lam của mình. Khi nào chúng ta cảm thấy đủ thì sẽ an ổn, nhẹ nhàng. Nên Kinh dạy: “Ái dục là cội gốc của luân hồi sinh tử”. Hầu như tất cả những nỗi khổ niềm đau, tội ác trên thế gian này đều do ái dục và lòng tham muốn quá độ mà ra. Mọi tham lam, khát vọng đều ảnh hưởng đến cuộc sống con người. Con người, vì để thỏa mãn cái miệng của bản thân mà tàn sát sinh linh của biết bao nhiêu loài thú. Vì lòng tham không đáy mà hiện nay các độc tố như khí metan hay khí cacbonic chiếm khoảng 20% khí thải toàn cầu. Đây chính là nguyên nhân gây thủng tầng ozone. Các nhà khoa học đã từng cảnh báo rằng trong vòng 30 năm nữa, con người sẽ tiêu thụ khoảng 600 triệu ha đất để phục vụ cho chăn nuôi. Chỉ vì phục vụ cái ăn uống của con người mà thiên nhiên đã bị tổn thương nghiêm trọng. Thế mới thấy, chính cái thiện – cái ác thể hiện ngay trong mâm cơm hằng ngày của con người.

Thực tập sống chánh niệm, tỉnh giác ngay trong khi đi – đứng – nằm – ngồi và ngay cả trong ăn uống. Ăn trong chánh niệm, biết cần, biết đủ để thấy được sự hiện diện của vũ trụ, của đất trời. Ăn một bát cơm với đầy đủ sự biết ơn và thành khẩn.

Chúng ta được sinh sống, được hít thở, được làm việc và học tập đều nhờ bầu không khí này. Chính không khí là lẽ sống, không khí là mình và mình là không khí, cả hai hòa nhập làm một thể thống nhất.

Là đệ tử của Đức Phật thì phải nên sống có ý thức, trách nhiệm với thiên nhiên, đất trời. Sống thiểu dục tri túc, sống tối giản là ta đã có một cuộc sống bình an, rảnh rang, không bị vướng mắc.

Trong một đoạn của bức thư, Thầy có viết: “Mấy tháng nay, trong vô hình, bạn đã  lặng lẽ điều chỉnh con người dần về với trật tự của vũ trụ, với thiên nhiên, dần trở về với những gì cần thiết nhất cho lẽ sống tự nhiên của muôn loài, trong đó có con người.


Con người dần ý thức được hai chữ “Dừng lại”. Dừng vận chuyển máy bay, tàu biển, xe lửa, xe hơi, hàng hoá; dừng sản xuất, thương mại, kinh doanh, du lịch; dừng tụ tập, hội họp dưới mọi hình thức. Nó gián tiếp nhắc nhở con người phải dừng khai thác tài nguyên, tàn phá thiên nhiên, chạy đua vũ trang, sản xuất vũ khí, sát hại sinh mạng, phát triển kinh tế, lối sống ích kỷ, đua đòi vật chất, tham lam hưởng thụ... Tất cả mọi cái gọi là “thành công” của con người đều phải “Dừng lại”, vì ít nhiều nó có bóng dáng của tàn ác đối với thiên nhiên”.

Thế giới này tất cả đều do duyên sinh, mọi thứ đều tuân theo quy luật nhân quả, nhân quả là chân lý tồn tại khách quan của vũ trụ. Mọi sự vật, hiện tượng đều không thể tự nó sinh khởi. Sự sinh khởi của mỗi một sự vật, hiện tượng đều là do kết hợp bởi một số nhân duyên nhất định nào đó, nhưng mỗi một nhân duyên trong số này lại cũng là sự kết hợp của một số nhân duyên khác nữa. Và vì mối tương quan này được nối dài không giới hạn nên khi xét đến cùng thì tất cả mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ pháp giới đều có liên quan với nhau, đều nương theo nhau mà sinh khởi và tồn tại. Thực tại của cuộc đời trôi chảy như dòng sông và không dính dáng gì đến các tên gọi mà người ta gán đặt cho nó. Cuộc sống dù có tân kỳ đến đâu vẫn không thoát khỏi quy luật sanh, già, bịnh, chết. “Trong vô hình, bạn đã  lặng lẽ điều chỉnh con người dần về với trật tự của vũ trụ, với thiên nhiên” phải được hiểu là “Nhân quả” điều chỉnh chứ không có một bàn tay nào can thiệp, điều chỉnh lẽ đời. 



Ðạo Phật ra đời không nhằm biến đổi quy luật này của cuộc đời nhưng nó mở mắt cho con người nhận diện sự thật duyên sinh, vô thường, vô ngã.  Đức Phật dù  có xuất hiện trên cõi đời hay không thì mọi thứ vẫn như thế, lá vẫn xanh, mây vẫn trôi và con người vẫn được sinh ra rồi mất đi theo một cách tự nhiên nhất, thành – trụ - hoại – không. Nhờ chứng ngộ chân lý nên Đức Phật chỉ cho con người thấy chân lý, hiểu chân lý và sống theo chân lý. 

Nếu chúng ta biết buông bỏ, học cách biết chấp nhận thì nỗi khổ sẽ vơi đi. Khi ai đó trách móc, la mắng, nhắc nhở bản thân thì ta phải học cách chấp nhận, tức khắc đau khổ sẽ không còn khởi lên nữa.

Có thể thấy, từ khi Covid-19 xuất hiện, con người đã dừng tất cả mọi hoạt động, bớt tranh đua, bớt chạy theo những thứ tiền tài vật chất hư vọng. Từ khi đóng cửa, con người mới thấy sức khỏe là tài sản vô giá. Và cũng từ rất lâu rồi, ta đã đánh mất, ta đã lãng quên, vô hình trung làm nguội lạnh hạnh phúc gia đình. Đây cũng là cơ hội để gia đình có mặt cho nhau, chồng có mặt cho vợ, con có mặt cho cha cho mẹ, để nuôi dưỡng thêm tình yêu thương, chăm sóc, san sẻ lẫn nhau. Những đứa trẻ nào được lớn khôn, được bảo bọc trong tình thương ấy thì đứa trẻ đó khi trưởng thành sẽ phát triển trí tuệ, sống có nhân văn và luôn hạnh phúc.



Đối với người tu, nạn dịch Covid này chính là cơ hội để thực tập rải tâm từ, quay về soi rọi lại chính mình, trong cái có luôn tồn tại cái không, trong cái được tồn tại cái mất, trong sinh có diệt. Quán chiếu như thế để ta tư duy tích cực hơn, cuộc sống cũng vì thế mà tốt đẹp hơn, chỉ cần mỗi người tốt đẹp thì gia đình sẽ tốt đẹp, gia đình tốt đẹp thì xã hội được hoàn thiện. Mỗi người chúng ta hãy tự trang điểm cuộc đời, hãy là giọt nước thanh lương tưới mát mang lại cho cuộc sống những bông hoa rạng rỡ sắc màu hơn.




Ngọc Ánh

Tin Tức Liên Quan