Thiền giảng “Tâm thư gửi bạn Covid -19” bài 5

12/04/2020 12:29
Sáng ngày 11/04/2020 (nhằm 19/03/ Canh Tý) tại vườn Che Chở, buổi thiền giảng lần thứ năm về “Tâm thư gửi bạn Covid-19” được Thầy Viện chủ dạy cho đại chúng.

Thầy nhắc lại những điều cốt yếu trong tâm thư,  ngoài 3 yếu tố như rửa tay sát khuẩn, mang khẩu trang và tiếp xúc có khoảng cách, thầy đề cập  7 điều  được nhắc trong đoạn cuối của tâm thư là, 

1.    Biết quay về an trú căn nhà nơi tự thân

2.    Sống phải biết dừng

3.    Mọi sự vật hiện tượng đều có sứ mệnh riêng 

4.    Thiên nhiên tự hài hoà

5.    Sống chung an lạc

6.    Ý thức về sự vô thường

7.    Một trong tất cả, tất cả trong một


Dịch Covid là cơ hội để chúng ta quay về với gia đình, tự làm nóng lại tình cảm với người thân đã từ lâu nguội lạnh, quay về với chính mình để thấy rằng sức khỏe là tài sản quý báu vô vàn, đã bao lâu rồi, ta mãi rong chơi đi tìm hạnh phúc nơi bên ngoài mà đánh mất tấm thân này, bị lôi cuốn theo những thứ trần cảnh để rồi trở thành nô lệ của vật chất

Ta hãy quay về để đánh thức bản tâm mình, sống chân thật với thực tại, than thở nuối tiếc quá khứ, hay mơ tưởng tương lai, chẳng những để mình rơi vào chỗ phi thực mà còn khiến ta vướng mắc vào rối loạn tâm lý, khổ đau và đánh mất hiện tại đang là, cái hiện tại sống động, mới mẻ, đầy sáng tạo, đầy nghĩa sống và có thể hiện tại là vĩnh cửu nếu mình biết nhiếp phục ý niệm. 

Nếu không biết chấp nhận hiện tại để vận dụng hiệu quả khả năng và trí tuệ của mình đến với an lạc, hạnh phúc và giải thoát, nếu không biết bằng lòng với thực tại thì dung sắc, tâm hồn mình sẽ bị khô héo nhanh chóng như lau xanh lìa cành. Có lẽ hạnh phúc đời mình cũng khô héo như thế.


Trong dòng đời xuôi ngược, hàng ngày con người phải tiếp xúc biết bao cảnh vui có, buồn có, hơn thua, được mất, vinh nhục,... con người mãi trôi nổi trên những làn sóng biến dịch luân hồi nên tâm thường bị xao động, rong ruổi theo cảnh duyên, nên mãi khổ đau. Là người đệ tử Phật, ta nên hiểu rõ lý duyên khởi, ngay trong hiện tại biết chế ngự mọi hành vi tạo tác các nghiệp ác, thì không những tất cả chuyển được hoàn toàn cái nghiệp chúng ta đang thọ lãnh, mà còn chấm dứt khổ quả trong tương lai

“If you can’t go outside, go inside”. Nếu ta không thể hướng ra ngoài thì hãy quay về nội tâm của mình, quay về để nhìn lại mình xem đã bao lâu rồi tất tả ngược xuôi, rượt đuổi với bao tham lam, sân hận, si mê. Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng từng dạy: “Lối ra tuỳ thuộc đường vào nội tâm”.

Sống  phải biết dừng. Ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão. Con người tin rằng khi họ khám phá được những bí mật giấu kín của tự nhiên và họ điều khiển nó thì họ sẽ biến thế giới này thành một nơi tốt đẹp đáp ứng được tất cả nhu cầu của họ. Khát vọng thống trị đất đai, biển cả và không gian thôi thúc con người không ngừng tìm kiếm, khám phá những lục địa mới. Tuy nhiên, có lẽ ta đã quá sa đà, càng ngày càng trở nên tàn nhẫn với thiên nhiên. Việc phát triển kinh tế hưởng thụ với những thú vui ăn chơi đã bào mòn đời sống văn hóa, văn minh con người, đẩy lùi trí tuệ vào ngõ cụt. Khi đã tồn tại trên cõi đời nghĩa là ta đã làm tổn thương phần nào đến đất mẹ, vì thế hãy sống biết ơn, biết thiểu dục tri túc, biết dừng lại khi cần thiết. 


Đã bao nhiêu năm trong kiếp sống, ta bươn chải để tìm kiếm miếng cơm manh áo, cả đời lao tâm lao lực, chạy theo cái vinh hoa phú quý, công thành danh toại mà tưởng rằng như thế là hạnh phúc, khoái hoạt. Thế nhưng đến khi quay đầu lại nhìn thì hóa ra, hạnh phúc lại không phải ở nơi ấy. Hạnh phúc chính là biết dừng lại, không quá đòi hỏi, không quá tham lam, không quá khó để bằng lòng với điều gì đó. Hạnh phúc thật sự không thể đạt được bằng cách sở hữu vật chất, tiền tài, bằng sự ích kỷ, giẫm đạp lên người khác mà hạnh phúc chính là chúng ta biết chia sẻ cũng như tùy hỷ với hạnh phúc của người khác.

Tất cả những thành - bại, có - không, được - mất rồi cũng xoay vòng thay thế chỗ cho nhau. Sự có mặt của mỗi chúng sinh đều có sứ mệnh riêng của tự thân, những thuận - nghịch đều có tác dụng của riêng nó. Covid-19 ra đời là sản phẩm của tam độc trong tâm thức nên bạn ấy nghiễm nhiên trở thành tội đồ của nhân loại, thế nhưng ngược lại, nếu sinh ra trong tứ vô lượng tâm thì bạn chính là thiên tử, là thánh nhân.


Hãy sống chánh niệm trong mọi hành động, nuôi dưỡng tâm thức để chạm được đến trí tuệ bởi trí tuệ rất quan trọng, con người cần phải có tri thức mới có thể nhận thức được cái đúng cái sai, cái ngu dốt của bản thân, cái bản chất của sự việc… Từ đó việc làm mới chính đáng, tránh khỏi những điều tai hại. Tu tập bốn tâm vô lượng: từ, bi, hỷ, xả. Đây là những trạng thái tâm an bình, cao cả, Tất cả chúng ta đều có những hạt giống của thương yêu. Chúng ta cần phát triển suối nguồn năng lượng tuyệt diệu này, nuôi dưỡng một sự yêu thương không vụ lợi, không mong chờ sự đáp đền nào. Khi chúng ta hiểu biết sâu sắc về một người nào, ngay cả đó là người đã làm hại ta, ta cũng không thể không yêu thương người ấy.

Dung dưỡng cho tham, sân lộng hành ta sẽ tích chứa cả một hầm thói hư tật xấu. Tu tập theo Tứ vô lượng tâm ta sẽ tích lũy cả một kho tàng đức hạnh. Muốn làm tên tội đồ hạ liệt hoặc bậc thánh nhơn cao cả với những phẩm tính tốt đẹp là tùy thuộc ở chính ta vậy.

Kết thúc thời pháp, đại chúng đồng hoan hỷ.

Ngọc Ánh


Tin Tức Liên Quan