Pháp Thoại “Ba Sự Quay Về” Trong Hội Trại “Bước Chân An Lạc”.

1/05/2018 4:26
Sáng ngày 30 tháng 4 năm 2018, sau các thời khoá thiền toạ và thiền hành buổi sáng, vào lúc 9 giờ 30, Hội trại “Bước chân an lạc" được cung đón thầy Viện chủ Tu viện Khánh An đến với pháp thoại “Ba sự quay về" dành cho gần 400 Thiền sinh tham dự, BBT xin lượt ghi vài ý chính thầy giảng như sau: Trong những ngày nghỉ lễ này, mọi người đổ xô đi chơi nơi này chốn nọ, nhưng với người Phật tử thì niềm vui sâu lắng hơn, về chùa chơi với Phật, Pháp và Tăng; nhất là về với Hội Trại đây, có được sự tươi mát của cây cối, sự thanh bình trong tiếng chim hót cũng như sự tươi mát từ chính năng lượng lành tu tập của hội chúng.

Tuy nhiên, ở bên ngoài cuộc sống kia nạn ô nhiễm từ đất, nước, không khí, tiếng ồn cho đến sự suy đồi của văn hoá và đạo đức đang là một vấn nạn mà chúng ta cần phải quan tâm. Nhìn nhận sâu xa về nguyên nhân của những sự ô nhiễm đó là do đâu? Một điếu thuốc hút nơi công cộng, một túi nhựa vô tư vức ra đường, một bộ đồ mặc không kín đáo nơi chốn tôn nghiêm ... tất cả đều do ý thức văn hoá tạo nên sự ô nhiễm trong cộng đồng, xã hội. 
Như trong giáo lý nhà Phật có quan điểm “Nhứt thiết duy tâm tạo". Đây không phải là học thuyết duy tâm mà ý tứ là tất cả mọi thiện ác, tốt xấu . . . đều do tâm khởi lên. Còn sự hình thành thế giới sự vật, hiện tượng là do “Duyên khởi”. Ví như, trồng một luống rau, tưới tẩm rồi đợi ngày thu hoạch thì đó là chuyện bình thường, nhưng do lòng tham, con người tác động lên luống rau bằng cách tưới tẩm hoá chất để thu hoạch sớm nhằm giúp có lợi nhuận cao thì lúc này đây thiện ác bắt đầu xuất hiện. 

IMG 7891

Con người không làm chủ được ý thức của mình do đó mới sinh ra sự đối đãi. Như trong cuộc sống hằng ngày giữa sự cần thiết và ý thích cá nhân, chúng ta cũng chưa có được sự phân định rạch ròi. Cần thiết tức là nhu cầu về việc đó không thể thiếu thốn. Còn yêu thích ở mức độ thấp hơn chưa chắc đã là nhất thiết phải có. Mỗi năm trên thế giới, con người tiêu tốn 500 tỉ đô la chỉ để mua sắm những món đồ thời trang không cần thiết sử dụng đến. Con người ngày nay có nhiều sự ham muốn hơn là cần. Nhiều khi một cái nón, một cái áo nhưng cả năm không mặc. Đây là “muốn” chứ không phải “cần”. 

Quá trình tạo ra sản phẩm,biết bao công sức cùng với hoá chất  được thải ra ảnh hưởng không nhỏ đến sự sống. Do đó, sống tiết kiệm, ít muốn biết đủ theo Phật đó cũng là thiết thực bảo vệ môi trường sống của ta.

Đi sâu vào từng ngóc ngách của xã hội, đi vào góc tối của con người chúng ta, thì mỗi người sẽ cảm nhận được sự bất an càng lớn. Trong một công ty, xí nghiệp người công nhân làm gian dối không đảm bảo chất lượng thì người chủ sẽ thấp thỏm lo âu. Trong môi trường giáo dục, trò không còn tôn trọng thầy, thầy cô giáo thì bạo hành trò bằng nhiều hình thức. Camera lắp đặt ở khắp nơi để phòng chống tội phạm nhưng hằng ngày vẫn có người vi phạm. Bởi vậy mỗi người chúng ta hãy tự lắp camera ở ngay trong tâm mình để soi rọi vào từng góc tối của tâm. Đừng để tạo tác việc xấu cho xã hội khổ đau thêm nữa. Khi một người cầm gậy, cầm dao ra để tạo tác việc ác thì con dao vốn ngày thường giúp chúng ta cắt gọt nhưng nay lại là dụng cụ gây ra tội lỗi. Vậy có phải tội ác do con dao hay cây gậy gây ra chăng? Quán chiếu sâu sắc chúng ta phải nhận diện cây gậy đó, con dao tội ác đó nó từ trong tâm người dùng. Do đó con người cần phải trang bị thương yêu thiện lành từ trong tâm. Mỗi người có được chất liệu thiện lành rồi thì sẽ xây dựng nên một gia đình thiện lành, từ gia đình sẽ xây dựng nên xã hội rồi quê hương thiện lành. Khi chúng ta đã là sạch và tươi mát trong chính ngôi nhà của mình rồi sẽ có thể mở rộng ra sân, ngoài ngõ để chất liệu thiện lành, tươi mát được lan toả đi xa.

IMG 7893

Nhìn nhận về việc giáo dục ý thức ở các nước phát triển, từ khi những đứa trẻ 3-4 tuổi đã được dạy dỗ kỹ càng về ý thức bảo vệ môi trường sống, mỗi bậc cha mẹ chính là vị thầy đầu đời dạy trẻ nhiều điều. Chính sự giáo dục từ nhỏ đó tạo một chất liệu ban sơ để khi lớn lên những cá nhân đó sẽ xây dựng một xã hội tốt đẹp.
Trong nhà Phật chúng ta giáo dục bằng những chất liệu huân tập hằng ngày đó là ba sự quay về nương tựa. Mỗi ngày chúng ta đều được xông ướp những chất liệu tốt đẹp. Đầu tiên “Con về nương tựa Phật, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời; Con về nương tựa Pháp, con đường của tình thương và của sự hiểu biết; Con về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống đời tỉnh thức.” Ở đây chúng ta mới về nương tựa vị Phật trên bàn thờ mà hằng ngày ta lễ lạy, nương tựa pháp Phật chứa đựng trong kinh điển và nương tựa quý thầy, quý sư cô mà chúng ta tiếp xúc hằng ngày. Rồi tiến một bước xa hơn khi ta “Đã về nương tựa Phật, con đang có hướng đi sáng đẹp trong cuộc đời; Đã về nương tựa Pháp, con đang được tu tập các pháp môn chuyển hoá; Đã về nương tựa Tăng, con đang được soi sáng dìu dắt và nâng đỡ.” Khi đó ta cũng chỉ mới về đi theo con đường sáng đẹp, con đường văn minh và con đường do những bậc thiện nhân chỉ dẫn. Hai bước trên chỉ mới là sự quay về nương tựa bên ngoài. 

IMG 7898

Trong thời gian dài huân tập chúng ta cần tiến lên bước đường cao hơn khi “Về nương Phật trong con, xin nguyện cho mọi người thể nhận được giác tánh sớm mở lòng Bồ đề.” Đó là chính mình đem ánh sáng trí tuệ tự thân để ứng xử với người khác, lấy tỉnh thức đối đãi với si mê. Từ đó chuyển hoá tâm thức gột rửa thân tâm để bước đi bằng bước chân tỉnh thức, nhìn bằng con mắt biết thương yêu, làm bằng đôi bàn tay chân thật. Khi đó chúng ta hành động không còn mê mờ mà chỉ còn lại sự tỉnh thức trong ta. Lúc ấy đã là về nương tựa Phật thực sự, nương tựa chân tánh tỉnh thức của chư Phật.

“Về nương Pháp trong con, xin nguyện cho mọi người nắm vững các pháp môn cùng lên đường chuyển hoá” là về nương tựa sự dịu ngọt thương yêu của pháp. Trau dồi sự tha thứ, chấp nhận. Đó là sự từ bi, tâm yêu thương lớn có thể dung chứa tất cả, chấp nhận và cảm thông cho mọi người cũng như mọi loài. Chúng ta cũng cần phải quán chiếu rằng khi sân giận khởi lên là chính là tâm bệnh trong ta đang trỗi dậy. Khi chăm sóc bệnh tâm cũng phải khéo léo như chăm sóc thân bệnh. Phải đem tâm yêu thương mà chăm sóc cho tâm bệnh, đem giáo pháp dịu ngọt mà làm thấm đẫm tâm và xoa dịu tâm. 
“Về nương Tăng trong con, xin nguyện cho chúng sanh xây dựng nên bốn chúng nhiếp hoá được muôn loài", quán chiếu sâu sắc về nương Tăng thực sự là y cứ nơi thể tánh hoà hợp của Tăng thân. Mỗi người chúng ta đều mang trong mình chất liệu xuất gia và bản chất hoà hợp thanh tịnh của chất liệu đó. Tuy nhiên vì nhiều lý do chúng ta chưa thể cắt ái ly gia nhưng mỗi người chúng ta đều có thể sống như người xuất gia trong 1, 2 hay ba giờ mỗi ngày như người xuất gia với những chất liệu hoà hợp, thanh tịnh đó. Khéo léo sử dụng những chất liệu Tăng có trong ta đó để có thể nhiếp hoá mọi người xung quanh ta, thiết lập truyền thông và xây dựng nên mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc sống.
Chất liệu tỉnh thức, thương yêu và hoà hợp trong ta luôn tồn tại, chỉ là chúng ta chưa biết sử dụng nó một cách khéo léo. Năng lượng trong tâm ta mạnh mẽ, có thiện có ác, các yếu tố tham, sân, si vốn có cần phải được chuyển hoá chứ không thể nào loại trừ nó đi được. Không thể tìm được chất liệu tỉnh thức, yêu thương và hoà hợp ở đâu khác ngoài tâm. Vì vậy ta phải biết chuyển hoá phiền não và xứ lí khổ đau để có được những chất liệu thiện lành.

Trong cuộc sống khi ta mặc một chiếc áo 2, 3 ngày liền sẽ cấu bẩn, nhưng chúng ta không thể vứt bỏ nó đi mà phải biết xử lí mà ở đây chính là phải biết giặt, phơi nó lên để nó được sạch sẽ, tinh tươm. Với tâm cũng vậy phải có cách xử lý, phải biết dùng giáo pháp để gột rửa, tẩy trừ những cấu uế bám víu trong tâm. Trong tâm chúng ta là sự tích tập nhiều cấu bẩn nhiều đời nhiều kiếp mà nếu không biết chuyển hoá thì làm sao ta thấy được Phật tánh. Mọi sự vật hiện tượng đều được phản ánh qua tâm thức. Vì vậy tâm thức có màu gì thì sẽ biểu hiện ra như vậy. Với tâm thanh lương thì sẽ biểu hiện được sự tươi mát. Tâm hồn đẹp thì sẽ tạo nên một đời sống đẹp. 
Mỗi người trong hội chúng hãy thắp sáng những chất liệu Phật - Pháp - Tăng trong tâm mình để có thể nhìn cả đất trời bao la rộng lớn trước mắt này là một màu hồng tuyệt đẹp. Cực lạc hay Niết bàn đều ở ngay trong ta mà thôi. 
Với lời chúc tinh tấn, khuyến khích hội chúng khoá tu tinh cần hơn, thầy viện chủ kết thúc pháp thoại. Ba tiếng chuông trầm lắng vang lên đưa hội chúng trở về với Phật - Pháp - Tăng trong tự thân mỗi người như lời thầy dạy.
Tin, ảnh: Sĩ Tâm, Trung Lưu

Một số hình ảnh ghi nhận được trong khóa tu:

IMG 7856

IMG 7860

IMG 7864

IMG 7866

IMG 7865

IMG 7868

IMG 7870

IMG 7882

IMG 7883

IMG 7889

Tin Tức Liên Quan