Khai giảng Khóa thiền Tứ Niệm xứ tại Tu viện Khánh An

24/06/2019 11:18
Xuất phát từ tâm nguyện học và thực tập chuyên sâu thiền quán của tăng chúng tu viện cũng như các hành giả khóa tu Sống Tỉnh thức, sáng ngày 23/6/2019, tại Pháp đường Chánh Niệm, Thầy Trí Chơn đã có thời pháp giảng về "Nền tảng của chánh niệm", nội dung chủ yếu xoay quanh bốn đề mục thiền tập được trình bày trong kinh Tứ Niệm Xứ. Tiết học sáng nay thầy giảng kỹ về chủ đề Quán thân có gần 200 hành giả tham dự.
Tứ Niệm Xứ, tiếng Pali: Satipaṭṭhāna, trong đó Sati nghĩa là niệm, paṭṭhāna nghĩa là đề mục, Satipaṭṭhāna nghĩa là quán niệm về bốn đề mục cơ bản, đó là thân, thọ, tâm, pháp. Có thể nói Kinh Tứ Niệm Xứ là cốt lõi của Thiền Phật  giáo, nếu không thông suốt tinh yếu của kinh này thì việc hành thiền sẽ như người lạc trong rừng sâu chỉ đi loanh quanh, khó tìm lối thoát.

Mở đầu bài Kinh, Đức Phật dạy rằng, “Đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, thắng vượt sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết Bàn”. 

Với ý nghĩa sống quán thân trên thân, Thầy nói chánh niệm thân trên thân là chỉ chánh niệm thân trên thân mà thôi, không chánh niệm cảm thọ trên thân hay một cái gì khác, để  có một đối tượng chánh niệm thật rõ ràng. Mặt khác quán thân trên thân chỉ đơn giản là quán thân trên thân, đừng kèm theo các khái niệm như đàn ông, đàn bà,  già hay trẻ, ngã, hay chúng sinh. Phương pháp này giúp hành giả từ bỏ đam mê,  ưa thích của thân; không có "người" hành động mà chỉ có "hành động" chỉ có "những cử động" sanh khởi. Từ đó diệt trừ được tham ái và sân hận ở đời. Tham ái là sự bám níu chấp giữ, sân hận là sự ác tâm, oán giận. Nhờ quán tâm hành giả thấy được ba đặc tánh vô thường, khổ, vô ngã của các pháp.

Thầy giảng rộng về có sáu đề mục quán thân: 1/ Tỉnh giác trong từng hơi thở ra, vào; 2/ tỉnh giác trong tứ oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi); 3/ Tỉnh giác trong mọi hoạt động của thân thể; 4/ Quán sát 32 phần thân thể, 5/ Quán sát 4 yếu tố tạo thành thân và 6 Quán tử thi. 1/ Quán hơi thở với mục đích đưa tâm về với thân, nhận diện sự có mặt mầu nhiệm của hơi thở trong từng khoảnh khắc từng phút giây nuôi dưỡng bản thân ta, hơi thở là nguồn sống thiết yếu cho cơ thể, duy trì sự sống của mỗi người. Nhưng với cuộc sống gấp gáp của thời hiện tại, cơ thể phải chịu quá nhiều áp lực, độc tố cả về tinh thần lẫn thể xác. Điều đó gây tắc nghẽn và làm cản trở sự luân chuyển của khí, dẫn đến cơ thể dần suy yếu, tâm trạng nặng nề và mắc bệnh trầm trọng. Đơn giản cũng chỉ vì chúng ta quên mất cách thở tự nhiên của con người. Vì thế quán hơi thở là cách đơn giản nhất để đưa tâm quay về với chính mình, soi rọi bản thân nhờ đó mà tâm giải thoát các khổ, phiền não và đạt được hạnh phúc.

2/ Tỉnh giác trong tứ oai nghi. Mỗi khi đi, đứng, nằm, ngồi, oai nghi chính là khuôn vàng thước ngọc, là cẩm nang gối đầu giường của hành giả tu tập, vì thế Đức Phật dạy chúng ta hãy sống ý thức, để tâm vào mỗi hành vi, bởi nhờ oai nghi mà chúng ta có được sự tỉnh thức, đạt được con đường của giới – định – tuệ.

3/ Quán tất cả hành vi của mình trong mọi hoàn cảnh. Hằng ngày, mỗi người chúng ta phải đối mặt với vô số ngoại cảnh tác động tới tâm thức. Vì thế, Thầy khuyên đại chúng hãy thực tập nếp sống thanh thản an lạc, giải quyết mọi việc với một tâm tư hoàn toàn tỉnh táo và sáng suốt, biết rõ đối tượng đang tiếp xúc, luôn giữ chánh niệm mà không được xao lãng. Chánh niệm tỉnh giác về các hoạt động của thân thể, vừa khiến cho tâm thức diễn tiến một cách thư thái, hài hòa, thông suốt, vừa khiến cho mọi hoạt động trở nên khoan thai, nhịp nhàng, chuẩn xác.

4/ Quán thân bất tịnh. Trong thế gian này ai cũng tham sống sợ chết. Sự tham sống của con người vô cùng mãnh liệt, vì nó được tiếp nối từ vô thỉ kiếp cho đến nay. Vì tham sống cho nên chúng ta tìm đủ hết mọi cách để được sống. Vì tham sống cho nên con người ta bất chấp hết mọi thủ đoạn đê hèn, dã man và tàn nhẫn nhất để duy trì mạng sống cho chính mình. Vì thế, quán thân bất tịnh để thấy rõ bản chất của thân này là bất tịnh, nhơ nhớp mà không tham đắm dính mắc thân này là ta và của ta, xác thân hư giả này là không thật thể, nhờ vậy mà phá được mọi tà kiến, tham ái, ngã chấp. Thầy đề nghị hành giả quán chiếu kỹ càng 32 bộ phận trong cơ thể này gồm: "tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, thận, tủy, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật, đàm mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, niêm dịch, nước ở khớp xương, nước tiểu". Để cảm nhận bản chất của thân.

5/ Quán tứ đại. Trong thân thể con người được cấu thành từ bốn yếu tố địa đại, thủy đại, hỏa đại và phong đại. Chúng duyên hợp theo nghiệp lực và sau đó cũng nhờ nghiệp lực mà chúng tan rã. Vì thế, quán thân tứ đại để hiểu sâu sắc nguyên lý tan hợp của mọi vật mà không dính mắc, luyến ái vào bất cứ mọi thứ gì trên cõi đời. Khi không luyến ái, dính mắc thì không còn tạo ra nghiệp. Khi không có nghiệp thì sẽ không có bám víu vào đời sống và thọ thân sau, và không có tái sanh. Khi ấy, ta sẽ đạt đến chỗ chấm dứt vòng luân hồi tái sinh.

6/ Quán tử thi. Hành giả từ lúc xác thân tắt thở cho đến lúc trở về cát bụi trải qua giai đoạn: 6.1 tử thi bỏ ngoài bãi tha ma, sình lên, bầm tím và chảy nước hôi thúi; 6.2. bị quạ, diều, kên kên ăn thịt, giòi tửa hoặc côn trùng đục khoét; 6.3. chỉ còn bộ xương dính nhau nhờ gân, còn chút thịt và máu... 6.4. chỉ còn bộ xương dính liền nhau nhờ mấy sợi gân, còn lem luốc máu, mà thịt đã hết... 6.5. chỉ còn bộ xương trơ trọi, dính liền nhau nhờ mấy sợi gân, hết thịt, máu; 6.6. chỉ còn là những khúc xương rời rạc nằm ngổn ngang; 6.7. chỉ còn những khúc xương trắng phao như vỏ sò; 6.8. chỉ còn đống xương... 6.9. chỉ còn những lóng xương thâm đen, đang dần dần tan rã thành cát bụi. Quán chiếu tử thi như thế rồi đối chiếu lại tấm thân mình sau này cũng như thế thế. Trôi theo sự vô tình của thời gian thì xác thân này rồi cũng đến lúc nào đó nó sẽ trở về với chính nơi sơ khai mà thuở ban đầu nó được sinh ra. Nó cũng chính là tác giả gây ra biết bao sự đau đớn, và ngày nào đó nó sẽ dần già cỗi, chết đi và phân hủy. Không hề có cái tôi và cũng không có cái ta ở đây. Vì thế, việc quán tử thi giúp lửa tham dục, sân hận tự nhiên lắng xuống, thấy rõ bản chất thật của mình là gì, từ đó diệt trừ ngã, ngã sở, nhận thức được bản chất thật của đời sống luôn hiện diện sự vô thường và phù du.

Cuối thời pháp, Thầy hướng dẫn đại chúng thực tập 3 yếu tố đầu trong 6 phép quán thân là chánh niệm hơi thở, chánh niệm oai nghi và chánh các hành vi trong mọi lúc. Về chánh niệm hơi thở thầy hướng dẫn đại chúng tọa thiền trong 30 phút; Về chánh niệm bốn oai nghi và các hành vi trong mọi lúc thì hướng dẫn đại chúng thực tập đi khất thực.



Khoá học thiền đầu tiên đã tổ chức thành công viên mãn, giúp gần 200 hành giả thực tập thiền trong niềm hỉ lạc. Tin: Lệ Ánh, Ảnh: Trường Nguyễn Một số hình ảnh ghi nhận được trong khóa tu:





















Tin Tức Liên Quan