Hy hữu thay !

26/04/2019 5:18
Vào mùa hạ thứ 45, đức Thế Tôn an cư tại ngôi làng nhỏ Veluvagama, gần kinh thành Vesali. Một buổi sáng nọ, Ngài khất thực, sau khi thọ thực xong, đức Thế Tôn nhìn Vesali với cái nhìn của con voi chúa, Ngài biết rằng không còn bao lâu nữa, Ta sẽ nhập Niết Bàn. Những tháng ngày cuối cùng, đức Phật tận tâm tận lực giáo hóa, cũng như sách tấn hàng đệ tử hãy nổ lực tinh tấn, đây là gốc cây, đây là ngôi nhà vắng hãy nổ lực tu tập thiền định, duy trì phạm hạnh cao thượng, đem lại sự an lạc lâu dài cho nhân loại, để không hối tiếc về sau.

Một hôm, đức Thế Tôn cùng chư tỳ kheo ngự đến Pava, vườn xoài (ambavana) của ông thợ sắt Cunda Kammaraputta. Khi nghe tin đức Thế Tôn ngự đến vườn xoài, ông vui mừng khôn xiết, đến hầu đảnh lễ đức Thế Tôn và nhân tiện kính thỉnh đức Phật cùng chư vị đại đức tỳ kheo Tăng nhận thọ trai tại tư gia vào ngày mai.

Sáng hôm sau, đức Phật và các hàng tỳ kheo Tăng đến tư gia ông Cunda để thọ trai. Khi ấy, đức Thế Tôn nói với thợ sắt Cunda: “Này Cunda, loại mộc nhĩ đã soạn sẵn, hãy dọn cho Ta. Còn các món ăn khác đã soạn sẵn, loại cứng, loại mềm, hãy dọn cho chúng Tỷ kheo” (Trường Bộ Kinh). Và rồi Thế Tôn lại nói: “Này Cunda, món ăn mộc nhĩ còn lại, ngươi hãy đem chôn vào một cái lỗ”. Sau khi dùng món mộc nhĩ ấy, đức Thế Tôn bị mắc bệnh kiết lị, đau đớn gần như đến chết và Ngài đã chánh niệm, nhẫn nại, chịu đựng cơn bệnh, rồi nói với tôn giả A-nan, chúng ta hãy đi đến Kusinara.

Qua đây chúng ta thấy, để hóa độ người thợ sắt Cunda, vị đệ tử tại gia cuối cùng, đức Phật hoan hỷ chấp nhận buổi cúng dường trai phạn, thọ dụng bữa ăn, và biết rõ món mộc nhĩ này sẽ làm cho sức khỏe Ngài suy yếu và đây là một trong những nhân duyên để đức Thế Tôn nhập diệt Niết Bàn. Thật hy hữu chưa từng có, không một ai trên thế gian này có thể như đức Phật, phàm phu chúng ta không thể nào chịu nổi sự hành hạ của căn bệnh kiết lị, trong khi đức Phật đã bước đến tuổi 80, khắc họa lên hình ảnh kiên cường, nhẫn nại phi thường với căn bệnh thập tử nhất sinh !

Y nghia sau sac ve ngay Duc Phat Thich Ca nhap coi Niet ban

 

Vì không để người thế gian hiểu lầm, chê trách thợ sắt Cunda cúng dường bữa ăn làm Thế Tôn phải tịch diệt nên Ngài đã nói với A-nan: “Có hai sự cúng dường đồng một quả báo, đồng một dị thục quả, quả báo lớn hơn, lợi ích hơn các sự cúng dường ăn uống khác…Một là bữa ăn trước khi Như Lai chứng Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, hai là bữa ăn trước khi Như Lai diệt độ. Nhờ hành động này, thợ sắt Cunda sẽ hưởng được tuổi thọ, sắc đẹp, danh tiếng, an lạc, uy quyền…”.

Trên đường đi đến thành Kusinara, đức Thế Tôn dừng nghỉ tại gốc cây và nói với A-nan: “Này Ananda, Ta nay đang khát và muốn uống nước”. Với hai lần đức Phật nói như vậy, A-nan vẫn không đi lấy nước với lý do có 500 cỗ xe chạy qua làm nước vẩn đục. Đến lần thứ ba, A-nan mới vâng lời cầm bát đi đến con sông lấy nước, điều mầu nhiệm khi bát nước A-nan lấy từ con sông ấy trở nên trong sạch, không vẩn đục. Tôn giả A-nan đã bạch với đức Thế Tôn: “Thật hy hữu! Bạch Thế Tôn con sông nhỏ đang chảy nông cạn, khuấy động và vẩn đục này, khi con đến, liền trở thành trong trẻo, sáng lặng và không vẩn đục. Xin thỉnh Thế Tôn dùng nước.” (Trường Bộ Kinh). Với ba lần, đức Phật nói với tôn giả A-nan đi lấy nước, và trải qua một quảng đường rất xa để đến được Kusinara mà sắc thái của Ngài biểu lộ sự bình tĩnh, giữ chánh niệm, một sức mạnh phi thường ở bên trong Thế Tôn, bởi lẽ Ngài nhập vào trạng thái Vô tướng tâm định, nhờ vậy mà các thọ khổ được lắng dịu.

Khi đã đến Kusinara, đức Thế Tôn liền nói với tôn giả Ananda: “Này Ananda, hãy trải chỗ nằm, đầu hướng về phía bắc giữa hai cây sa-la. Này Ananda, Ta nay mệt mỏi, muốn nằm nghỉ”. Lúc bấy giờ, sa-la song thọ trổ hoa trái mùa rơi khắp trên thân Như Lai, rất đông các vị thiên thần đến chiêm ngưỡng Như Lai trong giờ phút cuối cùng. Ngài bảo A-nan hãy thông báo cho dân làng Malla ở Kusinara biết rằng đức Thế Tôn sẽ nhập diệt tại làng chúng ta, hãy đến và chiêm ngưỡng Như Lai.

101

Đức Thế Tôn chọn Kusinara tịch diệt Niết Bàn bởi có ba lý do:

Lý do thứ nhất, trong quá khứ, Kusinara là một kinh thành rộng lớn có tên là Kusavati, có đức Chuyển luân Thánh vương Mahadassana trị vì tứ châu thiên hạ.

Lý do thứ hai, đức Phật đến Kusinara để tế độ đạo sĩ Subhadda là vị đệ tử cuối cùng của đức Thế Tôn, vị đệ tử ấy sẽ trở thành bậc A-la-hán.

Lý do thứ ba, đức Thế Tôn thấy rõ, biết rõ sau khi Ta tịch diệt, các nước lớn sẽ kéo đến tranh giành xá lợi và chỉ có bà-la-môn Dona (hiện đang ở tại Kusinara) có khả năng đứng ra làm trung gian hòa giải và phân chia xá lợi cho các nước lớn đem về xây bảo tháp tôn thờ.

Đó là đêm rằm tháng tư (âm lịch) là đêm cuối cùng của đức Thế Tôn. Vào canh đầu, đức vua, hoàng hậu, các vị hoàng tử, công chúa, quan lại, cùng toàn thể dân chúng xứ Kusinara tuần tự đến hầu đảnh lễ đức Thế Tôn. Đến canh giữa, đức Thế Tôn giải mối nghi ngờ con đường tu tập, chứng ngộ cho đạo sĩ Subhadda và cho phép đạo sĩ xuất gia trở thành tỳ kheo. Và đến canh chót, Thế Tôn nói với các tỳ kheo: “Này các tỳ kheo, nay Ta khuyên dạy các ngươi: Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật.”(Trường Bộ Kinh), đó là lời cuối cùng của Như Lai.

2 112916

 

Tóm lại, vì lợi ích cho chúng sanh, vào những tháng ngày cuối cùng, đức Thế Tôn với lòng từ bi vô lượng hóa độ vị người thợ sắt Cunda trở thành phật tử tại gia cuối cùng, có niềm tin trong sạch nơi Tam Bảo và đem lại cho ông phước báo to lớn. Ngài phải chịu cơn đau từ căn bệnh kiết lị, cơ thể bị mất nước trầm trọng, tự thân đi bộ một quãng đường rất xa đến Kusinara tế độ cho bà-la-môn Subhadda trở thành tỳ-kheo Tăng cuối cùng. Thật hy hữu thay, không lời nào có thể nói hết đức hy sinh, cống hiến lớn lao này. Mỗi chúng ta là hàng đệ tử Phật hãy cố gắng tinh tấn học pháp và hành pháp, nương nhờ đức Phật, đức Pháp, đức Tăng để có thể trở thành con người cao thượng, để đem lại sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài trong kiếp sống hiện tại và vô số kiếp vị lai. Đồng thời, các hàng thanh văn đệ tử Phật, hay dù chỉ một vị vẫn còn hành trì giới luật, giữ gìn phạm hạnh thì mạng mạch Phật giáo vẫn được duy trì, được trường tồn trên thế gian để cho tất cả chúng sanh có được lợi lạc, hạnh phúc, an vui.

Trung Long.

Tin Tức Liên Quan