Đạo Tình Từ Đất Thần Kinh

28/06/2021 10:22
“Thôi thì mỗi ngày gắn công phu tu tập, sám hối, hành trì để hồi hướng phước lành, dâng hiến năng lượng từ bi, cầu cho dịch bệnh sớm qua chứ biết làm gì giờ”.


Sáng nay, ngồi hầu trà với Thầy, bỗng có một cuộc điện thoại gọi đến. Thầy con có đặc tính là ai gọi thầy cũng mở loa to, để chiếc điện thoại lên bàn rồi trò chuyện. Vì vậy mà con biết được người gọi đến là Ôn  Hiếu Quang - một bậc trưởng thượng của xứ Thần Kinh.




Không thăm hỏi, không có … “dạo đầu” gì cả, Thầy vừa mở máy thì Ôn cũng mở lời ngay: “Tình hình dịch bệnh tại Sài Gòn sao thấy nguy cấp quá thầy Trí Chơn ạ”. Giọng xúc động, run run của bậc tôn trưởng đang hướng tâm về đồng bào Sài Gòn.

Thầy trả lời: Bạch Ôn, đã có hàng trăm điểm bị phong tỏa, hàng nghìn người bị lây nhiễm, các quận huyện ơi đây hầu như đều có ca bệnh rồi Ôn ạ!”

Ôn than thở, tôi xót quá thầy ạ. Người Sài Gòn sống nghĩa tình trước sau với bà con miền Trung nói chung, xứ Huế nói riêng. Hằng năm mỗi khi bão lụt về miền Trung, thế là hàng hàng, lớp lớp người Sài Gòn đổ về cứu giúp. Hết đoàn này đến tốp kia kéo nhau ra cứu trợ.  Dẫu khổ sở nhưng nghĩa tình Sài Gòn đã  khiến cho miền Trung ấm lòng giữa gió mưa.

Giờ thì bão dịch bệnh quét qua Sài Gòn làm chao đảo cả một thành phố phồn hoa, chúng tôi ngoài này nghe thông tin thôi mà muốn rụng rời. Dịch bệnh còn hơn cả chiến tranh. Thời chiến, chỉ có vị tuyến 17 là chia cắt thôi, còn đồng bào mình muốn đi đâu thì đi, muốn đến đâu thì đến. Giờ thì làng này không được qua làng kia, tỉnh này không được qua tỉnh kia. Dịch bệnh sao mà  khắc nghiệt thế! Đất Huế cũng như đất miền Trung đã thọ nhiều ơn của đồng bào và Phật tử Sài Gòn. Giờ Sài Gòn rơi vào khó khăn của dịch bệnh, chúng tôi theo dõi ca bệnh tăng theo từng ngày mà không thể giúp được gì, không làm được gì, tự thân thấy thật hổ thẹn. Giọng Ôn cứ nghẹn ngào, tiếng được tiếng mất. Con ngồi nghe mà lòng không dấu được sự xúc động. Nhìn qua, thấy đôi mắt thầy cũng đỏ lên.

 

Với người có công hạnh Bồ tát thì xem nỗi khổ đau của đời như chính nỗi khổ đau của chính mình. Con cảm nhận Ôn đang khổ, thầy con đang khổ và những tâm hạnh Bồ tát cũng đang khổ với cái khổ chung của cộng đồng. Ôn nói thêm, thôi thì mỗi ngày công phu tu tập, sám hối, hành trì để hồi hướng phước lành, dâng hiến năng lượng từ bi, cầu cho dịch bệnh sớm qua chứ biết làm gì giờ. Giọng nói nghẹn ngào, xúc động của Ôn chứa đựng sự đồng cảm yêu thương đến mọi người.




Ôn sống nghĩa tình, trân quý tấm lòng của Phật giáo và nhân dân Sài Gòn nhưng lúc Sài Gòn gặp khó, không giúp được gì Ôn lại tâm sự, bày tỏ với một người đó là thầy chúng con. 

Làm sao thầy chúng con có đủ tư cách để đại diện cho Phật giáo và đồng bào Sài Gòn để đón nhận những ân tình cao cả của bậc tôn túc xứ Huế. Không, đây chỉ là cuộc trò chuyện, là trăn trở về  tình hình chung khi xã hội có biến động giữa một bậc tôn túc hành đạo miền Trung và một vị thầy ở miền Nam. Ngang qua đó, nó toát lên đạo tình thâm giao của hai vị. 

Đạo tình mà Ôn dành cho Thầy chúng con bao giờ cũng đong đầy. Mỗi khi có việc ở Sài Gòn, Ôn đều dành quỹ thời gian của mình ghé thăm Khánh An uống chén trà, nói vài câu chuyện. Có những lúc Ôn đến không lâu, chỉ vài chục phút thôi rồi chia tay, nhưng bấy nhiêu cũng đủ thấy tình thương cao đẹp Ôn dành cho Thầy.

 

Cuộc đời hành đạo của Thầy gặp không ít gian lao khó nhọc, nhưng con nghĩ thầy đã may mắn vì luôn được thân cận với các bậc thượng nhân cao đức. Thế nên thầy hay dạy chúng con “Giáo pháp nằm ngay nơi những người đi trước, mỗi bước chân đi, mỗi hơi thở, mỗi ánh mắt, nụ cười của quí ngài đều là pháp. Hãy thân cận, hãy học hỏi sẽ có nhiều lợi ích lớn”. Có phải thầy đã thực tập như vậy nên giờ thầy có được tình thương như vậy từ quí Ôn?

Mấy hôm nay thầy đi giao dịch việc từ thiện, việc trao quà, con chỉ thưa nhỏ “Dịch bệnh tràn lan, thầy ra ngoài cẩn thận chứ chúng con lo quá”. Thầy chỉ cười nói “Tặng phẩm của Phật tử phát tâm đã sẵn có, mình chỉ đi trao. Lúc này là lúc nên làm, chỉ có lúc này là đồng bào cần mình nhất, còn sợ dịch không chịu làm thì bao giờ mới làm đây”.

Rời Thất Vô Sự, chân bước đi trong lòng con hiện về hai chữ “vô thường”. Vẵng trong con lời của ông Hiếu Quang: “Thôi thì mỗi ngày gắn công phu tu tập, sám hối, hành trì để hồi hướng phước lành, dâng hiến năng lượng từ bi, cầu cho dịch bệnh sớm qua chứ biết làm gì giờ”.

Quảng Thức 


Tin Tức Liên Quan