Bàn chân nâng khối óc

7/07/2021 3:31

Hôm trước, sư chị Thiên Ân gửi ảnh vào nhóm “Mấy mẹ con” với dòng chữ: ‘Bàn chân của cha’. Cầm máy chụp bàn chân, mình đáp lại: ‘Đây cũng là bàn chân của cha’. Chị Hai cũng gửi ngay bức ảnh vào: ‘Đây là chân mẹ’. Mấy anh chị em nhà mình, người thì giống mẹ điểm này, người thì giống cha điểm nọ. Nhưng sự thật thì, yếu tố của cha lẫn mẹ không thể tách rời ra ngoài cơ thể người con.

Bước trên con đường giải thoát, đôi chân mình một lần nữa được Đức Phật truyền trao. Người tu, đã từ Đời vào Đạo, thì cũng nên dung thông bằng cách mang Đạo vào Đời. Có thể ví Đạo là cha, còn Đời là mẹ, hai yếu tố này hợp lại mới cấu thành đúng nghĩa một người tu.

Thầy từng nói: “Thầy chỉ là một ông thầy tu và biết chia sẻ sự tu tập của mình với người khác”. Chia sẻ sự tu tập của mình với người khác là chúng ta đang thực tập nếp sống mang Đạo vào Đời. Vì thế, một vị thầy tu đúng nghĩa là một vị thầy có tu và có chia sẻ. Trong kinh Duy Ma Cật, Đức Phật đã trả lời câu hỏi của Bảo Tích về ý nghĩa tịnh độ của Bồ-tát rằng: “Chúng sanh loại là tịnh độ của Bồ-tát” - “Một người có thể xây dựng tùy ý cung điện, lâu đài trên khoảng đất trống, không có các thứ chướng ngại làm vướng bận. Nhưng người đó không thể dựng các thứ hoặc bằng gỗ hoặc bằng đất giữa hư không. Chúng sanh là nền tảng để Bồ-tát xây dựng tịnh độ”. Vậy thì, một vị thầy tu đúng nghĩa là một vị Bồ-tát đang lập hạnh ở đời, trên nền tảng của những khổ đau trong lòng nhân loại.

Chia sẻ là cho đi. Cái mà một người hành Bồ-tát cần là cho đi, cho đi thì dễ nhưng để thấy được cái chúng sanh cần thì lại khó. Chỗ này, cần phải có tuệ giác đi kèm. Thế nên, thực hành Bồ-tát đạo, dễ - rất dễ mà khó cũng rất khó. Chúng ta cần chủ động nếm qua đủ mùi vị của cuộc đời để hiểu những nỗi khổ trong lòng mình. Vậy mới có thể biết kẻ khác cần gì, từ đó cảm thông và hình thành nên cái gọi là phương tiện khéo.

Bản thân mình chưa đủ thấu hiểu kẻ khác, hãy tự trách rằng vì mình chưa đủ trải nghiệm và rút tỉa bài học từ những khổ đau. Cho nên, trên cổ xe đại thừa, một vị lập hạnh Bồ-tát không thể thành tựu nếu thiếu yếu tố khổ đau; vị ấy không thể bị nhấn chìm, trái lại tâm bồ đề ngày càng tăng trưởng.

Nếu thật tâm, thật nguyện sẽ không thiếu những bậc trí giả trên đời có thể thỏa mãn sự tầm cầu chánh Pháp nơi mỗi chúng ta. Mặc dù, tự tánh Phật ai cũng có, nhưng khác nhau ở chỗ, người thực hành Bồ-tát đạo thì luôn tu tập; phát triển, làm lớn mạnh đức từ bi bằng cách hướng đến lợi ích chung cho số đông. Mà lợi ích tối thượng là quý Ngài luôn thực hành Pháp thí. Với từng câu, từng chữ của quý Ngài mà ngang qua đó chúng ta có thể thấy được tuệ giác của bật Thế Gian Giải thì nó bỗng trở thành Thánh điển, ít nhất trong lòng mình. Bởi biểu hiện của Phật và Pháp trong bất cứ thời đại nào đều được đại diện bởi hình ảnh Tăng-già (Sangha). Đó là những gì mà một vị Bồ-tát dấn thân vào đời đang thực hiện. Chúng ta, tuy chưa thể thấu triệt nghĩa lý Bồ-tát đạo là gì, nhưng xin nguyện bắt đầu từ những điều nhỏ nhất. Một đứa trẻ chia sẻ với bạn mình viên kẹo cũng được xem là bố thí, bước đầu của việc thực hành hạnh lợi tha.

Giờ đây, học theo cách của một vị thầy tu đúng nghĩa, chúng con nguyện tập chia sẻ với người khác sự tu tập của mình, dù sự tu tập này đôi khi chỉ bé bằng viên kẹo, qua cách sống hằng ngày.

Nhìn vào hành trạng cuộc đời của những Bậc tôn trưởng, Thầy - Tổ và huynh đệ đồng tu, con có niềm tin chư Bồ-tát vẫn luôn thị hiện ở đời. Sự thị hiện của chư vị, đó là niềm an ủi và động viên lớn nhất đối với thế hệ trẻ chúng con. Kể từ giờ phút này, chúng con xin thiết lập và định hướng Bồ-đề nguyện, thực tập Bồ-đề hành cho đến khi vẹn tròn Bồ-tát đạo. Nguyện sẽ luôn đồng hành cùng chư Phật và chư vị Bồ-tát. Bàn chân này phải nâng khối óc, bước vào Đời thì Đạo mới hanh thông…

 

VP_06.07.21

 

Trung Tuệ

Tin Tức Liên Quan