Pháp thoại “Bồ tát rong chơi trong lửa sân” trong đêm sám hối cuối tháng Vu lan

18/09/2020 8:29
Ngày 16/09/2020 (nhằm 29/07/Canh Tý), trong buổi Sám hối cuối mùa Vu Lan và cũng nhân ngày vía Đức Bồ Tát Địa Tạng, Thầy Viện chủ đã có thời Pháp thoại đến với các Phật tử với chủ đề: “Bồ tát rong chơi trong lửa sân”.

Trước khi vào thời pháp, cả đại chúng đã cùng nhau lễ danh hiệu của 25 vị Phật và tọa thiền 30 phút.



Mở đầu, Thầy nói đến nguyện lực vô cùng to lớn của  Bồ Tát Địa Tạng đã giúp chúng sinh bước đi trên con đường giác ngộ.

Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật,

Chúng sinh độ tận, phương chứng Bồ đề.

Nếu như địa ngục vẫn còn tồn tại và chúng sinh vẫn còn trôi lăn trong vòng lục đạo thì Ngài chưa chứng quả vị Bồ đề. Danh hiệu Địa Tạng rất thâm sâu và đầy ý nghĩa. Danh hiệu ấy cũng được hiểu là hạn của đất với đức tính  vững chãi và dày dặn, có khả năng chứa đựng và ôm lấy được tất cả. Tuy biết rằng khổ đau và phiền não không có giới hạn nhưng hạnh nguyện cứu đời của một vị Bồ Tát cũng không có giới hạn. Chừng nào còn có khổ đau, còn có phiền não, thì vị Bồ Tát ấy còn chưa dừng tay cứu độ. Trái đất này cần những con người như Bồ Tát Địa Tạng, và mọi người cũng cần học làm theo hạnh nguyện của Ngài. Cuộc đời còn có nhiều khổ đau phiền não, oan trái và thù hận, Bồ tát Địa Tạng với năng lực lớn sẽ hóa giải tất cả. Ngài cũng có năng lượng vững chãi và bao dung của đất, vì thế nên Ngài có thể ôm ấp và chuyển hóa tất cả.

Địa ngục chính là nơi u tối không có ánh sáng của trí tuệ. Nói đến địa ngục là nói đến sự tra tấn hành hạ, nơi của bóng tối, khổ đau, tuyệt vọng. Ngoài ra, địa ngục chính là tham, sân, si, phiền não của chúng sinh. Địa ngục cũng chính là cảnh giới của ba nghiệp ác, từ thân khẩu ý phát sinh ra, là sự tối tăm ám chướng, là sự mê muội trong tâm thức của mỗi người. Đó chính là địa ngục tự tâm. Bồ tát Địa Tạng là vị giải thoát con người khỏi những cái khổ ấy. Ngài là người đi vào ngục tối để cứu chúng sinh. Vì thế, hạnh nguyện của Bồ Tát Địa Tạng như hạnh nguyện của đất: Thứ nhất, đất là nơi dung chứa vạn loại chúng sinh, bao dung mọi sự tốt xấu, phải trái đúng sai, không kỳ thị, không phân biệt. Đất như người mẹ hiền chan chứa tình thương, ôm ấp bao dung con người vào lòng để trưởng dưỡng, nuôi nấng. Khi ta sống thì đất nâng đỡ, chở che. Khi ta chết thì đất ôm sâu vào lòng. Tình của đất đậm đà sâu lắng muôn đời không hề nhạt phai. Thứ hai, đất có khả năng sinh trưởng. Thứ ba, đất có khả năng chuyển hóa: chuyển hóa rác bẩn thành hoa trang điểm cho đời, thành lúa để nuôi dưỡng hình hài con người và đất cũng có khả năng chuyển hóa bùn lầy hôi tanh thành sen thơm ngát. Đất luôn thế đấy - vững chãi, trung kiên và không kỳ thị.


Theo vòng quay của sinh tử luân hồi vô tận, chúng ta đã từng thay đổi hình dạng không ngừng; thay nhau làm cha mẹ, ông bà, vợ chồng, con cái, bạn bè,… đủ thứ cách mà chúng ta vì vô minh nên không hề nhớ, không hề biết. Trong cuộc sống, từ thực vật cho đến động vật, luôn có sự tương quan chặt chẽ với nhau, có nghĩa không có cái gì độc lập, cách biệt mà không ảnh hưởng và chịu ảnh hưởng đến nhau. Do mối tương quan như thế, khi giải quyết vấn đề khổ đau hiện tại và sinh tử miên trường, Đức Phật đã quan tâm đến không chỉ tự thân mà còn những điều kiện chung quanh, có nghĩa mình không thể trốn chạy, tự cô lập mà phải giải quyết vấn đề trên mối tương quan tương tác một cách hài hòa, tránh trường hợp mất cân đối đưa đến khủng hoảng và trầm trọng hơn. Vì thế, học hạnh của đất sẽ giúp ta thảnh thơi và bình an trên vạn nẻo đường đời.


Hạnh nguyện cứu đời của Đức Bồ Tát Địa Tạng ngày nay đã được một vị Hòa thượng tái hiện rõ ràng trong kiếp sống này. Ngài vừa là cha của hàng trăm em nhỏ và cũng là người gìn giữ hàng nghìn hũ cốt của con người hàng chục năm nay. Thế nhưng, chỉ vì một lần sơ sót xảy ra sự cố đáng tiếc mà những đức hạnh ấy của Ngài bị người đời phỉ báng, sỉ nhục. Họ chỉ biết quan tâm đến chấm mực nhỏ trên trang giấy trắng mà không hề đoái hoài đến sự trong sạch, thanh khiết cả cuộc đời của vị ấy. Thế mới nói con người vì ái dục mà có mặt trên cõi đời. Vì tạo tội thiếu phước mà dẫn đến những khiếm khuyết trên thân thể. Vì thế, Đức Phật dạy chúng ta phải biết tu khẩu nghiệp, ý nghiệp và thân nghiệp để chuyển hóa những lỗi lầm.


Đã là người Phật tử, Thầy khuyên cần phải thể hiện rõ quan điểm chín chắn trước truyền thông để không phải mang những hối hận, những nghiệp xấu. Việc thờ cúng chỉ mang tính chất đạo lý, nghĩa tình thể hiện tấm lòng thành kính của người ở lại đối với người đã khuất chứ nắm tro trong hũ cốt không hề chứa linh thức. Tấm thân ô uế này được hình thành bởi một hợp thể ngũ uẩn giả tạm. Vì thế, hãy sống thuận với chân lý để có được tâm bao dung và tình thương rộng lớn. Mỗi ngày niệm Phật để ta luôn đặt Phật vào tâm, tiếp xúc với công hạnh của Ngài mà thực tập. Lắng nghe mọi sự việc với tâm thế không phân biệt, không kỳ thị. Đem ánh sáng vào trong bóng tối, đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm, rọi soi ánh sáng trí tuệ, từ bi vào nơi tối tăm, u sầu. Thực tập được như thế là ta đã tu cho mọi người, đền ơn Phật, đền ơn cha mẹ, ơn quốc gia thủy thổ.

Kết thúc buổi sám hối cả đại chúng đồng hoan hỷ.

Tin: Ngọc Ánh, Ảnh: Trung Lưu

Một số hình ảnh ghi nhận được:











Tin Tức Liên Quan