An lành đêm sám hối rằm tháng Giêng PL.2568 với Pháp thoại “Con rồng trong ta”

24/02/2024 3:32
Tối ngày 14 tháng giêng năm Giáp Thìn (nhằm ngày 23/02/2024), hơn 400 chư thiện nam tử, thiện nữ nhơn y phục chỉnh tề vân tập về tu viện Khánh An tham dự thời khóa Sám hối và thính pháp.

    Vào lúc 19 giờ, sau khoảng thời gian nhập thất huân tu miên mật, thầy Viện chủ quang lâm Pháp đường Chánh Niệm, chủ trì khóa lễ sám hối đầu xuân. Sau nghi thức niêm hương, hội chúng đồng cung kính tay chắp liên hoa, năm vóc sát đất, chí tâm đảnh lễ 25 lễ kính dâng lên chư Phật và chư vị Bồ tát. Tiếp đến, nhân lễ sám hối đêm trăng tròn tân niên, Thầy Viện chủ đã khai pháp đến đại chúng bài Pháp thoại với chủ đề: “Con rồng trong ta”.

    Mở đầu Pháp thoại, Thầy đề cập đến hình ảnh con rồng gắn liền với lịch sử, văn hóa, triết học, tư tưởng và văn minh Việt Nam. Thầy dẫn chứng các địa danh gắn với hình ảnh rồng như Hoàng thành Thăng Long, Vịnh Hạ Long; ngoài ra, con rồng còn gắn với tuổi tác của người Á Đông khi rồng là con giáp thứ 5 trong 12 con giáp. Câu hỏi đặt ra là: Rồng có thật hay không? Với nhãn quan của người học Phật, chúng ta cần tìm hiểu để biết rồng hay không – CÓ và BIẾT là 2 lĩnh vực khác nhau: “có” là sự hiện hữu của một sự vật hiện tượng, còn “biết” là nhận thức của chúng ta.


    Thầy nói, cái chúng ta thấy và biết chỉ là nhận thức hạn hẹp của con người, tuy nhiên chúng ta lại lấy nhận thức, cái biết của mình để làm hệ quy chiếu cho mọi sự vật và vội vàng khẳng định trong khi cái biết của mình hạn hẹp, nhỏ bé trong vũ trụ bao la. Mỗi sự vật hiện tượng có không gian, thời gian cụ thể và tiến trình lịch sử. Có những sự vật có mặt và khép lại trong quá khứ vì chịu qua bãi bể nương dâu. Có những cái mới hôm qua như vậy - hôm nay đã khác, hôm qua có đó - hôm nay không còn và có những cái tuy không còn nhưng không có nghĩa là sẽ không biểu hiện nữa.

    Thầy giảng giải, cái biết của chúng ta là những kinh nghiệm do học hỏi mà có. Học hỏi chính là thu gom những thông tin bên ngoài đưa vào bộ não để biết và hiểu. Rộng hơn biết là trí – trí chính là sự thông minh lanh lợi, học nhanh hiểu rộng. Cái biết và trí giúp con người có nhiều hiểu biết, kiến thức và kinh nghiệm, tuy nhiên, những cái thấy biết đó không giải quyết được gốc rễ của phiền não, khổ đau, đó là lý do mà mỗi người chúng ta cần tu tập. Tuệ đến từ tu tập chứ không phải từ kiến thức, kinh nghiệm học hỏi mà có.

    Qua hình ảnh con rồng, ta thấy được, trong 12 con giáp có 11 con là thật và rồng là con vật huyền nhiệm, linh thiêng, không thực hữu trên thế gian. Giống như cuộc đời luôn có những lịch sử và huyền sử. Lịch sử là những sự thật đã diễn ra trong quá khứ, còn huyền sử là những điều ta không nắm bắt và cảm nhận tới. Chúng ta đừng lấy sự vật hiện tượng của cơ sở vật chất mình có thể nắm bắt mà phủ nhận những điều mà nhận thức con người không với tới. Chúng ta không cần tìm kiếm những cái huyễn hoặc, cao xa; cái chúng ta cần biết là làm sao có được bình an lâu dài, không phiền lụy,  chướng nghiệp. Thế giới này được hình thành không gì ngoài danh và sắc (thân và tâm). Hãy nhìn vào tấm thân để thấy được bản chất, cấu trúc của sự sống. Thầy khuyến tấn đại chúng đừng nhìn địa - thủy - hỏa - phong như là hình ảnh vật chất: đất - nước - gió - lửa, mà hãy nhìn vào tình trạng, đặc chất của bốn đại: “Địa” là cứng, mềm, thô, nhám, có hình khối; “thủy” là chất kết dính, tan chảy, ngưng tụ; “hỏa” là nhiệt độ và “phong” là áp suất, dịch chuyển. Từ đó tự thân mỗi người hằng ngày hãy thực tập quay vào bên trong, nhìn sâu vào 4 yếu tố hình thành nên tấm thân này để dần cảm nhận rõ ba đặc tính: một là, sự vật hiện tượng luôn biến dịch/ vô thường; hai là, sự sống này là sự lắp ghép của địa - thủy - hỏa - phong, do duyên hình thành nên không có ngã; ba là, tất cả các pháp đều là bất toại nguyện, trôi chảy không theo ý ta. Thấy được ba đặc tính đồng nghĩa là ta đã có tuệ, lấy tuệ để giải quyết cái ngã, cái tôi, từ đó giảm thiểu phiền não trong ta.

     Con rồng là biểu tượng của quyền uy, sức mạnh, thiên biến vạn hóa, hô phong hoán vũ… Thầy dẫn chứng, thời phong kiến xưa, con rồng được dùng làm biểu tượng cho vua, từ áo bào đến chiếc giường, bàn ghế… Trong mỗi chúng ta đều có quyền uy, con rồng trong đó, nếu may mắn biết tu và chuyển hóa, chúng ta sẽ trở thành những con rồng linh thiêng, còn không thì sự quyền uy, sức mạnh, sai sử sẽ điều khiển bởi tham, sân, si mỗi ngày. Thầy nhắc nhở đại chúng cần lưu tâm đến những thứ nhỏ nhặt, hãy nhìn vào bản tâm, nhận diện tường tận mọi sự việc hiện tượng. Khuynh hướng của chúng ta là phát huy điều thiện, che giấu cái ác nhưng với cái nhìn của Đức Phật, dù là thiện-ác đúng-sai, ta cần phải “thấy” trước đã.  Thầy nhắn nhủ, đối với “thân” phải thấy rõ bản chất địa - thủy - hỏa - phong, đối với “tâm” khi khởi lên cảm thọ gì đều rõ biết, thấy tâm như tâm, thấy pháp như pháp, thấy thân như thân, thấy cảm xúc như cảm xúc.

     Cuối lời, Thầy mong đại chúng hãy chánh niệm trong từng khoảnh khắc, an trú trong từng nụ cười, ánh mắt, cử chỉ, lời nói… đừng để “tâm viên, ý mã” – tâm, ý dao động không yên như khỉ chuyền cây hay ngựa chạy rong ruổi. Mỗi người cần rõ biết điều mình đang làm, cố gắng tinh chuyên tu tập làm chủ lấy mình, không để tham, sân, si có cơ hội khởi lên điều khiển và thao túng.

    Chúng ta mỗi ngày sống với cái biết hạn hữu trong thế giới mầu nhiệm với vô hạn những điều mà ta chưa biết. Bên cạnh đó, trong mỗi chúng ta đều có độc tố tham, sân, si tích lũy từ tiền nghiệp đến nay, vậy nên hãy cố gắng giảm thiểu tham sân, tu tập để có được tuệ giải quyết tham - sân, đừng để cảm xúc lấn át và chi phối. Khi mà Giới - Định - Tuệ mỗi ngày một tỏa hương thì những ô uế tham - sân - si sẽ nhỏ dần và tan biến.

     Vào lúc 20g30, thời Pháp âm đầu xuân kết thúc trong không khí trang nghiêm và ấm áp, đại chúng đã có những phút giây đầy hỷ lạc an tọa trên tọa cụ lắng nghe lời dạy quý giá từ Thầy, cùng tái tạo và hàm dưỡng thêm cho mình chân tánh Như Lai.

Khánh Ngân


Một số hình ảnh ghi nhận khác trong buổi lễ:


Tin Tức Liên Quan