Tâm an lạc - 'vắc-xin' đặc hiệu trước Covid-19

26/03/2020 8:43
GN - Tâm an lạc nghĩa là trong lòng luôn luôn vui vẻ lạc quan yêu đời.

Anhminhhoa Phathoc.jpg
Tâm bình an - Ảnh minh họa

 

Thông thường, ý thức về bản ngã gieo vào tâm chúng ta những hạt giống bất an. Chúng ta cố gắng tìm hiểu bản thân, cố định nghĩa mình bằng những danh xưng khái niệm. Kết quả là ta bị mắc kẹt trong sự tự định nghĩa này đến nỗi phải dằn vặt với mỗi suy nghĩ, hành động: Ai lại làm như thế? Sao lúc nào mình cũng phản ứng như vậy? Chúng ta luôn cảm thấy tiếc nuối khi nghĩ rằng lẽ ra mình có thể làm tốt hơn, có thể thành công hoặc được nhiều người yêu mến hơn.

 

Mối quan hệ nhân duyên giữa chúng ta với mọi người vốn là một nguồn vui to lớn trong cuộc sống, song đôi khi cũng là nguồn gốc của sự bất an. Chúng ta sợ phải sống cô đơn, lo lắng sẽ thua kém người khác. Rồi có những người dường như luôn làm chúng ta bực bội, cố tìm cách trêu tức, châm chọc và điều khiển chúng ta.

 

Nhiều người luôn có cảm giác bất an khi nghĩ về thời gian. Họ luôn thấy không có đủ thời gian trong một ngày, luôn hối hả vội vàng mỗi giờ và mỗi ngày, tưởng như cuộc sống tốt đẹp hoặc đã trôi qua, hoặc còn nằm ở phía trước. Ngày nay, áp lực cuộc sống đến từ mọi hướng: công nghệ hiện đại khiến chúng ta có thể làm việc suốt 24 giờ một ngày, mỗi ngày có vô số việc phải giải quyết khiến chúng ta luôn có cảm giác kiệt sức, những lo lắng về tiền bạc và áp lực phải thành công hoặc xứng tầm với những kỳ vọng do chính mình và những người xung quanh đặt ra.

 

Khi trải nghiệm những dấu hiệu tâm bất an như trên, chúng ta rất dễ bị bế tắc. Tuy nhiên, nếu biết lùi lại một bước, biết thư giãn soi rọi lại tâm mình, ta sẽ nhận ra mình có thể đảo ngược được tình thế. Tuy nhiên, chúng ta không nên kỳ vọng giải quyết được vấn đề ngay lập tức.

 

Việc tìm kiếm giải pháp đúng đắn cho từng vấn đề không phải là điều quan trọng. Thay vào đó, chúng ta cần tìm hiểu về “tự tính tâm” để biết các cảm xúc bộc phát được hình thành theo thói quen ra sao, nhận ra đâu là nguồn gốc của hạnh phúc và khổ đau.

Ta cũng sẽ thấy những bài tập đơn giản về thiền định và chính niệm có hiệu quả như thế nào trong việc điều chỉnh tâm bất an và nuôi dưỡng những suy nghĩ cảm xúc tích cực giúp ta thêm yêu đời (cuộc sống quý giá nhất trên đời) và sẵn sàng đương đầu với mọi thăng trầm cuộc sống.

 

Có bốn căn nguyên chính của tâm bất an:

 

1. Tác động của mạng xã hội: Nghe thông tin mà không chọn lọc.

 

2. Bệnh tật trong cơ thể và những nỗi đau tinh thần.

 

3. Tham muốn mà không đạt được những mong cầu của bản thân, phải sống trong những hoàn cảnh bất như ý, phải lìa xa những gì mình yêu quý.

 

4. Ý thức bám chấp vào “bản ngã” hay về bản tính của mình. Do bám chấp vào quan điểm cho rằng lẽ ra mình phải là người tốt hơn, được nhiều người yêu mến hơn, thành công hơn, hoặc do có quan điểm cứng nhắc, cực đoan (nói một cách hài hước là giữ hơi lâu ý kiến).

 

Suy cho cùng, tâm chỉ có thể an lạc khi hiểu chân lý của Phật giáo. Một trong những chân lý đó là “vô thường” (mọi sự vật hiện tượng đều mang tính quy luật: thành, trụ, hoại, diệt - không có gì là trường tồn). Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo mức độ nguy hiểm rất cao của đại dịch Covid-19. Ngoài việc luôn luôn đề cao ý thức phòng chống sự lây lan của dịch bệnh và tuân theo hướng dẫn của cơ quan y tế thì việc giữ và luyện cho tâm được an lạc, đó là vắc-xin đề kháng tốt nhất trước nguy cơ lây lan của dịch bệnh.

 

Mong lắm thay!

 

Luật gia Trần Thúc Hoàng

 Theo Giacngo.vn


Tin Tức Liên Quan