Pháp thoại “Bài học từ cái ly” trong khóa tu Sống Tỉnh Thức lần 43

12/11/2019 9:08
Sáng Chủ nhật ngày 10/11/2019 (14/10 Kỷ hợi), khoá tu Sống Tỉnh Thức lần thứ 43 được tổ chức tại Tu viện Khánh An.

Như thường lệ sau giờ điểm tâm, thiền hành và ôn tụng Năm giới quý báu là đến pháp thoại. 






Trong  thời giảng, thầy gửi đến hội chúng pháp thoại có chủ đề “Bài học từ cái ly” với gần 400 hành giả về tham dự.

Trước giờ pháp thoại, thầy cùng đại chúng đã dành một phút nhập từ bi quán để gửi năng lượng đến cố Đại lão Hoà thượng Thích Trí Quang đã thu thần viên tịch vào lúc 21h45 ngày 08/11/2019 tại chùa Từ Đàm (Huế) sau 97 năm trụ thế.



Sau phút nhập từ bi quán, Thầy kể sơ về chuyến từ thiện tại hai xã Pù Nhi và Mường Nhí, H. Mường Lát, Thanh Hoá do Tu viện tổ chức. Bên cạnh những câu chuyện thương tâm, thầy cũng kể thêm một số mẫu chuyện vui có thật, để khi chiêm nghiệm lại ta sẽ rút ra được bài học quý giá cho chính mình. Câu chuyện và “Bài học từ cái ly” được thầy nhấn mạnh, đây cũng là chủ đề chính trong buổi pháp thoại này.

 


Thầy kể: “Một hôm, nhóm các bạn người Kinh lên thăm anh bạn dân tộc thiểu số. Anh bạn không có nhà nên bạn người Kinh mới tự pha trà uống. Khổ nổi, bộ tách trà vốn dĩ màu trắng, nhưng nay hoàn toàn không còn nhìn thấy màu trắng đâu nửa mà chỉ có một màu đen. Thấy vậy, anh bạn người Kinh bèn mang ra lấy tro, lấy cát chà rửa thật kỹ thật sạch cho đến khi bộ tách trắng sáng như thuở ban đầu. Anh dân tộc về đến, anh ta cứ ngỡ bạn mình mang bộ tách trà mới đến tặng và còn nói lời cảm ơn....”.



Thầy giảng, cái ly ban đầu vốn dĩ sạch đep, thuần khiết, sáng ngời, chẳng một vết nhơ. Nhưng do không chịu tẩy rửa cho nên chúng trở nên đen đúa, che lấp vẻ sạch đẹp ban sơ. Đến khi cái ly được tẩy cho trắng sáng thì anh cũng không nhận diện được đó là cái ly của mình.


Ta có thấy được hình ảnh của mình trong đó? Hãy quán chiếu, tâm của chúng ta cũng thuần khiết, sáng trong, thanh tịnh như cái ly ban đầu. Dần dần những vệt ố của trà bám vào làm cho đen đúa. Như khi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc với những hình sắc bên ngoài, ta đưa chúng vào trong tâm thì những thứ đó vô hình chung nhuộm cái tâm của mình cũng như những vệt trà nhuốm cái ly vậy. Hằng ngày ta tiếp xúc với trần cảnh, rồi trong vô thức ta tự biến nó thành định kiến và cũng biến nó trở thành cái của mình mà chúng được lộ diện qua những biểu hiện trong cách sống hằng ngày của ta. Hãy nhớ rằng, cáu bẩn là cáu bẩn nhưng cái ly vốn dĩ vẫn là cái ly. Ấy vậy mà khi cáu bẩn bám vào cái ly, ta lại cho rằng phải cáu bẩn mới là cái ly của mình, đồng thời quên đi cái ly ngày trước. Cũng vậy, những tập khí tham si, phiền não, giận hờn vốn dĩ không phải là ta, nhưng vì vô minh phủ kín từ nhiều đời rồi dần dần ta không còn nhận ra mình nữa, vô tình ta biến những phiền não tham sân si kia thành cái của mình và cho đó là mình. Những buồn vui, sướng khổ bắt đầu từ đây. Nếu như những cáu bẩn không phải là cái ly thì những tham sân u tối cũng không phải là mình.

 

Do cuộc sống lôi kéo, đưa đẩy mà ta luôn trôi lăn theo vật chất bên ngoài bỏ quên đi cái thực. Giáo pháp của Đức Phật luôn hiển hiện trước mắt, những lời dạy của Ngài làm cho con người vượt thoát mọi phiền não khổ đau, vượt thoát giai cấp, mọi tầng lớp trong xã hội dù đó là tầng lớp nào, giai cấp nào đi nữa cũng không làm chướng ngại cho sự chứng nghiệm niềm an vui, hạnh phúc trong tâm thức con người. Chính Đức Phật và giáo pháp của Ngài luôn đem ánh sáng từ bi và trí tuệ để soi rọi tâm thức, xua tan mọi khổ đau hệ lụy trong cuộc đời này. Giáo pháp ấy làm chúng sanh phát khởi niềm tin, biết lựa chọn cách sống, lối sống cho chính mình, để từ đó vững tin vào khả năng thành Phật, sự giác ngộ giải thoát luôn sẵn có nơi mỗi người. Thế nhưng, vì tấm màn vô minh quá lớn che lấp ta không chịu thực tập theo lời dạy của Đức Phật mà cứ thích xông ướp bằng những thứ ganh đố, tị hiềm, nghi ngờ lẫn nhau dẫn đến phiền não. Điều ấy, khiến cho cái bản tâm vốn ngây ngô, trong trắng ngày nào giờ đây bị bao phủ bởi một màu đen tối như ánh chiều tà của buổi hoàng hôn.


 

Trong bài thơ “Về với em bé thơ ngây”, Thiền sư Nhất Hạnh có nói:

Về đi lữ khách! đường xa lắm

Cát bụi sầu thương vướng đã nhiều

Thanh thản ngủ trong lòng đạo cả

Cho hồn thơ ấu được nâng niu.

 

Con người chúng ta dường như đã đi quá xa với cái bản tâm như nhiên thanh tịnh vốn có của mình. Chính vì thế, Thầy khuyên đại chúng hãy quay về nâng niu nguồn thơ ấu, sống trong chánh đạo để thấy tất cả vấn đề đều rất đơn giản và vô tư. Khi ta càng khôn, càng lớn thì ta càng thêm rắc rối, lụy phiền. Sự sống từng ngày trôi qua thế nhưng một khi tâm lệch lạc mất phương hướng xuất hiện thì tà tâm luôn hiện hữu thách đố mỗi người. Ở bên trong mỗi chúng ta đều có những đức tính tốt đẹp như tâm từ ái, lòng bi mẫn, và sự bình an của tâm hồn, ta luôn mong muốn chúng nẩy mầm, lớn mạnh. Cuộc đời rất ngắn, rất nhanh, rồi ta sẽ đi qua nên ngay từ giờ phút này, ta hãy thôi làm khổ đau cho nhau, tập sống với tâm xả, xả bớt và xả dứt “cái tôi” của bản thân, đó là điều căn bản, thường xuyên đào luyện và dọn dẹp bớt những xáo động, rác rến trong tâm, không để đánh mất mình. Hãy sống một cuộc đời vô tư, an nhiên, tự tại, luôn thuận theo tự nhiên, hòa nhập với cộng đồng. Tu tập tinh tấn để diệt trừ tận gốc những con vi khuẩn của tham, sân, si, tịnh hóa thân tâm, đoạn trừ phiền não, nhận diện được tánh giác, luôn làm chủ bản thân mình. Thực hành như thế ta mới có được cuộc đời bình yên và cửa Niết Bàn sẽ thênh thang rộng mở.


 

Cuối lời thầy nhắn nhủ đến đại chúng khi trở về hãy nhìn chiếc ly hằng ngày ta uống mà lấy đó làm pháp tu cho chính mình.

Tin: Lệ Ánh, Minh Tuệ , Ảnh: T. Lưu


Một số hình ảnh ghi nhận được trong khóa tu:

































Tin Tức Liên Quan