Buổi Vấn Đáp Khoá Tu Sống Tỉnh Thức 48

29/06/2020 11:19
Chiều 28/6/2020 (nhằm 8/5/ Canh Tý), Khoá tu Sống tỉnh thức lần thứ 48 tiếp tục diễn ra với thời khoá Sám hối, quy y Tam Bảo và vấn đáp nhằm trả lời những thắc mắc của quý Phật tử.

Mở đầu buổi vấn đáp, sư cô Trinh Nghiêm đọc cho đại chúng nghe tác phẩm “Hạnh phúc lang thang” của nhà văn Hoàng Anh Sướng, bài viết được đăng tải trên trang báo vnexpress.vn vào 27/6/2020.

Qua bài văn, Thầy cũng chia sẻ đôi điều về Hạnh phúc lang thang. Một cậu con trai Việt Nam trên đường đời đã vô tình tìm được sự yêu thương chân thật từ những người xa lạ không cùng màu da, sắc tộc, anh đã thấy được hạnh phúc của chính mình là cái hiện tại - bây giờ và ở đây. Qua đó, hiểu rõ bài học rằng, sống ở đời ta nên tôn trọng lẫn nhau và hạnh phúc đích thực chính là những cái bình thường nhất trong cuộc sống hằng ngày.

PT. Bùi Thị Phượng (PD: Diệu Liên) chia sẻ niềm hạnh phúc, sự bình an của cô và mẫu thân khi được tiếp xúc và học hỏi Phật Pháp.

Thầy cũng nói rằng, chúng ta thường sống theo tập khí, thói quen với mong muốn thoả mãn những thích thú đam mê của bản thân. Khi khởi tâm mong cầu, ta nên nhận biết thật rõ, thật sâu sắc, sống chậm lại với chánh niệm, nhận biết hiện tại, đừng quá nuông chiều theo cảm xúc của mình. Nếu tất cả mọi việc làm đều được thắp lên bằng ngọn đèn chánh niệm thì khi ấy con đường chân thật sẽ hiện lên. Mỗi chúng ta hãy tự là bác sĩ của chính mình. Khi ta chú tâm vào thứ gì, đặt hết năng lượng tích cực vào thì mọi độc tố sẽ được tiêu biến. Và Bồ Tát Quán Thế Âm chính là biểu tượng của sự thanh lương, tươi mát, tẩy trừ nghiệp chướng, cấu uế. Sống chánh niệm trong mỗi phút giây thì chư Phật và Bồ Tát đều có mặt cho ta.

Cô Liên Khuê (Tiền Giang) lần đầu tiên tham dự khoá tu ở Tu viện Khánh An, cô đang băn khoăn không biết có nên quy y Tam Bảo hay không vì cô nghe nói khi quy y phải thọ trì năm giới, nhưng vì cuộc sống mưu sinh chẳng may có lý do nào đó mà cô bị phạm phải giới cấm thì mang tội với Đức Phật nên nhân dịp khoá tu lần này với đầy đủ chư Tăng cô muốn chia sẻ nỗi lòng của mình và cũng mong quý Thầy có thể tháo gỡ những khúc mắc trong lòng của cô.

Đại diện Tăng thân Bổn viện, Thầy Trung Pháp trả lời câu hỏi của cô. Thầy đã giải thích ý nghĩa của hai từ quy y. Quy có nghĩa là quay về hay hồi chuyển. Y là nương tựa hoặc dựa vào, quy y Tam Bảo chính là quay về nương tựa ba ngôi quý báu chính là Phật, Pháp và Tăng.

Phật là đấng giác ngộ hoàn toàn và từ bi vô hạn, lúc nào cũng mong mỏi tha thiết được hướng dẫn chúng sanh đến chỗ giác ngộ như Ngài, nên chúng ta hay gọi Phật là đấng tự giác, giác tha viên mãn, vị Đạo Sư của mười pháp giới.

Pháp là những lời khuôn vàng thước ngọc của Đức Phật đã được Ngài chứng ngộ và truyền đạt lại cho hàng Phật tử kể cả xuất gia và tại gia. Pháp ấy rất nhiều nhưng tất cả đều nằm gọn trong ba tạng: Kinh, Luật, Luận.

Tăng là một số đệ tử Phật, ly khai gia đình, hiến trọn đời cho đạo pháp. Những vị hằng ở chung nhau để tu hành, để học hỏi và luôn luôn giữ theo giới luật của Phật, hằng hòa thuận thân mến nhau. Các thầy thay đức Phật hoằng truyền chánh pháp để cứu độ chúng sanh.

Ai sinh ra trên cõi đời cũng đều có ông bà, cha mẹ, thế nhưng vì vạn vật trong vũ trụ đều tuân theo định luật vô thường, vạn pháp đều do nhân duyên đối đãi tương hợp mà thành. Đã có sanh sẽ có già, bệnh và chết. Và ai cũng mang trong mình bản tính tham lam, sân hận và si mê. Quay về nương tựa Tam Bảo chính là quay về nơi trú ngụ an toàn nhất về tâm linh của hàng Phật tử, trú ẩn trong Tam Bảo có thể giúp chúng ta tìm được nơi ẩn náu an toàn để ổn định trong suốt cuộc đời này, và cho phép chúng ta có một ngôi nhà mà chính ta có thể trở lại trong tương lai.

Thầy nói rằng quy y và thọ năm giới là nguyện tự sửa mình, giúp mình ngày càng hoàn thiện hơn. Nếu không tự sửa mình, không sống theo lời Phật dạy, quen theo tập nghiệp làm những điều xấu ác thì tự bản thân gánh chịu hậu quả. Sỡ dĩ người đời sợ có tội nặng hơn khi không giữ được giới cấm là do họ cho rằng Đức Phật có quyền năng ban phước giáng họa cho con người, làm không đúng sẽ bị tội.

Cuộc sống luôn vận hành theo luật nhân quả vốn có của nó, bất di bất dịch. Đức Phật suốt thấu luật nhân quả nên đưa ra những lời khuyên dạy cho người Phật tử rõ biết và tránh xa. Còn nghe theo và thực hiện hay không là do chính bản thân của mỗi người. Cũng giống như một vị bác sĩ, hiểu rõ căn bệnh nên khuyên bệnh nhân của ông không nên như thế này thế kia mới khỏe mạnh.

Ta tạo ác phải nhận nghiệp ác và tạo thiện nhận được nghiệp thiện. Luật nhân quả không phân biệt ai là Phật tử ai không phải. Tuy nhiên với người quy y ít ra họ còn sợ tội lỗi, biết ăn năn sám hối và nguyện khắc phục. Còn người không quy y không học Phật, không tin hiểu nhân quả, làm sai mà tự mình không biết hay làm sai mà không ai biết thì nghĩ mình hay nên ngày càng lún sâu vào tội lỗi, quả báo nặng nề hơn rất nhiều. Thầy khuyên đại chúng tinh tấn tu tập để chuyển hoá thân tâm, hạn chế gieo rắc những hạt giống xấu của hận thù và bạo động, cố gắng làm theo lời dạy của Đức Phật thì phước đức sẽ tự sinh ra và bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.

Tiếp theo, bạn Nguyễn Huy Hoàng có đặt câu hỏi về việc nếu một người có cảm tình với một người khác giới, người ấy không dám nói và hành động nhưng trong tâm vẫn có ý nghĩ về ái dục thì như thế nào?

Thầy Viện chủ trả lời với bạn rằng tình yêu thương phải bắt nguồn thì tình thương đích thực, giới tánh chính là giới thể thanh tịnh có sẵn trong mỗi con người, còn giới tướng là những quy luật được Đức Phật chế ra nhằm hạn chế những mầm mống xấu ác đang diễn ra trong tâm ý. Sống tiết chế, biết đủ thì hạnh phúc sẽ có mặt ngay bây giờ và ở đây. Con người từ khi còn là giọt máu nhỏ trong bào thai là đã mang hạt giống của tình ái và chính hạt giống này theo ta mãi mãi không chỉ đời này mà vô lượng vô số kiếp khác nữa. Dục tính chính là năng lượng ấy giúp con người chuyển hoá những hạt giống thô ác thành tốt đẹp. Do đó, hãy sắp xếp một cuộc sống cân bằng, tạo ra niềm vui bằng cách thực hiện những việc làm có ý nghĩa, nuôi dưỡng sự tự chủ trong nhận thức và hành động: Sống có mục đích tốt, hạ thủ công phu miên mật, nương tựa nơi hải đảo tự thân của chính mình, biết rõ được cái gì đang xảy ra, giúp cho ta tiếp xúc được với những mầu nhiệm trong hiện tại. Chánh niệm là một chiếc thuyền chuyên chở ta đến sự giác ngộ, sự có mặt thật sự trong giây phút hiện tại đưa đến định và tuệ. Chánh niệm là cửa ngõ, là nền tảng của sự giác ngộ, của từ bi.

Sau câu hỏi của bạn Hoàng lần lượt là những chia sẻ kinh nghiệm trong đời sống tu tập, sự an lạc, thanh tịnh trong nội tâm khi được tiếp xúc với Phật pháp của quý Phật tử.

Khoá tu kết thúc thành công viên mãn với cơn mưa pháp được quý Thầy gửi đến hội chúng.

Tin: Ngọc Ánh, Ảnh: Trung Lưu

Hình ảnh ghi nhận được:





Tin Tức Liên Quan