Khoá tu “Sống tỉnh thức” lần thứ 49 với pháp thoại Quay vào bên trong là quay vào đâu?

27/09/2020 7:00
Sáng ngày 27/09/2020 (nhằm 11/08/Canh Tý), Khoá tu Sống tỉnh thức lần thứ 49 đã được diễn ra tại Pháp đường Thấy và Biết. Trong khoá tu lần này, Thầy Viện chủ có thời pháp thoại mang tên: “Quay vào bên trong là quay vào đâu?”

Trước khi vào pháp thoại, các hành giả được thực tập  thiền hành quanh hồ Chuyển Hoá, sau đó là nghi thức ôn tụng Năm giới Quí báu và thiền toạ 30 phút.







Bắt đầu thời pháp, Thầy nói về ý nghĩa của chánh niệm. Chánh niệm là sự tỉnh giác mọi hành hoạt của thân và tâm  một cách trọn vẹn ngay trong hiện tại, bây giờ và ở đây. Sống nhiệt tâm, chánh niệm, tỉnh giác trong phút giây, quay về với thân - thọ - tâm - pháp. Đó  chính là bốn trú xứ ta quay về.


Quay về với thân: dán tâm vào trong hơi thở. Nhận diện sự có mặt của hơi thở: quán sát hơi thở vào, hơi thở ra. Hơi thở chính là trú xứ để tâm quay về. Mỗi khi thiền toạ, Thầy khuyên các hành giả hãy khép đôi nhục nhãn để không còn tiếp xúc với trần cảnh để tuệ nhãn phát sinh. Kỹ thuật theo dõi hơi thở vào ra chính là tuỳ tức. Nhờ quay về với hơi thở mà tâm ta tĩnh lặng, không còn sầu muộn, lo âu, phiền não, từ đó định phát sinh. Đôi khi hơi thở cũng chính là thước đo để kiểm soát sức khoẻ của mình. Mỗi hơi thở vào ra nặng hay nhẹ, khó chịu hay dễ chịu, ngắn hay dài, buồn hay vui sướng hay khổ thăng hoa hay bế tắc đều tùy thuộc sức khỏe. Vì thế, mỗi hành giả hãy là bác sĩ cho  chính mình bằng cách quán chiếu hơi thở. 

mặt khác quán thân cũng chính là nhìn kỹ vào sắc uẩn để thấy tấm thân này được cấu tạo từ xương, tóc, lông, móng tay, máu, nước miếng, nước mắt, mỡ, óc, tủy, ruột non, ruột già,...Đến một giai đoạn nào đó, rồi thân người cũng sẽ trở về với cát bụi. Hay nói cách khác từ kẻ sang đến người hèn, từ kẻ giàu đến người nghèo, từ kẻ già đến người trẻ, từ kẻ đẹp đến người xấu, ai ai cũng đến giai đoạn chung cuộc này, cũng chỉ với một xác chết sình thối. Hành giả  cần quán thân bất tịnh để thấy rõ bản chất của tấm thân mà không tham đắm dính mắc “thân này là ta, là của ta”. Nhờ vậy phá được ngã chấp, thành tựu được vô ngã. Biết bao vụng  dại,  lỗi lầm, tội ác khởi lên cũng chỉ vì lo cho thân quá nhiều. 

Bài thơ Tương Tiến Tửu của Lý Bạch có đoạn:

Quân bất kiến, 

Hoàng hà chi thủy thiên thượng lai, 

Bôn lưu đáo hải bất phục hồi.

Hựu bất kiến, 

Cao đường minh kính bi bạch phát, 

Triêu như thanh ty mộ thành tuyết.

 

Hay Tổ Quy Sơn cũng răn dạy con cháu:

“Vô thường lão bịnh bất dữ nhân kỳ. Triêu tồn tịch vong sát na dị thế.”

Ngài đã nhắm vào bốn chữ “triêu tồn tịch vong” (sớm còn tối mất) là như thế. Chỉ trong một sát na, một hơi thở mà thôi. Khi hít vào mà không thở ra thì đó gọi là chết. Cuộc sống của chúng ta sẽ sang trang. Hỏi là bao giờ? Thì nào ai có thể trả lời được. Bởi vì mới sáng đó thì còn, nhưng tối đến lại mất. Đúng là mạng sống chỉ trong sát na. Mạng người  không lâu, cái chết tê không hẹn cùng ai. Mạng sống của con người suy cho cùng chỉ nằm trong hơi thở. Vô thường là cái thường trực trong cơ thể vì thế hãy luôn luôn ý thức về điều đó. Ngày nào còn sống là ngày đó phải hạ thủ công phu để tự lợi, lợi tha cho đầy đủ.


Quán thọ: thọ tức là cảm thọ. Cảm thọ là những cảm giác khởi lên do tác động bên ngoài. Thân người có sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Khi sáu căn tiếp xúc sáu trần: sắc, thanh, mùi, vị, xúc, pháp thì tâm thức ta sinh ra những cảm xúc hoặc là tích cực (lạc thọ), hoặc là tiêu cực (khổ thọ), hoặc bình thường (xả thọ - không tích cực cũng không tiêu cực). Lạc thọ là cảm giác dễ chịu, khổ thọ là cảm giác khó chịu. Trong dễ chịu luôn có khó chịu và trong khó chịu có sự hiện diện cái dễ chịu. Khi thiền định, cảm thọ nào khởi lên mãnh liệt nhất thì ta lấy đó làm đề mục quán chiếu. Thực tập như thế thì tâm ta luôn luôn thanh thản trước mọi biến động, làm chủ bản thân trong mọi tình huống. Hãy lắng nghe và tập nhìn sự vật hiện tượng bằng sự tỉnh giác và chánh niệm. Quán chiếu cảm thọ để thấy lòng nhẹ tựa như mây, tĩnh lặng tựa như nước, khi đó ta mới làm chủ được tâm thức mà đón nhận một cuộc sống an nhiên, tự tại, hạnh phúc vô cùng.


Quán tâm: khi tâm khởi lên điều gì ta rõ biết điều ấy, nhận diện được sự biểu hiện của tâm thức. Tâm của chúng ta là dòng sông chảy xiết bất tận của các niệm sinh diệt. Nhưng tánh của tâm vẫn luôn luôn bất động, không sanh không diệt. Hãy nhận diện tự tánh của tâm với trạng thái an tĩnh, vô tác, trong sáng, lặng lẽ chiếu soi mà không dính mắc vào bất cứ gì cả.


Quán pháp trên các pháp: Có 5 triền cái khởi lên trong khi thiền tập. Năm triền cái ấy là: Tham dục; Sân hận; Hôn trầm-Thuỵ miên; Trạo cử-Hối quá; và Nghi ngờ. Năm triền cái ấy là năm thứ ngăn che, trói buộc tâm con người trong phiền não, tạo nhiều nghiệp, phải chịu sanh tử luân hồi.  Các triền cái này ngăn che trí tuệ khiến con người bị vô minh che mờ, không giác ngộ được. Khi loại trừ năm triền cái này hành giả sẽ làm sạch các cảm xúc thuộc thân và thuộc tâm ở dạng thô để dọn đường vào tầng thiền thứ nhất, cảm thọ trong giai đoạn này là hỷ lạc do ly dục sinh, thay cho cảm thọ về dục lạc, có đầy đủ năm thiền chi: tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm

Tầm: chọn đối tượng quán chiếu

Tứ: dán tâm vào đối tượng ấy

Hỷ: trong quá trình thực tập khởi lên niềm vui

Lạc: Đi sâu vào trong hỷ, niềm vui tĩnh lặng

Nhất tâm: đạt được trạng thái định tĩnh của thiền tập


Sau khi nói rõ về quán thân, thọ, tâm, pháp. Thầy Viện chủ khuyến tấn các hành giả hãy thực tập, tìm đạo ngay trong chính bản thân mình. Khi ấy ta sẽ rõ tường, hoàn thiện bản thân hơn, từ một kẻ phàm phu với đầy đủ tâm yêu, ghét, sợ, si, giận hờn, ham muốn… trải qua quá trình thanh lọc cảm thọ, các tâm lý xấu lắng dần, hướng con người đến chỗ thuần tịnh, giải thoát.

Kết thúc phát thoại chư hành giả đi khất thực và dùng cơm trong chánh niệm.




Chương trình buổi chiều sẽ được tiếp tục vào lúc 14 giờ với các thời: Sám hối, Thiền toạ và Tham vấn. 

Tin: Ngọc Ánh, Ảnh: Trung Lưu

Hình ảnh ghi nhận được trong khóa tu:

























Tin Tức Liên Quan