Khóa tu Sống Tỉnh Thức lần thứ 55 với pháp thoại “Con Đường Thiền Tập”

26/04/2021 5:12
Sáng 25/04/2021 (nhằm 14/03/ Tân Sửu), khóa tu Sống Tỉnh Thức lần thứ 55 đã trang nghiêm diễn ra tại Tu viện Khánh An với sự tham dự của hơn 300 hành giả.


Như thường lệ, khóa tu bắt đầu với thời khóa thiền hành vòng quanh Hồ Chuyển Hóa. Sau khi thiền hành xong, các hành giả được quý Thầy hướng dẫn ôn tụng năm giới quý báu và thiền tọa 30 phút trước khi bước vào thời gian pháp thoại.









Khóa tu lần này, Thầy Viện chủ đã hướng dẫn đại chúng bài học về “Con Đường Thiền Tập” Thiền, tên gọi đầy đủ là Thiền-na (tiếng Pali jhāna) nghĩa là:

- Tư duy, tĩnh lự (để tâm vào một đối tượng và chỉ một đối tượng đó mà thôi)

- Thiêu đốt: phiền não, tham – sân – si.

Nói một cách dễ hiểu, Thiền là lựa chọn một đối tượng thiện pháp rồi đặt tâm ý trên đối tượng ấy, khiến cho đốt cháy, thiêu hủy các ác pháp, cụ thể là các triền cái và các kiết sử phiền não.

Thiền gồm: Thiền định (Samatha bhavana), Thiền tuệ/quán (Vipassanā bhavana)

40 đề mục tu tập thiền định gồm:

- Nhóm 10 kasinas (biến xứ): đất, nước, lửa, gió, màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng, không gian, ánh sáng.

- Nhóm 10 asobhas (ô trược) là 10 trạng thái phân biệt của một tử thi vừa mới mất.

- Nhóm thứ ba gồm 10 đề mục là 10 pháp tùy niệm: niệm về ân đức Phật, ân đức Pháp, ân đức Tăng, niệm thí, niệm giới thanh tịnh, niệm thiên, niệm hơi thở vào – ra, niệm về cái chết, niệm về 32 thể trược, niệm về cảnh giới tịch tĩnh Niết Bàn.

- 10 đề mục cuối cùng: 4 tâm vô lượng: từ, bi, hỷ, xả; 4 cảnh giới vô sắc: không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ; quán chiếu về thức ăn; phân tích về 4 yếu tố: đất, nước, lửa, gió.

Tu tập thiền định giúp hành giả mang lại lợi lạc là giảm được phiền não và sẽ chứng được các tầng thiền.

Thế nhưng, để đoạn trừ phiền não, Thầy dạy chúng ta phải thực tập thiền tuệ (Vipassanā). Thiền tuệ gồm:

- Quán thân (hơi thở, oai nghi, tri giác, tứ đại, 32 thể trược, tử thi)

- Quán thọ (các cảm giác như lạc thọ, khổ thọ, không khổ không lạc thọ)

- Quán tâm (những diễn biến của tâm)

- Quán pháp (5 triền cái: tham dục, sân hận, hôn trầm – thụy miên, trạo hối, nghi ngờ)

Trong khi thực hành thiền định, hành giả bắt đầu điều phục thân và điều phục tâm. Lúc này, tâm bắt đầu đi vào trạng thái thiền định dần từ nông đến sâu qua năm cấp độ gọi là Năm thiền chi: tầm – tứ - hỷ - lạc – định

- Tầm: đặt tâm vào đối tượng

- Tứ: dán chặt tâm vào đối tượng

- Hỷ: niềm vui của thân

- Lạc: niềm vui thân & tâm

- Định: nhất tâm

Mỗi thiền chi có chức năng và nhiệm vụ để chế ngự, đoạn trừ mỗi triền cái tiêu biểu. Tầm chế ngự và đoạn trừ hôn trầm - thụy miên; tứ đoạn trừ nghi; hỷ đoạn trừ sân; lạc đoạn trừ trạo hối và nhất tâm đoạn trừ tham dục.






Buổi chiều, sau giờ sám hối và tọa thiền, Thầy dành thời gian pháp đàm nhằm giải đáp những thắc mắc của quý hành giả còn vướng trong quá trình tu tập.






Cô Thanh Trúc (PD: Diệu Mai) nhờ Thầy giải đáp cho cô 3 câu hỏi:

1/ Thiền có hai đối tượng là thân & tâm? Vậy tâm là gì?

2/ Thấy biết như thật được hiểu như thế nào?

3/ Thiền trong đời sống hàng ngày bao gồm những hành động như đi – đứng – nằm – ngồi. Như vậy, thiền nằm có đối trị được chứng mất ngủ không?

Cô An Đức (Đồng Nai) thắc mắc vô tướng, vô tác là như thế nào?

Chú Minh Huệ (PD: Nhuận Trí) đang phân vân giữa việc nên tu tập theo thiền chỉ hay thiền quán hay là chỉ - quán song tu như các Tổ đã dạy?


Bác Khánh Minh Trí đặt câu hỏi rằng, trong lúc thiền bác hay cảm thấy nóng trong người và sau đó buồn ngủ. Nhờ Thầy hướng dẫn phương pháp đối trị vấn đề này?

Chị Cát Anh (PD: Diệu Trang) nhờ Thầy hướng dẫn cho chị cũng như toàn thể đại chúng biết được phương pháp thực tập nào để hạn chế phiền não trong quá khứ khi những kí ức không đẹp ùa về?

Từng câu hỏi được Thầy Viện chủ giải đáp cụ thể, rõ ràng khiến toàn thể đại chúng đều hoan hỷ.

17h, khóa tu kết thúc viên mãn.


Ngọc Ánh


Một Số Hình Ảnh Ghi Nhận:
















Tin Tức Liên Quan