Pháp thoại: "Nhịp Mõ Trầm Hùng"

6/04/2020 1:47
Tiếp nối bài học về việc sử dụng pháp khí trong nhà thiền, tối ngày 03/04/2020, tại Pháp đường Chánh Niệm, Thầy Viện chủ đã hướng dẫn đại chúng cách thỉnh mõ như thế nào để giữ cho nhịp tụng được đều, tạo không khí trang nghiêm thanh tịnh, chí thành trong một thời kinh.


Ở bài học trước, Thầy có dạy, người thỉnh chuông gia trì được gọi là duy na và trong bài học hôm nay thầy nói người thỉnh mõ được gọi là duyệt chúng nghĩa là dẫn dắt đại chúng tụng kinh mang lại niềm vui, niềm hoan hỷ tự nội.


Vậy “mõ” có ý nghĩa gì?

Để ý kỹ, chiếc mõ được khắc theo hình con cá. Con cá nhắc chúng ta:

Thứ nhất, cá sống trong nước và nước là biểu tượng của ái dục, của sanh tử luân hồi. Ái là gốc của khổ đau mà con người phải gánh chịu; chính ta tự gánh chịu cái khổ đau xuất phát từ nơi bản thân mình, do chính mình tự tạo nghiệp, tự lãnh chịu quả báo và tự mình trôi lăn trong luân hồi. Chính tự thân mỗi người, ngay từ khi sinh ra, ai cũng mang ái dục, vì thế cái ái nằm sẵn trong tâm can, máu huyết, trong tàng thức của mỗi người.


Thế giới này do duyên sinh, con người từ trong quá khứ đã tạo biết bao nghiệp báo, mà cứ mỗi nghiệp chính là một nét vẽ, một vết mực điểm tô dần dần để hoàn thành bức tranh cho cuộc đời của họ ở đời sau. Một lời nói thiện vừa thốt ra thì lập tức một niềm vui đã hình thành và ngược lại, một hành vi ác vừa thực hiện xong thì Luật Nghiệp Quả vô hình cũng lập tức kiến tạo một nỗi khổ để sắp đặt cho họ phải thọ lãnh ở đời sau. Do đó bao nhiêu hạnh phúc, khổ đau, cay đắng hay vinh quang đều đã được hình thành xong từ kiếp trước. Thế nhưng, nghiệp báo chúng sinh có thể chuyển biến, chuyển nghiệp có nghĩa là chuyên làm việc thiện và tránh xa điều ác, nếu ta không chịu tu tập thì cho dù phải trải qua hàng nghìn, hàng triệu năm ta vẫn còn bám víu vào sợi dây của cõi sanh tử luân hồi. 



Thứ hai, con cá là biểu tượng của sự tỉnh thức. Bởi vì cá ngủ rất ít, đây cũng là bài học cho mỗi chúng ta, ta càng tỉnh thức thì nguồn tâm càng thanh tịnh, càng có sự bình an vững chãi hơn, càng làm chủ tâm mình tốt hơn, cuộc sống nhờ đó mà an lành và bình yên hơn. 

Thứ ba, cá luôn đi theo bầy đàn, điều này nhắc nhở chúng ta sống trong tinh thần hòa hợp, không phân biệt, kì thị. Trong cuộc sống, khi đã mất đi sự hòa khí, và thường xuyên xảy ra bất hòa với nhau thì nơi ấy sẽ trở thành địa ngục chốn trần gian. Sự bất hòa là đầu mối đưa đến xung đột đổ vỡ trong cuộc sống, là u nhọt cần phải cắt bỏ đi nếu chúng ta không muốn đưa đến đổ vỡ chia lìa, tan rã. Trong Tăng thân, nếu muốn duy trì cuộc sống vô sự thì trước hết phải vô hiệu hóa bản ngã cá nhân qua việc tự kính trọng mình và kính trọng mọi người xung quanh, phát triển lòng từ đối với chính mình cùng mọi người. Có như vậy mọi sự ái kính mới được phát triển và cuộc sống tập thể mới mong trở nên an lạc và hạnh phúc. Đức Phật dạy có sáu pháp để mang lại sự hòa hợp


  1. Thân hòa đồng trụ: hằng ngày chung sống với nhau trong một tổ chức thì thường nên chiếu cố giúp đỡ lẫn nhau, không mang sự tỵ hiềm, ganh ghét mà đối xử với nhau

  2. Khẩu hòa vô tránh: khi giao tiếp chỉ bảo qua ngôn ngữ, lời nói nên thể hiện tinh thần khuyến khích khuyên bảo cùng nhau làm thiện, dứt trừ làm ác, tập sống nếp sống tĩnh lặng, khi lỡ có bất cứ sự va chạm nào thì người trí luôn biết cách quay lại tự soi sáng bản thân mình mà không nên truy tìm lỗi sai từ người khác

  3. Ý hòa đồng duyệt: tôn trọng và ái kính ý kiến người khác, nếu tư tưởng ý kiến đó là đúng, còn nếu không thì cùng nhau bàn bạc đến quyết định cuối cùng và vui vẻ chấp nhận.

  4. Kiến hòa đồng giải: “kiến” có nghĩa là “thấy”, mỗi người có một cái thấy khác nhau và đưa cái “thấy” đó ra để cùng nhau giải quyết, cùng nhau sống hòa hợp thanh tịnh.

  5. Giới hòa đồng tu: giới của Phật chế ra để chúng ta giữ mà sống cho hòa đồng, vì thế mỗi cá nhân lúc nào cũng nên tuân thủ, cùng nhau tu tập theo lời Đức Phật dạy.

  6. Lợi hòa đồng quân: tất cả mọi thứ của cải vật chất có được từ sự hỷ cúng của đàn na tín nên được chia đều cho nhau một cách bình đẳng.




Tăng thân có vững mạnh hay không, chúng sống có hòa hợp hay không đều nằm ở chữ hòa. Vì thế, Pháp Lục hòa được Đức Đạo sư chỉ dạy cặn kẽ cho các đệ tử của Ngài, từ tại gia đến xuất gia qua việc tịnh hóa ba nghiệp thân - khẩu - ý của mỗi cá nhân và giải quyết mọi ràng buộc trong sinh hoạt hằng ngày. Đây` là nếp sống căn bản trong việc hướng dẫn, dìu dắt nhau tiến về đạo quả giải thoát.

Nếu biết lắng nghe nhau, tập sống chung an lạc thì ta mới có thể hòa hợp được. Thực tập nếp sống vô ngã cho thuần thục thì khổ đau sẽ không còn cơ hội hiện hữu.


Thứ tư, con cá luôn bơi ngược dòng là hình ảnh sống động biểu trưng cho việc người tu đang đi ngược với dòng đời, ngược với sanh tử luân hồi, chống lại những ham muốn, ái nhiễm, thói quen hằng ngày. Chỉ khi nếm trải đủ sự khó khăn, đặt bàn chân đạp lên mọi chông gai, thử thách thì con người ta mới trưởng thành hơn. Đường đi dễ dàng là đang xuống dốc, khó khăn là bởi vì ta đang lên dốc. Khổ mới là nhân sinh; mệt mỏi mới là công việc; biến hóa mới là vận mệnh; nhẫn nhịn mới là từng trải; cho đi mới là trí tuệ; tĩnh lại mới là tu dưỡng; buông bỏ mới chính là đạt được.

Sau bài pháp ngắn nói về ý nghĩa của cái mõ, Thầy hướng dẫn đại chúng thực hành. Kết thúc buổi học, ai nấy cũng đều hoan hỷ.


Tin: Lệ Ánh, ảnh: Trung Nhuận


Tin Tức Liên Quan