Gia tài Thầy truyền trao

27/06/2021 11:48
Mỗi sáng thức dậy, con bước đến đưa tay lấy cái bật lửa được đặt ở góc bàn học rồi cẩn trọng thắp lên ngọn đèn dầu, giữa không gian vắng lặng ánh đèn khởi sáng cũng là lúc khởi đầu một ngày mới tu học.



Cây đèn dầu được con bắt gặp trong khi dọn dẹp trên Phật Đường, vì bị rỉ sét và không còn được sử dụng nên đã mang xuống tái chế. Từ đó, sáng tối ngọn đèn dầu được thắp lên như thắp ngọn đèn tỉnh thức trong tim, nhắc nhở con đưa tâm trở về với hiện tại, nhìn sâu vào các ngõ ngách tâm tư mình để thấy rõ có đang dãi đãi, biến nhác; có đang ganh tỵ, hiềm hận; có đang si mê tham ái hay có đang đắm chìm trong không gian mạng mà rời bỏ hiện tại. Vì từ đầu đã có “ước hẹn” với Bụt là mỗi khi ngồi lại nơi Góc Ngồi Yên này, có ánh đèn, có Bụt con sẽ thực tập dừng lại, thôi thích ý rong chơi để có mặt cho Bụt và cho chính con. Nhưng Bụt ơi! cũng lắm lúc con nào có thật sự dừng lại mà trôi lăn trong những dòng chảy suy tư, phiền muộn, con còn vụng tu lắm phải không Bụt?

3h45 phút con nhẹ nhàng mở cửa phòng, rồi bước ra trước nhà tăng thỉnh chuông thức chúng. Như đã thuần thục, trước khi thỉnh chuông con đứng trang nghiêm, xá xuống rồi cằm lấy dùi chuông trên tay hít thở 3 hơi thật chậm, sâu và thực tập bài kệ :

Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe

Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm.

Tiếng chuông được thỉnh lên vang vọng khắp cùng tu viện, đi vào hết thảy các phòng xá, đánh thức tăng chúng thức dậy để chuẩn bị thời công phu khuya. Tiếp nối hồi chuông báo chúng là tiếng chuông đại hồng, lúc đó ai cũng phải bật dậy nghe chuông. Với con khi còn mới về tập sự, đây là “cuộc chiến” giữa cơn buồn ngủ và thức dậy, thật hổ thẹn vì con phần nhiều là thua cuộc. Chắc có lẽ vì đó mà sau này con được Tăng sai làm Tri chung, phải luôn đặt báo thức và thức dậy đúng giờ để thỉnh chuông nên bây giờ con đã vượt thắng được tập khí mê ngủ của mình.

Được trở về thực tập nếp sống thiền môn, lắm lúc con gục mặt xấu hổ như một cậu thiếu niên tuổi mới lớn khi mắc lỗi, cũng có khi thể hiện bản thân như chàng thanh niên tuổi đôi mươi đầy nhiệt huyết mà ngây ngô. Nhờ sự soi sáng của Tăng thân và chỉ dạy của Thầy tất cả những tập khí đã chất chứa trong đời sống thế tục bấy lâu được đem ra phơi bày, nhận diện một cách sâu sắc để con tu tập chuyển hóa trở thành chất liệu nuôi dưỡng tâm bồ đề nơi con.



Có lẽ người xuất gia trẻ ai cũng muốn trở trở thành như một cây Bonsai được uốn nắn; như đôi cánh đại bàng lao vào đương đầu với bão tố; như cây tre siêng rễ vươn mình đứng vững không ngại đất sỏi. Thời gian tu tập con đã được học hỏi, chiêm nghiệm về hạnh nguyện của liệt vị tổ sư trải qua hơn 2000 năm đạo Phật bước qua những thăng trầm, biến động để những giá trị thánh thiện sáng ngời được gìn giữ và đi vào đời sống dân tộc Việt, giúp con thấu hiểu vẻ đẹp tuyệt diệu của cây bomsai không phải một sớm một chiều mà có được, chim đại bàng đã bao nhiêu lần thất bại mới rèn luyện được đôi cánh mạnh mẽ và cây tre dành hơn 4 năm đầu phát triển bộ rễ vững mạnh trước, tre cũng không mọc riêng mà mọc thành từng lũy nhờ đó đứng trước giông bão nhưng vẫn hiên ngang kiên cường. Người tu trẻ cũng vậy, cần tinh chuyên giới luật, hạ thủ công phu, tham thiền học đạo cho đến khi đạo lực vững chãi với lòng bi mẫn nguyện dấn thân vào cuộc đời.

Mùa an cư đến, tiếng chuông vang lên thì tất cả đại chúng đều có mặt để tham dự thời khóa đầy đủ, các việc chấp tác, học tập, Phật sự,… được tiết giảm để có thêm thời giờ công phu, hành trì. Một tháng an cư đã trôi qua, trong con có bao điều muốn nói, dòng chảy tâm thức của hai mặt xúc cảm đang cuồn cuồn tuôn chảy, có lúc lòng con nhẹ bỗng như áng mây giữa trời, cũng có lúc nặng trĩu với bao nỗi ưu tư. Mỗi ngày con được “tắm” mình trong giáo pháp, dành nhiều thời gian hơn để thực tập thiền tọa, được Thầy giảng dạy chuyên sâu hơn về kinh điển, thiền học, tinh cần tham dự các buổi pháp đàm, trau dồi giới luật. Khoảng thời gian thấm đẫm trong tình thương của Thầy sự nâng đỡ của Tăng thân, đã giúp con chạm được sự tĩnh lặng đích thực trong tâm hồn.




Nhưng Thầy ơi! lòng con nặng trĩu mỗi khi nghĩ về thế giới ngoài kia, hai mặt thực tại sao mà đối nghịch khắc nghiệt đến vậy. Con được vui sống trong chốn thiền môn có gió mát trăng thanh, mây bay hoa cười, cánh én chiều buông đâu đâu cũng là điệu kiện hạnh phúc để con được tiếp xúc mỗi phút giây. Âý vậy mà, bên ngoài dịch bệnh khắp các nẻo nông thôn, phố thị, lòng người sống trong lo lắng, bất an, nụ cười đang dần tắt khi mỗi ngày ca nhiễm bệnh tăng cao, ủ ngầm trong lòng xã hội, mọi diễn biến đã khó hơn rất nhiều. Chiều về khi rảo bước trước sân nhìn thấy cánh cổng khép lại, cổng đóng để ngăn dịch cũng chính là ngăn bước chân trở về chốn bình yên của Phật tử. Con lại ngủi lòng.

Đã bao lần Thầy dạy chúng con cách điềm nhiên trước những nghịch duyên, biến động, trở về nương tựa hải đảo tự thân. Con đã cố gắng thực tập theo lời Thầy nhưng mà con chỉ mới là “đứa trẻ”, chập chững trên đường đạo nên còn khóc, còn cười, còn muốn dùi đầu vào lòng Thầy để được chở che.


Khi trời ửng sáng, Thầy thường an nhiên ngồi thưởng trà nơi thất Vô Sự, Thầy uống trà uống luôn cái thi vị của thiên nhiên, đất trời. Thầy có nhiều niềm vui khi ngắm nhìn cảnh vật ngoài khu vườn Che Chở có sắc duyên chiếc lá lộc vừng, thoảng hương trái thị chín vàng, ngân vang tiếng chuông vươn gió, nhất là khi Thầy cho mấy chú sóc đáng yêu ăn quả rồi lặng lẽ ngồi hun khói nào là lá xả, vỏ bưởi, gừng, phật thủ… Khoảng không gian yên tĩnh, mùi thiền hương quê; mùi của thi ca; mùi của cốt cách thanh cao thắm đẫm trong tâm hồn người.


Con biết là Thầy luôn có mặt đó cho chúng con, nên sau giờ ăn sáng con thường lọ mọ lên xin được hầu trà Thầy. Con thích được ngồi bẹt dưới chân Thầy như một đứa trẻ hồn nhiên ngồi trong đòn gánh của cha, chỉ vậy thôi cũng đủ làm con hạnh phúc cả ngày. Thời điểm dịch bệnh, Thầy thường xuyên nhắc nhở chúng con phải cẩn trọng và chăm sóc sức khỏe cho tốt. Ngồi nghe Thầy kể về những khó khăn, gian nan mà xã hội đang gặp phải, những mảnh đời bất hạnh kế sinh nhai đã khó giờ đây càng phải chật vật mỗi ngày để lo cái ăn trong thời buổi giãn cách xã hội,… Ẩn sâu trong ánh mắt là bao nỗi trăn trở của một người Thầy cả một đời thắp sáng ngọn đèn trí tuệ soi đường, chỉ lối cho chúng con, tiếp nhận nguồn suối yêu thương từ Thầy giúp chúng con cảm thấy nhẹ nhõm, vơi bớt những nóng bức trong lòng.

Giờ đây:

“Vạn sự nước xuôi nước
Trăm năm lòng ngỏ lòng
Tựa lan nâng sáo thổi
Trăng sáng đầy cõi tâm.”

Trung Nhuận

Tin Tức Liên Quan