6h, hành giả đã tập hợp gần như đầy đủ. Tất cả các hành giả tham dự được sinh hoạt về những nguyên tắc trong khi tu tập và dùng sáng trong chánh niệm. Khóa tu “Sống Tỉnh Thức” lần này không mang tính chất gò bó. Mỗi hành giả đều có thời gian thư giản, thảnh thơi, hít thở những làn gió tươi mát, được nghe tiếng chim hót, ngắm nhìn những bông hoa thật tươi và tận hưởng sự màu nhiệm của sự sống ngay tại Tu viện. “Tiếng chuông chánh niệm” cũng đã được áp dụng trong chương trình tu tập, nhằm giúp hành giả thực tập lắng nghe “Tiếng chuông chánh niệm” để đưa về nhất tâm.
7h30, Toàn thể hội chúng được tập hát thiền ca. Giọng hát của sư cô Chơn Tịnh da diết, ngọt ngào như lời ru của mẹ. Cả hội chúng đều lắng lòng để nghe những lời thiền ca êm ả, trầm bỏng du dương từ giọng hát của sư cô. Một số vị hành giả mới dự lần đầu đã hết sức ngạc nhiên, tại sao trong khoá tu lại được hát, một số hành giả khác đã phải xúc động rưng rưng nước mắt và có cảm tưởng rằng mình đang thực sự hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại, để lại sau lưng những bộn bề lo toan của kiếp mưu sinh. Một số hành giả khác như đang chiêm nghiệm lời thiền ca: “Phật là vầng trăng mát, ngang qua trời thái không, hồ tâm chúng sanh lặng, trăng hiện bóng trong ngần”. Có lẽ hành giả đã cảm được rằng chỉ cần ngồi thở thôi ta đã hạnh phúc, thân tâm mình sẽ được tĩnh lặng như mặt hồ thu buổi sáng và tự thân sẽ thoát khỏi được những tri giác sai lầm đã tạo nên khổ đau trong cuộc sống của mình.
8h30, đạo tràng khóa tu “Sống Tỉnh Thức” cung nghinh thầy viện chủ Tu viện quan lâm Pháp đường Chánh niệm. Khóa tu lần này Thầy viện chủ giảng với chủ đề “Chánh niệm trong công việc và dưỡng thân”.Theo Thầy: “Chúng ta trưởng thành, bước chân vào đời với những công việc và hướng đi khác nhau. Ai cũng muốn đạt được những kết quả tốt nhất. Như công việc của bác nông phu là trồng lúa, phải trồng làm sao để đạt được năng xuất cao nhất. Công việc của người thầy là dạy làm sao để những người học trò của mình trở thành người tài và có ích cho xã hội. Công việc của một bác sĩ là đem hết sức mình để chữa cho bệnh nhân được lành bệnh… Để hoàn thành tốt công việc của mình, chắc hẳn mỗi người sẽ có những giải pháp khác nhau. Nhưng họ đều có mẫu số chung là tôi sẽ cố gắng. Thuật ngữ nhà Phật gọi là tinh tấn, nỗ lực làm việc tốt là chánh tinh tấn, nỗ lực làm việc tiêu cực là tà tinh tấn. Trong cuộc sống mỗi người đều có nghề nghiệp để mưu sinh, nghề nghiệp đem lại lợi ích cho cuộc sống được gọi là chánh mạng. Nghề nghiệp hướng hạ đem lại tổn hại cho sự sống gọi là tà mạng. Nếu nhìn từ gốc độ hiện tượng của nghề nghiệp ta chưa thể kết luận chính xác đó là chánh mạng hay tà mạng. Để nhìn cho đúng và sâu sắc, như lời Phật dạy, ta phải nhìn sâu vào tâm thức của mỗi người. Đánh giá như vậy chúng ta mới nhận định đúng đâu mới là chánh mạng, đâu mới là tà mạng. Trong xã hội ngày nay, phần nhiều chúng ta tiêu thụ thực phẩm mang rất nhiều độc tố. Vì lợi nhuận mà người ta bất chấp thủ đoạn, tạo ra biết bao sản phẩm gây hại cho sức khỏe và môi trường sống. Nếu ai cũng như thế thì vô hình chung, chúng ta đang tự giết hại lẫn nhau. Đức Phật dạy trong cuộc sống phải lợi mình, lợi người, lợi cả môi trường xung quanh, đừng vì mục đích lợi nhuận mà bất chấp thủ đoạn. Chúng ta cần có sự quán chiếu cho sâu sắc, phải có chánh kiến, chánh tư duy để nhìn cho thật rõ tác hại cuộc sống do chúng ta tạo ra”.
Sau đó, Thầy lại cho biết: “Mỗi chúng ta chỉ có một thân thể, chúng ta phải biết trân quý thân thể này. Trong cuộc sống, chúng ta thường trân quý tài sản nhưng tài sản mất đi vẫn còn có thể kiếm lại được. Nếu thân thể mất đi rồi thì không thể nào có được cái thứ hai. Tâm và thân này là sự sống của mình và nó được biểu hiện qua sáu quan năng đó là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân,ý. Trong đó, ý là quan trọng nhất, khôn hay dạy, cao quý hay bần tiện là nằm ở ý. Do đó, ta cần phải ý thức rằng đầy đủ sáu căn là một phước đức lớn của mình. Trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ, đa số chúng ta sống bằng cảm xúc là chính. Mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi…đều gợi lên những cảm xúc. Đặc biệt là ăn, chúng ta thường đặt nặng yếu tố cảm xúc trong đó. Chúng ta thường thích ăn những món ăn ngon, vật lạ mà bất chấp nó có độc hay không và cho dù có độc ta vẫn cứ ăn. Chỉ vì thỏa mãn ý thích ăn uống của mình, ăn không biết đều tiết, cứ để trôi theo cảm xúc thì đó là mối họa cho thân và tâm. Cho nên khi ăn, chúng ta nên chọn những thức ăn ngon lành. Nhờ "ngon" nên thân hấp thụ được nhiều dưỡng tố, nhờ "lành" tâm tiếp nhận được nhiều năng lượng an bình. Ăn như thế nào để đảm bảo cuộc sống không bị tổn thương và thân tâm mình nhẹ nhàng an lạc. Chúng ta không chỉ ăn bằng miệng mà hằng ngày chúng ta cũng ăn bằng mắt, ăn bằng tai, ăn bằng mũi, ăn bằng sự xúc chạm và ăn bằng ý. Chúng ta cần có sự lựa chọn để đưa những thức ăn từ thế giới bên ngoài vào tâm thức mình thông qua sáu quan năng. Nếu không khéo lâu ngày, mình sẽ hình thành nên tích cách xấu ác, tệ hại lúc nào không hay. Đến lúc đó muốn thay đổi nó là một đều vô cùng khó khăn. Nhưng những tập khí xấu đó vẫn có thể thay đổi được và tính cách của chúng ta sẽ tốt hơn nếu chúng ta nỗ lực cố gắng thay đổi. Đừng đổ thừa “tại hay bị”, “tại hay bị” chỉ là cái cớ của chúng ta. Nếu chúng ta có ý chí, có nghị lực quyết tâm thì chúng ta sẽ có giải pháp và không việc gì không làm được. Không có ý chí thì viện đủ lý do cho tính buông xuôi của mình. Và cuối cùng Thầy nhắn nhủ với tất cả hành giả: “Trong cuộc sống, chúng ta đã có rất nhiều niềm vui, hạnh phúc và mỗi chúng ta phải trân quý những giây phút mầu nhiệm đó. Nếu chúng ta không trân quý, một khi đã đi qua rồi thì không bao giờ có cơ hội tìm lại được. Cho nên mình phải sống cho sâu sắc và thảnh thơi để thấy được những giá trị của cuộc sống trong từng khoảnh khắc. Thầy mong muốn trong mỗi chúng ta, với việc làm chánh đáng, lời nói ngay thẳng, bằng nghị lực phi thường sẽ cho chúng ta một cuộc sống đầy hạnh phúc và sự vĩ đại của một con người là sự cải tạo tâm thức của mình”.
10h, Toàn thể đạo tràng tham gia khóa lễ sám hối.
11h, Tất cả hành giả được dùng cơm trưa. Có lẽ đã trải ba bốn khóa tu “Sống Tỉnh Thức”, hành giả đã thực tập được phương pháp ăn trong chánh niệm và quán chiếu sâu sắc trong khi ăn. Nên trong khóa tu lần này, hành giả ăn có phần chậm rãi, thảnh thơi khi ăn và có sự thực tập quán chiếu để tiếp xúc được với những năng lượng mầu nhiệm của sự sống trong từng muỗng cơm của mình.
14h, Toàn thể đạo tràng ngồi thiền. Bằng phương pháp quán niệm hơi thở đã được Thầy Viện chủ hướng dẫn. Mỗi hành giả đã có cơ hội đưa tâm về với thân và lấy hơi thở làm đối tượng quán chiếu. Nhìn vào hội chúng, rất nhiều hạnh giả toát lên vẻ an lạc trên khuôn mặt. Có lẽ, hành giả đang tận hưởng niềm hạnh phúc, hỷ lạc khi thực tập quán chiếu hơi thở.
15h, Hành giả tham gia vào giờ Tham vấn. Những câu hỏi đưa ra xung quanh vấn đề tu tập, những vướng mắc khổ đau trong cuộc sống như: phương pháp quán niệm hơi thở có lợi ích thiết thực gì trong cuộc sống hằng ngày, làm thế nào để ngăn những chất độc bên ngoài vào tâm trí mình và người thân của mình nhất là trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay và làm thế nào để cuộc sống của mình, người thân mình được hạnh phúc… Các câu hỏi nêu ra được Thầy viện chủ trả lời hết sức sâu sắc và mang tính ứng dụng tu tập cho hành giả.
16h30. Toàn thể đạo tràng được chụp hình lưu niệm và dùng cơm chiều.
17h, khóa tu kết thúc viên mãn trong niềm hân hoan của hành giả tham dự khóa tu “Sống Tỉnh Thức”.
Tin: Trung Nhã, ảnh: Trung Pháp
Một số hình ảnh ghi nhận: