Vạn Giới Duy Về Tâm Địa Giới

25/04/2018 11:19
“Giới luật là thọ mạng Phật pháp, Giới luật còn là Phật pháp còn”. Vì thế cho nên trong kinh Di giáo, lúc sắp nhập Niết bàn, đức Phật đã ân cần tha thiết dặn dò các đệ tử : “Này các thầy Tỳ-kheo, sau khi ta diệt độ, các thầy phải trân trọng, tôn kính tịnh giới, như người mù mà được mắt sáng, người nghèo được của báu. Phải biết tịnh giới là đức thầy cao cả của các thầy. Nếu ta ở đời thì cũng không khác gì tịnh giới ấy…”.

Trong tam vô lậu học - Giới-Định-Tuệ, Giới là nền tảng của thiền định và trí tuệ. Nhờ giới, tâm mới định, tâm có định, tuệ mới phát sanh, tuệ có phát sanh mới trừ dứt được vô minh, phiền não, vô minh phiền não có dứt trừ thì mới thấy được bản nguyên của vạn hữu. Nhóm Giới tạo thành tăng thượng giới học, nhóm Định tạo thành tăng thượng tâm học và nhóm Tuệ tạo thành tăng thượng tuệ học. Mỗi phần trong Tam học này phát triển tùy thuộc phần trước nó và hỗ trợ cho phần sau nó. Giới học cung cấp nền tảng cơ bản cho Định, bởi vì sự ổn định tâm chỉ có thể được thiết lập khi những động lực thúc đẩy việc phạm giới được kiểm soát và chế ngự. Định cung cấp nền tảng cơ bản cho Tuệ vì sự nhận thức trong sáng về bản chất thực của mọi hiện tượng đòi hỏi phải có sự thanh tịnh và hợp nhất của tâm. Như đức Phật dạy: “Hãy tu tập Định, này các Tỳ khưu, người có Định sẽ tuệ tri các pháp đúng như chúng thực sự là”. Trí tuệ đạt đến tột đỉnh của nó trong bốn đạo và bốn quả. Chính Tuệ này bứng gốc các lớp phiền não và đưa đến sự giải thoát tối hậu khỏi mọi khổ ách.

Nói đến tầm quan trọng của Giới, trong Trường Bộ Kinh, Đức Phật đã dặn dò Ngài Ananda như sau: "Này Ananda , Pháp và Luật Ta đã giảng dạy và trình bày. Sau khi Ta diệt độ, Chánh Pháp và Giới Luật ấy sẽ là Đạo Sư của các ngươi". Trong kinh Tăng Chi, Tôn giả Upali đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Ngài, rồi ngồi xuống một bên và bạch: “Bạch Thế Tôn, dựa vào những nền tảng nào mà Như Lai đã thiết lập các học pháp cho đệ tử của Ngài và đọc tụng giới bổn Patimokkha?

Này Upali, Như Lai dựa trên mười nền tảng để thiết lập các học pháp cho các đệ tử và đọc tụng giới bổn Patimokkha. Thế nào là mười? (1) để Tăng chúng được an vui; (2) để Tăng chúng được thoải mái; (3) để kiểm soát những người cứng đầu khó dạy; (4) để cho các Tỳ kheo tốt có thể sống an ổn; (5) để chế ngự các cấu uế trong hiện tại; (6) để loại trừ các cấu uế trong tương lai; (7) để đem lại lòng tin cho những kẻ chưa có đức tin; (8) để tăng trưởng lòng tin cho những người đã có đức tin; (9) để diệu pháp tiếp tục tồn tại; và (10) để cổ xúy cho giới Luật. Như Lai đã dựa trên mười nền tảng này để thiết lập các học pháp cho các đệ tử và đọc tụng giới bổn Patimokha.”

Ngài Thế Thân, vị tổ của trường phái Duy Thức cũng nói về tầm quan trọng của giới luật trong đời sống tu tập của mỗi hành giả: “Giống như một hồ nước trong, mát mẻ được bao bọc bởi bờ đê tránh sự tràn nước ra ngoài và một hàng rào chắn ngăn sự xâm nhập của trâu bò làm vẩn đục nước. Cũng như vậy, nguồn nước Trí tuệ cũng phải được bảo vệ bởi bờ đê, đê ở đây chính là Định và hàng rào bên ngoài chính là Giới ngăn giặc phiền não từ bên ngoài vào làm vẩn đục nguồn nước Trí tuệ.”

Như vậy Luật không thể tách rời Pháp. Luật là một phần Giáo Pháp của Đức Phật Thích Ca để lại. Ngài cũng đã để lại lời di chúc khẩn thiết trước khi nhập Niết Bàn: "Sau khi ta diệt độ, các người tu hành phải tôn kính Giới Luật làm Thầy; dầu ta còn tại thế để dạy dỗ các người mấy ngàn đời đi nữa, ta cũng không thêm điều nào ngoài Giới Luật".

Tùy theo đối tượng mà học giới của Phật có khác nhau như: 5 giới của hàng cư sĩ, 10 giới sa di, 250 giới của Tỳ kheo...Nhưng suy cho cùng giới của chư Phật cũng chỉ gom về một giới, đó chính là “tâm địa giới” như kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới đã dạy. Tâm địa giới ở đây chính là Chánh Niệm. Chánh Niệm là nền tảng của tất cả thiện pháp, nền tảng của Định và Tuệ. Ngài Gandhasarabhivamso có định nghĩa về Chánh niệm trong kinh Đại Niệm Xứ (Mahasatipatthana) như sau: “ Sati nghĩa là Niệm, cụm từ Patthana dịch là “vào thiết lập” có nghĩa là sự tác ý tập trung một cách liên tục, như vậy “Satipatthana” có ý nghĩa là sự ghi nhớ biết, suy xét biết hay quán xét biết có sự tác ý tập trung một cách liên tục để thấy được tánh sanh diệt của các pháp và luôn luôn xả ly nó. Đó mới thực sự là ý nghĩa của Chánh Niệm và cụm từ Satipatthana trình bày trong kinh Đại Niệm Xứ.”

Đệ tử Phật không chỉ hành trì giới luật nằm ở những con số, một người không phạm giới đều đó không có nghĩa là họ thực sự giữ giới, trong hoàn cảnh đáng lẽ ra phải phạm giới mà họ giữ được giới mới thực sự là người giữ giới. Nhưng đó chỉ là giữ giới ở tầm trung, còn giữ giới ở tầm cao là mọi cử chỉ hành vi luôn luôn trong Chánh Niệm. Hình ảnh một người sống Chánh Niệm chính là hình ảnh gần giống với Phật nhất. Trong Tứ Thanh Tịnh Giới ngoài “biệt biệt giải thoát thu thúc giới”, “Thanh tịnh sinh mạng giới”, “quán tưởng thọ dụng tứ vật dụng giới”, Phật dạy “Thu thúc lục căn giới” là giới quan trọng của ba đời chư Phật.  Kinh Trung Bộ Phật dạy: “Khi mắt thấy sắc, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng; những nguyên nhân gì do đó mà nhãn căn không được chế ngự khiến cho tham ái, ưu bi, các bất thiện pháp khởi lên, vị ấy chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, thực hành sự hộ trì nhãn căn....”

Trong pháp tác thành một Samôn, kinh Sa Môn Quả Phật dạy: (1) Hạnh đầu đà, (2) Thu thúc lục căn, (3) Tuân thủ giữ gìn giới luật, (4) Tiến tu chỉ tịnh, (5) Thực hành Minh Sát Tuệ, đạt Trí tuệ, đắc giải thoát và giải thoát tri kiến, Phật  đã nhấn mạnh tầm quan trọng của giới luật. Hay trong bảy điều kiện để hòa hợp Tăng chúng trong kinh Tăng Chi Bộ, Phật cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của giới luật và luật lệ của Tăng đoàn. “Thế Tôn nói với các Tỳ Kheo: Này các Tỳ kheo ta sẽ giảng cho các thầy bảy nguyên tắc để không bị suy tàn. Hãy chú tâm lắng nghe ta sẽ giảng.

Và này các Tỳ kheo, thế nào là bảy nguyên tắc để không bị suy tàn?

(1) Bao lâu mà các Tỳ kheo thường hội họp, và tổ chức các buổi hội họp thường xuyên, thì họ sẽ được phát triển và không suy tàn.

(2) Bao lâu mà các Tỳ kheo hội họp trong sự hòa hợp, giải tán trong sự hòa hợp, và tiếp tục công việc của Tăng đoàn trong sự hòa hợp, thì họ sẽ được phát triển, không bị suy tàn.

(3) Bao lâu những Tỳ kheo không làm những gì luật lệ không cho phép và không hủy bỏ những gì luật lệ đã cho phép, họ tiến hành theo các học pháp mà họ đã được phép làm, thì họ sẽ được phát triển không bị suy tàn.

(4) Bao lâu các vị Tỳ kheo vinh danh, kính trọng, tôn sùng và đảnh lễ các bậc Tỳ kheo trưởng lão, thâm niên, cao tuổi hạ, là các bậc cha và người hướng dẫn của Tăng chúng, và xem những vị này xứng đáng được lắng nghe, thì họ sẽ được phát triển và không bị suy tàn.

(5) Bao lâu các Tỳ kheo không bị chi phối bởi tham ái khởi sinh, đưa đến hình thành một đời sống khác, thì họ sẽ được phát triển không vị suy tàn.

(6) Bao lâu các Tỳ kheo vẫn chú tâm đến việc cư trú trong rừng, thì họ sẽ được phát triển không vị suy tàn.

(7) Bao lâu các Tỳ kheo mỗi người tự mình thiết lập chánh niệm, khiến các bạn đồng tu có giới hạnh chưa đến sẽ đến trong tương lai, và những vị đồng tu có giới hạnh đã đến có thể sống an lạc ở đây, thì họ sẽ được phát triển không vị suy tàn.

Này các Tỳ kheo, bao lâu mà bảy nguyên tắc để không bị suy tàn này vẫn được các Tỳ kheo tiếp tục thực hiện, và các Tỳ kheo được xem như đã duy trì vững vàng các nguyên tắc này, thì họ sẽ được phát triển không vị suy tàn.”

Kinh Pháp Hoa dạy: “Phật chủng tùng duyên khởi, Chư Phật Thế Tôn biết các pháp không cố định”. Hay trong Tương Ưng Bộ, Phật dạy: “ Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, hãy nương tựa vào chính mình. Và thế nào là tự mình thắp đuốc lên mà đi và hãy nương nựa vào chính mình đó là nương tựa vào Pháp, và thế nào là nương tựa vào Pháp đó là nương tựa vào Chánh Niệm”. Thực hành giới luật cũng chính là thực tập chánh niệm tiến tu giải thoát và cũng chính là đang nuôi dưỡng hạt giống Phật để tương lai viên tròn quả vị Bồ Đề.

Trung Nhã

Tin Tức Liên Quan