Sau nghi thức niêm hương bạch Phật và đảnh lễ Tam Bảo, đại chúng đã có những giây phút tĩnh tâm tọa thiền và trì tụng kinh Chuyển Pháp Luân. Tiếp đó, Thầy Viện chủ từ bi chia sẻ đến hội chúng một thời pháp thoại.
Mở đầu, Thầy nói, Hạ nguyên được xem như là một dấu hiệu cho biết một năm đã sắp mãn. Và truyền thống của dân tộc Việt Nam với nền văn minh lúa nước thì sau những tháng ngày tảo tần, mưu sinh, lễ Hạ nguyên là cơ hội để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đến đất trời, cỏ cây. Mỗi người có một nghề nghiệp, và mỗi nghề nghiệp đều có một ông tổ để mình tạ ơn. Lễ Hạ nguyên mang truyền thống dân tộc và tín ngưỡng dân gian nhiều hơn, nhưng ngang qua lăng kính của đạo Phật cũng giúp cho chúng ta có được cơ hội để thực tập sống theo lời dạy của Đức Thế Tôn để có được an bình và hạnh phúc. Và đây như một dấu mốc để chúng ta nhìn lại mình, tìm về chân tánh Như Lai.
Nhìn lại để thấy mình như thế nào, đã xây dựng được hạnh phúc gia đình ra sao, đã gặt hái được những thành tựu trong cuộc sống như thế nào. Bên cạnh đó, cũng có những mảnh đời kém may mắn hơn thì một năm qua vẫn thấy chật vật với nghề nghiệp, với công việc mưu sinh và bao trắc trở trong cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta nhìn lại không phải để phát sinh cái nhìn tiêu cực, tích cực về được-mất, có-không. Mà nhìn lại ở đây chính là, mỗi khoảnh khắc, mỗi thời giờ, ngày tháng trôi qua, ta đã sống như thế nào? Ta sống có ích cho chính mình, cho người thân của mình, và cho cuộc đời này không? Mình tạo dựng được cái này, hình thành được cái kia, và thành tựu được cái nọ, nhưng trong sự thành tựu đó vẫn kèm theo những buồn giận, trách móc, chua cay, đắng chát, vui buồn.
Cuộc đời này có rất nhiều người đã thành công nhưng chính sự thành công đó lại biến họ trở thành nạn nhân của tù tội, chật vật, khổ đau. Đạt được địa vị, danh vọng, cơ sở vật chất… nhưng đi cùng với đó là những cái mất. Chúng ta luôn nhân danh là người xây dựng vun bồi hạnh phúc, thành tựu sự nghiệp, nhưng sau sự huy hoàng đó, ngay nơi bản thân ta cũng rơi không rơi ít giọt nước mắt. Cũng có những đêm suy tư mất ngủ. Cũng có những lúc làm cho chồng mình phiền lòng, vợ mình đau khổ. Con cái của mình trống vắng, không nơi nương tựa; buổi sáng đi học, đêm về thui thủi, cần một ánh nhìn của cha không có, cần một bàn tay mẹ cũng không.
Tâm lý của chúng ta khi chưa có được thì kiếm tìm cho được, mòn mỏi trông chờ, khát khao để chiếm hữu. Nhưng khi có rồi lại không còn thấy giá trị của nó nữa và bắt đầu tìm kiếm, nắm bắt một cái mới, luôn luôn đi tìm cái ở bên ngoài mình. Những cái hào nhoáng của cuộc đời, nó giống như một bông hoa xinh, rất đẹp và rất thơm. Nhưng mà cái đẹp, cái xinh kia còn nằm ở ngoài chợ, hay ở ngoài vườn hoa. Khi đã nắm giữ, chiếm hữu đem về nhà thì bắt đầu dần thấy những chiếc lá úa tàn. Ở bên trên thấy thơm thơm như thế nhưng mà trong bình nước thì thật khó chịu.
Cuộc sống luôn luôn là như vậy. Mắt, tay, mũi, lưỡi, thân, ý luôn luôn chầu chực để nắm bắt cái bên ngoài, tìm kiếm một cái gì đó để nhìn, để nghe, để ngửi, để nếm, xúc và biết. Và trong sự xúc chạm đó để rồi cảm thọ khởi lên. Cái này dễ chịu, thích thú quá; cái này khó chịu, bực bội quá… để rồi xâu chuỗi lại những ngày tháng trôi qua, nếu chúng ta biết tu, đó là những hạt chuỗi của tâm tĩnh lặng yên bình. Nhưng thiếu tu một chút, xâu chuỗi của chúng ta sẽ là những hạt buồn, hạt giận, hạt trách móc, khổ sầu… để rồi chúng ta cứ mỗi ngày nếm trải cuộc sống bằng cảm xúc qua sự sướng khổ buồn vui. Và rồi bị những ảo giác cuốn hút lấy, khiến chúng ta chưa bao giờ thật sự sống với chính mình cả.
Khi chưa biết tu, chúng ta thường bị cuốn theo dục trần, có nghĩa là bị cuốn theo những cái hấp dẫn của cuộc đời, để rồi ta nắm bắt những cái đó, ta cho rằng đó là ta, đó là của ta. Khi biết tu tập, học Phật và hiểu Phật rồi, chúng ta cần thấy nó phải có một cái gì đó thật sự là của mình. Còn nếu chỉ sống bằng cảm xúc thì thật nuối uổng những ngày tháng trôi qua.
Người học Phật hãy lặng lẽ nhìn dòng đời trôi đi. Nhìn dòng sông ta tưởng chừng như là nó là một, nhưng thực tế là được hình thành từ vô số những giọt nước. Cuộc sống này luôn trôi đi không dừng nghỉ và tâm thức của chúng ta luôn luôn biến dịch không ngừng. Tuy nhiên, chúng ta nhìn cái gì cũng có, nhìn cái gì cũng phải, cũng thật. Cho đến một lúc nó không có, nó không phải, nó hoá ảo thì ta buồn. Và vì vậy dẫn đến chúng ta bị trôi lăn trong tự sinh của kiếp sống này. Thầy nói, trong tất cả đại chúng đang có mặt, ai cũng đã ngồi xe, ngồi thuyền, và ai cũng đã ngồi trên những chuyến tàu. Khi mà cuộc sống trôi bềnh bồng, chúng ta ngồi trên chiếc thuyền, và thật sự là thuyền đang trôi trên dòng sông. Nhưng một khoảnh khắc nào đó khi nhìn lên bờ, chúng ta thấy mình đứng yên, còn bờ lại trôi. Những lúc ngồi trên chuyến xe lửa, hay là chuyến tàu, chúng ta thấy mình ngồi yên và cây cối hai bên vùn vụt lướt qua. Chúng ta đã lấy mình làm trung tâm của cuộc sống. Thuyền trôi mà ấn định là bờ di chuyển, ngồi trên tàu, rõ ràng là tàu lăn bánh, mà ta cứ nói là hai bên đường cây cối trôi vùn vụt.
Trong cuộc sống này, cái thấy của chúng ta cũng giống như vậy. Chúng ta không thấy vô thường mà chỉ thấy cái bên ngoài, và ta không biết được là dòng sông luôn luôn trôi chảy và mình bị nó cuốn theo. Thầy ví dụ thêm, vào buổi trưa hè nắng gắt, khi nhìn ở trên con đường, cái bóng nắng chiếu xuống mà ta cứ nhìn như vệt nước. Cái thấy của chúng ta rất sai lầm. Vì vậy mà ta cần học Phật để thấy cho được lẽ thật, thấy tâm mình luôn luôn chuyển biến: vui rồi lại buồn, khóc rồi lại cười, sướng rồi lại khổ. Nếu như cứ cuốn vào cái buồn, vui, khóc, cười, sướng khổ, chúng ta sẽ thấy mình mệt mỏi, chật vật và không còn sức sống nữa.
Thầy khuyên nhủ, cuộc đời này không ai cấm chúng ta cười, khóc, buồn, vui. Nếu thấy buồn thì cứ buồn, vui thì cứ vui, sướng thì cứ sướng và khổ thì hãy cứ khổ. Nhưng khác ở chỗ, phải biết nhìn thấy, nếu ta buồn/khổ hãy thấy rằng ta đang buồn/khổ. Hãy thấy như thật và biết như thật, tâm trạng đang như thế nào, hãy biết như thế ấy, môi trường sống như thế nào, hãy rõ biết như vậy. Không bị lay chuyển bởi những cảm xúc, nó diễn ra như thế nào, ta thấy như thế đó. Được như vậy là ta đã thấy được thật tướng của Pháp. Đó là như thật thấy, như thật biết. Và đó mới là cái thấy, cái biết đúng theo tinh thần mà Đức Thế Tôn chỉ dạy.
“Hơi thở vào, ghi nhận hơi thở đang đi vào.
Hơi thở ra, ghi nhận hơi thở đang đi ra.”
Và từ hơi thở vào, ra, ta thực tập quán chiếu các cảm xúc trong hình hài của mình. Những điều hân hoan đến như thế nào, mình ghi nhận nó như vậy. Những tồi tệ đến như thế nào, mình ghi nhận nó như vậy. Chỉ cần ghi nhận những gì diễn ra, trong ta và quanh ta, đó chính là thực hành nếp sống chánh niệm. Nhưng tiếc là, con người chúng ta, hễ tiếp xúc với cái gì, thì cảm xúc khởi lên cái đó. Ta luôn sống với cảm xúc nhiều hơn mà ít khi nào mà ghi nhận sự thật rằng nó đang diễn ra đó. Vậy nên, chỉ cần ghi nhận, đừng thổi bất kỳ một cảm xúc nào vào trong sự vật hiện tượng, thì ngay nơi đó ta có sự an yên.
Học Phật, ta thường nhắc đến chữ nghiệp, nghiệp báo. Vậy thì, nghiệp đến khi nào và đến từ đâu? Ta nghĩ rằng, nghiệp đến từ hồi quá khứ và bây giờ là kết quả ta phải đối nhận cái nghiệp. Thầy ôn tồn giảng giải, thực ra, cũng đúng là nghiệp quá khứ, chính vì nghiệp quá khứ đưa ta đến với cuộc đời nên ta có mặt. Nhưng cũng phải hiểu thêm rằng, nghiệp diễn ra trong từng khoảnh khắc, trong từng phút giây, và nghiệp ở trong hơi thở, trong suy nghĩ và trong quyết định của chúng ta.
Khi con mắt nhìn, thì đó là xúc. Cái sát-na đầu tiên nhìn, chỉ là nhìn thôi. Nhưng mà sát-na thứ hai là tác ý. Tác ý có nghĩa là để tâm ý vào trong. Và sau khi tác ý là thọ. Thọ là thức, là đam mê, dễ chịu, hay là ghét bỏ, bực bội, khó chịu. Rồi đến tưởng, tưởng là hồi ức lại, cảm nhận lại những gì đã diễn ra. Rồi sau đó là tư. Tư là suy nghĩ, quyết đoán, là định, là kế hoạch. Như vậy thì trong một giây, có tới hàng nghìn sát-na, và khi chúng ta nhìn một cái gì đó, chỉ trong vòng 5 sát-na là đã tạo nghiệp rồi.
Thầy đưa ra ví dụ minh hoạ, đầu tiên khi nhìn một bông hoa là “xúc”. Tiếp theo là “tác ý”, đưa cái tư duy của mình vào trong cái đó. Thứ ba là “thọ”: cảm thấy dễ chịu. Thứ tư là “tưởng”: nhớ lại đây là hoa cúc, hoa hồng… hoa này ngày xưa mình đã được tặng… Và cuối cùng là “tư”: cái hoa này rất đẹp, ta sẽ ra chợ mua, sẽ đến vườn hái. Cái tư tức là cái suy nghĩ, quyết định, cái đó chính là nghiệp.
Cho nên, nghiệp diễn ra trong từng khoảnh khắc, trong từng sát-na. Nhìn một cái là đã tạo nghiệp. Nghe một cái là đã tạo nghiệp. Xúc chạm một cái là đã tạo nghiệp. Chúng ta đừng đổ thừa nghiệp quá khứ hay đổ thừa do ai đó an bài, mà chính mỗi phút giây hình thành nên những thiện nghiệp hay bất thiện nghiệp. Dù là thích hay ghét, buồn hay vui, thì đó cũng là nghiệp cả. Những cái đam mê hay bực bội, những cái thích thú hay ghét bỏ - đó chính là nghiệp và ta cứ tiếp tục mải mê đầu tư cho nó.
Đức Phật dạy chúng ta ghi nhận những gì đang diễn ra, không bình luận, không phê phán, không thích ghét. Cho nên tâm của mình tập trung chuyên chú, và nhờ tâm tập trung chuyên chú nên không tán loạn. Và vì tâm không tán loạn nên định lực phát sinh. Nhờ định lực phát sinh, nên đứng trước hoàn cảnh, đứng trước sự vật hiện tượng, ta an nhiên không sợ hãi, lo âu, sầu muộn hay dỗi hờn... Và một khi biết sống như vậy là chúng ta đã thấy được giá trị của cuộc đời.
Thầy khuyến tấn hội chúng hãy thực tập sống biết ơn với chính mình. Mỗi ngày sống mình cảm ơn cuộc đời vì vẫn còn bầu không khí trong lành để thở, vẫn còn đôi mắt sáng để cảm thụ cuộc đời, vẫn còn nghe được âm thanh của những người thân, chân vẫn bước đi trên mặt đất màu nhiệm, và tay vẫn làm được nhiều điều quý giá cho cuộc đời. Nên cảm nhận như vậy chứ đừng mở mắt ra là buồn, giận, bực, tức, yêu, ghét, khổ, sầu… để rồi mỗi ngày ta xâu cho mình một xâu chuỗi, lay dậy những chua cay đắng chát. Chính mỗi khoảnh khắc trôi qua là mình đang xâu những sợi chuỗi cho mình để rồi chính tay mình cầm, chính cổ mình đeo. Thế nên, hãy xâu những tràng hoa thật đẹp, những tràng ngọc thật quý chứ đừng xâu chuỗi những cái gai góc để rồi mỗi ngày mình tự mình làm khổ đau.
Niệm Phật rất tốt nhưng hãy niệm tâm của mình: Tâm Từ, Tâm Bi. Tâm Hỷ, Tâm Xả, Tâm Tha Thứ, Tâm Bao Dung, Tâm Độ Lượng, Tâm Thảnh Thơi. Còn nếu đây là tâm buồn, tâm giận, tâm ghét, tâm bực, tâm tật đố, tâm tị hiềm thì chính mình đang tự trói buộc và gây phiền khổ cho mình. Tu tập là để giải thoát, thế thì ngược lại với giải thoát là trói buộc. Không ai trói buộc mình trừ chính mình. Tự mình trói mình thì tự mình tháo gỡ. Và tu tập là để thấy ra lẽ thật. Do tập khí nhiều đời, và nhất là trong đời này, chúng ta luôn đeo trong mình những cái bản năng của cuộc sống, cho nên, cái gì thoải mái theo cái bản năng thì nó tạo thành một sức tì. Hãy cố gắng vượt lên với chính mình, nỗ lực, thực tập lời dạy của Đức Phật. Mỗi ngày trôi qua, phải sống bằng nghị lực, phải sống bằng ý chí. Đừng vinh vào lý do vì nghề nghiệp, cho nên tôi phải thức dậy sớm. Vì con cái đi học, tôi phải thức dậy sớm. Bây giờ chúng có một động lực mới, đó là, vì trí tuệ, vì sự tỉnh thức, tôi phải chiến đấu với chính mình, chiến đấu với con “ma ngủ”.
Hãy luôn luôn tạo cho mình một động lực. Đừng để cái sự biếng nhác kéo mình đi xuống. Bởi lẽ, xuống dốc rất dễ, nhưng càng xuống lại càng tối tăm, và càng xuống thì chỉ có mình mình ở đó. Đi lên không dễ, nhưng mà càng lên cao, càng vươn lên ánh sáng, và lên tới đỉnh sẽ thấy được bầu trời bao la, vũ trụ sơn hà kì vĩ. Thầy khuyến tấn đại chúng hãy nỗ lực vươn lên, đừng mệt mỏi với những bước chân của mình. Chỉ cần bền chí rồi sẽ đến một lúc, lên được tới đỉnh, thấy được sơn hà đại địa và nhận thấy được rằng mình chỉ là một hạt cát nhỏ trước vũ trụ bao la. Mặt trời rộng lớn, chỉ là chúng ta có chịu mở mắt để thấy mặt trời hay không thôi. Hãy nỗ lực, chiến đấu với chính mình, chiến đấu với những tập khí và chịu khó lột bỏ những cái buồn, thương, giận, yêu, ghét trong mỗi con người.
Hãy học Phật, thực tập lời dạy của Đức Phật thì ta mới có được hoa trái trong cuộc sống này. Thầy nhắn nhủ, cái chúng ta mang theo không phải là những gì ta tạo dựng, mà cái ta mang theo là cái tâm thức của mình, là cái phước, cái tội, cái buồn, cái vui, hạnh phúc, khổ đau. Còn cái ta nắm bắt được, nó không thật sự là của mình. Thế nên, mỗi người hãy tạo ra nhiều niềm vui, nhiều thiện nghiệp và nhiều điều lợi ích cho mình, cho người, cho cuộc đời. Đó chính là cái đích thực của mình.
Cuối thời pháp, Thầy gửi lời chúc lành an vui đến toàn thể hội chúng. Trước khi khép lại buổi lễ, đại chúng có cho mình những phút giây bình thân, lắng tâm trở về với hơi thở và thực tập rải tâm từ đối với mọi loài chúng sinh.
Khánh Ngân
Tin Tức Liên Quan
- An lành khoá lễ sám hối và thính Pháp đêm trăng tròn lễ Hạ nguyên (15/11/2024 7:02)
- Chư Tăng, Phật tử Tu viện Khánh An cầu nguyện hướng về bà con vùng lũ miền Bắc ( 4/10/2024 12:09)
- Ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM phối hợp cùng Tu viện Khánh An tổ chức chương trình trung thu Vầng Trăng Tỉnh Thức và tặng 200 phần quà cho thiếu nhi ( 4/10/2024 12:07)
- Thiêng liêng đêm Thiền trà – thắp nến tri ân “Ơn Đức Sinh Thành” tại Núi Bà Đen, Tây Ninh (30/08/2024 6:33)
- Trang nghiêm lễ tưởng niệm Hoà thượng Thích Giác Đạo viên tịch lần thứ 25 (23/08/2024 11:38)
- Trang nghiêm chương trình Kính mừng Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu PL.2568 - DL.2024 (23/08/2024 11:32)
- Thiêng liêng lễ thắp nến liên đăng tri ân mùa Báo Hiếu (23/08/2024 11:22)
- Trang nghiêm lễ sám hối và thuyết Pháp cuối tháng 5 năm Giáp Thìn ( 9/07/2024 5:32)
- Trang nghiêm lễ tưởng niệm lần thứ 26 cố Hoà thượng Thích Hồng Lạc viên tịch (23/06/2024 7:52)
- Khóa lễ sám hối và Pháp thoại CON ĐÃ CÓ HƯỚNG ĐI (13/06/2024 1:44)