Pháp thoại “Ngôi Nhà Giáo Pháp” trong khóa tu Sống Tỉnh Thức lần thứ 77

27/12/2023 11:06
Chủ nhật ngày 24/12/2023 (nhằm 12/11/ Quý Mão), Khoá tu Sống tỉnh thức lần thứ 77 diễn ra với sự tham dự của gần 700 hành giả, trong khóa tu này Thầy Viện chủ có bài pháp thoại với chủ đề: “Ngôi Nhà Giáo Pháp”.

     Thầy nói, bất cứ nơi nào mà chúng ta nương vào giáo pháp để tu tập là nơi đó ta đã có ngôi nhà giáo pháp. Đặc biệt ngôi nhà này Đức Thế tôn đã gầy dựng mà không có sự phân biệt sắc tộc, màu da, quan điểm, tư tưởng, lập trường, tôn giáo và cũng không có sự phân biệt Bắc Trung Nam, ai cũng có thể vào trong ngôi nhà này và ai cũng có thể nhìn nhau như quyến thuộc của mình. Thế nên, Ngài như một người cha lành đã xây dựng giáo pháp để cho chúng ta sống và thực tập mỗi ngày. Ngôi nhà giáo pháp này chỉ cần cái tâm bồ đề, chí nguyện đón nhận giáo pháp của Đức Thế tôn thì người đó sẽ được nâng đỡ chở che.


     Vậy thái độ học của chúng ta đối với giáo pháp như thế nào? Thầy đã điểm qua 1 số trường hợp.

     Trường hợp đầu tiên: Phật tử đến công quả rồi về, làm công quả để kết duyên với Tam bảo, để gieo những hạt giống thiện lành nhưng không có giáo pháp để tâm thì sẽ không có kết quả tốt.

     Trường hợp 2: Chỉ tới chùa tụng kinh. Tụng kinh giả minh phật chi lý,  khi tụng kinh nên nhiếp thân, khẩu, ý, tâm trí đặt vào lời kinh để tâm không tán loạn và thấu rõ nghĩa lý của bài Kinh. Thầy khuyên quý Phật tử tụng kinh phải biết dùng lời Kinh mà ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày, chuyển hoá giáo Pháp đi vào đời.

     Trường hợp thứ ba: Nghe giáo pháp nhưng lựa chọn giảng sư tuỳ theo cảm xúc. Tùy chọn người giảng cũng tốt nhưng chúng ta nên biết chắt lọc những cái hay của người này hoặc người kia để học hỏi.


     Trường hợp thứ tư là nghe xong rồi khen chê, Pháp rất màu nhiệm nhưng sự thấm đẫm giáo pháp tùy thuộc vào mỗi người, có thể điều này mình nghe rất khó chịu nhưng người khác lại là bài học quý giá, nên khi nghe pháp đừng thổi sự đánh giá, bình luận, phán xét. Khi một người tu đã hoàn thiện thì thấy các pháp diễn tiến vận hành theo quy luật của nó mà không gì có thể xoay chuyển được.

    Trường hợp thứ năm là người mà kinh nào cũng thuộc, thầy nào cũng biết nhưng nghe không có sự chọn lọc, nghe nhằm thỏa mãn trí óc để biết thật nhiều nhưng không biết ứng dụng vào đời sống hằng ngày.

    Trường hợp thứ sáu là người khôn ngoan nghe pháp, người này nghe được những lời giảng của quý thầy cô và ứng dụng những bài học ấy vào trong đời sống hằng ngày. Chọn đúng giáo pháp cần thiết và lợi ích cho mình để có thể giúp bản thân chuyển hóa.


     Khi đã được sống trong ngôi nhà giáo pháp rồi, quay lại sống trong ngôi nhà thế gian, ta sẽ nhận thấy sự khác nhau. Nhờ học giáo pháp mình sống sâu sắc hơn, biết nghệ thuật sống kỹ hơn và biết được nuôi sống sinh mạng này giá trị như thế nào. Phải nghe lời Đức Phật, lấy công thức sống trong ngôi nhà giáo pháp ứng dụng vào công thức sống trong ngôi nhà thế gian thì vô cùng lợi lạc. Chúng ta phải ý thức về việc nuôi thân và nuôi tâm, nhắc đến nuôi thân, trong Kinh, Đức Phật có nói về bốn loại thức ăn giúp các loài sinh vật lớn lên và sống còn, đó là đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực, thức thực. Đoàn thực nghĩa là những thức ăn đi vào miệng của mình. Xúc thực nghĩa là ăn bằng tiếp xúc. Đó là những cảm thọ mà ta có được khi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc với hình ảnh, âm thanh, mùi, vị, nhiệt độ, nghĩ suy. Tư niệm thực, “Tư” có nghĩa là suy nghĩ và “niệm” là nhớ. Thức thực là nhận biết, cái nhận biết này đồng hành với tư và niệm.

     Chúng ta đang sống trong thế giới mà sẽ luôn rơi vào tình trạng khát ái, nghĩa là luôn tìm cầu hạnh phúc ở chỗ này, chỗ kia. Để đoạn tận khổ, chúng ta phải diệt trừ ba ái: dục ái, hữu ái và phi hữu ái. Dục ái nghĩa là tham ái do sắc đẹp, tiếng thơm khởi lên. Hữu ái giống như dục ái, dục ái là sự đam mê dính mắt, hữu ái cũng là đam mê dính mắt nhưng tin rằng có một cái tôi cái ngã trường tồn vĩnh cửu. Phi hữu ái giống như dục ái nhưng cho rằng không có một thực thể tồn tại, không có luân hồi, không nhân quả, không tái sinh.

     Đạo Phật là đạo của sự tự do, sự tự do này phải được đặt trên tự do của người khác, cho nên thiết lập một nền tảng hòa bình, bất bạo động, không ai xâm phạm ai là một điều hết sức cần thiết. Tự do là chân giá trị sống của con người. Song tự do mà không dính mắc mọi sự cám dỗ bên ngoài là ta đang được tự do và cuối cùng là dẫn đến quả giác ngộ, giải thoát.

     Hãy xem cuộc sống mỗi ngày là một Pháp thì chúng ta tu mới có kết quả, sống không dính mắc khi gặp những điều bất như ý. Pháp của Phật là vô ngôn vì thế hãy biết chọn lọc những giáo pháp phù hợp với mình, nhìn vạn vật một cách bình thản, nhẹ nhàng để tránh ác, xuất ly sinh tử luân hồi thì chúng ta mới gặt hái được những thành tựu trong quá trình tu tập.

     Bài pháp kết thúc trong niềm hoan hỷ của quý hành giả.

Ngọc Ánh


Một số hình ảnh ghi nhận khác:


Tin Tức Liên Quan