11 | Thích Nhất Hạnh - Bậc Thiền Sư Huyền Thoại Của Thời Đại

24/03/2022 4:27
Bài 11: Những Ngày Ở Trúc Lâm Paris

     Chuyến bay đi Pháp cất cánh lúc nửa đêm, nên chiều tối tôi qua Ấn Quang để cùng Hòa thượng Trí Quảng ra sân bay. Căn phòng số 10 của Ngài, đó là lần thứ hai tôi có mấy tiếng đồng hồ để… thiếp mắt. Cũng như năm 2001 trong lần đi Hàn Quốc cũng là chuyến bay đêm, Ngài bảo qua Ấn Quang để thầy trò cùng xuất phát cho tiện, không phải đợi nhau ngoài sân bay.

      Sau 12 giờ máy bay sải cánh, mờ sáng ngày 02/10/2004 đoàn có mặt tại sân bay Charles de Gaulle. Đón đoàn, tôi nhớ có mấy vị cán bộ đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, anh Võ Đình Viện, vợ chồng anh Lại Như Bằng… và một số Phật tử. Hòa thượng Phước Đường, Thượng tọa Tâm Trường cùng một số quý thầy chờ sẵn ở Thiền viện Trúc Lâm với sự nghinh đón trọng thị.


Phật tử Trúc Lâm đón đoàn tại sân bay Charles de Gaulle.

      Thiền viện Trúc Lâm tọa lạc ở lưng chừng đồi thuộc ngoại ô Paris. Thế đất của thiền viện rất là khúc khuỷu. Khuôn viên thiền viện hầu như không có mặt bằng rộng. Chánh điện, tổ đường và các gian thờ đều mang phong cách chùa miền Bắc. Từ các tôn tượng, liễn đối, hoành phi cho đến các ban thờ đều từ Hà Nội chuyển sang. Tại đây, Hòa thượng Thích Trí Quảng đã có hai thời thuyết giảng và hai cuộc họp với Ban điều hành Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp. Trong một pháp thoại tôi còn ấn tượng với lời dạy của Ngài mà tôi đã ghi lại: “Hai chữ Trúc Lâm nhắc ta gợi nhớ về một trung tâm tu học xa xưa mà Đức Thế Tôn đã có nhiều năm hoằng pháp tại đây. Trúc Lâm đồng thời cũng là Giáo hội do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập cách nay hơn 7 thế kỷ. Thiền viện Trúc Lâm Paris là biểu tượng của một đạo Phật Việt Nam ở Hải ngoại. Người con Phật ở đây mà sống thiếu hòa hợp sẽ làm mất đi hình ảnh không chỉ đạo Phật Việt Nam mà cả văn hóa dân tộc”. Mâu thuẫn trong nội bộ Hội Phật tử chưa thể giải quyết được nhưng lời dạy của Hòa thượng đã khiến tất cả chúng hội phải cúi người tín thọ.



Trước Thiền viện Trúc Lâm Paris (2004).

      Báo Giác Ngộ - tờ báo lớn của Phật giáo ở quốc nội. Thời đó công nghệ thông tin chưa được phổ biến, tất cả mọi tin tức về Phật giáo đều được mọi người tìm đọc trên trang báo này. Nghe nói thầy Trưởng phòng Trị sự báo cũng có mặt trong đoàn thế là nhiều Phật tử tìm đến để đặt báo và đặt lịch xuân, tôi hân hoan thấy mình cũng… được việc.

      Ngày làm việc thứ 2, đoàn đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Pháp. Đại sứ lúc bấy giờ là anh Nguyễn Đình Bin. Cả đại sứ và lãnh đạo cơ quan đại diện đều dành cho đoàn tình cảm rất nồng nhiệt. Các anh hiểu khá rõ tình hình sinh hoạt của cộng đồng người Việt tại Pháp và cộng đồng Phật tử tại Thiền viện Trúc Lâm nói riêng. Các anh đã cung cấp khá nhiều thông tin quan trọng giúp Hòa thượng trưởng đoàn tháo gỡ được nhiều gút mắt qua các cuộc họp với Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp.


Lưu niệm cùng ông Đại sứ Nguyễn Đình Bin và cán bộ tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.


Đoàn Giáo hội chủ trì cuộc họp với Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp.


Thính chúng dự pháp thoại Hòa thượng Trí Quảng

      Cũng thời gian này, chúng tôi được tiếp xúc với Thượng tọa Thích Tâm Trường, trụ trì chùa Trúc Lâm - Marseille. Những thập niên 1990, Thượng tọa từ Việt Nam sang tu học tại chùa Trúc Lâm Paris nhưng sau đó thầy về Marseille lập ngôi chùa cũng mang tên Trúc Lâm. Trong một lần nói chuyện Thượng tọa bảo tôi: “Thầy có kiêm nhiệm được chùa bên này không tôi mời thầy sang trụ trì, chùa Trúc Lâm nằm dưới Marseille á”. Tôi trố mắt nhìn, thì Thượng tọa nói tiếp: “Tôi bệnh quá rồi, sợ không trụ được lâu”. Cứ ngỡ như những câu nói đùa, không ngờ một vài năm sau tôi nhận tin Thượng tọa viên tịch.


Cùng với Thượng tọa Tâm Trường.

      Những ngày ở Trúc Lâm tôi được bố trí ở cùng phòng với Hòa thượng (lúc bấy giờ là Thượng tọa) Thích Bảo Nghiêm (ở Làng Mai cũng vậy). Nói là căn phòng nhưng thực ra là một cái gác rất thấp trên chóp mái. Lên hết cầu thang là phải cúi thấp người xuống chứ đi thẳng là sẽ bị va đầu. Có lần Hòa thượng nhờ thầy Nhuận Trí: “Thầy chụp dùm anh em tôi tấm hình ở căn phòng này để kỷ niệm cái “lầu son gác tía” ở hải ngoại”. Chụp xong, Hòa thượng bảo tôi về nhà phải nhớ rửa tấm này cho Hòa thượng làm… kỷ niệm. Tất cả chúng tôi cùng cười. Mỗi sáng ra tôi và Hòa thượng đi tản bộ phía trước thiền viện lượm hạt dẻ. Cái không khí lành lạnh, tuyết không nhiều chỉ điểm trắng trên tán lá cũng khiến chúng tôi ấn tượng vì những hạt tuyết đầu đời được thấy.

      Viên mãn Phật sự ở Trúc Lâm, đoàn đi thăm Hòa thượng Huyền Vi, Viện chủ tu viện Linh Sơn. Tại đây tôi đã chứng kiến cuộc tao ngộ giữa Hòa thượng Trí Quảng và Hòa thượng Huyền Vi trong niềm vui ngấn lệ. Cả hai Hòa thượng đều xuất thân từ chùa Ấn Quang - Phật học đường Nam Việt. Hòa thượng Huyền Vi lúc còn là thanh niên tăng đến đây tu học, sau khi tốt nghiệp Ngài ở lại tham gia vào hội đồng giáo thọ và giữ chức vụ đốc giáo. Sau 1975, Ngài sang Pháp định cư và hành đạo xứ này. Hòa thượng Trí Quảng cũng là học tăng Phật học đường Nam Việt sau đó du học Nhật Bản rồi trở về quê nhà hoàng pháp. Mấy mươi năm hai vị mới gặp lại nhau. Hòa thượng Trí Quảng thì thăm hỏi ân cần trong khi Hòa thượng Huyền Vi thì dường như chỉ có sự cảm nhận, ngài chỉ “nói” với Hòa thượng Trí Quảng bằng ánh nhìn chứ không còn mở lời được nữa. Chứng kiến buổi gặp gỡ của hai bậc tôn trưởng thâm tình cốt nhục bao tháng năm xa cách khiến tôi xúc động vô ngần. Tôi không ngờ buổi gặp gỡ của hai Hòa thượng ngày đó là lần cuối, để rồi khoảng ba tháng sau nhận tin Hòa thượng Huyền Vi viên tịch.


Thăm Hòa thượng Huyền Vi tại Tu Viện Linh Sơn.

      Rời chùa Linh Sơn đến thăm chùa Hoa Nghiêm theo lời mời của Ni sư Đàm Lương, chùa do cố Hòa thượng Thích Trung Quán (đệ tử Đức đệ nhất Pháp chủ) khai sơn, sau đó thăm Thượng tọa Tịnh Quang và dùng cơm chiều ở chùa Khuông Việt. Tại đây được tiếp xúc với giáo sư Cao Huy Thuần, một cư sĩ trí thức tiêu biểu ở hải ngoại mà tôi rất ngưỡng mộ.


Chùa Hoa Nghiêm - Paris

     Những ngày trống trải, vợ chồng anh Lại Như Bằng đưa đi dạo chơi những điểm nổi tiếng ở Paris như đại lộ Champs-Élysées, Tháp Eiffel, Nhà thờ Đức Bà Paris, Quảng trường Concorde, Sông Seine… Hôm sau, Sư cô Thanh Nghiêm, Sư cô Thanh Lương bên Linh Sơn qua đưa đi Bỉ tham quan thủ đô Bruxelles rồi ghé thăm thăm chùa Linh Sơn, chùa Hoa Nghiêm ở xứ này.


Đi chợ - trước Quảng trường Concorde.

     Ở Trúc Lâm được khoảng 3 - 4 hôm thì thầy Chân Pháp Ấn và một số vị đại diện lên hội kiến, đảnh lễ Hòa thượng Trưởng đoàn và đoàn xin được cung thỉnh về Làng Mai. Hòa thượng Phước Đường, viện chủ thiền viện Trúc Lâm cũng tháp tùng đoàn về Làng. Thầy Pháp Ấn là người chu đáo, thầy chuẩn bị trà thơm trước khi lên tàu với bộ tách trà bằng đất tử sa rất thiền vị. Tàu đi ngang qua mỗi vùng thầy đều giới thiệu về lịch sử và những đặc trưng của vùng đó. Thầy cũng rất tinh tế lúc nào để các Hòa thượng nghỉ, lúc nào nên thưa việc gì.

      Mất khoảng hơn 3 giờ ngồi tàu cao tốc, đoàn đến Bordeaux - miền Nam nước Pháp, sau đó xe đón về Làng

 Trí Chơn

(Bài 12: Về Làng)

Tin Tức Liên Quan