Hôm tuần trước, chú Chánh Hoàng, vị Phật tử làm bảo vệ Tu viện nhặt được con chim con từ trên cây me - chỗ treo quả chuông Báo chúng - rớt xuống. Cầm trên tay con chim con đỏ hỏn, run rẩy, chỉ có vài sợi lông, chú đến thưa thầy cách xử lý. Thầy bảo chú bỏ con chim con vào lại tổ với mẹ nó. Chú Chánh Hoàng nói, chim con đã có hơi tay người rồi, con mẹ sẽ bỏ, không quay trở lại đâu. Thầy nói, chú cứ cho con chim con vào tổ đi, có thể con chim mẹ sẽ bỏ tổ nhưng chắc chắn nó không bỏ con nó đâu. Chim mẹ sẽ quay lại gắp nó đi.
Câu chuyện con chim non từ trên tổ rơi xuống đã làm Thầy suy nghĩ rất nhiều. Hình ảnh con chim đó cũng giống như những đứa con trẻ sớm rời mẹ. Cuộc sống này có những đứa bé có được phước báu, sinh trong gia đình khá giả, ăn sung mặc sướng, được cha mẹ cho đi ăn học. Có những đứa bé khi sinh ra trong gia đình nghèo nàn nhưng cũng được cha mẹ thương yêu, chăm sóc. Và, thật không may cho những đứa bé khi còn nằm trong nôi thì đã không còn cha mẹ, không người chăm sóc, dưỡng nuôi.
Và, cũng với hình ảnh con chim non đó, Thầy lại nghĩ đến tụi con nhiều hơn. Thầy nghĩ, tại sao con chim non từ trên tổ rơi xuống đất? Có thể con chim mẹ làm tổ hời hợt, chỉ lưa thưa vài cọng tranh, cọng rác để chim con nó rớt xuống. Có thể ổ chim nằm trên cành cây khô, khi cành cây bị gãy thì cả chim và ổ đều rơi xuống đất. Cũng có thể do giông tố ập đến, cây cối ngã đổ và tổ chim rơi xuống đất. Cũng có khi một đứa bé nào đó nghịch ngợm đã dùng cây chọc phá hoặc rắn rít bò lên cắn chết chim non.
Tu viện mình có rất nhiều tổ chim. Rất nhiều cây chim làm tổ, thậm chí trên Phật đường, Pháp đường cũng đầy tổ chim. Thầy không tin là chim mẹ làm tổ hời hợt. Cứ ra sân mà nhìn các tổ chim rồi biết. Chim mẹ làm tổ rất kỹ. Một cái trứng nhỏ bên trong nhìn còn không thấy thì làm sao chim con lại rớt xuống vì cái tổ làm lưa thưa. Con chim mẹ rất khôn. Khi làm tổ nó luôn bó những cọng rác, cọng lá dính chung với cành cây. Cũng giống như mình lấy đũa mà xỏ xuyên qua lọn bún, lọn mì để tổ không bị rớt.
Con chim non bị rớt, bị đe dọa tính mạng hôm rồi là do chân chưa cứng, cánh chưa khỏe mà đã vội lao ra khỏi tổ.
Các con cũng giống như con chim non kia, không hơn không kém. Các con tự kiểm nghiệm lại xem mình đã lớn hơn con chim non kia chưa. Đôi chân mình đã cứng chưa, đôi cánh mình đã vững chưa.
Trong huynh đệ chúng ta, có những vị đã tu được hơn mười năm, có vị bảy, tám năm, có vị hai, ba năm, có vị chỉ mới tập tu được vài tháng. Trong cái nhìn của Thầy thì dù bao nhiêu năm, các con đều là những con chim chưa thể rời khỏi tổ. Những chú mới tập tu vài tháng cũng giống như con chim non mới đẻ ra chưa thể mở mắt được; những chú tu hai, ba năm cũng giống như con chim mới bắt đầu mở mắt, ngoi cổ nhìn ra cảnh vật bên ngoài; còn những chú tu từ bảy, tám năm, mười năm giống như những con chim có thể rời tổ, đang tâp chuyền từ cành này sang cành kia nhưng vẫn chưa thể rời cái cây mà mẹ nó làm tổ trên đó.
Tại sao có những chú bốn mươi, ba mươi, hai mươi tuổi mà Thầy chỉ ví von như những con chim non chưa ra khỏi tổ. Có thể tuổi của mấy con lớn nhưng tâm đạo các con còn nhỏ, chưa được vững vàng. Vì chưa vững vàng nên cần nương tựa vào Thầy và những huynh đệ với nhau để tu học. Khi con chim vừa sinh ra thì nó nằm trong tổ để chờ chim mẹ đem thức ăn về. Chim mẹ biết được là con của mình ăn được những gì và không ăn được gì. Và, nó mang những cái mà con nó có thể ăn được. Các con còn sơ tâm, mới vào đạo, các con chỉ được phép học những gì thầy bảo học, và tu những gì thầy bảo tu. Nói khác hơn là, các con phải vâng lời Thầy dạy, phải thực hành những điều thầy hướng dẫn để có kết quả trên đường tu. Mỗi ngày, con chim ăn mồi, con người ăn cơm là để nuôi lớn thân. Còn người tu thì “ăn” giáo pháp để nuôi lớn tâm bồ đề.
Động cơ nào đã khiến các con đi tu? Đó chính là tâm bồ đề. Có thể một đời, một kiếp nào đó, mình đã từng gieo trồng căn lành. Để rồi kiếp này, khi nghe bài kinh, bài pháp, được nhìn thấy hình ảnh của Đức Phật khiến cho hạt giống bồ đề trổi dậy trong lòng và quyết định đi tu. Tâm bồ đề nói khác hơn là tâm giác ngộ. Khi hạt giác ngộ nảy mầm trên mảnh đất tâm rồi, thì chính nó là động lực giúp các con có ý chí hơn, dõng mãnh hơn trên đường tu tập. Quyết chí đi tu là cuộc cách mạng lớn về tư tưởng, làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống từ cách suy nghĩ, cách ăn, cách nói, cách hành xử đều phải ứng hợp với tư cách một người xuất gia. Có một bài kệ nói về người xuất gia như sau:
Huỷ hình phi pháp phục
Cắt ái từ sở thân
Xuất gia hành Phật đạo
Nguyện độ nhất thế nhân.
Hủy hình là hủy bỏ hình tướng đẹp đẽ của thế gian, để mặc áo chiếc giáo pháp vào. Cắt ái từ sở thân tức là cắt bỏ đi sợi dây tình ái của gia đình, lìa cha mẹ, ông bà, người thân và bạn bè để đi trên con đường lớn, xây dựng một nhân cách lớn. Lấy thầy tổ, huynh đệ và những người đồng đạo làm gia đình. Từ giả căn nhà thế tục, vào nhà Như Lai sống, thực hành lời Đức Phật dạy, rồi sau đó hóa độ người khác. Muốn độ người khác thì trước hết phải độ mình. Mình chưa độ được mình mà đòi độ người khác là điều không thể xảy ra.
Những điều chúng ta thực hiện mỗi ngày: lễ bái, tụng kinh, tọa thiền và chấp tác trong chánh niệm chính là để hun đúc tâm bồ đề ngày càng lớn mạnh. Đó là thức ăn dưỡng nuôi tâm bồ đề. Có khi mình nghĩ rằng, tại sao sáng nào cũng tụng kinh, ngồi thiền, tối nào cũng tụng kinh, ngồi thiền có gì mới đâu. Nếu như vậy thì mình đặt những câu hỏi tiếp theo, sáng nào cũng ăn cơm, tối nào cũng ăn cơm có gì mới đâu. Mình nghĩ rằng tu hành không tụng kinh, thiền tọa mỗi ngày có sao đâu, thì mình cũng có thể nghĩ thêm sống không ăn, không uống mỗi ngày có sao đâu. Được không?
Một người sống không ăn, không uống thì người đó sẽ khó tồn tại. Với một người mà chán ăn thì xem như cái chết cận kề. Người xuất gia cũng vậy, nếu mỗi ngày không tụng kinh, ngồi thiền, hành giáo pháp thì tâm bồ đề sẽ bị “đói”. Nếu bị đói lâu ngày thì nó sẽ chết. Nhìn bên ngoài, dù hình tướng là người tu nhưng bên trong thì hạt giống bồ đề đã bị khô, bị lép, không còn sự sống. Có những huynh đệ đã rời khỏi nơi này, thầy thấy buồn nhưng cũng rất thương. Thương mà chẳng biết làm cách nào khác. Thầy không có khả năng làm cho hạt giống lép sinh trưởng, cho dù mảnh đất tốt cỡ nào. Tại sao đang sống trong môi trường đầm ấm, yên vui mà lại ra ngoài. Bởi vì bản thân người đó một ngày, hai ngày, một tháng, hai tháng rồi nhiều tháng không dưỡng nuôi tâm bồ đề, nên tâm này héo mòn và đi đến khô chết. Sự giải đãi rất nguy hiểm các con ạ.
Khi tâm tu “chán” ăn giáo pháp thì nó phải đi tìm những món khác để ăn. Gặp những cảnh sắc bên ngoài lôi kéo, rồi quyến luyến, dính mắc. Đến một lúc vị đó, vị đó có thể sẽ bứt Thầy, bứt huynh đệ ra đi theo tiếng gọi của thế gian. Những cám dỗ của thế gian chẳng khác nào giông tố ập đến, chẳng khác nào những cô bé, cậu bé nào đó nghịch ngợm đã dùng cây chọc phá, chẳng khác nào những con rắn, con rít đang ngoài cửa tổ chầu chực con chim non,
Nhờ có dưỡng nuôi tâm bồ đề nên các con có được hạnh phúc với cái “Tổ” mình đang được bảo bọc. Khi ý chí tu hành dõng mãnh, tâm tu sẽ lớn dần, các con sẽ dễ dàng vượt qua những thử thách, và biết mỉm cười với những thử thách đó. Nếu tâm bồ đề không đủ mạnh, gặp phải âm thanh, sắc tướng bên ngoài hay có một chút buồn, một chút giận, một chút tự ái với thầy, với huynh đệ thì người đó sẵn sàng mà bứt áo ra đi. Không ít những trường hợp chỉ tu theo phong trào, tu ham vui, chất tu không có. Thầy vẫn thường nhắc nhở các con hãy duy trì đều đặng các thời khóa tụng kinh, lễ bái và hành thiền không phải là không có lí do. Đó chính là những bữa ăn để mình nuôi lớn tâm bồ đề. Thầy không muốn cái tâm tu của các con bị bỏ đói. Nếu mình không nuôi tâm này bằng giáo pháp mỗi ngày, khi nó bị khô héo và giãy chết, lúc đó có tưới tẩm bao nhiêu cũng không kịp. Vì nó đã không còn sức sống nữa. Mình đã mặc áo người tu thì phải sống với tính chất của người tu. Đi, đứng, nằm, ngồi, cười, nói, uống, ăn đều trong chánh niệm để chất tu được vun bồi.
Khi các con giải đãi đó là tín hiệu tâm tu đang héo dần. Khi các con nỗ lực, đó là tín hiệu tâm bồ đề lớn mạnh. Và mỗi ngày đều được như vậy là tín hiệu cho thấy đôi chân các con đang cứng dần, đôi cánh các con đang khỏe dần. Các con đang xây dựng cho mình một nhân cách lớn để đi trên con đường lớn.
Những gì các con thiết lập hôm nay chính là tạo nền tảng cho ngày mai và ngày mai nữa. Thầy mượn hình ảnh con chim non để nói về các con. Khi còn trong tổ thì đôi chân chưa vững và đôi cánh chưa đủ mạnh để bay. Thầy nhớ năm xưa khi còn đi học được quí thầy cô dạy, con chim có 2 cánh để bay, không có 2 cánh thì nó không bay được. Còn nếu chỉ có một cánh nó bị mất cân bằng, cũng không bay được. Một cánh là Y và cánh kia là Bát. Đó là 2 cánh của người tu nếu muốn bay trên bầu trời cao rộng để hành đạo.
Tại sao người tu lại cần Y và Bát. Vì Y, Bát là tài sản của người tu. Nó biểu trưng cho việc hành trì giới luật. Hình ảnh chiếc Bát tượng trưng cho “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh” – trên xin giáo pháp của Phật nuôi lớn huệ mạng, dưới xin thức ăn của bá tánh để nuôi thân tu hành. Mặt khác đi hóa duyên không chỉ là xin cơm để nuôi thân mà đó chính là đi hành đạo, đem giáo pháp đến với mọi người, mọi nhà. Nếu không có cái Bát thì mình sẽ đói, đói giáo pháp nuôi tâm và đói cả bụng để nuôi thân. Mình không nuôi được mình thì không thể nuôi được ai, không thể độ được ai cả.
Trong tấm Y có những ô nhỏ nhỏ, đó là tượng trưng cho những thửa ruộng - Ruộng phước, để mọi người gieo trồng phước lành. Nhìn tấm Y để thấy phước đức, giới đức mình tới đâu, đã có thể giúp mọi người gieo trồng được chưa. Từ đó mà quán chiếu sự thọ dụng tài vật của tín thí mà cố gắng tu hành.
Niềm hạnh phúc của con chim mẹ là nhìn thấy những con chim non ríu rít dành mồi, niềm hạnh phúc của thầy giáo là thấy được học trò mình siêng năng, học giỏi và niềm hạnh phúc của Thầy là nhìn các con tinh tấn tu học.
Con chim non khi chân chưa cứng, cánh chưa khỏe, đừng vội chạy xa, bay cao, nguy hiểm lắm. Con chim khi chân đã cứng, cánh đã khỏe, nếu có muốn nằm lì trong tổ thì chim mẹ chắc chắn cũng không cho. Thậm chí, chim mẹ còn dìu con của mình ra miệng tổ rồi…. hất mạnh để chim con sãi cánh tung bay.
Niềm hạnh phúc tròn đầy của chim mẹ là được đứng ở một cành cây, một góc nào đó, nhìn đàn chim con với chân cứng, cánh khỏe vào gió ra mây giữa khung trời cao rộng.