Chương trình diễn ra trong sự nhẹ nhàng, bắt đầu với diễn từ "Ý nghĩa Vu Lan" do Thầy Nguyên Hạnh đọc đã làm cho bao Phật tử thổn thức rơi lệ, nhớ về hai đấng sinh thành. Những ca khúc về Cha Mẹ đuợc ca sĩ Quách Tuấn Du, Diệu My, bé Ngọc Sơn khiến chương trình trở nên sâu lắng, ý nghĩa.
Thầy Viện Chủ đã có một thời pháp ngắn tán thán công hạnh các du học Tăng, sau đó Thầy giảng rộng về công ơn Cha me đến hội chúng.
Thầy nói rằng ca dao, tục ngữ, văn thơ Việt Nam đã có rất nhiều câu nói về Cha Mẹ như:
Nước biển mênh mông không đong đầy tình Mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công Cha.
Hay:
Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh dài thức đủ vừa năm.
Những câu thơ trên nói về những công lao khó nhọc chịu khó nuôi con. Để lo cho con giấc ngủ tròn đầy thì Mẹ Cha làm tất cả để đổi lấy sự bình an cho con. Nhưng đấy chỉ là chăm sóc cho con về phần thân thôi. Còn phần tâm, cha mẹ đem hết tình thương, sự quí mến cho con. Một đứa trẻ không được mẹ cha dưỡng nuôi bằng tình thương, đứa trẻ ấy lớn lên sẽ rất nghèo nàn về tình cảm, nhân cách sống. Đức Thế Tôn bậc giải thoát, giác ngộ, song vẫn lấy hiếu làm đầu. Sau khi thành đạo Ngài đã lên cung trời đao lợi thuyết pháp cho Mẹ. Hay khi Vua Tịnh Phạn băng hà, Ngài cũng có mặt lo tang và chính Ngài là người trực tiếp nâng quan tài Phụ vương. Một hình ảnh sáng ngời về đạo hiếu nơi Đức Phật trên cả hai phương diện thế gian và xuất thế. Không chỉ báo hiếu mẹ cha hiện đời, Ngài còn báo hiếu "đa sinh phụ mẫu". Thầy dẫn dắt câu chuyện trong kinh Vu Lan:
"Đáo bán lộ đành rành mắt thấy
Núi xương khô bỏ đấy lâu đời.
Thế Tôn liền vội đến nơi
Lạy liền ba lạy rồi rơi giọt hồng"
Khi Anan thấy Phật lạy đống xương và thắc mắc, được Phật đã giải thích trong đống xương này có ông, bà, cha, mẹ nhiều đời nhiều kiếp nên ta bỗng thấy thương cha nhớ mẹ:
Đống xương dồn dập bấy lâu Cho nên trong đó biết bao cốt hài
Chắc cũng có ông bà cha mẹ Hoặc thân ta hoặc kẻ ta sanh Luân hồi sanh tử, tử sanh
Lục thân đời trước, thi hài còn đây
Ta lễ bái những người tiền bối Và ngậm ngùi vì nhớ kiếp xưa ... Trong vô luợng kiếp chúng ta đã là quyến thuộc của nhau nên nhìn bằng con mắt tuệ giác mình thấy tiên tổ đang có trong mình.
Vu Lan về là cơ hội cho chúng ta nhìn rõ cội nguồn gốc rễ của mình. Nếu ai đã không còn Ông, Bà, Cha, Mẹ thì trong mùa báo hiếu mình hãy đặt một bó hoa lên bàn thờ và quán chiếu hình ảnh tổ tiên đang có trong mình.
Nếu ai còn diễm phúc có ba mẹ bên mình hãy ôm ba mẹ thật chặt và nói lòng biết ơn vì ba mẹ đã cho con biểu hiện trên đời này. Tất cả sự thương yêu, hiểu biết tài hoa của mình đang có đều là của Cha Mẹ.
Mẹ đã chăm sóc từ khi ta còn là giọt máu đầu tiên. Từ cái đi đứng, làm việc đều nhẹ nhàng sợ nằm trong bụng mẹ ta đau. Muốn con có trí tuệ, từ bi nên mẹ hay làm việc thiện lành, không dám nghĩ điều xấu ác sợ ảnh hưởng thai nhi. Tất cả những thức ăn đem vào cơ thể cũng phải chọn lựa tốt nhất. Chỉ nhiêu đó thôi ta cũng đủ thấy công lao mẹ khổ thế nào.
Chúng ta giờ đây lo làm ăn sinh sống đôi khi quên bẵng hình ảnh Cha Mẹ. Cũng không dám hỏi thăm chăm sóc mà lo vui chơi cùng bạn be.Mình thì quần này áo nọ, trưng diện sắc thân trong khi cha mẹ tiều tụy già yếu. Ta quên rằng hình ảnh tươi trẻ của ta được lớn khôn bằng sự bào mòn sự sống của cha mẹ. Khi có kiến thức đủ đầy lại không dám giới thiệu với bạn bè về cha mẹ già yếu quê mùa của mình.
Thầy dẫn dụ một câu chuyện của người phụ nữ Âu Châu. Khi chồng đi vắng trong lúc bụng mang dạ chữa đến ngày sanh. Thời tiết vào đông trời bên ngoài tuyết phủ đầy nhưng người phụ nữ ấy vẫn đến trạm xá để sinh con.. Trong đêm tối đi đến cái cầu bất chợt cô ta chuyển dạ và sinh cậu con trai ngay sau đó. Chị ôm chặt cậu con trai và cởi từng chiếc áo trên người quấn cho con mình đến khi không còn mảnh vải nào trên người. Sáng hôm sau có người phụ nữ khác đi ngang qua thấy người mẹ đã mất và nuôi cậu bé đến năm muời hai tuổi. Lúc này cậu bé hỏi thân thế và được mẹ nuôi kể lại rõ ràng. Tới ngày dỗ mẹ cậu xin mẹ nuôi đem hoa ra mộ mẹ. Cậu cũng cởi từng cái áo, khăn choàng quấn lên mộ mẹ và nói con muốn biết cảm giác năm xưa mẹ đã hy sinh thân mạng mình để cứu con. Câu chuyện kể đến đây làm ai cũng xúc động. Một cậu bé 12 tuổi mà còn làm được như vậy thì chúng ta phải làm sao để trả hiếu cho cha mẹ? Trong các cách trả hiếu ta thấy rằng hiếu đạo là cách tốt nhất. Giúp cha mẹ tu hành chuyển hoá tâm thức là cách những người tu học làm được.
Có được xác thân này là do ta đã thọ ân tam bảo, chúng sanh vạn loại nên mình phải thọ ơn. Vu Lan là ngày đạo đức hiếu hạnh. Chắp tay búp sen con nhìn lên Phật để thấy con đường sáng
Dù cuộc đời vô thường
Dù sanh lão bệnh tử
Đã có đường đi rồi
Con không còn sợ nữa.
Con đường sáng mà Đức Thế Tôn mở ra để chúng ta biết yêu thương nhìn nhận tha thứ đùm bọc lẫn nhau để trái tim con người Việt Nam luôn thắp sáng.
Ý Thức
Tin Tức Liên Quan
- Thầy Viện chủ thăm, tiếp xúc với du học Tăng Việt Nam tại Singapore (11/09/2017 6:44)
- Thầy Viện chủ hoằng pháp tại Singapore (10/09/2017 3:13)
- Đại lễ Vu Lan PL. 2561 - 2017 tại chùa Giác Đạo -TP. Cheb, CH. Séc (10/09/2017 1:07)
- Dư âm từ một khóa tu đặc biệt ( 7/09/2017 7:06)
- Pháp thoại “Nhờ đức lực Tăng tôn” tại chùa Ấn Quang, Quận 10 ( 6/09/2017 4:07)
- Pháp thoại Hạnh hiếu của Thánh tăng Đệ nhất Trí tuệ tại chùa Xá Lợi ( 6/09/2017 4:02)
- Đại lễ Vu Lan PL. 2561 tại Tu viện Khánh An - Đồng Nai ( 5/09/2017 1:04)
- Các Trường hạ thuộc GHPGVN Quận 12 tổ chức Lễ Tự tứ - Vu Lan PL. 2561-2017 ( 3/09/2017 9:01)
- Đại lễ Vu Lan - Báo hiếu tại Chùa Pháp Hoa, Erfurt, CHLB Đức ( 3/09/2017 12:58)
- Tin từ Trung tâm VHPG VN tại Ba Lan . ( 2/09/2017 7:44)