Pháp thoại Trí Bi Viên Mãn | Khóa tu Sống Tỉnh Thức lần thứ 81

13/06/2024 12:12
Sáng ngày 19/5/2024 (nhằm ngày 12/4/Giáp Thìn), trước thềm đại lễ Phật đản PL.2568 – DL.2024, Tu viện Khánh An tổ chức khóa tu Sống Tỉnh Thức lần thứ 81 với sự quay về nương tựa của hơn 450 thiền sinh.

   Vào lúc 9g30, sau thời khoá toạ thiền tĩnh tâm, sám hối và ôn tụng 5 giới, tại Pháp đường Thấy và Biết, Thầy Viện chủ đã mang đến hội chúng tham dự khóa tu bài Pháp thoại với chủ đề: Trí Bi Viên Mãn.


   Mở đầu Pháp thoại, Thầy dẫn lời của các bậc Tổ sư xưa về công đức cao vợi của đức Thế Tôn: “Thế Tôn đức tướng nan tận tán dương”, sau đó, Thầy đề cập đến nội dung trong kinh Hy Hữu Vị Tằng Hữu Pháp: khoảnh khắc đức Phật vào đời, ánh sáng chiếu vô lượng, sáng hơn ánh sáng của chư thiên, phạm thiên và ánh sáng ấy chiếu rọi đến những nơi mà mặt trời, mặt trăng và tất thảy những ánh sáng của thế gian đều không đến được. Dù ở nơi đâu thì mặt trời, mặt trăng và ánh sáng đều có thể chiếu rọi nhưng tâm thức con người thì khó mà chiếu rọi. Tâm thức con người tuy chói sáng nhưng cũng đầy những góc khuất mà chỉ có ánh sáng của đức Thế Tôn mới có thể chiếu soi và làm sáng tâm hồn của chúng ta.

   Đức Thế Tôn không chỉ có trí tuệ mà kinh Từ Bi cho biết, tâm từ bi của Ngài là vô lượng rộng lớn và mong tất cả các loài chúng sinh dù lớn hay nhỏ, dù ở dưới thấp hay trên cao, xa hay gần, dù thấy hay không thấy, tất cả không ai làm tổn hại ai, không ai gây khổ, sát hại ai, tất cả đều an lạc chung sống cùng với nhau. Tình thương của đức Thế Tôn như tình thương của người mẹ thương một đứa con duy nhất và Ngài dạy chúng ta cũng phải sống với tình thương ấy, tất cả mọi người đều đem tâm bình đẳng không phân biệt, thể như đứa con duy nhất mà mình phải nâng niu, trân quý. Năm tháng trôi qua, đức Thế Tôn tuy không còn trên đời, nhưng trí tuệ và từ bi bao la vô lượng của Ngài vẫn còn hiện hữu miên trường vĩnh cửu.

   Kinh điển tán dương, ca ngợi công đức của Thế Tôn là vô số kể nhưng quanh đi quẩn lại đều ca ngợi và tán dương Trí và Bi.

“Phật diện do như tịnh mãn nguyệt

Diệc như thiên nhật phóng quang minh

Viên quang phổ chiếu ư thập phương

Hỷ xả từ bi giai cụ túc.”

(Thế Tôn dung mạo như vầng nguyệt

Lại như mặt nhật phóng quang minh

Hào quang trí tuệ chiếu muôn phương

Hỷ xả từ bi đều thấm nhuận.)

   Dung mạo của Thế Tôn đẹp như ánh trăng rằm, Ngài tỏa ra hào quang chiếu sáng vô lượng. Tựu trung, tất cả đều ca ngợi về TRÍ TUỆ và TỪ BI của Ngài. Thế nên, mỗi chúng ta nếu tôn vinh, ngưỡng mộ đức Thế Tôn thì phải cố gắng học và thực tập cho được trí tuệ và từ bi mà Ngài đã để lại cho đời. Bởi vì trí tuệ hiểu biết và tấm lòng yêu thương chính là những vật phẩm cao đẹp và thiêng liêng nhất kính dâng lên Người.

   Dẫn bài Sám Nguyện: “Trầm hương xông ngát điện/ Sen nở Phật hiện thân/ Pháp giới thành thanh tịnh/ Chúng sinh lắng nghiệp trần.”

Đệ tử nương nhờ Tam bảo,

Trên con đường học đạo,

Biết Tam Bảo của tự thân,

Nguyện xin chuyên cần,

Làm sáng lòng ba viên ngọc quý.

  Qua đó, Thầy chủ ý nhắc đến nội dung ca ngợi đức Phật, Phật là Thầy chỉ đạo, bậc Tỉnh Thức vẹn toàn, phước trí trang nghiêm, Trí và Bi viên mãn. Trí tuệ của đức Thế Tôn là trí tuệ không do học hỏi hay tầm cầu, nghiên cứu. Những gì có được do học hỏi, tầm cầu, nghiên cứu thuộc về kiến thức, sự hiểu biết, góp nhặt thông tin để đặt vào tâm thức. Thầy nhấn mạnh, đừng nhầm lẫn thông minh, sáng tạo là trí tuệ của đạo Phật. “Tuệ giác” là trí tuệ do sự giác ngộ đem lại, đó chính là trí tuệ của đức Thế Tôn.


   Nói về nhận thức, hiểu biết của thế gian, thân được cấu tạo bởi 4 yếu tố: địa, thuỷ, hoả, phong. “Địa” là những chất rắn, khối lượng, nặng nhẹ, trơn nhám; “thuỷ” là chất kết dính; “hoả” là nhiệt lượng và “phong” là sự dịch chuyển, áp suất. Trong thân có 4 yếu tố gồm: thọ, tưởng, hành, thức, lần lượt tương ứng với: cảm giác, tri giác, tư duy, nhận thức. Trong Triết học, “Thọ” – nhận thức bằng cảm giác, trực quan sinh động, là một trong những nhận thức đầu tiên và cơ bản của con người khi các cơ quan trong cơ thể nhận thức sự vật hiện tượng.

   Thầy nói, tất cả chúng ta đều sống với cảm giác, mình ghi nhận lại trong tâm mình đó là “tưởng” – tri giác. “Tưởng” là kinh nghiệm tích góp qua những tháng ngày, khi mắt thấy, tai nghe, miệng nếm hay tay xúc chạm. Học Phật ta biết được thọ – cảm giác, tưởng – tri giác, nếu cuộc sống chỉ có thọ và tưởng, sẽ không có sáng tạo, thiếu sự hiểu biết và nhận thức. Tính sáng tạo bắt đầu từ tư duy, tư duy đặt trên nền tảng của cảm giác và tri giác. Nhìn từ nhãn quan của đạo Phật, khi con người có tư duy, có đặt để tính toán, suy nghiệm của mình vào trong sự vật hiện tượng thì lúc này nghiệp hình thành. Khi có cảm giác, tri giác thì tư duy mới vận hành tạo thành nghiệp. Tư duy không độc lập với cảm giác và tri giác mà chúng hoà quyện và có mặt trong nhau.

   Trong nhận thức của con người có cảm giác, tri giác, tư duy, nhận thức; yếu tố này có sự hiện diện của yếu tố kia bởi tâm thức con người luôn sinh diệt khôn lường. Điều minh chứng là có những người sống đời thực vật, mắt thấy tai nghe nhưng không nhận diện được ai, nhận thức còn nhưng cảm giác, tri giác đã mất. Trong dòng tâm thức của ta, cái này tương quan, tương duyên cho cái kia và tương ứng với cường độ cảm giác, tri giác cao thấp ra sao mà từ đó tư duy đặt vào và nghiệp báo tạo nên. Đó chính là nhận thức, hiểu biết của thế gian.

   Trí tuệ con người hiện nay rất tuyệt vời, đã đóng góp cho tất cả những tiện nghi ở kiếp sống này. Chúng ta đang đứng ở đỉnh cao của công nghệ và tất cả mọi tiện nghi đều giúp rất tốt cho chúng ta nhưng tiện nghi không giải quyết được vấn đề tham, sân, si, phiền não, khổ đau hay những hỗn độn trong cuộc sống. Nhìn từ nhãn quan của đức Thế Tôn vào thế giới của sự vật hiện tượng thì có pháp tục đế (pháp chế định) và pháp chân đế (pháp thực tánh). Pháp chế định là những quy ước do chính con người tạo nên, đặt để, hình thành; còn với pháp chân đế thì mọi sự diễn ra như nó đang là. Chúng ta hầu như sống trong pháp chế định, sống với quy ước nhiều hơn; còn với chân đế, tất cả các pháp tự tính do duyên sinh mà thành, khi sống với tục đế, ta hình thành những cái nên – không nên, thích – ghét…

   Tuệ giác của đức Thế Tôn có được khi Ngài nhìn tận trong sâu thẳm của tự thân mình, của chúng sinh vạn loại và thấy sự sinh diệt, biến dịch khôn lường mà ngộ ra chân lý sinh - diệt vô thường. Mỗi người cần chiêm nghiệm lại, đừng nghĩ rằng sinh diệt vô thường là những gì tàn hoại, mất mát, khổ lụy, đau thương; hãy thấy sinh diệt vô thường là sự mầu nhiệm của cuộc đời, hãy nhìn cuộc đời bằng một nhãn quan mới qua lăng kính minh triết của đạo Phật. Bởi dòng đời luôn luôn chuyển biến nên ta hãy nhìn đời với một ánh mắt mới mẻ, tinh khôi. Một nụ hoa đẹp thì hoa nở cũng đẹp, hoa tàn cũng đẹp. Dưới cái nhìn thẩm mỹ của một nhà nghệ thuật thì một chiếc lá héo, một nhành cây khô cũng có thể trở thành một kiệt tác.



   Thầy ôn tồn giảng giải, dòng chuyển biến sinh diệt vừa nói lên nguyên lý vô thường, cũng vừa nói lên nguyên lý vô ngã, không có cái gọi là ta, là của ta, là tự ngã của ta. Sự sống này do thức ăn, nước uống, hơi thở, do vận động mà hình thành, cái gì vận động liên tục là sự sống, đứng yên là sự chết. Thái tử Tất Đạt Đa năm xưa thấy được tất cả mọi sự vật không đứng yên một chỗ mà luôn luôn dịch chuyển, trên cơ sở đó thấy được không có cái gì là ta, là của ta mà chỉ tự đặt tên và tạm gọi là như vậy. Mỗi sự vật hiện tượng đều trôi chảy một cách tự nhiên theo tiến trình khách quan của nó, không thoả mãn bất cứ ai. Tất cả chúng ta đều đặt ý thức chủ quan và bắt ép sự vật hiện tượng phải tuân theo ý mình mà từ đó khổ đau, phiền não khởi lên; còn người chứng ngộ thấy được chân lý là thấy được pháp duyên sinh, cho nên tuệ giác của đức Thế Tôn không phải là thông minh, là kiến thức hay hiểu biết, mà tuệ giác của đức Thế Tôn chính là thấy sự vật hiện tượng như nó đang là, pháp sinh diệt là như vậy. Thông minh chỉ là cái nhìn ra bên ngoài, giác ngộ là xoay vào cái bên trong. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy điều đó và suốt những năm tháng khám phá chính mình, nghiên cứu thân và tâm để trực ngộ những chân lý tối hậu mà gọi là Giải thoát - Giác ngộ. Vậy nên, tuệ giác của Ngài là trí tuệ do giác ngộ đem lại, không phải do tìm cầu.

   Tài sản thứ hai của đức Thế Tôn hiến tặng cho ta là tâm vô lượng từ – bi – hỷ – xả của Ngài. “Từ” – tình thương, ban rải một cách bình đẳng, không phân biệt đến tất cả mọi người, mọi loài. “Bi” – tâm trắc ẩn, động lòng trước nỗi khổ của người, tâm từ giúp cho người vui và tâm bi giúp cho người vơi khổ. Tâm từ là không sân giận với bất cứ ai, tâm bi là không sát hại, không làm tổn hại sinh mạng của bất kỳ ai. “Hỷ” – tâm hân hoan, tùy hỷ công đức, mừng vui với sự thành công của người, biết ngưỡng mộ trước sự thành đạt của người, chia sẻ niềm vui khi người có được kết quả thành công tốt đẹp. Thầy nói, tất cả mọi sự thành công đều có giá của nó, không phải tự nhiên mà có, đòi hỏi sự nỗ lực và cả một quá trình công phu. Nếu ta học hạnh tùy hỷ công đức, học tâm hoan hỷ, lòng ta sẽ rất vui, không tật đố, tị hiềm, ganh ghét. “Xả” – nhìn thấy nghiệp báo sai biệt của tất cả chúng sinh, nhìn với tâm bình đẳng không phân biệt và thấy được nghiệp báo của từng chúng sinh mà sống buông xả, tha thứ và khoan dung, không định kiến, không thành kiến, không cố chấp. Tâm xả là tâm ban rải đến tất cả chúng sinh nhưng nhờ thấy được nghiệp báo sai biệt mà không bi luỵ, trắc ẩn.

   Tóm lại:

   Tâm từ – thương yêu tất cả mọi người, mọi loài, không sân giận.

   Tâm bi – động viên, vỗ về an ủi mọi người, mọi loài, không gây tổn hại bất cứ ai.

   Tâm hỷ – ngưỡng mộ, tùy hỷ công đức, vui mừng trước sự thành đạt của người khác mà không khởi tâm tật, đố, tỵ, hiềm.

   Tâm xả – thấy được nghiệp báo sai biệt của mọi chúng sinh, sống không dính mắc, không câu chấp trong tâm mình. Nhờ thực tập tâm này, ta thấy mọi sự dính mắc đều đem lại phiền não, nghiệp chướng, khổ đau.

   Cuối lời, Thầy nhắn nhủ đến hội chúng: Đức Thế Tôn đã để lại hai tài sản lớn nhất trên thế gian là tuệ giác sáng ngời và tâm từ bi vô lượng. Hướng về kỷ niệm ngày ra đời của đức Phật, không có lễ phẩm gì cao quý hơn là học theo hạnh Phật, thực tập theo lời dạy của đức Phật và sống như những gì đức Phật sống. Chúng ta là chúng sinh, học kiến thức để mở rộng tầm hiểu biết, thấu hiểu giá trị cuộc đời nhưng vẫn còn thiếu tu tập, vì vậy, mỗi người đừng quên nỗ lực tu tập để gạn lọc tâm thức ô nhiễm của mình, có được tuệ giác sáng ngời, hãy nhớ nhìn vào bên trong để thấy được mình và mỗi ngày cố gắng thực tập bốn tâm vô lượng từ – bi – hỷ – xả sẽ chuyển hoá rất tốt cho chúng ta.

   Vào lúc 11 giờ, thời Pháp thoại kết thúc, đại chúng đầy hỷ lạc khi được tắm mình trong dòng sông Từ Bi của đức Thế Tôn và được sưởi ấm trong ánh sáng Trí Tuệ quang minh của Ngài. Chiều cùng ngày, khóa tu tiếp tục diễn ra với các thời khoá toạ thiền, vấn đáp Phật pháp và quy y Tam Bảo.

Khánh Ngân


Một số hình ảnh ghi nhận khác:


Tin Tức Liên Quan