Pháp thoại BỐN PHONG CÁCH ĂN - Thầy Trí Chơn

21/06/2024 8:53
Sáng ngày 16/06/2024 (nhằm 11/5, Giáp Thìn) tại tu viện Khánh An, thầy Viện chủ giảng bài pháp thoại Bốn phong cách ăn cho đại chúng trong Khóa tu Sống tỉnh thức lần thứ 82.

   Mở đầu, thầy nói rằng sở thích, thói quen trong ăn uống phần nào phản ảnh được nghiệp tướng của mỗi chúng sanh. Thầy chỉ ra những điểm khác biệt trong thói quen ăn uống của các loài chúng sanh. Tuy nhiên, tất cả vẫn thuộc bốn phạm trù về phong cách ăn mà Đức Phật đã dạy là Đoàn thực, Xúc thực, Tư niệm thực, Thức thực. Tiếp đó, thầy giảng giải chi tiết về mỗi loại phong cách ăn trên.


   Thứ nhất là Đoàn thực. Đây là những thức ăn, nước uống, không khí ta đưa vào thân để duy trì sinh mạng. Thầy dạy rằng ta cần khôn ngoan chọn lựa những thức ăn phải lành mạnh, nước uống phải trong sạch và không khí phải tinh khiết để nuôi dưỡng thân thể. 

   Thứ hai là Xúc thực. Đây là những cảm xúc đi vào tâm trí ta khi các giác quan: mắt, mũi, lưỡi, tai, thân, ý tiếp xúc với các điều kiện bên ngoài. Xúc thực là những cảm xúc hạnh phúc, đau khổ, vui, buồn, giận, ghét,... Thầy căn dặn mỗi chúng ta nên ý thức phòng hộ sáu căn (các giác quan) của mình khi tiếp xúc với thế giới xung quanh để không bị cuốn theo những cơn cảm xúc nhất thời.


   Thứ ba là Tư niệm thực - tư duy có chủ ý. Chính tư duy đưa tới hành động để đạt đến những điều mình mong muốn. Những tư duy tốt giúp tâm hồn và đời sống ta hướng thượng, hướng thiện. Vì vậy, ta cần cẩn trọng với mỗi ý nghĩ, lời nói và hành động của mình.

   Thứ tư là Thức thực. Ta hiểu nó theo 2 nghĩa: 01. Thức thực là những điều ta tiếp nhận qua Xúc thực và Tư niệm thực được lưu giữ trong tâm thức. 02. Thức thực là dòng sinh diệt liên tục của tâm (tâm hộ kiếp) để duy trì kiếp sống của mỗi chúng sanh.

   Lời Phật dạy: nuôi dưỡng một con người là nuôi dưỡng cả thân và tâm. Vì đó ta phải ý thức lựa chọn những thức ăn lành mạnh, thanh tịnh để nuôi dưỡng chính mình.

   Kết thúc buổi pháp thoại, thầy căn dặn đại chúng khi thân thể bị ngộ độc ta phải đến bệnh viện để chữa trị, còn khi tâm bệnh ta cần về chùa, tìm đến giáo pháp của Đức Thế Tôn để chữa trị những vết thương nơi tâm hồn.

Bảo Ngọc


Một số hình ảnh ghi nhận khác:


Tin Tức Liên Quan