29/10/2015 5:23
Khoá tu “Sống Tỉnh Thức” lần thứ 4 tại TVKA đã thu hút gần 500 hành giả, với nhiều giai tầng và lứa tuổi khác nhau tham dự. Trong khóa tu này, có nhiều doanh nhân tham dự, trong đó có Phật tử An Như Phương, Giám đốc Tài chính Tập đoàn Bitexco và Phật tử Phương Diệu, thành viên Ban Giám đốc Tài chính của tập đoàn. Với thời giờ "quí hơn vàng" dành cho công việc của mình tại toà nhà cao nhất Thành phố, hai chị cũng dành "giá trị vàng" để sống trọn vẹn một ngày trong khóa tu Sống Tỉnh Thức. BBT xin giới thiệu buổi trò chuyện giữa thầy Tuệ Đẳng với hai chị trong giờ thảnh thơi của khoá tu.
- Thầy Tuệ Đẳng: Xin chào chị An Như Phương và chị Phương Diệu, xin được hỏi đây là lần tham dự thứ mấy của các chị ạ?
- ANP, PD: Bạch Thầy, đây là lần thứ 2 chúng con được tham dự vào khóa tu ạ.
- TTĐ: Là doanh nhân với công việc khá bận rộn nhưng 2 chị cũng đã sắp xếp dự được những hai khóa tu, điều đó có ảnh hưởng đến tiến độ công việc của hai chị nhiều không ạ?
- ANP: Bạch Thầy, công việc bao giờ cũng nhiều, nếu như không biết cách sắp xếp cho khoa học thì mình luôn bị công việc chồng chất không có lối thoát, rồi mình cũng luẩn quẩn mãi trong công việc. Ngay cả thời gian dành cho chính bản thân mình cũng không có. Vì vậy, hễ muốn thì sắp xếp được ạ (cười)
- TTĐ: Hành giả tham dự khóa tu tại TVKA là nhiều thành phần, tuổi tác. Tất cả đều được Tu viện hướng đến pháp tu là sống có chánh niệm, sống tỉnh thức, hay nói khác hơn là tu tập thiền định. Chị An Như Phương có cảm nhận thế nào về pháp tu này dành cho cuộc sống nói chung cũng như cho một doanh nhân như chị?
- ANP: Thưa Thầy, con cũng có hành thiền. Nhưng đúng là do công việc, chức trách mỗi ngày quá bộn bề, nên việc tập luyện thường xuyên cũng không được đều đặn. Những lúc cần thiết thì con cũng chọn cho mình cách ngồi yên tĩnh để cho mọi thứ trong tâm của mình được dịu lại, lặng yên hoặc chọn nghe bài giảng của quý thầy để cho tâm mình được an tĩnh. Theo con, đó là cách để tạo ra năng lượng cho sự bình an của một người. Chúng ta tiêu hao quá nhiều năng lượng do áp lực của nhiều thứ trong cuộc sống, thậm chí có những tiêu hao vô bổ, lãng phí. Thỉnh thoảng, con dành một ngày không nói chuyện, thả bộ - theo dõi hơi thở - đi một cách thảnh thơi cũng tạo được sự thảnh thơi bình an.
- TTĐ: Trong công việc của một doanh nhân, như người buôn bán nhỏ thì giao thiệp nhỏ, người buôn bán lớn thì giao thiệp lại càng lớn. Mà trong cuộc sống thì mỗi người mỗi ý, mỗi người mỗi khác, công việc thì có lúc thuận, lúc nghịch. Việc chúng ta thường phải gặp những đối tác khó chịu, ngang ngược quả thật là làm cho chúng ta cảm thấy không vui. Nhưng đôi khi, vì hợp đồng, vì công việc mà chúng ta vẫn phải bấm bụng để làm vui lòng cả đôi bên. Khi gặp phải những đối tác ngang ngược, khó chịu như vậy chị làm như thế nào để những người ấy không làm ảnh hưởng đến sự bình an trong tâm hồn của mình?
- ANP: Đúng như Thầy nói. Trong công việc, con thường xuyên phải gặp những đối tượng như vậy, khó chịu và ngang ngược. Phương cách của con là, cần phải chân thành và thẳng thắn, hướng đến mục đích vì lợi ích cho cả đôi bên. Mưu toan, thủ đoạn là gốc của sự mệt mỏi trong quan hệ giao tiếp. Trong giao tiếp, cần nhìn nhận những điểm mạnh và điểm tốt của đối tác bằng tất cả thiện cảm và chân thành sẽ giúp đôi bên có được năng lượng an lành. Từ đó sẽ dễ dàng hơn cho cho việc tiếp xúc làm việc của hai bên. Gặp những đối tác khó tính, cần phải thể hiện sự chân thành và kiên trì thì sẽ thuyết phục được đối tác. Khi họ đã hiểu mình rồi thì sẽ hợp tác mà không làm khó mình nữa. Những khi gặp người hay việc không thuận lợi, con thường tư duy lời Phật dạy, tất cả những chướng duyên, những điều bất như ý đều có căn nguyên, không có gì là tự nhiên, ngẫu nhiên cả. Tư duy như thế rồi vui vẻ chấp nhận thực tế khó khăn đó, nhìn thẳng vào vấn đề và không chạy trốn khó khăn. Như vậy sẽ không quá đau khổ, quá day dứt về nó. Nhờ vậy mà tâm bình an có mặt.
- TTĐ: Xin được hỏi chị Phương Diệu. Trong cuộc sống cũng như công việc của chị sự bất như ý hay sự thất bại đến với chị có thường xuyên không, và cách để chị vượt qua trở ngại đó?
- PD: Thưa thầy, cuộc sống của con thì thành công cũng có mà thất bại cũng nhiều. Trong đối nhân xử thế cũng như trong công việc, ai cũng muốn hướng đến thành công. Nhưng thầy thấy đấy, không một thành công nào mà không có chướng duyên. Và, con cho rằng, muốn mọi sự an lành thì trước tiên nội thân mình, nội tâm mình phải có năng lượng an lành. Với đối tác, mình bao giờ cũng muốn thắng, đôi khi chỉ là một câu chuyện nhỏ. Mình không biết nhường nhịn, một khi tâm mình không tĩnh, chỉ hiếu thắng thì không thể thuyết phục được người khác. Trong giao tiếp, một khi tâm không an tĩnh, không thể nhường nhịn để lắng nghe thì yếu tố thất bại đã ngấm ngầm xuất hiện. Công việc của con thì không liên quan nhiều đến tài chính nhưng liên quan nhiều đến quan hệ, đối nhân xử thế trong doanh nghiệp. Trong doanh nghiệp có 100 người thì có đến 100 tính cách. Nếu mình cứ lấy tính cách của mình để làm chuẩn thì rất khó thuyết phục người khác, huống chi là thuyết phục 99 người khác để cùng làm việc đó với mình. Thưa thật với thầy con cũng gặp thất bại nhiều lắm (cười), nhưng nhìn lại bản thân mình, “tiên trách kỷ hậu trách nhân” đôi khi cũng như thầy nói mình gặp phải những đối tượng quá ngang ngược quá khó chịu thì mình phải đề cao cái tốt, cái hay của họ để giảm sự căng thẳng giữa đôi bên xuống. Không phải là mình nịnh bợ đâu, mà đó là thiện chí của mình nêu mặt tích cực của họ. Cũng có thể do cái tôi quá lớn khiến họ căng thẳng với mình. Cách khôn ngoan là, nêu những cái tốt, cái hay của họ và bày tỏ thiện chí của mình sẽ khiến họ hài lòng, tĩnh tâm hơn và hợp tác với mình. Cho nên con thấy, nếu như mình có sự an tĩnh - thiền - thì sức mạnh trong tâm sẽ giải quyết được tốt nhất những!khó khăn. Đó là kinh nghiệm của con.
- TTĐ: Có một điều tế nhị trong giao tiếp là việc ngoại giao tiệc tùng, muốn cho trôi chảy bàn giấy thì phải qua bàn “cồn”. Đó là một thói quen trong ngoại giao kinh doanh, mà tác hại của bia rượu thì ai cũng biết là nó làm mất tự chủ bản thân và mê muội tinh thần đầu óc và phá hủy sức khỏe. Tuy biết điều này nhưng vì công việc và mối quan hệ không thể từ chối vì sợ mất lòng đối tác. Chị hành xử thế nào về vấn đề này khi chị là một người phụ nữ và cũng là một người doanh nhân Phật tử?
- PD: Bạch Thầy, phải nói thật là (cười) con không biết uống bia, rượu. Thật sự là con không biết uống bia rượu. Công việc của con là phải tiếp xúc với rất nhiều mối quan hệ, kể cả quan hệ với những vị khách là các nhà chức trách, nhiều khi con phải chủ động đến với họ. Trước đây, thông qua công việc, con "được" mời ăn uống là rất thường xuyên - công việc hiện tại thì không nhiều lắm. Con ý thức tác hại của rượu bia, nhưng vì để cho công việc trôi chảy thì mỗi người phải có mẹo riêng, hoặc sử dụng "quyền trợ giúp", hoặc là mình chân thành từ chối và thay thế bằng cách ngâm thơ hay hát một bài hát cốt cho . . . được việc. Suy cho cùng thì vẫn phải cố gắng thế nào để giữ sự hài hoà giữa mình và người để làm sao tâm mình an và tâm người vui.
- ANP: Thưa Thầy, công việc của con là phải tiếp xúc rất nhiều người và phải biết uống. Con uống được nhiều nhưng rất ít khi say. Bây giờ thì con chỉ uống trong chừng mực, uống cho phải phép. Trước đây, con cũng từng băn khoăn trăn trở về điều này, nhưng đến khi nghe được buổi giao lưu "Doanh Nhân Và Đạo Phật" . Trong đó, thầy TC có trả lời: "Khi nâng ly lên cần phải quán chiếu, đây là phần đáp lễ trong kinh doanh hay đây là hưởng thụ. Nếu là lễ thì ta chỉ nhấp môi cho phải lễ". Từ đó con không còn cảm thấy băn khoăn, cắn rứt, mặc cảm về điều này nữa. Sau này, học Phật và hành theo giáo pháp, con không còn thích thú với "nghi lễ ngoại giao" này nữa, mặc dù vẫn có thể uống được. Bạn bè trước đây cũng ép nhiều lắm nhưng mình cứ cười cười từ chối, rồi dần dần không ai ép nữa, và con thấy khỏe hơn nhiều.
- TTĐ: Cám ơn hai chị đã dành thời gian để trao đổi trò chuyện như thế này, chúc hai chị luôn an vui và hạnh phúc trong cuộc sống.