Khoá tu “Có Mặt Cho Nhau” Trong Mùa Phật Đản

28/05/2018 3:54
Mưa Sài Gòn thường đột ngột, nặng hạt, đỏng đảnh đến rồi lại đi rất nhanh. Vừa nắng đấy, nắng gay gắt nhưng vài phút sau trời dịu lại, ầm ì vài tiếng sấm, thế là mưa. Mưa rơi từng hạt khiến đường phố ướt sũng và ngập nước trong mưa.

Hôm nay cũng vậy, cơn mưa to nặng hạt vào buổi trưa ngỡ như ngăn chân các hành giả đến tham dự khóa tu thế mà đến chiều cơn mưa đã dứt hẳn nhường lại bầu trời quang đãng, trong xanh khiến các hành giả trẻ tuổi đến tham dự khóa tu khá đông. Đến nơi đây, các bạn như được trở lại ngôi nhà thân thương của mình, được sống, được tu tập, được vui đùa. Khóa tu “Có mặt cho nhau” đã giúp các bạn có cơ hội thực hiện điều ấy.

IMG 7658IMG 7659

Đúng 19 giờ tối, các bạn hành giả vân tập lên Pháp đường chánh niệm để cùng nhau ngồi nghe những lời dạy bảo quý báu của Thầy.

IMG 7662
Hôm nay, Thầy nói về “Hiện pháp lạc trú”: an trú vào một pháp ở hiện tại và tại nơi đó ta có được sự an lạc, niềm an lạc đó có mặt bây giờ và ở đây, Thầy nói con người chúng ta thường đi tìm kiếm hạnh phúc, niềm vui ở quá khứ, ở tương lai. Đó là một hạnh phúc ảo tưởng, chúng ta hay tự nghĩ rằng đây là hạnh phúc của bản thân mình và cho rằng nó là sự an lạc, nhưng thực tế thì không phải vậy mà Đức Phật đã dạy rằng sự hạnh phúc đích thực chính là an trú ngay trong hiện tại. Và Pháp nhiệm màu đó chính là phép quán chiếu hơi thở, ý thức được hơi thở và tận hưởng trọn vẹn sự có mặt của hơi thở chính là niềm an lạc và hạnh phúc nhất của mỗi người.

IMG 7660IMG 7661IMG 7663


Giáo Pháp mà Đức Phât dạy chúng ta đó là đến để mà thấy. Cái thấy ở đây không phải là cái thấy bằng con mắt bình thường hay chỉ là sự cảm nhận, sự hiểu biết mà cái thấy mà Đức Phật muốn truyền dạy lại cho chúng sinh đó chính là thấy Pháp (ngộ Pháp), thấy bằng tuệ giác chứ không phải cảm nhận.
Bản chất của sự vật hiện tượng là một tấm màng bí mật. Cùng là một vật những mỗi người hiểu theo cách chủ quan của người đó. Cùng một cái chuông khi thỉnh lên với âm vang trầm lắng khiến lòng người lắng đọng, trở nên an lạc, thảnh thơi thì người Phật tử thấy được sự tỉnh thức. Nhưng với nhà quân sự thì quả chuông ấy giá mà để đúc súng đạn thì tốt quá, tên trộm thì chỉ biết đó là khối đồng bán kiếm tiền mà chưa chắc biết được giá trị của chuông.
Bởi vậy, tùy vào sự hiểu biết của mỗi người mà có cái thấy khác nhau về một vấn đề, không ai có thể nhìn trọn vẹn được bản chất của sự vật hiện tượng. Mỗi người có được kiến thức, khả năng tới đâu thì sẽ nhìn sự vật với cái thấy cảm quan dưới một góc độ nào đó. Bởi theo lẽ đó, Thầy khuyên chúng ta hãy học tập theo cái nhìn, cái thấy của Đức Phật để nhìn cuộc đời đầy tràn niềm vui và hạnh phúc.
Thầy cũng nhắc lại lại câu chuyện Thái tử Siddhattha Gotama dạo bốn cổng thành, thấy bốn tướng sinh - già – bệnh – chết mà ngộ được lẽ vô thường, quyết tâm tìm đạo và chứng đạo. Nhờ vậy mà giáo có mặt trên đời cho đến hôm nay.

IMG 7664IMG 7665

 

Trước khi kết thúc buổi Khai mạc khóa tu “Có mặt cho nhau” là lời chia sẻ bộc bạch tâm tình của các hành giả. Bạn Quân, nam sinh viên đến từ trường Đại học Khoa học tự nhiên lần đầu tiên tới Tu viện còn rất bỡ ngỡ và ngại ngùng nhưng bạn đã thật lòng nói rằng bạn rất hạnh phúc khi được cho đi, được cống hiến, được phụng sự, được giúp đỡ mọi người và lấy niềm vui của họ làm niềm vui của chính bản thân mình. Cô Phật tử trẻ Bích Trâm chia sẻ rằng cô đến với thiền rất tự nhiên và cô đã thật sự cảm nhận được niềm an lạc khi thực tập phương pháp này, và cô cảm thấy mỗi ngày trôi qua là cô trở nên nhẹ nhàng, hiền dịu, dễ thương hơn. Anh Phật tử trẻ thắc mắc về 16 phép quán niệm hơi thở và 4 đề mục quán niệm trong Kinh Quán Niệm hơi thở và Lục độ Ba la mật của một vị Bồ tát. Với hai câu hỏi này Thầy đã giải thích khá chi tiết giúp anh có được cơ sở để anh dựa vào đó mà tu tập tại gia tinh tấn hơn. Và cuối cùng là các cô Phật tử đến từ những quốc gia châu Âu như Ba Lan, Pháp, CH Séc,… chia sẻ về niềm hạnh phúc khi được trở về Khánh An tham gia khóa tu và cảm nhận được sự ấm áp mà nơi đây mang đến.
Kết thúc buổi khai mạc là thời gian im lặng hùng tráng. Đây là lúc các hành giả thực tập đi, đứng, nằm, ngồi trong chánh niệm. Không gian tu viện không còn năng động, náo nhiệt như lúc chiều nữa mà trở nên trầm lặng, tĩnh mịch vốn có hằng ngày giúp cho các hành giả tìm về với nơi thuần khiết sâu thẳm nhất của chính mình, như một nốt lặng trầm quý giá trong bản nhạc cuộc sống thường nhật ồn ào, sôi động.
Ngọc Ánh

Tin Tức Liên Quan