Hà Nam: Chương trình thiền trà chủ đề “Quay Về Nương Tựa” tại chùa Hòa Mạc

2/04/2024 7:45
PGĐS – Tối ngày 30/ 03/ 2024 (nhằm ngày 21 tháng 02 năm Giáp Thìn) tại chùa Hòa Mạc, Khánh Hòa, Duy Tiên, Hà Nam đã tổ chức chương trình thiền trà và pháp đàm với chủ đề “Quay Về Nương Tựa”.

    Buổi thiền trà có sự tham dự của Thượng tọa Thích Trí Chơn – Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó ban Hoằng pháp Trung ương, Phó ban Văn hóa Trung ương, Trưởng ban Văn hóa GHPG TP.HCM; Đại Đức Thích Hạnh Bích – UVTT Ban Văn hóa Trung ương, Ủy viên Ban Nghi lễ Trung ương, Tổng biên tập Tòa soạn PGĐS, trụ trì chùa Cao (Nam Định); Ni sư Thích Đàm Huề – Phó trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử Phân Ban Ni giới Trung ương, UVTT Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Nam, trụ trì chùa Hòa Mạc, cùng Chư Tôn đức Tăng Ni đến từ các tự viện, quý Phật tử trong và ngoài tỉnh đồng tham dự.


    Nghệ thuật thưởng trà là một bộ môn nghệ thuật kết hợp giữa nét đẹp của bộ ấm trà, hoà quyện vào đó là vị thơm đặc biệt của loại trà cùng với thao tác chuyển động tỉ mỉ, cộng với sự thư thái trong các bước, từ bước pha, nếm, thưởng thức tạo thành một khối thống nhất. Nghệ thuật thưởng trà mang đến nguồn cảm hứng mới, nuôi dưỡng tinh thần của những người yêu trà.

    Không biết từ khi nào mà Trà – loại thức uống thực dưỡng trở thành một trong thứ không thể thiếu trong các gia đình của người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng. Như câu nói sau đây: “Quan môn thất kiện sự, sài, mễ, du, diêm, tương, thố, trà”. Nghĩa là trong nhà lúc nào cũng phải có 7 thứ là: củi, gạo, dầu, muối, tương, giấm, trà. Uống trà không chỉ là thói quen “Ăn xong uống một chén trà” mà còn là một truyền thống, một nét văn hóa “khách đến chơi nhà nhất định phải pha trà tiếp đãi” đã có từ lâu đời của người Việt Nam ta. Và nhất là vào những dịp lễ quan trọng đến thì trà càng không thể thiếu trong mỗi câu chuyện hàn huyên.


    Đặc biệt, trong Phật giáo nghệ thuật thiền trà mang vị Thiền. Thiền là nghệ thuật đưa tâm trở lại với chính mình, các Thiền sư mượn chén trà để đưa tâm trở lại với chính mình. Tâm chúng ta hàng ngày sôi động quên đi giây phút thực tại thì chính nhờ những giây phút lắng đọng này, chúng ta được trở về với thực tại và thực tại thì bao giờ cũng rất đẹp, rất an lạc và rất nhiệm màu. Sau những thăng trầm, xao động của cuộc sống, buổi thiền trà chính là giây phút để con người mượn chén trà đưa tâm trở lại với chính mình. Trong giây phút này, con người hoàn toàn sống trong hiện tại, hưởng trọn vẹn cảm giác thoải mái, an lạc và hạnh phúc.

    Trong nghi thức thiền trà, có những quy tắc bất di bất dịch để nhắc nhở người xuất gia phải giữ lấy chánh niệm thông qua việc uống trà như: “Phật Hoàng Trần Nhân Tông khi được hỏi gia phong nhà Hòa thượng là gì? Ngài đáp: “Áo rách che mây sáng ăn cháo, bình xưa tưới nguyệt tối dùng trà””.  Nghệ thuật thiền trà đặc biệt thích hợp với việc trau dồi đạo đức, rèn luyện tinh thần. Cần buông thả mọi phiền muộn nơi trần thế, từ bỏ những ham muốn danh lợi, duy trì trạng thái cân bằng thanh tịnh mới có thể lĩnh ngộ được ý nghĩa chân thật này. Nếu bạn không hiểu về thiền, không ngộ được thiền ý thì khi bạn uống trà sẽ không cảm nhận được sự đồng nhất giữa trà và thiền. Trong trà gói trọn bao nhiêu triết lý của cuộc đời, biểu hiện hết thảy ngọn ngành cảnh giới của nhân sanh.


    Và đặc biệt hơn, khi dự buổi thiền trà quý Phật tử có thể đặt câu hỏi về những vướng mắc của mình trong cuộc sống đến quý thầy và cùng giải đáp, chia sẻ cách vận dụng giáo lý trong Phật giáo để vượt qua những khổ ải trong cuộc sống. Bởi ngay nơi trà thiền, bên những chiếc bánh ngọt, bên tách trà thơm, cùng với bạn hiền, chúng ta sẽ cảm nhận được sự tương tức trong vạn pháp và tri ân cuộc sống nhiệm màu.

“Chén trà trong hai tay

Chánh niệm Nâng tròn đầy

Thân và tâm an trú

Bây giờ và ở đây”


    Phương châm của thiền trà là “bây giờ và ở đây”, nghĩa là bạn sẽ buông xuống mọi cảm xúc của mình ngay bây giờ và bỏ lại mọi gánh nặng ở đây, chỉ quay về với sự bình an trong tâm khảm thì sẽ có được “Hạnh phúc đích thực” cho bản thân, mà không cần một phép mầu nào lớn lao hơn nữa. Mời trà – uống trà, đó là một nét đẹp trong phong tục truyền thống từ xa xưa, chúng ta nên phát triển văn hóa trà trong xã hội rộng lớn bằng cách ngồi lại cùng nhau trong yên lặng, tỉnh thức, một cách để bước vào con đường hạnh phúc. Hương trà ấy sẽ bay đi khắp nơi, khắp chốn nhân gian hòa quyện với cái hương cái vị của tự tại và giải thoát.

Liên Điều


Một số hình ảnh ghi nhận khác trong buổi lễ:


Tin Tức Liên Quan