Thầy nói thọ tức là thọ nhận, lãnh chịu. Cảm thọ là những cảm giác của mình khởi lên do tác động bên ngoài. Thân người có sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Khi sáu căn tiếp xúc sáu trần: sắc, thanh, mùi, vị, xúc, pháp thì tâm thức ta sinh ra những cảm xúc hoặc là tích cực (lạc thọ), hoặc là tiêu cực (khổ thọ), hoặc bình thường (xả thọ - không tích cực cũng không tiêu cực).
Hành giả thực tập thiền quán, hãy thường xuyên chiêm nghiệm lại bản thân, bởi do tác động của ngoại cảnh mà con người hằng ngày phải chịu biết bao nỗi hờn, giận, trách móc, khen, chê. Nghe những lời dễ thương, lòng ta hân hoan, nghe ai đó trách móc hay nhẹ hơn là đưa ra một sự góp ý về một vấn đề nào đó ta lại cảm thấy bực bội. Chính ta đang không làm chủ được cảm xúc của mình mà đang chịu sự chi phối của các yếu tố bên ngoài. Vì thế, hãy tuệ tri để nhận biết cảm xúc là do tác động bên ngoài chứ nó hồn phải “là ta”.
Hãy quán chiếu khi có lạc thọ tôi tuệ tri có lạc thọ, khi
có khổ thọ tôi tuệ tri có khổ thọ, khi có cảm giác bất khổ, bất lạc tôi tuệ tri
cảm xúc bất lạc, bất khổ. Khi cảm thọ sinh khởi, bất cứ cảm xúc gì, vui buồn
hay trung tính, ta hãy trở về quán sát và chú tâm ghi nhận về cảm thọ đó một
cách khách quan. Đừng phân tích đi sâu vào sự kiện. Hãy thực tập thản nhiên mà
ngắm nhìn mọi xúc cảm. Cố gắng không để bị quay cuồng trong chán chường hay
khoái lạc xác thân. Ta chỉ cần ghi nhận ta đang có một cảm giác sinh khởi, ý
thức rằng ta đang có sự vui mừng, đang hồi hộp, đang sợ hãi, đang buồn phiền,
đang giận dữ, hay đang si mê... Ta chỉ cần ghi nhận khách quan thế thôi.
Khi một cơn sân giận đến, Thầy khuyên các hành giả hãy lặng lẽ mà quán sát nó từ lúc sinh khởi, đến lúc diễn tiến và đoạn diệt. Trong tâm lý học, có một bộ môn tên gọi là Quản trị cảm xúc. Đối trọng của cảm xúc là lý trí. Khi cảm xúc càng tăng cao thì lý trí càng giảm dần. Sự giao thoa giữa lý trí và cảm xúc, sẽ tạo nên những hành vi, lời nói, cách ứng xử…. hay tất cả những gì chúng ta thể hiện ra bên ngoài, tác động vào những người xung quanh, tác động vào cuộc sống mà ta đang sống. Hãy dùng lý trí mà chế ngự cảm xúc để làm chủ bản thân. Tuy nhiên, ở góc độ nào đó, khi lý trí bị kìm hãm thì sẽ dễ dẫn đến những hành động tiêu cực. Cảm xúc chính là khách trong ngôi nhà tâm thức mà không phải là của ta, nó chỉ là đối tượng, là cái không thật có. Chính những thứ mà ta ảo tưởng, mơ hồ ấy mà khổ thọ và lạc thọ khởi lên. Đối xử một cách nhẹ nhàng cảm xúc của bản thân để thấy rõ trong khổ có lạc mà trong lạc cũng hiện diện sự khổ.
Cuộc sống của con người được cấu thành bởi năm yếu tố: sắc thân, cảm giác, tri giác, thân hành, và nhận thức. Tất cả mọi vui, buồn, sướng, khổ đều xuất phát từ cảm thọ. Tu tập chính là làm chủ bản thân. Từ lúc tinh mơ thức dậy đến khi sập tối có biết bao nhiêu trần cảnh tác động lên tâm thức, vì thế hãy giữ tâm tĩnh lặng, an nhiên không bị lung lay trước trần cảnh, cái thấy chỉ là cái thấy và cái biết chỉ là cái biết mà không nên sinh tâm phân biệt. Hãy để lòng lắng xuống. Đừng để tâm rộn ràng cũng không bình phẩm trước cảnh sắc bên ngoài mà sống như lý tác ý ta sẽ được an vui. Khi mở rộng lòng nhìn cuộc đời với tuệ nhãn mà không sinh tâm phân biệt thì phiền não sẽ được đoạn trừ.
Không có bất kì thứ gì trên cuộc đời là hoàn toàn tuyệt
đối vì thế hãy giữ tâm tĩnh lặng, phòng hộ sáu căn, không đồng hoá mọi vật với
bản thân. Quán chiếu cảm thọ để thấy lòng nhẹ tựa như mây, tĩnh lặng tựa như
nước, khi đó ta mới làm chủ được tâm thức mà đón nhận một cuộc sống an nhiên,
tự tại, hạnh phúc vô cùng.
Kết thúc buổi giảng các hành giả nghỉ ngơi, thực tập thiền toạ 30 phút và dùng cơm trưa trong chánh niệm.
Tin: Ngọc Ánh, Ảnh: T. Lưu
Một số hình ảnh ghi nhận được trong khóa thiền: