Lễ Thượng Nguyên tại Tu viện Khánh An

15/02/2023 7:31
Đúng 9h sáng ngày rằm tháng giêng năm Quý Mão (nhằm ngày 5/2/2023), Lễ Thượng Nguyên tại Tu viện Khánh An được long trọng bắt đầu. Ba hồi chuông trống Bát nhã vang lên hùng hồn. Phật tử trang nghiêm chắp tay thành kính xếp hai hàng danh dự cung nghinh chư tôn đức quang lâm Phật đường tỉnh thức.

Mở đầu buổi lễ, chư Tăng và quý Phật tử cùng nhau tụng bài Kinh Phước Đức, sau đó Thầy Viện chủ cũng có thời pháp ngắn với chủ đề “Xuân đến từ đâu”


Bắt đầu bài pháp, Thầy nhắc đến một loài hoa mà mỗi khi gọi đến tên ai cũng nghĩ đến mùa xuân, đó chính là hoa mai. Để có được những bông hoa vàng rực xinh đẹp vào các ngày Tết thì những nhánh mai phải trải qua biết bao thời tiết nghiệt ngã, phải đón ánh nắng gay gắt của mùa hè, phải chịu những đau đớn trên thân thể từ việc uốn nắn, cắt gọt mới có được dáng vẻ kiêu sa, thuần khiết ấy.


Từ ngàn đời, mai luôn là nguồn cảm hứng vô tận của các nhà thơ, nhà văn và là bài học không bao giờ hết đối với con người. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du có viết: “Mai cốt cách tuyết tinh thần”, ý chỉ vóc dáng thanh cao mà không kém phần kiêu sa, bình dị mà tuyệt mĩ, rất trần mà thoát tục như cây mai và tinh thần trong trắng như tuyết. Người có phong thái như vậy thường được xem như là mệnh phụ, là trượng phu, quân tử có đạo đức trong sáng.


Có một câu thơ đã đi vào huyền thoại về hoa mai của Cao Bá Quát:

Thập tải luân giao cầu cổ kiến.

Nhất sinh đê thủ bái mai hoa

(Mười năm đi tìm gươm báu

Một đời chỉ biết cúi đầu trước hoa mai)

Mai là hình ảnh tiêu biểu của người quân tử: trung tín, kiên cường, có khí phách. Vì thế, Cao Bá Quát cúi đầu trước mai là cúi đầu trước biểu tượng của người quân tử, cúi đầu trước khí phách hiên ngang, bất khuất của người quân tử.

Nói về mai, Thiền sư Mãn Giác cũng có câu thơ:

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

Nhất chi mai ở đây chính là sau biết bao nhiêu sự khắc khổ của thời tiết, của quy luật tạo hoá vô thường thì một nhành mai ấy vẫn vững vàng, vẫn ung dung dâng hiến sắc và hương cho đời. Con người cũng thế, sống là phải chịu dùi mài, phải chịu học hỏi thì mới thành công, chúng ta nên biết ơn những vất vả, những đau thương đã khiến ta vững vàng, trưởng thành hơn.


Con người thường tiêu tốn quá nhiều năng lượng cho những việc không cần thiết, vì thế Thầy khuyên đại chúng tập sống tối giản, nhẹ nhàng. Sống làm sao để khí tiết của bản thân lúc nào cũng tràn đầy mùa xuân, tâm hồn tỏa hương thơm ngát thì đó mới chính là đích sống.

Mọi sự vật trong đời đều là những bài học để cho chúng ta sống, từ một tán cây, một cành lá, một bông hoa cũng là một bài pháp để chúng ta tu, âm vang của pháp muôn đời vang vọng trong thế gian này và âm vang ấy có mặt trong ta từng sát na, từng khoảnh khắc. Hãy sống với pháp, thực tập pháp và chính chúng ta cũng là pháp, thấy được pháp biểu hiện một cách như nhiên giữa đất trời. Thực tập để có một nhân cách và khí khái đại hùng bằng cách quay vào bên trong mà trang điểm tâm hồn mình, đó chính là cách để chúng ta có được hạnh phúc, cho sự thảnh thơi, tự tại, giải thoát, giác ngộ.

Sau buổi pháp thoại, đại chúng tĩnh tâm thiền tọa 10 phút dưới sự hướng dẫn của Thầy Viện chủ và sau đó cùng nhau đảnh lễ Tổ sư. Càng về trưa, số lượng người đến chùa càng đông, ước tính trong buổi lễ hôm nay có đến gần 600 khách thập phương tham dự, trai đường của chùa luôn đông nghịt người ra vào và dường như không còn chỗ trống. Sự rộn ràng của khách thập phương phần nào thể hiện được nét đẹp trong phong tục lễ chùa Rằm tháng Giêng của người dân Việt Nam, cũng là dấu hiệu vui chứng minh cho sự phát triển của Phật giáo.



Ngọc Ánh

Những hình ảnh khác:



Tin Tức Liên Quan