ĐÂU LÀ QUÊ HƯƠNG CỦA ĐỨC PHẬT

3/06/2015 11:10
(Pháp thoại của Thầy giảng ngày rằm tháng tư năm Ất mùi tại TV. Khánh An, Sư chú Trung Nhã lượt ghi)

DDD 3420

Thưa Đại chúng,

Hôm nay là ngày rằm tháng tư năm Ất Mùi, Phật lịch 2559, chúng ta cùng nhau hướng tâm về kỷ niệm ngày đức Phật Thích Ca ra đời lần thứ 2639 năm. Đây là một sự kiện trọng đại của những người con Phật khắp nơi trên thế giới.

Trước Phật ra đời, Ấn Độ đã có rất nhiều tôn giáo, đã có rất nhiều chủ thuyết có mặt, nhưng  những tôn giáo khác chỉ nói về thần quyền, về đấng toàn năng; một số chủ thuyết thì đưa ra những chủ trương, những học thuyết do vị giáo chủ, qua sự trải nghiệm về những cảm chứng rồi tuyên thuyết mà không do chứng đắc bằng tuệ giác siêu việt,

Đức Phật Thích Ca xuất hiện như mặt nhật xóa tan những đám mây vô minh, phiền não của chúng sinh. Ngài là một đông cung thái tử, tên là Tất Đạt Đa con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Maya. Ngài cũng như chúng ta, sinh ra, lớn lên, hít thở, ăn uống, học hành. Nhưng bằng tri kiến của người muốn đi tìm bản chất của cuộc đời, muốn đi tìm cái lẽ thật của kiếp sống nhân sinh nên Ngài quyết tâm đi tìm đạo, tu đạo và chứng đạo.

Tuy sống trong cung vàng điện ngọc nhưng trong tư duy thái tử lúc nào cũng hiện lên hình ảnh của sự vô thường: một cụ già lụ khụ tóc bạc, da nhăn, một người bệnh nằm bên vệ đường rên rỉ bởi đớn đau, một xác chết nằm trên bờ sông Hằng mà mới hôm nào thái tử đi dạo chơi và bắt gặp. Những hình ảnh kia đã khiến thái tử càng thêm ưu tư.

Thế là, trong một đêm thanh, thái tử đã vượt thành, đi vô rừng sâu sống một nếp sống của một nhà tu khổ hạnh. Ngài trở thành sa môn Gotama. Ngài đã đến học đạo với 2 đạo sĩ  Alara Kalama và Udraka Rammaputta. Mặc dù có chứng đắc, Ngài vẫn thấy rằng khổ đau, phiền não chưa chấm dứt. Sau đó, Ngài chọn pháp tu khổ hạnh cùng với 5 anh, em Kiều Trần Như nhưng cũng chẳng có kết quả gì. Cuối cùng, Ngài nhận bát nước của cô bé Su Da Ta, uống xong, xuống sông Ni liên tắm rửa đến cội Bồ Đề tọa thiền. Sau bốn mươi chín ngày đêm tư duy thiền quán, tuệ giác siêu việt bừng sáng nội tâm, Sa môn Gotama chứng vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Sau khi chứng đạo, Ngài tìm đến năm người xưa để hóa độ. Bài thuyết pháp đầu tiên Ngài giảng là Bốn sự thật mầu nhiệm. Nghe xong, năm anh em Kiều Trần Như đã chứng đạo. Ngôi Tam Bảo được hình thành từ đây, Đức Thích Ca Mâu Ni – Phật bảo, Bốn sự thật mầu nhiệm – Pháp bảo và năm anh em Kiều Trần Như – Tăng bảo.

Cách đây mười năm, năm 2005 tôi đã đến vườn Lâm Tỳ Ni, nơi đức Phật Thích Ca ra đời. Hiện nay có hai di tích lịch sử được coi là nơi đản sinh của đức Phật, một ở tại Ấn Độ, và một ở tại NePal. Hai địa điểm cách nhau khoảng hơn 20 chục cây số. Các nhà khảo cổ đã nghiên cứu và kết luận Lâm Tỳ Ni Nepal mới là nơi đức Phật ra đời. Tôi đã đến đó và đã thiền hành quanh vườn Lâm Tỳ Ni. Cái hồ mà hoàng hậu Maya ngày xưa khi đản sanh thái tử rồi xuống tắm rửa vẫn còn.

Có bốn thánh tích người ta gọi là Tứ động tâm: nơi đức Phật đản sinh, nơi đức Phật thành đạo, nơi đức Phật giảng bài Pháp đầu tiên và nơi đức Phật nhập niết bàn. Ai đến đó mới cảm được niềm hạnh phúc trào dâng, mừng vui mà rười rượi, những giọt nước mắt cứ trào dâng vì nhớ Phật, vì đến được chốn thiêng. 1400 năm trước, Tam tạng Pháp sư Trần Huyền Trang khi đến chiêm bái các thánh tích, chiêm bái nơi đức Phật Đản sinh, Ngài thốt lên:

 “Phật tại thế thời ngã trầm luân

Kim đắc nhân thân Phật diệt độ

Áo não thử thử thân đa nghiệp chướng

Bất kiến Như Lai kim sắc thân”.

Khi Đức Phật ra đời thì con còn ở trong cõi trầm luân nào đó. Khi con chào đời thì Ngài đã không còn nữa. Buồn thay tấm thân này sao mà nhiều nghiệp chướng quá, không đủ phước để thấy được hình tướng của đức Thế Tôn.

Mười bảy năm du học, dịch thuật kinh điển, không một ngày nào là Pháp sư Huyền Trang không nhớ đến Phật. Lối mòn nào còn lưu dấu những bước chân Ngài đi, ngôi nhà nào Ngài đã từng đến để khất thực, gốc cây nào đã từng ngồi để tĩnh tâm, khu rừng nào Ngài đã từng ngồi để thuyết pháp, giảng kinh, dòng suối nào Ngài đã từng xuống để tắm rửa. Những hình ảnh của một Ấn Độ cổ xưa với bây giờ hình như không khác lắm. Ai đã từng đến đây sẽ cảm nhận được sự thiêng liêng này, một vùng đất thánh sinh ra bậc thầy của chúng ta, nơi đấng cha lành đã xuất hiện trên đời.

Cách đây hơn một tháng, Nepal bị động đất, cơn động đất ngày 25 tháng 4 năm 2015 khiến 8-9 ngàn người thiệt mạng. Đến ngày 12 tháng 5 một trận động đất tiếp theo vùi lấp thêm cả nghìn người nữa. Người ta bắt đầu đặt câu hỏi: tại sao quê hương của đức Phật lại bị tai nạn khủng khiếp như thế. Tại sao đức Phật không ra tay để cứu độ, cứu những con người cùng màu da, cùng dòng máu và cùng sống trên mảnh đất đã sinh ra Ngài. Để cho người ta chết một cách khổ đau như vậy, liệu đức Phật có còn linh thiêng?

Câu hỏi đó chắc hẳn cũng có đặt ra cho chúng ta đang ở đây. Ngay khi mình là người con Phật mà thấy quê hương Ngài bị động đất hàng chục nghìn người chết, những ngôi chùa cổ hàng nghìn năm bị sập đổ, mình cũng nghi ngờ về sự linh thiêng.

Chúng ta thử hình dung môt câu chuyện: có một vị thầy tu nào đó mà người thân bị bệnh nan y, hoặc bị tai nạn giao thông, hoặc bị tai nạn lao động. Thế thì, liệu chúng ta có quy kết tại sao thầy tu chuyên tâm tu niệm, đức độ bao dung thế mà phải để cho người thân của mình bị bệnh, bị tai nạn.

Câu chuyện nhỏ có thể giúp ta làm sáng tỏ vấn đề lớn. Ông thầy tu là ông thầy tu mà người thân bị tai nạn là bị tai nạn. Cho dù là cha mẹ, anh em, con cháu là hay là cái gì của ông thầy tu đi nữa mà lái xe bất cẩn, hay xe gặp sự cố giữa đường hay do một yếu tố khách quan nào đó tác động để dẫn đến tai nạn thì nó là tai nạn. Căn bệnh hiểm nghèo bỗng dưng có mặt nơi người thân thầy tu, khi bệnh đến là nó đến chứ không phải là vì người thân của ông thầy tu mà không có bệnh tật. Kể cả ông thầy tu khi bệnh đến thì sẽ đến, tai nạn xảy ra nó vẫn xảy ra. Nếu chẳng may một ngôi chùa nào đó bị ăn trộm vô lấy hết đồ hay bị lửa cháy, bị nước cuốn trôi. Chúng ta lại đặt câu hỏi tại sao chùa là nơi tu hành, linh thiêng có Phật, có Bồ tát, có thánh hiền mà để cho ăn trộm vô, sao Phật không phạt những kẻ gian đó đi. Tại sao Phật để cho chùa bị cháy, bị sập, Phật không đỡ được à. Những câu hỏi đó sẽ hé lộ từ từ cho chúng ta biết, căn nguyên tại sao Nepal lại bị động đât. Cái ngôi chùa kia không phải là cảnh giới của sự chứng đắc; cái tượng gỗ, tượng đồng, tượng đá ngồi kia không phải là đấng giải thoát giác ngộ. Đó là do con người tạo ra bằng vật chất để nương theo mà tu, mà hành mà học hỏi…Trong kinh kim cương đức Phật dạy “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng tắc kiến Như Lai”. Phàm ở trên đời cái gì có hình tướng, cái gì mắt thấy, tai nghe, sờ mó, những cái đó đều là hư vọng, đều là giả dối, đều bị luật vô thường chi phối. Nhược kiến chư tướng phi tướng tức là nhìn tất cả các tướng mà không thấy cái tướng của nó, những người đó mới thấy được Như Lai. Như Lai không phải là cái tượng ở trên cao kia, Như Lai không phải là cái ngôi chùa này, cái gì là vật chất, cái gì  là được tạo dựng thì theo thời gian nó sẽ bị đào thải, nó sẽ bị vô thường chi phối. Một năm, mười năm, một trăm, một nghìn hay nhiều nghìn năm rồi nó cũng sẽ băng hoại. Tấm thân của chúng ta rồi đây sẽ trả lại với cát bụi, những vật chất kia rồi cũng về với các bụi. Núi sông, biển rừng hàng trăm năm, hàng nghìn năm, hàng triệu năm rồi cũng tàn hoại mà chuyện động đất, sóng thần là điều mà chúng ta dễ nhìn thấy nhất. Thế thì, Nepal, nơi đức Phật sinh ra, đó chỉ là quê hương của người. Quê hương này vẫn bị chi phối bởi vô thường, nghiệp báo và tử sinh. Bản thân đức Phật sinh ra 80 năm rồi ngài cũng phải lìa đời. Sinh tiền Ngài cũng có những cơn bệnh hoành hành đau đớn, Ngài sống với cái già nua.

Hồi đó, khi đức Phật còn tại thế, dòng họ đức Phật là dòng họ Sakya sống ở Ca Tỳ La. Có lần vua xứ Câu Thi La đem quân tàn hại dòng họ Thích Ca, họ giết chết cả hàng chục nghìn người. Đức Phật thấy điều đó, biết điều đó nhưng ngài đã quán chiếu sâu vào lòng của chúng sinh để thấy được nghiệp thức sai biệt ở quá khứ, mỗi người tự tác thì bây giờ tự thọ. Đức Phật là vị thầy đưa đường chỉ lối, ngài không phải là ông thượng đế hay là ông thánh có khả năng cầm tay dẫn người từ khổ đau đến hạnh phúc an lạc. Kiếp sống này cũng không bao giờ có chuyện có đấng quyền năng thưởng, phạt sự sống của ai. Cho nên chúng ta đặt câu hỏi, tại sao quê hương của đức Phật mà lại bị tàn phá bởi động đất khiến hàng chục nghìn người chết. Chữ “tại sao” đã đặt ra không phải chỗ. Chữ “Tại sao” đặt phải chỗ là “Do duyên bất thiện thế nào, tạo nghiệp ra sao mà phải lãnh hậu quả đau đớn này, nghiệp xấu ác thế nào để hôm nay phải lãnh thảm trạng này”. Hỏi như vậy đúng hơn, dễ có đáp án hơn. Đức Phật dạy, mỗi con người sinh ra, lớn lên với lời nói, hành động và tư duy thông qua ý chí thiện ác thế nào thì sẽ theo đó đưa mình đi trên con đường hạnh phúc hay khổ đau. Tất cả đều  do nghiệp thức mỗi chúng sinh tạo ra. Cái quê hương đích thực của chúng ta là quê hương tâm linh, là quê hương của sự giải thoát, giác ngộ, là nơi chứng đắc của chư Phật. Ở nơi đó không có tấm thân nặng nề này, không có những phiền lụy trói buộc này, không có những khổ não đeo đẳng này, sống hạnh phúc, thảnh thơi và nhàn hạ với tam nghiệp thuần tịnh. Chư Phật qua khứ đã chứng quả giải thoát, giác ngộ. Đức Tỳ Xá Phù, Đức Câu Lưu Tôn, Đức Câu Na Hàm Mâu Ni, Đức A Di Đà. . . là những vị Phật đã chứng quả đã trở về quê hương. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chứng quả giác ngộ và ngài cũng đã trở về quê, trở về với những vị cổ Phật năm xưa. Chúng ta nếu tu hành miên mật, làm đúng lời Phật dạy chúng ta cũng sẽ về lại quê để gặp được chư Phật, chư Tổ.

Quê hương của chúng ta đây là quê hương của thế gian, chịu sự chi phối của sinh già bệnh chết, sầu bi khổ não, vẫn còn nằm trong kiếp vô thường. Chúng ta vẫn còn cái ngã. Cho đến khi nào con người chưa thực chứng Vô ngã thì vẫn còn khổ đau. Cho đến khi nào con người còn bị bọc trong lớp màn vô minh thì cho đến khi ấy con người cũng vẫn còn khổ đau. Người học Phật quán chiếu cho thật kỹ và nhìn cho thật sâu để thấy được nghiệp thức sai biệt tạo nên sự sống này.  Cho dù đó là ai, cho dù ở chỗ nào, nếu còn mê mờ nhân quả thì chưa thoát được nhân quả.

Jerusalem, quê hương của Chúa nhưng hàng nghìn năm nay chưa bao giờ ngưng đổ máu và cho tới giờ phút này súng vẫn nổ, gươm giáo vẫn chan chat tuốt ra và máu vẫn tiếp tục đổ xuống. Các tôn giáo vẫn giành giật vị trí này, Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo;  rồi Israel và Palestin cũng dành nhau chốn này để đau khổ diễn ra.

Vậy thì tại sao Chúa ra đời vì nhân loại mà ngay cả quê hương của Ngài lại gặp cảnh súng nổ, đầu rơi. Bởi vì, lòng thù hận, tham lam, tranh chấp, si mê gây ra  khổ đau.

Ngay trên quê hương Nepal, nơi sinh ra đức Thích Ca Mâu Ni cũng thế. Cho đến khi nào tham chưa được đoạn trừ, sân chưa được đoạn trừ, si chưa được đoạn trừ thì lúc bấy giờ nỗi khổ vẫn còn.

Trở lại với hiện thực của Nepal, nói là quê hương, nơi sinh ra đức Phật nhưng hiện nay tín đồ theo đạo Phật chỉ có 8%, trong khi theo Hindu giáo là 86%. Tại Ấn Độ, tín đồ Đạo Phật còn thấp hơn nữa, chỉ có vài phần trăm thôi. Mà Hinđu giáo thì quý vị biết rồi, việc giết súc vật hiến tế thần linh diễn ra hàng năm. Sau khi Nepal bị động đất, tôi có nhận được hai thông tin, 2 thông tin này có mặt trên nhiều trang báo. Một bài là “Quê hương đức Phật vẫn yên bình sau trận động đất” và bài kia là “Quả báo nhãn tiền”.

Sau khi trận đông đất xảy ra các nhà khảo cổ, các nhà nghiên cứu lịch sử việc đầu tiên là đến Lâm Tỳ Ni xem có việc gì xảy ra hay không. Và lạ thay, một cảnh giới rất yên bình diễn ra vẫn như ngày nào, chim vẫn hót, người vẫn nói cười và mặt hồ năm xưa mà hoàng hậu Maya tắm khi sinh thái tử vẫn tĩnh lặng, không có chuyện gì xảy ra. Vườn Lâm Tỳ Ni cách tâm chấn của trận động đất khoảng 150km hoàn toàn yên bình như nó vẫn đang yên bình.

Bài báo thứ hai là “Quả báo nhãn tiền”. Người ta chụp lại hình ảnh  giết súc vật để tế thần diễn ra trước khi động đất vài tháng. Một bãi cỏ lớn như sân vận động đẫm máu súc vật. Số lượng những con bò, con trâu người ta giết lên đến bảy, tám nghìn con nằm la liệt. Khủng khiếp lắm. Cái số lượng súc vật bị giết cũng tương đương số lượng người ta đã ngã xuống sau trận động đất.

Ta đừng vội kết luận, Lâm Tỳ Ni không bị động đất là nhờ Phật, thánh phù hộ, cũng đừng qui kết Kathmandu bị động đất là do những người kia đã giết hại quá nhiều súc vật. Rõ ràng là, với quy luật nhân quả, giết hại sinh mạng thì chúng ta sẽ chuốt lấy khổ đau. Nhưng không hẳn thảm cảnh động đất này là hệ quả của bãi cỏ đẫm máu kia. Vì ta đã chứng ngộ đâu mà thấy tương quan tất yếu đó. Chúng ta chỉ có thể khởi tâm từ bi tưởng nhớ khổ nạn trong lúc này, dù là con người bị vùi lấp hay con thú bị đầu rơi. Đó là tâm của người con Phật.

Chúng ta chỉ có thể quán chiếu để thấy rõ rằng, hình ảnh bị động đất là hệ quả của nghiệp bất thiện. Hình ảnh súc vật bị giết tế là căn nguyên để đi vào cõi dữ.

Hôm nay là ngày rằm Khánh Đản, tôi có lời khuyên nhắc quý vị, hãy sống với thân, với khẩu, với ý thanh tịnh. Hãy hành động, nói năng và suy nghĩ những điều tốt đẹp nhất, tôn vinh những gì giá trị nhất, quý báu nhất để cuộc sống thêm an vui. Chúng ta tặng hạnh phúc chúng ta sẽ có hạnh phúc, chúng ta cho khổ đau chúng ta sẽ nhận khổ đau. Đó là điều Đức Phật dạy.

Tin Tức Liên Quan