Hôm nay trong không khí trang nghiêm và trọng thể, tại Hội trường Iprohouse - Hội trường lịch sử đã chứng kiến nhiều đại lễ của người con Phật thuộc bang Sacchen. Chúng ta từ khắp các vùng miền về đây với hương hoa, lễ phẩm, với lòng thành kính để dâng lên kỷ niệm ngày ra đời của đức Phật Thích Ca Mâu Ni lần thứ 2639, tôi rất vui mừng được về đây gặp lại các Phật tử thân quý của mình đến từ thủ đô Praha - CH. Séc, đến từ TP.
Dresden, Chemnitz, Estoveda, Bautzen, Leipzig, Efurt Thüringen. . . Tôi cũng rất vui mừng được gặp một số Phật tử mới, đến từ Rostock, Bremen và rất nhiều vùng miền cùng nhau về đây dự lễ. Gọi là các Phật tử mới, nhưng với tôi, mới mà không có lạ. Nếu như lạ thì chúng ta không có gặp nhau, chúng ta không tiếp xúc nhau một cách thân ái. Mới ở đây có nghĩa là mới gặp, nhưng trong một cơ duyên nào đó, một đời một kiếp nào đó, chúng ta từng là quyến thuộc của nhau, chúng ta đã từng là bà con của nhau, chúng ta đã từng sống với nhau trong một ngôi nhà của giáo pháp. Có nghĩa là, chúng ta đã chưa gặp lại nhau sau một thời gian dài xa cách. Cũng giống như, người thân ở quê nhà còn mình ở đây. Sau nhiều chục năm xa cách giờ gặp lại. Sự gặp gỡ này không thể gọi là mới biết nhau. Tất cả chúng ta đều là những người con Phật chung sống một nhà nhưng mỗi người một kế mưu sinh. Giờ, chúng ta mới có cơ duyên để được hội ngộ, để được gặp mặt nhau vì vậy nên mới quí nhau, thân kính nhau.
Trong không gian trang nghiêm, trọng thể và hoan hỷ chứa đầy tình đạo này, chúng ta đã được lắng nghe những khúc hát đạo, những lời ca thiền, những tiếng vỗ tay, những nụ cười. Nếu quý vị hỏi cảm xúc của tôi trong lúc này là gì? Tôi xin trả lời rằng, đó là cái cảm xúc của người mẹ khi sinh ra một đứa con, hạnh phúc quá lớn, niềm vui quá lớn khiến người mẹ mừng mà bật khóc; cái cảm xúc của một người bệnh sau khi được chữa lành, cái cảm xúc của người thân người bệnh nghe tin người thân của mình đã qua cơn nguy.
Cái cảm xúc của tôi bây giờ và ở đây là rất là hạnh phúc. Tôi đang hít thở và đang ý thức về niềm hạnh phúc này.
Tôi vui mừng khi thấy được bà con từ khắp các vùng miền về đây để đem tâm cúng dường dâng lên kỷ niệm ngày ra đời của đức Phật. Có những Phật tử tôi biết ở cách đây năm, sáu trăm km, (nếu lượt đi lượt về thì hơn nghìn km) cũng đã đến đây từ rất sớm. Điều đó nó nói lên cái gì? Động cơ nào khiến quí vị gác lại công việc, vượt đường hàng nghìn cây số chỉ để đến đây được dự lễ? Đó là, nó phát khởi từ tâm bồ đề của quí vị, nó biểu thị lòng khát ngưỡng giáo Pháp, nó nói lên tình đồng đạo, đồng hương, tình đoàn kết của những người con Phật, con Việt với nhau như người xưa đã nói "Mỗi người, mỗi nước, mỗi non, Bước vào cửa Phật như con một nhà".
Tuy ở quê nhà, tôi cũng dõi theo và cũng quan tâm đến đời sống tu tập, những hoạt động Phật sự của bà con mình ở tại đây cũng như một số nước trong khu vực. Các đạo tràng của chúng ta mỗi ngày tu tập rất là tinh chuyên. Một số Hội Phật tử quan tâm đến việc chăm sóc ngôi Tam Bảo, một số khác thì xây dựng chùa chiền, mở mang đạo tràng vv . . . Với chư Tăng thì một đời chuyên tu, lo hoằng pháp độ sinh. Trong khi các quý Phật Tử ở nơi đây, ngoài vấn đề nghề nghiệp, ngoài vấn đề cơm áo gạo tiền, quý vị còn dành thời giờ để lo phật sự. Khiến tôi rất trân trọng, thấy vui, thấy thật là cao cả tâm đạo của quý vị. Nhưng tôi muốn hỏi quý vị một sự thật là, quí vị làm Phật sự có vui không? Quí vị làm đạo có hạnh phúc không? Và, câu hỏi tiếp theo của tôi là quý vị làm đạo có buồn không, có phiền não không? Đây là hỏi thật, hỏi bằng tấm lòng.
Quí vị trả lời có, đó là câu trả lời thật lòng.
Trên bước đường tu tập, hành đạo, chúng ta có những cái vui và chúng ta cũng có những cái rất buồn. Khi đạt được một thành quả gì đó mình phấn khởi, mình vui mừng nhưng nếu không đạt được hoặc có những điều bất như ý hoặc có một chút gì đó va chạm, lúc bấy giờ nỗi buồn trỗi lên, nỗi khổ trỗi lên. Đây là sự thật. Tôi không có giỏi để đọc được trái tim, khối óc của quý vị nhưng kinh nghiệm từ bản thân mình cho tôi thấy được điều đó.
Không phải tu sĩ bây giờ đối mặt với phiền não trong khi hành Đạo mà chư Tổ bao đời cũng thế, đức Phật năm xưa cũng thế. Vậy nên mới tu. Chư Tổ dạy : “Phiền não khởi giai do đa sự, thị phi sanh dĩ thị đa ngôn”. Phiền não khởi lên là do mình nhiều việc, mình bày ra cái này, mình khởi xướng ra cái kia. Phải trái, đúng sai xuất hiện vì do con người khẩu tranh. Làm đạo mà chỉ biết tranh chấp, bảo vệ tư kiến, không chịu lắng nghe cho nên mới hơn thua, đấu đá.
Nhưng bảo rằng không làm gì nữa để khỏi có phiền não thì cũng không đúng. Làm việc sẽ có cái phiền não của làm việc, không làm việc cũng có những phiền não của không làm việc. Khi đối diện với chính mình xét thấy không làm được gì cho mình, cho người, cho cuộc sống, lúc đó cảm thấy đời sống vô vị. Biết bao người không chịu nỗi với phiền não khi đối diện chính mình nên mới sa vào ác lộ.
Nếu chúng ta cùng hiểu rằng, mỗi người mỗi việc khác nhau nhưng đừng cho rằng việc mình mới đúng, việc người là sai. Hãy ráp nối những việc đó lại với nhau, bổ sung cho nhau tạo thành một tiến trình Phật sự hoàn hảo. Và, nếu có phiền não khỏi lên thì đó cũng là lòng thành của mình để dâng hiến cho đời.
Tối hôm qua, lúc 9h20 tàu lăng bánh rời Vác Sa Va, ngồi trên tàu tôi nhớ bài Kinh Trạm Xe.
Câu chuyện diễn ra giữa Tôn giả Sariputta và Tôn giả Punna Mantaniputta:
Tôn giả Sariputta thưa với Tôn giả Punna Mantaniputta:
Có phải chúng ta sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn? Đúng như vậy.
Có phải sống phạm hạnh là vì mục đích giới thanh tịnh? Không phải vậy.
Có phải sống phạm hạnh là vì mục đích tâm thanh tịnh? Không phải vậy.
Có phải sống phạm hạnh là vì mục đích kiến thanh tịnh? Không phải vậy.
Có phải sống phạm hạnh là vì mục đích đoạn nghi thanh tịnh? Không phải vậy.
Có phải sống phạm hạnh là vì mục đích đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh? Không phải vậy.
Có phải sống phạm hạnh là vì mục đích đạo tri kiến thanh tịnh? Không phải vậy.
Có phải sống phạm hạnh là vì mục đích tri kiến thanh tịnh? Không phải vậy.
Như vậy, với mục đích gì, sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn?
Với mục đích vô thủ trước Bát-niết-bàn, nên sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn.
Giữ giới thanh tịnh, giữ tâm thanh tịnh, thấy - biết thanh tịnh vv.... là điều mà mọi người con Phật đều phải tu, đều phải giữ. Nó không không phải là giải thoát, giác ngộ tối hậu. Nhưng nếu không qua những chặng này thì cũng không đạt được quả giải thoát giác ngộ vô thượng.
Cũng giống như muốn về đích trên một chặng đường dài thì phải trải qua nhiều trạm xe. Muốn về đích là trạm xe thứ 7 thì người kia phải trải qua từ trạm xe thứ 1, thứ 2 rồi đến trạm xe thứ 7. Trạm xe thứ 2, thứ 3, thứ 4 ... không phải đích nhưng không qua những trạm này thì cũng không về được đích. Mục đích của trạm thứ 1 là đến cho được trạm thứ 2, mục đích của trạm thứ 2 là đến cho được trạm thứ 3 . . .
Mục đích tối hậu của người học Phật là đạt được giải thoát, vô thủ chấp Bát niết bàn. Nhưng nếu không có Tri kiến thanh tịnh thì không có Vô thủ chấp Bát niết bàn, không có Đạo tri kiến thanh tịnh thì không có Tri kiến thanh tịnh, không có Đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh thì không có Đạo tri kiến thanh tịnh vv. . .
Từ Vác Sa Va đến đây, tôi đi qua ba chặng đường. Chặng thư nhất là từ Vác Sa Va đi tàu đến Praha. Chặng hai do Hội Phật tử Séc có hơn 15 người đưa tôi đi từ Praha đến trung tâm Dresden. Và, chặng ba là từ trung tâm Dresden về đây cho anh Hoàng Thanh An chở.
Chiêm nghiệm chuyến đi thôi cũng đã cho ta thấy, nếu bảo nhờ đoàn tàu mà tôi có mặt ở Iprohouse này thì không phải, vì người ta nhìn thấy tôi ngồi trên xe anh An mà. Nhưng nếu phủ nhận đoàn tàu thì cũng không đúng, vì đoàn tàu đã góp phần hơn 800 km đưa tôi từ Ba Lan qua Séc. Rồi tương tự, đoàn xe Hội Phật tử Séc cũng góp phần hơn 150 km đưa tôi đến Dresden. Rồi từ Dresden về đây là đi xe anh Thanh An. Kết luận là, cả ba chặng đường đều góp phần cho tôi đến Iprohouse này. Đó là chuyến đi hoàn hảo. Phủ nhận một trong ba hoặc chỉ công nhận một trong ba chặng đều không đúng. Phải thấy cho được tính xuyên suốt của chặng đường dài.
Trên bước đường tu, làm Phật sự hướng về Phật quả, chúng ta cũng như những lữ hành, phải trải qua nhiều trạm, nhiều chặng đường. Chúng ta muốn có một nơi để tu tập lễ bái thì chúng ta phải xây chùa, muốn có một đối tượng để tôn kính, lễ lạy thì mình phải tạo tượng Phật, muốn đọc lại những lời dạy của Đức Phật thì phải có kinh điển. Vậy thì chùa có phải là niết bàn không? Không phải.Tượng có phải là niết bàn không? Không phải. Kinh sách, chuông mõ có phải là giải thoát niết bàn không? Không phải. Nhưng nếu không có chùa, không có tượng, không có kinh sách, chuông mõ thì cũng không tiếp xúc được niết bàn. Nghĩa là mỗi phật sự, mỗi việc làm chúng ta đều có những giá trị nhất định mà chúng ta đang trên một tiến trình đi về đích.
Học Phật phải hiểu cho thật kỹ, quán xét cho thật sâu sắc, thấy được giá trị đích thực của phương tiện giúp đưa chúng ta đạt đến cứu cánh. Vứt bỏ phương tiện thì cũng không đạt được cứu cánh. Cần nước cam mà không chấp nhận cái ly, cơm chưa có mà đã vội phủ nhận nồi thì sao giải quyết được chuyện đói khát.
Cho nên, hình thức và nội dung đều có giá trị tương thích. Phật tử trên bước đường học Phật mỗi người với một cảm nhận, với sự thấy biết khác nhau, và ngộ được giáo pháp khác nhau; nhưng với tâm bồ đề, với thiện chí cần thấy được việc mình làm, viêc người làm đều có giá trị, góp một phần vào tiến trình tu tập đưa đến quả giác ngộ, đó là cái thấy hoà hợp, cái thấy duyên sinh. Chỉ công nhận điều mình làm là hợp lẽ mà phủ nhận điều người làm là không nên. Chúng ta thường đưa ra quan kiến của mình và xem nó là "khuôn vàng thước ngọc" mà ít khi nào đưa nó ra như là một định đề tham khảo. Vì vậy mà cái " khuôn vàng thước ngọc" này luôn muốn đập bẹp cái "khuôn vàng thước ngọc" kia. Đó là căn nguyên của mâu thuẫn.
Người góp phần xây dựng chùa cảnh, ta hoan hỷ; người đúc chuông, tạo tượng, in kinh ấn sách, ta hoan hỷ; người bố thí cúng dường, ta hoan hỷ. Đó là phẩm chất người phật tử.
Có người bảo rằng thời Phật làm gì có chùa chiền mà xây, làm gì có tượng, có chuông mà đúc, làm gì có cúng bái, mõ chuông mà ê a tụng niệm mỗi ngày. Bây giờ tu sai hết rồi, không còn Đạo Phật nguyên chất nữa.
Thấy những Phật tử chăm từng viên gạch, miếng ngói để xây chùa tôi thương, những Phật tử đem tâm tổ chức lễ hội cúng dường các đại lễ, rồi in kinh sách, làm những việc lành tôi cũng thấy rất thương. Một số người đưa hình ảnh đức Phật tu hành năm xưa để qui chiếu rồi đưa đến kết luận, bây giờ tu lạc đường, cho rằng Đạo Phật bị mất chất, nghe mà tôi cũng thương luôn. Tôi thương vì ai cũng có tấm lòng, nhưng cái hiểu, cái thấy của chúng ta nó chưa trọn vẹn. Mỗi người chúng ta là một phần nhỏ trong tiến trình tu tập và hành đạo. Tiếc là chúng ta chưa ráp nối được chúng với nhau như đoàn tàu, như những chặng xe để đưa tới mục đích. Nếu mình hiểu rằng mình chỉ là một khúc, một đoạn thôi và mỗi chúng ta tự ráp với nhau thì đoàn chúng ta sẽ sớm về đến bến.
Chúng ta cứ đòi hỏi một cái đạo Phật nguyên chất, Đạo Phật của hai mươi sáu thế kỷ ngày xưa thuần khiết như khi đức Phật còn tại thế. Chúng ta nói là đức Phật ngày xưa sống bình dị, thảnh thơi không có rắc rối chuyện lễ hội, không có phiền phức đến chùa chiền cúng bái, rồi lo xây dựng chùa chiền, xây dựng nghĩa trang...
Vậy thì Đạo Phật như thế nào là nguyên chất và như thế nào là không nguyên chất? Đường nguyên chất đấy, cứ thế mà ăn, cứ thế mà mời khách tại sao phải làm bánh, làm mức và chế biến đủ kiểu cách. Tại sao phải chế biến hết nước chanh rồi lại nước ngọt, hết kem rồi lại sửa . . .
Chúng ta có mời khách đây là cục đường, mời bạn hãy ăn đi hay chúng ta phải chế biến chiếc bánh cho thật ngon thật thơm rồi mới mời. Có người cho rằng, mình tu theo đại thừa, chỉ lo phần tâm, có đạo lực là đủ, mình thuộc điện 500 kv chứ không phải là cục pin. Vậy thì điện 500 v đấy, cứ mà đấu dây vào nấu cơm. Được không? Cứ mà ghim phích nước, điện thoại, máy tính trực tiếp vào 500 kv mà xài. Được không ?
Hãy tìm cái nguyên chất trong Bốn Sự thật mầu nhiệm, trong Thánh đạo tám ngành, trong Mười hai Nhân duyên... mà tu mà hành, chứ đừng tìm cái nguyên chất trong bối cảnh không gian, thời gian để ứng dụng máy móc.
Cái bối cảnh hôm nay, cái phương tiện cuộc sống hôm nay đã khác xa nhiều thế kỷ trước. Chúng ta cần phải mượn, vay cái phương tiện để đạt được cái mục đích cứu cánh. Với tinh thần hiểu và thương, mỗi người làm một việc, và phải thấy việc làm nào, ai làm cũng là việc Phật hết. Hiểu được vậy mới gọi là làm phật sự.
Câu chuyện cũ rích, ai cũng thuộc nhưng mà mấy ai ứng dụng được, đó là câu chuyện Những chàng mù rờ voi.
Mỗi con người chúng ta chỉ cảm nhận được pháp Phật ở một góc nhỏ thôi. Chỉ mới chạm được tai voi hay chân voi thôi, đừng vội kết con voi giống cái quạt, giống cái cột nhà . . .
Giáo pháp như viên kim cương, nó lóng lánh, đa sắc. Người đứng bên này thấy màu xanh nhưng người đứng bên kia thấy nó màu vàng. Đừng cãi nhau chỉ vì cái thấy biết quá nhỏ bé của mình, cho rằng chỉ có ta mới thấy chân lý.
Hãy hiểu khôn ngoan rằng, màu xanh là kim cương, màu vàng là kim cương, và màu đỏ, tím, lục, cam . . . cũng là kim cương, tuỳ góc nhìn khác nhau mà kim cương biểu hiện sắc màu.
Riêng tại TTVHPG PG Sachen này, tôi thấy có mấy điểm nhấn nổi bật.
Thứ nhất là Trung tâm đã xây dựng được một Câu lạc bộ thanh, thiếu niên Phật tử. Điều này ở một số Hội Phật tử khác chưa làm được. Chúng ta không chỉ lo cho mình mà còn lo cho con cháu mình, lo cho thế hệ thứ 2, thứ 3 về duy trì, phát huy Đạo Phật Việt Nam, văn hoá Việt Nam ở xứ này. Đây là thành quả lớn nhất, lễ phẩm cao quí nhất chúng ta dâng lên ngày mùng 10 tháng 3 để thưa với Tổ Hùng Vương rằng, thưa Tổ chúng con xây dựng tổ chức tuổi trẻ này là để cúng dường lên Tổ, để chúng con ý thức rằng cả chúng con, cả con cháu chúng con đang có được sự tiếp nối của tổ tiên. Câu lạc bộ Tuổi trẻ này cũng là lễ phẩm để dâng lên cúng đức Phật Thích Ca. Rằng, bạch đức Thế Tôn chúng con đang tu, chúng con đang chăm sóc cho con và cho con cháu của chúng con nữa. Cả chúng con và con cháu chúng con đang tiếp nối nguồn tuệ giác của Ngài.
Điều thứ hai, tôi nhìn thấy ở Trung tâm là Hội đồng Điều hành có sự tham gia của những vị đã từng lãnh đạo cộng đồng, và giờ đây với trái tim Phật đã đứng vào trong tổ chức này. Trước đây, chư vị đã chăm sóc bà con về các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, giáo dục, thể thao… Bây giờ, đứng vào tổ chức Phật giáo chăm lo cho bà con về đời sống tâm linh. Không chỉ là thành viên trong ban lãnh đạo của người Việt, mà còn các anh, chị trong Hội Phụ Nữ, Hội Bóng đá cũng có tham gia.
Điều thứ ba tôi nhìn thấy là, có những người bạn Đức có trái tim Việt, có tấm lòng Phật cũng đứng vào làm việc trong Hội này. Tôi muốn nói đến anh Heiner - Khánh Trí, anh là một người có nhiệt huyết, có tâm nguyện, luôn mong muốn Đạo Phật Việt Nam, văn hoá Việt Nam được phát triển tốt. Anh luôn tâm sự với tôi điều này.
Cách đây vài năm, Hội đồng Điều hành Trung tâm đã đưa chúng tôi lên thăm ông Chủ tịch Quốc hội Bang Sacchen và ông ta phát biểu: “Người Việt Nam ở đây làm việc cần cù, chăm chỉ, là cộng đồng sống hòa nhập với Đức tốt nhất và sống gần gũi thân mật với bản dân, đem lại những điều tốt đẹp nhất cho nên nền văn hóa Đức”. Tôi rất xúc động và cảm thấy vui mừng khi ông Chủ tích Quốc hội Bang nhận định tích cực về cộng đồng ta.
Tôi nghĩ, không có điều gì tốt đẹp hơn nữa với nhận định đó. Chúng ta đang làm sáng danh người Việt Nam, Phật tử Việt Nam.
Điều thứ 4 tôi ấn tượng Trng tâm là, trong khi một số nơi chú trọng việc làm chùa thì quí vị để tâm lo việc xây dựng nghĩa trang.
Hãy nhớ, cái sống nào cũng bắt đầu bằng cái chết. Lo cho cái chết là lo cho cái sống mới. Hãy nhớ, nghĩa tử là nghĩa tận. Hãy nhớ, niệm tử cũng là niệm sinh. Hãy nhớ, chết không phải là mất đi mà là một tiến trình chuẩn bị cho cuộc sống mới. Ông bà có câu, sống có nhà, thác có mồ. Cái mồ làm ấm lòng người mất và an lòng người sống. Sống gắn bó cả đời với cộng đồng mình, kề cận với nhau nhưng - không có nghĩa trang - khi chết thì nằm với những người không biết, không quen, không có một tí gì Việt Nam cả. Ngẫm mà chạnh lòng chứ. Đây là tôi nói về hiện thực xã hội theo văn hóa Việt chứ không phải nói theo tinh thần giải thoát của giáo lý đạo phật.
Nghĩa trang Phật giáo, nghĩa trang của cộng đồng người Việt là chỗ đi về của chúng ta. Ai trong chúng ta cũng có tiên tổ trong lòng, ai trong chúng ta cũng có ông bà cha mẹ người thân của mình. Vậy thì, ngày tết mình có thể đến đó dâng một nén nhang, ngày thanh minh, ngày cúng giỗ, ngày Vu Lan báo hiếu mình đều có thể đến đó, mình thấy nguyên cả tiên tổ, cả gia đình huyết thống của mình.
Quí vị có thể nhìn thấy hai chữ Việt Nam nằm ở chỗ đó, cái dòng máu Việt Nam đang lưu thông ở đó. Nói vậy không có nghĩa là tách mạch sống Việt Nam ra khỏi xứ Đức mà ngược lại, tô điểm, dựng xây nghĩa trang Việt tức là chúng ta đang làm sinh động thêm văn hóa Đức - một quốc gia rất tôn trọng sự khác biệt giữa các nền văn hoá, các nền tư tưởng, ý thức cũng như tôn giáo.
Chính nhiều nền văn hóa dị biệt đã góp phần làm nền văn hóa Đức, văn hóa Châu Âu thành một vườn hoa đẹp. Văn hoá Việt là một bông hoa trong vườn hoa sinh động ấy.
Tôi rất tán dương công đức của quý vị đã tạo nên thanh quả nay. Nhưng, tôi cũng biết rằng để đạt được những điều đó quý vị đã tốn nhiều công, nhiều sức và rơi rất nhiều nước mắt. Nhưng không sao, chúng ta có nụ cười, chúng ta cúng dường nụ cười lên Đức Phật. Chúng ta có nước mắt cũng xin hãy cúng dường giọt nước mắt lên Đức Phật. Đức Phật hoan hỷ nhận nụ cười của ta, Ngài cũng sẽ hoan hỷ nhận giọt nước mắt của ta. Nụ cười hay nước mắt thì đức Phật nhìn sâu cõi lòng của mình và thấy được lòng thành kính của mình. Phật thấy được điều đó, Tổ Hùng Vương cũng thấy điều đó. Rồi năm tháng trôi qua bà con chúng ta cũng sẽ thấy điều đó.
Những việc làm của chúng ta như tụng một thời kinh, dâng một nén nhang, cắm một đóa hoa, xây một ngôi chùa, dựng một nghĩa trang . . . đều là những việc làm thiết thực. Nó được xem như tấm lòng cao cả để cúng dường lên Phật và Tổ. Cũng vậy, những tiếng khóc, những nụ cười, những giọt nước mắt… đều là lễ phẩm, là kết quả của tấm lòng thành. Phải học thuộc câu “Phiền não khởi giai do đa sự”. Hễ không làm việc thì thôi, còn làm việc phải chấp nhận phiền não. Chính cái phiền não đó nó xây dựng nên cảnh giới niết bàn. Chối bỏ bùn ta sẽ không có được sen đâu. “Khi mê bùn vẫn là bùn, ngộ rồi mới biết trong bùn có sen”. Phải thấy được mầm sen còn nằm ngay ở trong bùn, chứ đừng chờ vươn lên trên rồi mới thấy. Những thành quả tốt đẹp nhất đều bắt đầu từ những khó khăn nhất, gian nan nhất, rắc rối nhất. Cơ hội và thách thức là một cặp phàm trù không tách rời. Càng nhiều thách thức lớn thì càng có nhiều cơ hội vàng. Thách thức là chỗ để chúng ta nắm bắt cơ hội, để phát huy những giá trị tốt đẹp.
Tin Tức Liên Quan
- CHO HƯƠNG TRẦM BAY LÊN, CHO GIỌT BUỒN RƠI XUỐNG (23/06/2015 4:02)
- QUẢ TÁO BUỒN QUẢ TÁO VUI. (12/06/2015 2:42)
- ĐÂU LÀ QUÊ HƯƠNG CỦA ĐỨC PHẬT ( 3/06/2015 11:10)
- Sớ văn cúng Tổ Hùng Vương (29/04/2015 10:21)
- Chương trình Ánh Sáng Phật Pháp kỳ 42 (26/03/2015 12:19)
- Chương trinh Ánh Sáng Phật Pháp kỳ 40 (26/03/2015 12:18)
- Chương trình Ánh Sáng Phật Pháp kỳ 39. (26/03/2015 12:17)
- Chương trình Ánh Sáng Phật Pháp kỳ 35 (26/03/2015 12:16)
- Chương trình Ánh Sáng Phật Pháp kỳ 30 (26/03/2015 12:14)
- Chương trình "Ánh sáng phật pháp" kỳ 8 (26/03/2015 12:10)