Thầy Pháp Niệm với pháp chánh niệm

8/11/2017 11:50
Chánh niệm là nền tảng khởi đầu cho sự thực hành giáo pháp trong Đạo Phật, là xương sống để phát triển các giai đoạn tu tập của hành giả, không có chánh niệm, nghĩa là hành giả đã thiếu đi một ngọn đèn trong đêm tối, thiếu đi một con đường rõ ràng cho một kiếp phù sinh,… Cũng trong phạm trù đó, nhưng qua sự thực tập, Thầy Pháp Niệm đã có những chia sẻ chân thật và tinh túy nhất pháp môn “chánh niệm” vốn đã được Thầy thực tập hàng chục năm.

Sau đây là nội dung chia sẻ của Thầy dành cho BBT Web trong khuôn khổ khóa tu “VND WAKE – UP” tại Tu viện Khánh An – Đồng Nai (3- 5/ 11/2017).
BBT: Kính bạch Thầy. Được biết Thầy cùng Tăng thân và chư Tăng bổn viện kết hợp tổ chức khóa tu “VND WAKE – UP”. Xin Thầy hoan hỷ cho chúng con biết rõ hơn ý nghĩa về khóa tu này?
Thầy Pháp Niệm: Nói là khóa tu nhưng cũng có thể nói, đây là một cuộc giao lưu, chia sẻ giữa quý Công ty và các Thầy, Sư cô; với mục đích là giúp lãnh đạo và nhân viên trong công ty vốn đang gặp những áp lực công việc có thể tiếp cận lời Phật dạy qua việc thực tập chánh niệm. Trong đời sống gia đình và trong công việc, doanh nhân là những người thường gặp nhiều áp lực, họ thiếu đi sự tĩnh lặng do tính chất công việc quá bận rộn và thường hay dao động. Việc thực tập chánh niệm giúp họ có thể thiết lập được năng lượng bình an cho bản thân, giúp họ có suy nghĩ lành mạnh, chánh niệm giúp hành giả nhận diện hạt giống yêu thương, thiết lập năng lượng yêu thương trong công ty. Thay vì hướng đến lợi ích bản thân cũng như cạnh tranh khốc liệt trên thương trường thì thực tập chánh niệm là yếu tố giúp hành giả hướng đến sự tôn trọng chung và thành công chung. Công ty có yêu thương thì công ty mới mạnh, cộng đồng doanh nghiệp từ đó mới mạnh và mang lại nhiều lợi lạc cho nền kinh tế - xã hội.

37
BBT: Xin Thầy hoan hỷ phân tích rõ phương pháp thực tập chánh niệm trong quá trình thực hành giáo Pháp?
Thầy Pháp Niệm: Cuộc sống vội vã, bon chen, thực tập chánh niệm giúp chúng ta biết sống chậm lại; từ đó, có cơ hội nhìn rõ và sâu sắc hơn thực tại. Tập sống sâu sắc hơn với thực tại mầu nhiệm để không bị kéo theo quá khứ và tương lai. Áp dụng lời Phật dạy, chúng ta có thể vượt thoát ra những ý niệm quá khứ và tương lai đó bằng cách thực tập hơi thở chánh niệm, bước chân chánh niệm. Hạnh phúc có thể phát sanh thông qua thiền đi, lái xe, quét nhà nhờ chúng ta biết an trú trong hiện tại. Bởi vì, trong Kinh Đức Phật dạy, quá khứ đã qua rồi, tương lai thì chưa tới, chỉ có giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây là mầu nhiệm. Biết chăm sóc phút giây hiện tại thì cũng là đang chăm sóc quá khứ và tương lai. Chính vì rong ruỗi theo quá khứ và tương lai, nên doanh nhân có nhiều lo lắng và tiếc nuối; từ đó, không thấy giá trị cuộc sống. Nói vậy, không có nghĩa là doanh nhân không cần phải đặt mục tiêu cho tương lai, mà mục tiêu trong tương lai phải được thực hiện từng giây, từng phút trong hiện tại. không cần phải đi hết con đường mới mới hạnh phúc mà hạnh phúc có mặt ở ngay trên đường đi, cũng như ăn một bát phở, không cần ăn hết mới thấy ngon mà trong khi ăn đã biết vị ngon của bát phở. Chánh niệm giúp nhận diện, làm lắng dịu những yếu tố khổ đau nhờ đó được bình an ngay trong hiện tại.

36
BBT: Bạch Thầy, thực tập chánh niệm như Thầy nói có phải là con đường thực tập niệm, định, tuệ?
Thầy Pháp Niệm: Bản chất của thiền tập là niệm, định, tuệ. Niệm là có mặt đích thực, sống xao lãng là tà niệm, sống tỉnh thức trong hiện tại là chánh niệm, chánh niệm đơn thuần là nhận diện nhưng không phán xét. Chúng ta thường có ý niệm bám víu những cái mình thích và xua đuổi những cái không thích, có chánh niệm thì không như vậy, có chánh niệm thì không bám víu cũng không xua đuổi. Có chán niệm thì khổ đau cũng là mầu nhiệm, vì khổ là một sự thật mầu nhiệm trong bốn sự thật mầu nhiệm (Tứ Thánh đế). Khi thấy được khổ và nguyên nhân của nó, thì chúng ta có cơ hội thấy được hạnh phúc và con đường tạo nên hạnh phúc. Khi chánh niệm mạnh thì sẽ có định, định là sự kéo dài của niệm. Khi niệm và định có mặt thì tuệ có mặt, tuệ là chánh kiến, là cái thấy rõ vô thường, khổ, cái thấy bất nhị, cái thấy tương tức. Định là yên tĩnh, định cao nhất là định về vô thường, định vô ngã, định không. Định không chỉ có trong thiền tọa mà có trong mọi sinh hoạt hằng ngày. Ý nghĩa của định là đặc trì, nghĩa là thường nắm lấy, duy trì trong mọi hoàn cảnh. Trong thiền tập, tùy căn cơ mà bước đầu phải dạy hành giả pháp an thân và tâm, vì thân tâm không phải là hai thực thể riêng biệt, thân tâm là tương tức, cũng như hướng dẫn hành giả cách chăm sóc những cảm thọ. Vậy nên,trong thiền, thiền chỉ là nuôi dưỡng, trị liệu, an tịnh thân tâm; thiền quán là quán chiếu sâu sắc hiện tượng. Thiền chỉ và thiền quán là tương tức, trong chỉ có quán trong quán có chỉ; như cái lu nước bị khuấy động rồi một thời gian trở nên lắng đọng nhưng lu nước vẫn là lu nước. Quán là sự phản chiếu của định tâm, trong quán có quán vô thường, quán vô tướng, vô tác, vô dục và quán từ bi.
Thông qua khóa tu này, mục đích là giúp cho doanh nhân có thể giảm bớt căng thẳng, áp lực, sử dụng tốt phương pháp truyền thông, đánh thức lí tưởng của những doanh nhân trẻ không chỉ hương đến lợi nhuận cho bản thân mà còn hướng đến lợi ích cho cộng đồng, xã hội. Hạnh phúc cá nhân không phải là hạnh phúc đích thực, hạnh phúc đích thực là hạnh phúc chung.

38
BBT: Xin cám ơn Thầy đã có những chia sẻ quý báu về phương pháp thực tập chánh niệm. Kính chúc Thầy thân tâm thường lạc, Phật sự thành toàn.
BBT WEB

Tin Tức Liên Quan