Pháp thoại “Thấy biết như thật” trong khóa tu Sống Tỉnh Thức lần thứ 39

15/07/2019 3:55
Sáng ngày 14/7/2019, như thường lệ, sau khi thiền hành và tĩnh tâm 30 phút, các hành giả của Khoá tu “Sống tỉnh thức” lần thứ 39 đã được lắng nghe những lời pháp vô cùng quý báu từ Thầy Viện chủ với chủ đề: “Thấy - Biết như thật”.

Thầy giải thích, trong kinh Trung bộ có một phẩm kinh tên là Chánh Tri Kiến (Sammaditthi). Chánh kiến cũng là chi phần đầu tiên trong Bát Chánh Đạo. Kiến là Thấy, Tri là Biết. Chánh Tri Kiến là thấy biết như thật. 

Dùng con mắt để thấy nhưng các giác quan khác cũng có khả năng “thấy”. Người thấy thơm thơm (mũi), nếm thấy ngọt ngọt (lưỡi), nghe thấy ồn ồn (tai), Sờ thấy nhám nhám ( thân), nhìn (bằng tâm) thấy nghi nghi. 

Nhờ thấy đúng nên suy nghĩ đúng, lời nói đúng, dẫn đến việc làm đúng.



Trong Kinh Ví dụ Cái cưa (phẩm 22- Kinh Trung Bộ), có nhắc đến sáu đặc tính của giáo pháp. Đó là

1. Đến để mà thấy. Đến ở đây là đến bằng con đường trí tuệ chứ không phải đến bằng con đường cầu xin. Tất cả chúng ta đều có quan niệm sai lầm về đạo Phật. Cứ nghĩ rằng đạo Phật nói những cái gì huyền bí, cao siêu khó hiểu, khó thấy. Nhưng mà không ngờ đạo Phật lại là thực tế, là mời chúng ta đến để mà thấy, chứ không phải là cái khó thấy. Đức Phật không mong muốn hay ép buộc ai đó phải tin vào Ngài mà chỉ khuyên nhủ mọi người không nên vội tin và cũng không nên bác bỏ. Chỉ khi nào những lời dạy đó ta đem áp dụng trong đời sống hằng ngày mà cảm nhận được lợi lạc thật sự cho chính mình thì mới hoàn toàn tin theo.



2. Thiết thực hiện tại: những lời dạy của Đức Phật không viễn vông, mơ hồ, không hứa hẹn đến một tương lai xa xôi mà nó thiết thực trong mỗi khoảnh khắc, mỗi phút giây như khi ta thở, ta cười…


3. Vượt thoát thời gian, không gian: tất cả học thuyết, ý thức hệ, quan điểm ra đời là do con người nhìn nhận nên không có gì là chắc chắn, chính xác hoàn toàn, sẽ bị lỗi thời theo năm tháng. Thậm chí các tư tưởng tinh hoa của nhân loại cũng còn bị lỗi thời như những tư tưởng Nho giáo. Thế nhưng có một sự thật trong vũ trụ mà từ hàng ngàn năm trước, khi khoa học công nghệ chưa có thì Ngài đã dạy các đệ tử của mình rằng tất cả các pháp hữu vi đều vô thường từ cái nhà, bông hoa, ngọn cỏ, cho đến sinh vật cấp cao nhất là con người cũng không thể nào thoát khỏi cái định luật sinh diệt ấy. Vì thế, vâng theo lời dạy của Ngài mà chúng ta cố gắng tu tập, ý thức sâu sắc về vô thường để có được cuộc sống an lạc, thảnh thơi.



4. Các giáo pháp của Đức Phật chỉ người trí mới thấu hiểu sâu sắc, trọn vẹn những ý nghĩa vô cùng tinh hoa mà trong các bài Kinh thường nhắc đến. Giáo pháp của Đức Phật dành cho mọi người, mọi thành phần xã hội, không phân biệt người trí kẻ ngu. Tâm đại bi của Đức Phật trải rộng đến tất cả mọi người, mọi loài. Tuy nhiên khi nói chỉ người trí mới có khả năng lãnh hội, chỉ người trí mới thâm hiểu và thực hành được, bởi vì giáo pháp đó là chân lý cao siêu vi diệu trái ngược với nhận thức thông thường đầy vô minh và tham ái của phàm phu, và là con đường tu tập chuyển hóa đi ngược lại dòng thế tục.



5. Giáo pháp của Ngài hướng thượng, dạy chúng sanh hễ gieo nhân thì sớm muộn gì cũng gặt quả, gieo nhân thiện thì gặt quả lành trong đời này hoặc đời sau, gieo nhân bất thiện thì gặt quả khổ ở tương lai hoặc ngay trong hiện tại. Hành động tốt hay xấu, thiện hay bất thiện đều từ tâm mà sinh ra, cho nên phải thường quán chiếu, soi xét tâm mình, đừng để tâm chạy theo những điều xấu xa, tội lỗi, phải luôn giữ tâm trong sạch, hướng tâm đến những điều chân chánh, thiện lành.



6. Và khi thực tập thành tựu những lời dạy của Ngài, vị hành giả sẽ đạt được quả vị Phật cao tột - bậc Thánh A La Hán.

Thầy dạy thấy biết để mà hiểu, thấy mà không hiểu là những suy tư lệch lạc, sai lầm. Thấy mà hiểu đúng chính là trí tuệ phát sinh.

Vậy thấy đúng là gì? Thấy đúng chính là thấy rõ sự sinh khởi, sự diễn tiến và sự đoạn diệt của sự vật, hiện tượng. Ví như khi nhìn một bông hoa ta sẽ ý thức rõ sự sinh khởi, tàn lụi, héo úa của bông hoa ấy. Bằng tuệ giác thực tại, ta thấy rõ sự sinh khởi và đoạn diệt.

Nhìn một em bé, một cụ già ta có thể chiêm nghiệm rõ ràng dòng chuyển biến luôn luôn thay đổi và không ngừng nghỉ trong bài học về sự vô thường của kiếp người. “Này các Thầy, tất cả các pháp hữu vi đều vô thường”. Các pháp hữu vi thật không bền vững. Nó có tánh sanh diệt là thường vì nhân sanh rồi diệt, diệt rồi sanh, nên thường hay có sự khổ não. Chỉ có Niết Bàn là pháp tịch diệt, dứt cả pháp hữu vi ấy được, mới có sự an vui tuyệt đối. Thân thể con người vì duyên sinh tụ hợp nên tạo ra hình hài, rồi mai này thân tứ đại cũng sẽ bị thời gian vùi dập, cũng sẽ phải trả về với cát bụi duy chỉ có thức tồn tại với nghiệp lực mà mình đã tạo nên.

Biết đúng sẽ giúp chúng ta hiểu đúng. Hiểu rõ những cái thiện và bất thiện. Gốc của thiện là vô tham, vô sân, vô si. Ngược lại gốc của bất thiện là tham, sân, si. Tất cả các thiện, ác, tốt, xấu đều là do các hạt giống gieo từ trong tâm mà ra. Biết đúng còn giúp ta hiểu rõ tiến trình nhân quả, nghiệp quả và bốn chân lý màu nhiệm trong cuộc đời (khổ, tập, diệt, đạo).



Nói đến đây Thầy trả lời thắc mắc của một số người cho rằng Đạo Phật là đạo bi quan, yếm thế, luôn cho rằng cuộc đời là khổ, làm cho con người thối chí, trốn tránh trách nhiệm với xã hội và hèn yếu đối với thân tâm mình. Đó là một nhận định sai lầm, sự thật là Ngài đã chỉ dạy về nguồn gốc phát khởi khổ đau để giúp cho con người làm thế nào để vượt qua nỗi khổ này và tiến đến con đường của hạnh phúc, để trở thành một con người giác ngộ, và khi đã hiểu đúng về khổ thì tất nhiên cái giá trị chân thật, cái hạnh phúc chân chính, cái Phật tánh sáng suốt, chắc thật muôn đời sẽ hiện ra.

Cuối thời pháp, Thầy nhắc lại lời dạy của Đức Thế Tôn, những ai đến với giáo pháp của Ngài là để thấy chứ không phải để tin. Chính quan điểm đúng đắn, sự thấy biết chính xác sẽ dẫn đường cho tư duy và hành động đúng đắn, hướng đến Chân Thiện Mỹ. Vì thế, đừng lấy giả làm chơn, khổ làm lạc. Thấy biết để hiểu chân thật, để nhận diện đúng đắn về sự vật hiện tượng trong cuộc sống. Nhận thức được sự thật này là thành tựu chánh tri kiến, có tuệ giác và vượt qua mọi khổ đau do nhận thức và quan điểm sai lầm tạo nên.


Tin: Lệ Ánh, Ảnh: T. Lưu

Một số hình ảnh ghi nhận trong khóa tu:



Tin Tức Liên Quan