Bắt đầu pháp thoại, Thầy
đề cập đến Đại lễ lớn đối với đất nước Việt Nam và đạo Phật Việt Nam là Đại lễ
kỷ niệm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn trong tháng 12 này.
Thầy dạy: “Công đức của Trần Nhân Tông thì có thể nói là không thể cân đo đong đếm được”. Ngài là vị vua anh minh và chất đạo thấm trong người từ tấm bé cho nên từ sự ứng xử với dân, với nước và kể cả với các quốc gia gần kề đều thể hiện tấm lòng bao dung và công bằng.
Trong bang giao với đất
nước Chiêm Thành, kết thân với nước lân bang và được vua Chế Mân dâng hiến cho
hai châu là Châu Ô và Châu Lý cho Đại Việt và để thể hiện tình giao hảo đó thì
Trần Nhân Tông đã hứa gả Huyền Trân Công Chúa cho Chế Mân. Để chiêu phục nhân
tâm cùng nhau xây dựng đất nước, khi thắng trận Ngài cung cấp thuyền bè, đồ ăn
thức uống cho thù binh về nước. Điều đó còn thể hiện qua: đất nước hòa bình sau
chiến tranh, khi nắm giữ được những tài liệu mật là có những vị phản quốc, bất
trung với vua thì Trần Nhân Tông đã gác qua chuyện quá khứ và sai đốt những tài
liệu đi. Thầy khẳng định: “Đó chính là công phu tu tập của một ông vua, của một
vị thiền sư để rồi cuối cùng cả dân tộc tôn vinh là Phật Hoàng, ông vua tu
thành Phật”. Đó là dấu ấn thứ nhất.
Thầy cho biết: Về con đường
tu tập của Trần Nhân Tông, từ những ngày đầu tuổi còn rất trẻ được vua cha mời
những bậc thầy lỗi lạc dạy dỗ cho kể cả về Nho, Lão, Phật. Trong đó, Trần Nhân
Tông tâm đắc nhất là giáo lý của Đức Phật và từ tấm bé Ngài đã chuyên tâm một
lòng học Phật. Thầy dạy thiền của Ngài là Tuệ Trung Thượng Sĩ - một cư sĩ thiền
sư là anh của Trần Thánh Tông và cũng là anh ruột của Trần Hưng Đạo. Có lần Trần
Nhân Tông đã thắc mắc và hỏi thầy Tuệ Trung tinh yếu của Đạo Thiền là gì? Tuệ
Trung Thượng Sĩ trả lời: Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc.
Thầy phân tích: “Chuyện tinh yếu của người tu thiền là hãy quán chiếu, soi xét lại nội thân, nội tâm của mình. Đó là bổn phận của việc tu tập và sự tu tập này không do cái bên ngoài có được và từ xưa đến nay từ Đức Phật cho đến chư Tổ, các bậc Thánh Tăng và cho đến chúng ta cũng vậy. Tu tập chính là để soi chiếu lại.” Tiếp đó thầy dạy: “Chúng ta học rất nhiều, chúng ta biết rất nhiều, chúng ta biết một cách cụ thể, biết một cách tường tận, biết một cách chi ly và chuyện gì chúng ta cũng biết. Nhưng hầu hết là biết cái bên ngoài. Đôi khi cái mà ta hiểu kỹ, ta biết nhiều, ta nắm bắt về nó thì nó lại đem lại phiền não khổ đau cho chúng ta mà cái tuệ giác tu tập là để giúp giải quyết vấn đề khổ đau, nghiệp chướng, luân hồi sinh tử, làm sao để bớt khổ, bớt phiền, bớt tham, bớt sân, bớt si, bớt lụy ở trong cuộc sống.” Câu dạy của Tuệ Trung Thượng Sĩ đã trở thành phương châm của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ngài luôn luôn lấy đó làm tâm yếu của mình trong suốt cuộc đời hành đạo. Và đó được xem như là một nét son của đạo Phật.
Điểm nhấn thứ hai cũng là
một nét son trong cuộc đời của Trần Nhân Tông nói đến tinh thần nhập thế, đưa đạo
vào đời – tinh thần cư trần bất nhiễm của Trần Nhân Tông đã trở thành một tinh
thần đại thừa trong Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng. Ngài
thân tuy ở trong muôn loài, mà tâm vượt trên tất cả muôn loài. Ngài sáng tác một
luật bài gọi là Cư Trần Lạc Đạo Phú. Giữa bao nhiêu việc nước vẫn dành thời
gian để tu tập, cân đối được thân tâm, khi mà muôn nghiệp đã lặn xuống thì thân
an nhàn cái tánh của mình.
“Ngài có một cái công lớn
là thống nhất Phật giáo Việt Nam. Lúc bây giờ là thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi
vào năm 580, thiền phái Vô Ngôn Thông vào năm 820 và thiền phái Thảo Đường vào
năm 1069, Ngài gom lại hình thành lên một giáo hội tên là Trúc Lâm. Cho nên
Ngài được gọi là Sơ tổ Trúc Lâm, Ngài Pháp Loa là Nhị tổ và Huyền Quang là Tam
tổ. Cho nên sau này người ta gọi Ngài là Sơ Tổ Trúc Lâm, người ta gọi Ngài là
Hương Vân Đại Đầu Đà và sự chứng đắc của Ngài.”
Cuối pháp thoại, thầy nhấn
mạnh lại: “Trần Nhân Tông sáng ngời lấp lánh như một viên kim cương quý của dân
tộc Việt Nam và trở thành biểu tượng của Phật giáo Đại Thừa. Tháng 12 dương lịch
mang một dấu ấn rất sâu sắc về Phật hoàng Trần Nhân Tông, trên khắp cả nước tổ
chức Đại lễ kỷ niệm nhập Niết bàn của Phật hoàng Trần Nhân Tông và thầy muốn ôn
lại cuộc đời của một đấng minh quân của dân tộc, một vị thiền sư lỗi lạc và một
vị Phật của đạo Phật Việt Nam để nhắc nhớ đại chúng tu tập hành trì theo lời dạy
của Phật, của Tổ để có được kết quả tốt trong cuộc sống của mình.”
Tuệ Đạt
Một số hình ảnh ghi nhận khác:
Tin Tức Liên Quan
- Các hoạt động thời khóa trong khóa tu Sống Tỉnh Thức lần thứ 88 (10/12/2024 2:30)
- Thấm tình đạo vị đêm thiền trà “Về giữa đất trời” trong khóa tu Sống Tỉnh Thức lần thứ 88 (10/12/2024 12:18)
- Hơn 200 thiền sinh trở về tu viện Khánh An ghi danh khóa tu Sống Tỉnh Thức lần thứ 88 (10/12/2024 12:16)
- Pháp thoại “Có Những Loại Ánh Sáng” (12/11/2024 10:51)
- Hơn 500 thiền sinh trở về tu viện tham dự khóa tu Sống Tỉnh Thức lần thứ 87 (12/11/2024 1:25)
- Ngày đầu tiên trong khóa tu Sống Tỉnh Thức lần thứ 87 (12/11/2024 1:25)
- Pháp thoại "CÓ NHỮNG BÃO GIÔNG" | Khóa tu Sống Tỉnh Thức lần thứ 86 (13/10/2024 11:02)
- Tổng hợp hình ảnh các thời khóa sinh hoạt trong khóa tu Sống Tỉnh Thức lần thứ 86 (13/10/2024 10:57)
- Thuyết trình 5 giới trong khóa tu Sống Tỉnh Thức lần thứ 86 (13/10/2024 10:52)
- Hơn 100 thiền sinh trở về ghi danh ngày đầu tiên khóa tu Sống Tỉnh Thức lần thứ 86 (13/10/2024 10:47)