Khi mặt trời vừa ló dạng, mây trắng nhẹ trôi trên nền trời xanh, làn gió nhẹ lướt theo tiếng phong linh cũng là lúc các hành giả tựu trung về tham dự khoá tu.
Tại Pháp Đường Chánh Niệm, trong không khí trang nghiêm thanh tịnh, khoá tu được bắt đầu bằng nghi thức tụng Năm giới. Tất cả hành giả hướng tâm lắng lòng nghe Thầy Viện chủ đọc từng giới một, giọng đọc Thầy truyền cảm ấm áp, những lời dạy trong năm giới thật sâu sắc: “Con nguyện thực tập nhìn sâu để thấy hạnh phúc và khổ đau của người kia có liên hệ mật thiết đến hạnh phúc và khổ đau của chính con. Con biết hạnh phúc chân thực không thể nào có được nếu không có hiểu biết và thương yêu, trong khi đó đi tìm hạnh phúc bằng cách chạy theo quyền lực, danh vọng, giàu sang và sắc dục có thể đem lại nhiều hệ lụy và tuyệt vọng. Con ý thức được hạnh phúc chân thực phát sinh từ cách nhìn của con mà không phải từ bên ngoài đem tới.” . . .
Buổi sáng trời trong, tụng xong Năm giới, Thầy hướng dẫn hội chúng thức tập thiền hành - đi trong yên lặng, bước trong thảnh thơi. Hình ảnh các thiền sinh đi đều như chuỗi hạt, mỗi người cứ như một giọt nước gắng kết với nhau tạo nên dòng sông, dòng sông của tâm linh, dòng sông của hạnh phúc đích thực.
9 giờ, Thầy viện chủ có bài pháp thoại với chủ đề: “Ngày Nở Hoa”. Thầy nói: “Tu viện Khánh An vừa tổ chức lễ Lạc Thành và Tạ Ơn Tam Bảo sau gần mười năm xây dựng. Ở ngoài đời gọi là Khánh Thành còn trong đạo gọi là Lạc Thành. “Thành” là thành tựu, thành công một cái gì đó. "Khánh" là vui mừng, là chúc tụng, nó biểu hiện cái vui bên ngoài. “Lạc” là niềm hỷ lạc tỏa ra từ bên trong. Niềm hỷ lạc của tâm thanh tịnh, của sự tu tập. Đó là cái lạc chân thật, bền vững. Người tu không chờ lễ Lạc Thành mới có an lạc mà mỗi ngày trong công phu, hành trì, sự tĩnh lặng trong nội tâm mỗi ngày đều có an lạc. Ngày lễ Lạc Thành, được chư Tôn đức về chứng minh, khắp Tu viện đâu cung thấy hoa, mọi người ai cũng hoan hỷ. Ngày hôm đó gọi là "Ngày nở hoa". Còn lễ “Tạ Ơn Tam Bảo” là bày tỏ niềm biết ơn Phật, Pháp, Tăng. Thầy đặt vấn đề, có người sẽ hỏi sao Thầy không tạ ơn những Phật tử đã cúng dường gạch, ngói, xi măng...để xây dựng ngôi Tam Bảo khang trang. Thầy nói, những Phật tử cúng dường xây chùa chính là hộ trì Tam Bảo với tâm thành kính, họ cúng dường với tâm không mong cầu đền tạ. Thầy hướng tâm về Tam Bảo, Phật tử phát tâm hướng về Tam Bảo, đó là điểm gặp nhau, đó là sự cúng dường tối thắng, và đó cũng là niềm biết ơn tối thắng.
Thầy kể lại lịch sử Tu viện Khánh An, từ khi thành lập chùa (1905) cho đến nay trải qua 111 năm. Ngôi chùa được khai sơn bởi Hòa thượng Thích Trí Hiền, huý Như Phận, thế danh Lê Văn Phận, rồi đến Hòa Thượng Thích Thiện Nghĩa (Nguyễn Văn Nghĩa) tiếp đó là Hòa Thượng Thích Hồng Lạc (Nguyễn Văn Lạc) và Thầy là vị viện chủ đời thứ tư. Thầy kể về những kỷ niệm, những ngày đầu về chùa Khánh An, ngôi chùa sập xệ, đất trũng ngập nước và hoang sơ. Quá trình xây chùa có những người Phật tử có trái tim Bồ tát đã âm thầm cúng dường để góp phần xây dựng ngôi phạm vũ khang trang. Một anh thanh niên đến cúng 20 tấn sắt, thầy xin tên không được, xin địa chỉ anh cũng chỉ cười, giờ Thầy cũng chẳng biết anh ở đâu, cuộc sống thế nào nữa; một đôi vợ chồng nghèo, đêm về có "đứa bé" mách "về chùa Khánh An cúng dường xây dựng đi"; cô con gái trẻ gói "chút quà" tặng thầy để xây chùa, khi thầy mở ra đó là nhẫn, dây chuyền, bông tai ngày cưới; một cụ bà tật nguyền, nói năng ngọng liệu mang đến cúng thầy một "giỏ lát" để xây chùa, khi thầy mở ra là .... một lượng tiền lớn v v ... Đó những vị có tâm Bồ tát.
Nhiều Phật tử phải rơi nước mắt và xúc động trước tâm cúng dường của họ. Một bản trẻ nói: “Lúc trước, con không nghĩ rằng trên thế gian gian này có những người như vậy. Giờ nghe Thầy viện chủ kể con hết sức bất ngờ và cảm động. Phải có một trái tim chí thành với Tam Bảo thì mới có tâm cúng dường như vậy.”
Qua quá trình xây chùa Thầy đã rút ra nhiều kinh nghiệm và chia sẽ với Phật tử. Thầy nói: “Theo khảo sát địa chất, kỹ sư yêu cầu ép cọc làm móng ở độ sâu 20 mét, nhưng thực tế Thầy ép, khi đủ tải trọng, cọc xuống đến 36 mét. Vì vậy, trong cuộc sống lý thuyết là một lẽ, thực hành là một lẽ, đừng tin tưởng tuyệt đối vào lý thuyết. Thứ 2, Tu viện tồn tại chắc chắn là nhờ phần móng. Nếu xây dựng một cái gì đó thiếu nền móng thì sẽ bị gãy đổ là chắc chắn. Xây dựng con người cũng vậy, đạo đức là nền tảng cho mọi con người có mặt cuộc đời này. Tiên học lễ, hậu học văn, kiến thức là số hai, đạo đức là số một. Nền tảng vững thì ngôi chùa chắc, giới luật vững thì tu học chúng ta mới bền, muốn bề nổi tồn tại thì bề sâu phải vững vàng. Ngươi hời hợt nhìn cái bề nổi, nhìn cái đẹp bên ngoài, người biết quán chiếu thì phải biết nhìn vào chiều sâu của sự vật hiện tượng. Tài rất cần nhưng đứp quan trọng hơn. Người tài có thể thuê được nhưng người đức khó thuê nếu không muốn nói là không thuê được. Cho nên phải xây dựng nền tảng đạo đức vững chãi trước khi phát triển nếu không sẽ thành mối họa cho bản thân và người xung quanh. Thứ 3, những viên đá đầu tiên đặt dưới lòng đất thì không ai nhìn thấy. Chính những viên đá đó mang sức chịu đựng, gồng gánh cho Tu viện được vững vàng. Con người cũng vậy, có những người cống hiến một cách thầm lặng và luôn làm đẹp cho cuộc đời này. Những người có tâm, có đạo đức là những người cống hiến rất lớn cho cuộc đời. Thứ 4, xây nhà phải có thước tất, nếu không có thước tất thì sẽ không ra cái nhà. Chúng ta phải khép mình vào khuôn khổ giới luật, từ trong khuôn khổ bước ra chúng ta sẽ trở nên đẹp đẽ và hoàn mỹ. Người không có khuôn khổ là người không có tư cách dù người đó ở địa vị nào. Người muốn tự do phải đứng mình trong khuôn khổ.
Sống trên đời phải giữ tấm lòng chân thật và trong sáng. Chúng ta sống bề ngoài thì cũng chỉ gạt được một số người, mà đúng hơn là chúng ta đang tự gạt chính bản thân mình. Sự giả dối của chúng ta không thể che đậy dưới tuệ nhãn của chư Phật, Bồ Tát, long thiên hộ pháp. Mỗi khởi tâm động niệm của chúng ta chư vị đều biết. Cho nên, chỉ cần mình thật tu thì năng lực mầu nhiệm của Tam Bảo sẽ hộ trì mình và việc gì cũng thành.”
Cuối cùng Thầy giải thích về ý nghĩa “Phật Đường Tỉnh Thức”, “Pháp Đường Chánh Niệm”, “Tăng Đường Vững Chãi”, “Thực Đường Dưỡng Tâm”, “Khách Đường Thảnh Thơi” và ý nghĩa các từ như: chùa, tinh xá, tịnh xá và tu viện.
Sau khi dùng cơm trưa, nghỉ ngơi, hành giả tập hát thiền ca, sám hối và ngồi thiền. Trong giờ Pháp đàm nhiều hành giả đã bài tỏ niềm hạnh phúc và an lạc khi tham gia khóa tu, đặc biệt là nghe bài giảng của Thầy buổi sáng làm cho họ hết sức xúc động.
17 giờ, khóa tu kết thúc, mọi người dùng chiều rồi ra về. Không gian tu viện lại trở lại trạng thái vắng lặng, những bông hoa vẫn ung dung khoe sắc. Hoa khoe sắc như muốn nhắc nhở chúng ta một đều, hãy sống như hoa, luôn tỏa hương và làm đẹp cho cuộc đời này với tâm không mong cầu hay đền đáp. Dù gió bão có hủy hoại hoa, hoa cũng không hề oán giận, không trách móc, bình thản mà tiếp nhận tất cả và hoa vẫn là hoa.
Trung Nhã, Trung Pháp
Một số hình ảnh trong khóa tu:
Tin Tức Liên Quan
- Khoá tu Sống Tỉnh Thức lần 09: Ba Điều Cần Nhận Diện Để Sống An Lạc (13/09/2016 12:11)
- Khóa tu Sống Tỉnh Thức lần 08: NHỮNG TRÁI TIM PHẬT BÊN KIA ĐẠI DƯƠNG (19/07/2016 4:21)
- Khoá tu SỐNG TỈINH THỨC lần 07: CHỈ BẢY BƯỚC THÔI (17/05/2016 5:23)
- Khoá tu Sống Tỉnh thức lần 06 HẠNH PHÚC BÂY GIỜ (23/03/2016 1:46)
- Khoá tu Sống Tỉnh Thức lần 5: HƯỚNG VỀ NON THIÊNG YÊN TỬ (23/12/2015 4:42)
- DOANH NHÂN VỚI KHOÁ TU SỐNG TỈNH THỨC (29/10/2015 5:23)
- Khoá tu Sống Tỉnh Thức lần 4: CHÁNH NIỆM TRONG CÔNG VIỆC VÀ DƯỠNG THÂN (27/10/2015 6:28)
- KHÓA TU SỐNG TỈNH THỨC LẦN THỨ 3 (25/08/2015 1:41)