Thiền giảng “Tâm thư gửi bạn Covid19”

4/04/2020 10:36
(BBT) Cách đây ba hôm, Thầy Trí Chơn đã viết bức “Tâm thư gửi bạn Covid19” được đông đảo tín đồ Phật tử trên cả nước và hải ngoại lắng nghe, cảm nhận. Bức tâm thư đã phần nào nêu được căn nguyên sự hiện diện của Covid19, giúp con người hiểu rõ bản chất của bệnh khổ, từ đó giảm thiểu tác nhân tạo bệnh, nhằm xoa dịu những vết thương từ nhận thức con người. Góp thêm một “cái thấy” dưới nhãn quan của người học và hành theo lời Phật dạy.


Sáng nay, tại Vườn Che Chở - tu viện Khánh An, Thầy Trí Chơn đã có buổi Thiền giảng “Tâm thư gửi bạn Covid19”.


Đầu tiên, thầy giải thích về hai chữ “Tâm thư”. Thư gồm nhiều loại. “Hận thư” là thư được viết trên sự thù hằn, tức giận; "lệ thư", thư được viết bằng nỗi đau đớn, sầu muộn, chết ngợp trong biển ái; "huyết thư", thư viết bằng cả máu viết cho một lý tưởng cao đẹp nào đó như "hải ngoại huyết thư" do Phan Bội Châu viết năm 1906, lúc đang ở Nhật Bản gửi về cho nhân dân Việt Nam kêu gọi tình thần độc lập dân tộc thời Pháp thuộc. Hay như "chiếu thư" là thư của vua ban hành kêu gọi dân chúng đứng lên gìn giữ giang sơn xã tắc như chiếu thư của vua Lê Thánh Tôn viết 1471. Còn "tâm thư" là sao? Tâm thư là thư được viết bằng cả trái tim. Trước hết là sự chân thành (Thành tâm), mở rộng trái tim, không che giấu, không vì uất ức cùng phản ứng nào xảy ra cả. Thứ hai là phải khởi lên được tâm yêu thương (từ tâm), không nói bằng sự thù hằn, ghét bỏ. Thứ ba, phải nói bằng sự hiền hậu (hiền tâm), là tâm hiền thục, tha thứ, bao dung. Ba yếu tố đó nói lên đặc tính của Tâm thư.


Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh thực tế hiện nay gây chết chóc, đổ vỡ, mất mát,... ta phải biết nhìn sự vật hiện tượng dưới ánh sáng của vô ngã. Chỉ vô ngã mới có thể đồng cảm, nhìn nhận và giải quyết được mọi vấn đề. Trong nỗi đau nhân loại có nổi đau của chúng ta, ta có mặt trong tất cả mọi người và tất cả mọi người có mặt ở trong ta.

 

Hiện nay, cả thế giới “chống dịch như chống giặc”. Trong khi Tâm thư lại gọi Covid19 kia là “Bạn”.  Sao vậy?

 

“Giặc” có nghĩa là gì? Giặc là một người, một nhóm người gây bạo loạn, bất an cho cuộc sống. Hoặc một nhóm người đối nghịch lại với một thể chế chính thống gây phiền nhiễu xã hội. Từ ngoài tấn công vào gọi là giặc ngoại xâm. Nổi lên ngay trong lòng xã hội gọi là giặc nội loạn.


Trong một khái niệm khác, không phải chỉ cho con người, mà bất kì một sự vật, hiện tượng nào gây khổ cho con người, làm rối loạn, bất an cho xã hội cũng gọi là giặc như giặc dịch, giặc dốt, giặc đói. Cái “chất giặc”  ấy nó cũng tiềm tàng bên trong mỗi chúng ta, điên cuồng, nổi loạn, sân si với người xung quanh hoặc thậm chí là với bản thân mình, đó cũng là giặc. Vậy cái gì phải nhìn đối tượng ấy bằng ánh mắt từ bi. Ngay cả việc phải biết  xử sự bằng từ bi với chính thân và tâm mình.






Với “giặc Covid 19” ta phải chuyển hóa chúng bằng cách nào? Nó được sinh khởi, tiềm tàng từ bên trong mỗi chúng ta. Do tham lam, sân hận, si mê tạo nên chúng. Do vậy, ta phải biết chăm sóc và chuyển hóa nó. Càng biến chúng trở thành một thế lực đối trọng, ta càng khổ đau nhiều. Thế cho nên, thư viết bằng sự chân thành, viết bằng trái tim thương yêu và bằng sư hiền thục nên gọi “Tâm thư”. Ngay khi ta  gọi nó “bạn” thôi tức là trong ta đã bắt đầu chuyển hóa rồi. Thay vì để tiêu diệt thì ta chọn chuyển hóa vẫn là tốt hơn. “Cái giặc” chẳng qua là cái đối ứng lại với mình. Khi biết chuyển hóa để “giặc” cùng về một hướng thì khi đó ta giặc không hai . Đó là nhãn quan Phật giáo. 

 

Con người chúng ta vốn dĩ hay đỗ thừa, mình đỗ thừa Covid19 phát sinh từ con dơi, con rắn, từ phòng thì nghiệm nhưng đó là mình nhìn vào cái quả. Khi nhìn vào cái nhân ta sẽ thấy được virus ấy phát sinh từ chính con người. Thế cho nên ta phải hiểu điều này là nhân tạo chứ không phải thiên tạo. Vậy nên trong tâm thư có câu “Bố mẹ bạn là tâm thức con người”.


Virus này chỉ nhỏ bằng 1/900 đầu sợi tóc, nhưng một khi nó đã dấy lên rồi thì toàn cầu điêu đứng. Đức Phật dạy chúng ta hãy thận trọng từ những gì nhỏ nhất, tất cả những cái có đều bắt đầu từ cái không, tất cả những cái lớn bắt đầu từ cái nhỏ. Cái gọi là nhỏ hay lớn, trong hay ngoài chỉ là quy ước. Ta phải biết được rằng, cái nhỏ vẫn có thể biến hóa vô cùng tận và cái lớn có thể nằm trọn mình trong cái nhỏ.

 

Thiền sư Khánh Hỷ đời Lý có nói: “Càn khôn tận thị mao đầu thượng. Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung”. Nghĩa ý là tất cả đất trời nằm trên đầu sợi lông,  cả nhật nguyệt, đại địa sơn hà nằm trong lòng hạt cải. Qua đó để thấy rằng một có trong tất cả và tất cả có trong một. Đó là lý duyên sinh.


Vì thế trong tâm thức của chúng ta chỉ cần khởi lên một niệm gì đó thì phải để ý, một khi nó đã gieo vào tâm thức mình thì sẽ lớn dần. Điều này đức Phật nói “nhỏ mà không trong, lớn mà không ngoài”. Thử hỏi, bằng mắt thường ta có thể nhìn thấy con virus ấy không? Nhỏ thì chỉ là virus nhưng lớn thì cả toàn cầu. Sự thật  chúng ta đã thấy là nó đã có khả năng bao trùm cả thế giới. Và một khi virus trùm lên rồi thì bất luận đó là ai, cho dù đó là tầng lớp, địa vị, giai cấp nào trong xã hội thì tính bình đẳng chúng sinh là như nhau.


 Virus có mặt để làm gì? Nhìn về mặt hiện tượng, chúng ta thấy một tác hại lớn. Ở thời điểm hiện tại đã có khoảng 60.000 người chết và hơn 1 triệu người nhiễm bệnh. 


Nhiều xí nghiệp, công ty phá sản, máy bay, tàu lửa ngừng hoạt động, bệnh viện quá tải,... gây nên bao hỗn loạn ở trên đời vì thế con người đã gắn cho virus hai chữ “tàn ác”. Nhưng đó chỉ là gốc độ nhìn nhận của con người.






Thế giới này là của chúng sinh vạn loại, con người có được cái phước về trí, về thân... để rồi mình nghĩ mình là giáo chủ của muôn loài, muốn làm gì thì làm. Nhưng xem đấy, thiên nhiên nổi giận thì con người chỉ còn bốn lực chọn địa điểm: ở nhà, ở khu cách ly, ở bệnh viện và chiếc quan tài.


Là người đệ tử Phật, phải biết quán tâm thương người, thương các loài thú vật, cỏ cây hoa lá, đất, đá, sỏi, cát, chim muôn, sông, biển,... tất cả mọi loài. Phải biết nhìn sâu lắng bằng cái nhìn của bồ tát Quán Thế Âm, một cái nhìn không phán xét, không phản ứng, không định kiến, không dính mắc, không chấp chặt. Nhìn như vậy ta mới thấy được thật tướng của các pháp và sự có mặt của mọi sự vật hiện tượng ở trên đời đều có tương quan nhân quả chứ chẳng phải là ngẫu nhiên.

 

Tin:  Trung Tuệ

Ảnh:  Trung Long

Tin Tức Liên Quan