Vào lúc 8 giờ sáng, hội chúng có 45 phút thiền tọa dưới sự hướng dẫn của thầy Viện chủ, sau đó là nghi thức sám hối.
Vào lúc 10 giờ pháp thoại trong khoá tu hôm nay được Thầy Viện chủ giảng mang tên: “Có những tập khí”.
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự bận rộn đang dần là thước đo của thành công và đó cũng chính là tiêu chí hạnh phúc cho khá nhiều người. Một ngày có 24 giờ, nhưng dường như con số này vẫn là chưa đủ với một số người. Họ lúc nào cũng cảm thấy không đủ thời gian cho tất cả mọi việc và lúc nào cũng muốn một ngày dài hơn. Có những người luôn cảm thấy thiếu thời gian cho những việc quan trọng nhưng lại thừa thời gian cho những trò tiêu khiển, giải trí. Họ cứ tự lao mình vào vòng xoáy bận rộn rồi đến một lúc ngoảnh lại thấy lòng trống rỗng, thân tâm mệt mỏi rã rời. Vì thế, hãy tập ngồi yên, thực tập nếp sống của các bậc thánh - nếp sống tĩnh lặng. Một trong những điều khiến ta ít có hạnh phúc là thiếu nghệ thuật sống trong hiện tại, có mặt với hiện tại. Thói quen nghĩ tưởng tương lai và quá khứ làm tê liệt khả năng cảm thụ hạnh phúc. Sống tiếp xúc sâu sắc với mọi thứ đang có mặt quanh ta là cảm nhận được những giá trị thiêng liêng và màu nhiệm của chúng, sẽ khơi dậy niềm hạnh phúc lớn lao biết dường nào. Còn khi sống mà toàn thấy những ước vọng, tham muốn, những dự án, dự định, những đeo đuổi mong cầu thì nguồn an lạc hạnh phúc trong ta bị vùi lấp dưới đáy mồ của mộng ước, của nghĩ tưởng xa vời khiến ta không thể cảm nhận cuộc sống với niềm an vui nơi giây phút hiện tại. Thực tập giáo pháp là lấy sự tĩnh lặng làm an lạc của cuộc đời.
Chính tu tập cho
ta được tuệ giác, hạnh phúc bền vững. Những hạnh phúc bên ngoài chỉ là sự thoả
mãn nhất thời của cơ thể. Ta hướng vọng tương lai rồi nhìn đời mà so sánh. Ta
muốn trở thành một ai đó, trở thành người khác. Ta cố để được giống như họ
và vì vậy ta đánh mất con người của chính mình. Ta càng cố giống người này,
được như người kia, thì ta càng trở nên bất hạnh.
Lúc nào ta cũng
cố tỏ ra bận rộn. Thế nhưng, ta nào biết được niềm hạnh phúc tối thượng chính
là sự tĩnh lặng trong tâm hồn. Chỉ có bận rộn mới làm cho mọi phiền não, bực
bội khởi lên trong tâm. Vì thế, sống một đời sống có chánh niệm. Chánh niệm là
cách tốt nhất để ta cảm nhận được vẻ đẹp của cuộc sống xung quanh, những điều
đôi khi ta thường bỏ lỡ. Sự yên bình chỉ đến với mỗi người khi trong lòng không
xáo động, như khi chúng ta thực sự tập trung vào một tiếng chim hót giữa cơ man
thanh âm đô thị. Trong thế giới của chánh niệm, sự duy mỹ có nền tảng từ sự
thấu hiểu. Giống như con người gây dựng thành công từ những điều nhỏ bé, niềm
tin yêu cuộc sống của bạn cũng gợi lên từ sự bình yên giản đơn khi ngắm một
bông hoa ven đường. Người tu chánh niệm là người thấy sự vật hiện tượng diễn ra
như nó đang là.
Hạt giống của ái dục có mặt cho ta từ khi mới chào đời. Con người là chúng sanh hữu tình bởi vì do tứ đại giả hợp lại mà có thân thể này. Tại sao gọi là giả hợp? Bởi có cái giả danh nên có cái gọi là giả hợp. Tại sao gọi là giả danh? Cái danh được gọi chỉ là tạm gọi nên gọi là giả danh. Ví như cái gọi là đóa hoa thì khi nó đang là hoa thì gọi là hoa, nhưng nó héo héo rồi thì người ta hái bỏ đi thì người ta gọi nó là rác, khi nó rửa nát ra thì gọi nó là phân bón. Cái thân người xinh đẹp thì gọi là người đẹp, nhưng khi vào nghĩa trang thì gọi là xác chết, khi đào mộ lên cải táng thì gọi là xương trắng. Cái khúc cây trước mặt mình đây thì mình gọi là cây gỗ tràm, khi cây cháy lên thì gọi là củi, khi lửa tắt thì gọi là tro tàn. Khi ngọn lửa rời khỏi củi thì củi đã hóa tro tàn. Vì thế, tu tập ta đừng nên nắm giữ tướng chung cũng không nắm giữ tướng riêng. Tướng nào cũng là bản chất cấu trúc của con người, ta quán sát thân này, dưới từ bàn chân trở lên, trên cho đến đảnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt. Trong thân này: “Ðây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, thận, tủy, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật, đàm mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, niêm dịch, nước ở khớp xương, nước tiểu”. Quán chiếu như thế ta sẽ bớt tham ái nơi thân. Bớt tham ái nơi thân là tránh được nhiều khổ luỵ vì thân ngay trong hiện tại. Hơn nữa tu tập phương pháp quán sát thân bất tịnh còn giúp tẩy rửa dần các niệm thân kiến kiết sử ngủ ngầm, tiến tới chặt đứt hoàn toàn một sợi dây tái sanh do luyến ái sắc thân.
Con người ta hay
tò mò, bình phẩm, phán xét mọi việc bên ngoài. Mỗi ngày ta tiếp nhận những việc
như thế đều ảnh hưởng đến nếp sống an lạc nơi tâm. Người có chánh niệm hãy xa
rời những việc như thế, ý thức mỗi bước chân mình đi, việc mình làm, ý nghĩ
mình đang khởi lên, thực tập như thế ta sẽ dần tiến đến con đường an lạc, thoát
mọi khổ đau.
Thầy dạy
rằng, nếu đang ngồi thiền mà buồn ngủ, sân giận, phiền não khởi lên ta hãy
lấy chính những cái đó làm đối tượng để quán tưởng. Ta chưa trừ được tham sân
si thì hãy lấy đó làm đối tượng để quán chiếu, để phát khởi tâm thiện lành
giúp cho thân và tâm đều thanh tịnh.
Mỗi ngày, chúng ta sống mơ mộng hão huyền trong quá khứ hay trôi nổi đến tương lai. Thế nhưng, Đức Phật dạy hạnh phúc chỉ có ngay trong hiện tại “chánh niệm, tỉnh giác trong hiện tại ngay bây giờ và ở đây”, tâm ta trụ vào hiện tại nhờ điều đó mà phiền nào rũ rơi rất nhiều. Sống chánh niệm trong hiện tại thì năng lượng tích tụ, giải phóng mọi tập khí sâu dày từ vô thỉ kiếp. Hơi thở màu nhiệm, có hơi thở là có hạnh phúc, có hơi thở là có bình an.
Hầu hết mọi
quyết định của ta đều quyết định trong vô thức. Hãy nuôi dưỡng thêm từ bi trong
tâm để năng lượng tích cực khởi lên, nhờ có chánh niệm mà có định có tuệ, nhờ
có thực tập thiền quán mà ta có cái nhìn tinh khôi về cuộc đời.
Cuối thời pháp,
một lần nữa, Thầy khuyên đại chúng sống có chánh niệm, làm việc trong tỉnh thức
để mỗi khoảnh khắc trôi qua là mỗi phút giây bình an, tuệ giác khởi lên, hạnh
phúc tròn đầy.
Tin: Ngọc Ánh, Ảnh: T. Lưu
Tin Tức Liên Quan
- Khóa Thiền Vipassana (22/06/2020 11:33)
- Tọa đàm "Hành đạo miền viễn xứ” sau chuyến hoằng pháp tại Hoa Kỳ và châu Âu của Thầy Trí Chơn (15/10/2019 6:48)
- Nền tảng của chánh niệm- Bài 6: Quán tâm trên nội tâm. ( 4/08/2019 8:45)
- Nền tảng của chánh niệm Bài 5: Quán Thọ (28/07/2019 7:33)
- Nền tảng của chánh niệm- bài 4, Quán thân (tt) (22/07/2019 8:33)
- Khóa thiền “NỀN TẢNG CỦA CHÁNH NIỆM” - Bài 2: Quán Thân (tiếp theo) ( 6/07/2019 6:31)
- Khai giảng Khóa thiền Tứ Niệm xứ tại Tu viện Khánh An (24/06/2019 11:18)