Đọng lại trong tôi

21/07/2017 12:50
Suốt hành trình chuyến từ thiện Sài Gòn - Hà Giang quả là một quá trình để cho mỗi chúng ta phải suy nghĩ, chiêm nghiệm.

 

Được đi cùng Thầy, cùng đoàn dự lễ khánh thành, bàn giao tiểu trường học ở Lũng Chinh, Mèo Vạc, Hà Giang, lòng cứ nghĩ là mình cứ đi thôi. Nhưng quả thực, đến tận nơi mới thấy được cái khó, cái khổ người anh em mình nơi vùng cao, hiểm trở cách biệt với đời sống văn minh hiện đại đến vạn trùng.
Thời Đức Phật, Tăng đoàn sống phải di chuyển từ nơi này sang nơi khác, chịu nóng, chịu lạnh, sống khất thực phải kham nhẫn chịu đựng những cái khó khăn trong sinh hoạt thường ngày, phải cố gắng vượt qua để nuôi lớn chí nguyện của mình. Khi đến vùng núi Hà Giang trong lòng cảm thấy quý mến tinh thần, nghị lực sống của bà con nơi đây. Phải chăng thiên nhiên đã tôi luyện để ý chí năng lực sống của họ càng thêm lớn. Cảnh núi rừng trùng điệp, ngoằn nghèo khúc khủy đi lại khó khăn có là gì đâu so với tinh thần sống bảo vệ giữ gìn truyền thống văn hóa Việt nơi địa đầu Tổ quốc.

IMG 0781
Dọc đường đi, chỉ thấy bắp và chỉ toàn là bắp. Bắp cũng chính là món ăn chính của đồng bào cao nguyên núi đá. Với chúng ta, đất là cái hiển nhiên phải có, nơi nào sống mà chẳng có đất là chuyện điều không tưởng. Nhưng điều đó có thật nơi chốn này. Một vùng chỉ toàn đá và đá. Bà con nơi đây muốn canh tác bắp phải hốt những nắm đất bỏ vào hóc đá rồi gieo bắp vào chỗ đó. Nước cũng vậy, đến mùa mưa, họ hứng để dùng cho cả năm. Mùa khô, nước chỉ dùng để ăn uống, tắm giặt được coi là xa xỉ. Không ai khỏi chạnh lòng thương xót trước cảnh tình như vậy. Tại điểm tặng quà cho bà con Lũng Chinh, Thầy Viện Chủ đã nói: "Người dân ở các thành phố lớn đã qua cái thời ăn no mặc ấm và qua luôn cái thời ăn ngon mặc đẹp. Con người đang sống với lối sống ăn cho có nghệ thuật và mặc cho thời trang. Vậy mà nơi đây, chiếc gối, tấm chăn là tài sản lớn, được ăn bữa cơm đã là xa xỉ. Ý thức điều này, mong mọi người hãy ăn sao cho có tình có nghĩa, mặc sao cho có yêu thương". Chính câu nói ấy làm cho ai cũng xúc động khôn xiết. Hằng ngày chúng ta ăn món gì không vừa ý là đã khó chịu không hài lòng thì thử hỏi một nơi không biết cơm là gì thì ta phải làm sao? Ai trong chúng ta không muốn mình được đầy đủ nhân duyên phước báu được ăn ngon mặc đẹp, đầy đủ vật chất nhưng cái tình cái nghĩa mới quan trọng cho tất cả chúng ta. Có thể do cái nghiệp riêng của mỗi vùng miền nên người dân nơi đó khốn khổ như vậy. Nhưng cái nghiệp chung là cùng nằm trên dãi đất hình chữ " S ". Tất cả chúng ta phải biết quan tâm chia sẻ lẫn nhau. "Một miếng khi đói bằng một gói khi no" khi người cần, người thiếu mình cho mình tặng mới có ý nghĩa. Nếu ai cũng đầy đủ thì người ta cũng không cần nhận để làm gì. Của cho không bằng cách cho là vậy. Cho như thế nào để bày tỏ sự trân quí và gửi tình yêu thương vào vật cho mới là quan trọng. Trong các cách bố thí, Đức Phật có dạy mình phải bố thí sự tham sân si trong lòng của mình mới đúng pháp. Nói như vậy không có nghĩa là ta đem cái tham sân si cho mọi người mà ta phải cho những cái mình có để bố thí cho người. Những cái mình góp nhận từ bên ngoài suy cho cùng nó không phải là của mình. Chính những cái tham sân si trong mình mới là tài sản của mình. Chẳng hạn như khi mình muốn cho ai đó cái gì mà mình tiếc đó là do tham mà không cho. Khi mình đã hiến tặng cho ai đó là mình đã cho lòng tham của mình. Mình phải cảm ơn tất cả những người có hoàn cảnh khó khăn đó để mình hiến tặng sự sẻ chia.

IMG 0662
Những hoạt động từ thiện luôn mang ý nghĩa thiện nguyện lớn. "Trời sanh voi sanh cỏ", Ông bà ta vẫn thường nói câu nói ấy. Trên đoàn có nhiều Phật tử hỏi rằng sao dọc đường đi chẳng thấy trạm y tế ? Nếu bệnh xuống thì phải làm sao, chắc đợi cho đến khi xác thân về với đất mẹ à? Một câu hỏi mang ý nghĩa nhân đạo rất lớn. Thế cho nên cần lắm những tấm lòng để chung tay xây dựng đời sống cho bà con.
Khi được nghe cháu bé cất giọng hát trong lễ khánh thành trường, trong tôi khởi lên nhiều xúc động. Hình ảnh đầu tiên bé lên chào mọi người bằng hình ảnh chào cờ của Việt Nam. Ý thức dân tộc đã nuôi dưỡng các em từ thời bé. Rồi cháu cất lên: "Không bỏ rẫy đốt nhà mà lang thang nghèo khổ suốt đời". Chúng ta thử hình dung khi có được một mõm đất nhỏ nào là bà con tận dụng để trồng bắp thì không gian đâu để các em vui chơi, bà con sinh sống. Ở thời đại này rồi mà vẫn còn sinh sống trong cảnh thiếu thốn cực khổ từ những cái nhỏ nhất.

IMG 1959
Câu chuyện xây dựng trường, dù đã hàng tháng trời phá đá, đào núi vẫn không đủ mặt bằng nên chị Nguyên Giới đã mua thêm gần 100 mét vuông đất của anh Vàng Mí Chữ với giá khá cao (so với vùng này). Nhưng khi hỏi anh có vui không? Anh ta trả lời một cách dứt khoát "Không". Tại sao? Anh nói: cầm tiền ở đây tôi biết làm gì giờ trong khi không có đất canh tác. Nghe mà thương xót, lòng như thắc lại. Một vùng mà cuộc sống con người tiếp cận chỉ có ... đá. Có tiền mà không có đất bà con cũng chẳng biết làm gì. Vấn đề đặt ra ở đây làm sao chúng ta đưa được những giá trị văn hóa, giáo dục, y tế đến với bà con. Ngay trong việc dạy, điều khó khăn là mỗi tiết học phải có người phiên dịch, bởi tiếng Kinh nơi đây vẫn chưa phổ biến. Còn không thì thầy cô ở đây phải đi học tiếng H' Mông, tiếng Giáy, tiếng Cờ Lao .. . Đã đến lúc chúng ta cần quan tâm nhiều hơn về phát triển văn hoá, văn minh vào những vùng miền cách trở. Đây là trách nhiệm chung mà toàn xã hội cần quan tâm và cần phải chia sẻ.
Chuyến đi thật nhiều ý nghĩa. Mặc dù chưa đóng góp được bao nhiêu, một bàn tay nhỏ không thể làm được nhiều nhưng nhiều bàn tay cùng đóng góp chắc chắn chúng ta sẽ làm được điều đó. Bởi vì cuộc sống cho đi là nhận lại thì tại sao ta lại không dám cho đi chứ?
Quảng Thức

Tin Tức Liên Quan