Nó là vậy đó, thật khó để xác định được nó là gì, vì nó luôn biến đổi, và bạn cũng đừng hỏi lá thu là gì, vì khi bạn cất lời, nó đã không còn là chính nó. Nếu có một định nghĩa gần chính xác cho lá thu, chỉ có thể nói rằng, nó là cái nó được biến đổi, thế thôi. Phật gọi nó là “vô thường”, vì vô thường nên “lá thu phai”.
Có phải chăng? Khi sinh tiền, Trịnh Công Sơn là người đã ưu ái pháp ấn “vô thường” của Phật trong mỗi sáng tác. Chẳng thể nào khác hơn, pháp ấn vô thường đó không do Phật tạo ra, Phật chẳng tạo ra thứ gì, Phật chỉ là người thấy biết mọi thứ, và mọi thứ đó là chúng ta và thế giới của chúng ta – Trịnh cũng là một phần trong đó. Và có phải chăng, với tuệ giác của Phật, Trịnh nương vào để thấy rõ chất liệu bấp bênh của cuộc đời? - Thật khó để trả lời chính xác những vấn đề liên quan đến người nhạc sĩ tài hoa này. Nhưng chúng ta có thể mạnh dạn kết luận rằng, Trịnh đã thể hiện chất ngữ Phật giáo vào trong các nhạc khúc của mình: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt,…” Trịnh đã đúng. Và càng đúng hơn khi nhìn lời nhạc theo nhịp thở của Phật giáo. Sự loanh quanh mà Trịnh trình bày chẳng khác gì cái bánh xe quay hoài không dứt – vô thường ngay cả mỗi bước chân đi, “đi lên non cao, đi về biển rộng”, đi đâu rồi cũng là trong thế gian hạn hữu này mà thôi.
Phải nói rằng, Trịnh là con người tinh tế, tinh tế trong mỗi ánh nhìn và trong mỗi cảm nhận. Ai đó đã nghe Trịnh : “Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng/Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”(Diễm Xưa). Sỏi đá có linh hồn chăng? Sỏi đá có vui buồn chăng? Sỏi đá có nguyện cầu chăng? Hay ai đã nguyện cầu thay cho sỏi đá? Chỉ có sự tinh tế mới làm nên khác biệt, và khác biệt của Trịnh chính là nói lên, để thay cho tiếng lòng của nhân hữu. Thật khác biệt thay, lấy vô tình ví hữu tình, lấy pháp ngã để nói nhân ngã. Chúng ta quý Trịnh ở sự khác biệt tinh tế đó.
Đã hơn một thập kỉ, từ ngày Trịnh “một cõi đi về”, nhưng như Trịnh trình bày thì sự đi về đó cũng chỉ là sự “loanh quanh”, một sự tiều tụy cho kiếp nhân sinh. Có thể, chúng ta không dám nói rằng, Trịnh đã thấy đạo, như chúng ta có thể quả quyết rằng, Trịnh đã thấy đời, đã hiểu đời và đi qua cuộc đời với đúng chất liệu của nó. Trịnh thật khiêm tốn trong mỗi sáng tác, khi ông chẳng dám thay đổi một chút gì của vạn hữu, ông không tưởng tượng ra vạn hữu. Ngược lại, Trịnh đã khai thác triệt để chất liệu của vạn hữu, ở đó có vô thường của sự buồn vui, của sự đi và về, của sự dị giản tới mức khô khan bằng ngôn ngữ hiền triết “đi đâu loanh quanh cho đời mõi mệt”. Đối với Trịnh, khổ đau và mõi mệt cũng là một loại hiền triết cần được chiêm nghiệm. Và Trịnh đã làm cho những ai nghe mình có được cái tâm thế bình thản để đón nhận cuộc đời. Trịnh là số ít thiên tài âm nhạc viết sầu nhưng không khổ, bi nhưng không lụy, với ông tất cả là sự nhìn và chiêm nghiệm. Cho đến những ai nghe ông cũng đều cảm nhận được cái nhìn và chiêm nghiệm như thế. Thật giản dị nhưng không giản đơn chút nào!
Với hình ảnh chiếc lá thu phai, với hình ảnh vô thường trong từng ngữ ngôn của Trịnh là đã quá nhiều cho một sự thấy đời và cảm đời. Ở đó, ngữ ngôn của Trịnh như một phù thủy lột bày bộ mặt của tạo vật, như một kiến trúc sư sắp xếp lại một mớ cảm xúc hỗn độn của tâm thức nhân hữu. Vì thế những ai nghe Trịnh đều cảm nhận được sự bình yên.
Dù lá thu phai cũng chỉ tăng thêm cảm tính cho nhân hữu chiêm nghiệm về thực tại; Đặc biệt là thực tại trong ngữ ngôn của nhạc sĩ tài danh – Trịnh Công Sơn!
Viết tại đêm nhạc Trịnh Công Sơn – Chiếc lá thu phai – Tu viện Khánh an!
Nhân Trần
Tin Tức Liên Quan
- Đêm “Chiếc Lá Thu Phai” Do Ban Văn Hoá GHPGVN. TP.HCM Tổ Chức Tại Tu Viện Khánh An (20/08/2018 12:29)
- Tháng Vu Lan - Tháng Của Tình Mẹ (18/08/2018 5:44)
- Bỏ Rác Vào Thùng (18/08/2018 5:40)
- Phép Mầu Tình Thương (11/08/2018 2:05)
- Những Câu Chuyện Kể ( 1/08/2018 1:11)
- Vô Tranh (18/07/2018 9:44)
- Tu Viện Khánh An Cúng Dường Các Trường Hạ Nhân Mùa An Cư PL. 2562 (16/07/2018 2:15)
- CHÁNH NIỆM TRONG THIỀN TẬP (14/07/2018 9:54)
- Phước Thiện (13/07/2018 7:48)
- Tỉnh Mộng ( 8/07/2018 5:36)