Thầy chúng con đón tết như thế!

2/02/2024 4:05
Đã bao năm rồi, hễ đến mùa tết là Thầy khép cửa. Cái thời điểm mà mọi người xếp lại công việc để về nhà lau dọn bàn thờ, sắm đồ gia dụng, làm mới nhà cửa, chăm sóc sân vườn… thì thầy cũng quay về để làm mới vườn tâm. Hai chữ Nhập thất có lẽ đã là truyền thống đón Tết hằng năm của Thầy.

Trưa nay, sau giờ tưởng niệm tổ sư khai sáng tu viện Khánh An và tặng quà từ thiện, Thầy về lại thất Vô Sự. Tại đây một số quý thầy cô ở các nơi đã chờ sẵn để khánh tuế Thầy. Rồi những người đệ tử xuất gia và tại gia ở phương xa - cả ở Hoa Kỳ, CH. Séc và Hà Nội cùng nhau quây quần bên Thầy. Khác với những cuộc trò chuyện trước: vui vẻ, rộn rã tiếng cười. Hôm nay, ai cũng ý thức Thầy sắp vào thất nên chỉ muốn được vài phút ngồi bên Thầy, không gian dường như sâu lắng hơn, những tiếng cười nói ít hơn, chỉ có cảm nhận và suy tưởng nhiều hơn. Người đệ tử Phật dù là xuất gia hay tại gia, sống phải biết hướng thiện và hành thiện trên cả hai phương diện tự lợi, lợi tha. Tư lợi là hành trì giáo pháp và lợi tha là mang từ bi đến cho đời. Điều đó cũng được hiểu là hoằng pháp lợi sinh nhưng đừng quên phải thành tựu giác ngộ.

Một lần khuyến tấn đại chúng, Thầy nói: “Làm lợi ích cho đời mà đạo tâm thiếu tu, đạo lực thiếu luyện thì chưa gọi là làm Phật sự”. Con cảm nhận sâu sắc lời nói này và không còn ngớ ngẩn với thắc mắc như trước đây “Sao Thầy lại nhập thất”.

Những năm trước, khi mọi người đến khánh tuế Thầy con thường nghe mấy câu: Mong Thầy sớm ra thất, kính chúc thầy ăn tết một mình vui, sớm gặp lại thầy… Giờ thì mọi người dần cảm nhận sức mạnh của tâm tĩnh lặng và giá trị của sự bình yên. Hôm qua đại diện chư ni tác bạch khánh tuế Thầy, cô Trung Tuệ có lời chúc thật sắc: “Kính chúc thầy có nhiều hơn nữa thời gian nhập thất để đem lại tâm tĩnh lặng và sự bình an vững chãi cho chúng con nương tựa”. Hạnh nhập thất không chỉ làm tự lợi - lợi tha mà còn làm cho chánh pháp được trường tồn. Sinh mệnh đạo pháp nằm ở chiều sâu tâm linh hơn là hình thái hoạt động. Chánh pháp còn hưng thịnh thì chúng sinh còn nơi nương tựa để hướng thượng hướng thiện. Như ngọn đèn dầu xưa, bấc không làm sạch, dầu không châm thêm, thiếu bóng che chắn gặp phải gió lớn thì ngọn đèn sớm bị lụi tàn. Phải chăng nhập thất là thời gian để Thầy dưỡng đạo tâm, rèn đạo lực để trang nghiêm tự thân, cho ngọn đèn Pháp được thắp sáng ở thế gian.

Để có thể hoàn thành sứ mệnh độ sanh, các vị sa môn thường có một khoảng thời gian quay về với chính mình cho thân yên, tâm lặng. Một khi công phu tu tập đã cao thâm thì tự nhiên đạo hạnh rõ sáng. Đọc lại hành trạng của nhiều tổ sư, con thấy rõ hai chữ “nhập thất” hiện lên như là một dấu ấn sáng chói ở hầu hết tiểu sử của các ngài. Trong thời đại mà ngôi chùa bị bao vây bởi quá nhiều cám dỗ bởi âm thanh, hình sắc, hạnh nhập thất càng trở nên đẹp đẽ hơn, cao quý hơn.

Đức Thế Tôn năm xưa đã thường sống độc cư và luôn ca ngợi hạnh đọc cư. Ngài đã từng có thời gian sống độc cư thiền định trong ba tháng, không tiếp ai, trừ một người đem đồ ăn đến tại khu rừng Icchanangala. Đây là thời gian Thế Tôn lấy đó làm gương, dạy chúng đệ tử đừng lãng phí quá nhiều thời gian cho việc tiếp xúc, trò chuyện mà hãy để cho tâm hướng vào bên trong nhiều hơn, tu dưỡng định lực qua pháp quán Tứ niệm xứ. Nhờ thực hành niệm thân, thọ, tâm, pháp trong mùa an cư mà đa phần chư đệ tử thời Đức Phật đều thành tựu được giải thoát, chứng đắc Thánh quả. Tiếp nối lời dạy của Đức Thế Tôn, và hạnh nguyện của tổ sư, bao mùa xuân qua, năm nào Thầy cũng nhập thất. Chúng con cảm nhận được bài học thân giáo của Thầy.

Nhập thất không chỉ làm thăng hoa cho tự thân hành giả mà còn làm ruộng phước cho bá tánh, mang lại lợi lạc cho số đông. 

Ngọc Ánh


Tin Tức Liên Quan