Vốn của người học Phật

25/03/2024 11:32
Ở đời ai cũng cần có cái vốn để sống. Nhìn từ nhãn quan Phật giáo thì cái vốn ở mỗi con người chính là nghiệp quả. Mỗi người mang theo “cái vốn” ấy từ quá khứ (tiền nghiệp) đến với cuộc đời, rồi tiếp tục “đầu tư” (tạo nghiệp) ở hiện tại.

    Nghiệp có thể là nghiệp lành, có thể là nghiệp dữ do mỗi người tạo tác từ nhiều đời, nhiều kiếp cũng có thể là trong đời sống hàng ngày. Hiểu đơn giản vốn là chút tiền lẻ đi chợ mua rau nhưng hiểu rộng hơn vốn không phải ít hay nhiều, mà là nó chất chứa những gì nơi con người đó. Một người sang trọng, xúng xính với quần là áo lụa chưa chắc đã có đủ lòng thoáng rộng để tặng chút tiền lẻ cho người gặp khó khăn hay mua một bó rau mà không mặc cả với chị bán hàng vất vả. Vậy nên, việc tiêu sài chuyển hóa “cái vốn” của mình như thế nào, mới là điều quan trọng.

    Một người đến chùa tu học, khát khao được tăng trưởng cái vốn tu của mình. Đó là chánh tín Tam Bảo, là niềm biết ơn cuộc đời vô bờ bến. Chẳng phải là chúng ta đã có một sớm bình minh với những bước chân an lạc, thảnh thơi với sương mai, với hoa, lá, cỏ cây, với chim, thỏ; được lắng đọng thân tâm, được hòa mình vào năng lượng tươi trẻ của những bản thiền ca qua khúc hát, điệu đàn của các bạn trẻ; được lắng nghe những lời nói nhẹ nhàng, tha thiết của các thầy cô giáo thọ; những âm thanh vang vọng qua tiếng hô thiền - nguồn năng lượng bình an từ đại chúng có khả năng thức tỉnh vạn loại chúng sinh; được bảo bọc, chở che trong ánh từ quang của chư Phật và các bậc minh sư…


    Xưa kia, đức Thế Tôn đã quyết tâm rời ngôi vị cao tột của thế gian, Ngài chỉ có một chí nguyện là tìm về với bản thể chân thật của vạn pháp. Các bậc tổ sư đang tiếp nối, thầy chúng con cũng đang tiếp nối và hướng dẫn chúng con tiếp nối, thực tập con đường tỉnh thức của Thế Tôn.

    Thầy dạy “Pháp vốn dung thông”, bình minh, hoa lá, chim muông, âm thanh, ánh sáng… tất cả đều do duyên sinh, vạn vật vẫn luôn có đó cho chúng ta. Chỉ có những phản ứng tâm lý của ta mới tạo nên những bất như ý, tạo nên những ngăn ngại.

    Chẳng phải từng thời khắc trôi qua, chúng con cảm nhận vạn vật luôn mới và các pháp đều dung thông. Chỉ khi nào hiểu được các pháp đều do duyên sinh thì ta mới cảm nhận được sự dung thông của các pháp.

    Sau pháp thoại của thầy, đại chúng cùng xếp hàng đi khất thực. Như mọi khi, chúng con cúi xin, rồi tự lấy phần cơm và thức ăn vào bát. Nhưng hôm nay có một điều rất thú vị, một chú bé khoảng 6, 7 tuổi, cao không quá bàn ăn, chú đứng đó trao chuối, giấy và muỗng cho mọi người. Con rất hoan hỉ, cúi người thật thấp, để nhận lấy tấm lòng thơm thảo của chú bé có từ tâm lớn.


    Cơm xong, đến giờ trưa, chúng con rảo một vòng quanh Vườn Phật như để vận động trước giờ nghỉ. Vào pháp đường thì hơi trễ, con đang loay hoay tìm thêm tấm đệm để trải nằm thì có một bạn cầm trên tay tấm đệm bước tới và tươi cười trao: “Em mang cho chị đó, chị trải đi, em không nằm đệm cũng được”. Khoảnh khắc đó, trong lòng chúng con trào dâng một niềm hạnh phúc vì được hưởng phước lành. Thầm nghĩ, quanh ta, vẫn luôn có những vị bồ tát giữa đời thường, bậc đại ân nhân.

    Cũng trong khoảnh khắc vui đó, tự thấy hỗ thẹn: “Tại sao ta cũng đang cầm tấm đệm trong tay mà không biết trao đi như bạn ấy”. Nhìn bạn ấy nằm trên sàn chỉ với chiếc áo khoác đắp nhẹ ngang người, ngủ vô tư, con cảm nhận bạn ấy là người hạnh phúc nhất trên đời; hạnh phúc vì biết cho đi, hạnh phúc vì biết sống vị tha, hạnh phúc vì có từ tâm lớn.  

    Nhờ học Phật nên biết tu, làm sao để “vốn thiện lành” mỗi ngày tăng trưởng, để mỗi ngày thấy biết đúng như thật. Vì vậy mà nhìn người, nhìn cảnh, nhìn vạn vật đều thấy dung thông.

    Xin tri ân đức Phật, đức Pháp và đức Tăng. Xin tri ân thầy cùng tất cả thiện duyên đã giúp con về với Phật pháp để có được đời sống thiện lành.

Minh Tú

Tin Tức Liên Quan