13 | Thích Nhất Hạnh - Bậc Thiền Sư Huyền Thoại Của Thời Đại

4/04/2022 9:24
Bài 13: Gọi Thầy được rồi

     Sau giờ cơm chiều của ngày đầu tiên ở trai đường chùa Pháp Vân, Thầy bước ra khỏi cửa, tôi không về phòng mà lẽo đẽo bước theo. Biết tôi đi theo sau, Thầy đi chậm lại rồi cầm lấy mấy ngón tay tôi. Điều ghi đậm trong tôi là Thầy không quay lại nhìn, cũng không hỏi han gì mà chỉ đưa bàn tay ra nắm lấy mấy ngón tay tôi như… đã hẹn trước, rồi cả hai cùng rẽ qua phía bên trái nhà ăn. Tới một cây thông, Thầy đứng lại. Tôi chắp tay lên ngực thưa: “Bạch Hòa thượng…”. Tôi “Bạch Hòa thượng” là vì những văn bản Giáo hội gửi sang đều gọi Thầy là Hoà thượng, các bậc tôn túc trong đoàn cũng gọi Thầy như vậy và tôi không có cách gọi khác. Nhẹ nhàng cầm đôi bàn tay tôi bỏ xuống như thể bảo tôi cứ nói chuyện tự nhiên, đừng chắp tay, rồi Thầy mở lời: “Gọi Thầy được rồi, hòa với thượng gì”. Câu “Gọi Thầy được rồi” làm tôi chấn động. Thực sự là bây giờ tôi không còn nhớ lúc đó mình định thưa Thầy điều gì. Nhưng sự cảm nhận còn mãi trong tôi đó chính là câu “Gọi Thầy được rồi". Nó như một xác chứng tình thầy trò. Tôi không còn thấy Thầy quá cao vợi, xa xôi, cũng không còn thấy mình quá cách biệt với Thầy. Giây phút đó tôi “Bạch Thầy” rồi những năm gặp lại sau này, mỗi khi thưa thỉnh tôi cũng “Bạch Thầy”. Tại đây tôi có được một tấm hình, có thể nói là tấm hình đầu đời chụp chung với Thầy dưới tán cây thông đổ tàng che chắn.




Cùng thiền sư dưới tán cây thông sau giờ cơm chiều

     Hôm sau, thêm một câu chuyện đẹp nữa diễn ra như giấc mơ trong giờ ăn sáng. Trên chiếc bàn dài, thức ăn được dọn sẵn, đầu bàn phía bên trong, lần lượt là vị trí ngồi của Hòa thượng Trí Quảng, Hòa thượng Thiện Bình, Hòa thượng Phước Đường, Hòa thượng Bảo Nghiêm và tôi ngồi ở vị trí cuối bàn. Đối diện Hòa thượng Trí Quảng là mâm cơm được dọn sẵn và  một chiếc ghế đã được chuẩn bị, ai cũng biết đó là mâm cơm mời Thầy. Nhưng không, Thầy bước vào phòng ăn rồi đi đến ngồi ở vị trí cuối bàn, nghĩa là ngồi đối diện với tôi. Các vị thị giả thấy vậy phải bê mâm cơm ở đầu bàn bên kia sang phía Thầy ngồi. Thế là tôi được ngồi đối diện, dùng sáng chung với Thầy. Mỗi người được dọn một phần thức ăn riêng, mâm nào cũng với rau ấy, đậu ấy, tất cả thức ăn đều như nhau. Nhưng thỉnh thoảng Thầy gắp cho tôi miếng thức ăn rồi nói “Món này ngon hơn nè”. Tôi hạnh phúc trong rụt rè trong khi mấy thầy cô thị giả đứng xung quanh miệng cười chúm chím.




     Dùng sáng xong, khi các hòa thượng đứng dậy, tôi cũng bước ra đứng ngay vị trí cánh cửa để tiễn chân. Thầy đứng dậy đầu tiên, bước ra cửa rồi cầm lấy bàn tay tôi, cứ thế là đi, đi rất chậm. Hai thầy trò không nói năng gì chỉ có đi và đi. Thông thường là tôi phải đi theo đoàn, nói cụ thể hơn là tôi phải  theo làm thị giả Hòa thượng Trí Quảng. Thế nhưng khi được Thầy nắm lấy bàn tay và dắt đi, trong tôi khởi lên một trạng thái thảnh thơi, nhẹ nhàng và thanh thoát. Tôi hình dung là Hòa thượng Trí Quảng và các bậc tôn túc trong đoàn sẽ nhìn theo mỉm cười hoan hỷ. Đi được một vài trăm mét, thầy trò rẽ trái xuống mấy bậc tam cấp, rồi bước lên một sàn gỗ thật rộng trước khi vào ngôi thất. Đó chính là thất Ngồi Yên của Thầy.

     Khi Thầy và tôi  bước vào, vị thị giả lấy hai chiếc bồ đoàn, một cho Thầy và một cho tôi, trong khi Thầy đến cạnh chiếc giường mở máy cassette lên. Hai  thầy trò ngồi xếp bằng nghe nhạc thiếu nhi, uống trà. Một lát sau Ni trưởng Chân Không mời Hòa thượng Phước Đường vào ngồi cùng. Thầy, Hòa thượng Phước Đường và tôi ngồi trong tĩnh lặng thật lâu, Ni trưởng Chân Không và vị thị giả ngồi phía sau, chỉ có tiếng nhạc thiếu nhi cất lên, thỉnh thoảng có tiếng rót trà điểm nhẹ.

Một lát sau Thầy nhìn sang tôi hỏi “Làm báo Giáo Ngộ có vui không?”

- Bạch thầy - tôi nói - báo mỗi tuần ra một tờ nên cũng nhàn hạ ạ.

- Hãy là tiếng nói của Giác Ngộ nhé - Thầy dạy.

- Tôi chắp tay cúi đầu.



Tại Thất Ngồi Yên cùng thiền sư và HT. Phước Đường

     Ngồi tĩnh lặng trong thất Ngồi Yên của Thầy, đúng là… ngồi yên, không ai nói điều gì cả, chỉ có thưởng trà và nghe nhạc thiếu nhi. Câu nói duy nhất của Thầy lúc đó là “Hãy là tiếng nói của Giác Ngộ nhé”. Nó như một thoại đầu, như một thiền ngữ còn đọng lại trong tôi tới giờ. Sau gần 20 phút ngồi chơi, trước khi rời thất, tôi được Thầy trao cho một chồng sách. Mỗi tác phẩm đều được Thầy ký tên. Niềm vui vô bờ. Bước ra cửa Ni sư Chân Không tiễn chân. Tôi mở lời: “Nghe về ni sư nhiều nay mới có duyên được gặp”. Ni sư phán luôn một câu “Nghe về bà sư cô lôi thôi hả”. Câu nói sốc quá khiến tôi cười gượng gạo, trả lời không tự nhiên: “Không, chỉ nghe mọi người tán dương Ni sư thôi ạ”. Miệng trả lời vậy nhưng bụng thì thầm nghĩ “Mới gặp mà phát ngôn nghe sốc thế Ni sư!”.


Trước thất Ngồi Yên sau khi đã nhận chồng sách thiền sư tặng

Bút tích thiền sư 

     Chiều hôm sau, Ni sư đưa đoàn đi tham quan chùa Từ Nghiêm, chùa Cam Lộ. Những ngôi chùa này nằm trên khoảng đất rộng, xung quanh có những cây táo, cây mận hoa trái sum suê. Ni sư kể lại ngày xưa nơi đây là vùng đất người bản xứ nấu rượu, chăn cừu… Sau khi sở hữu được khu đất này, Sư ông cho sửa lại thành nơi tu tập - biến nhân gian thành tịnh độ. Trong lúc thầy Pháp Ấn hầu chuyện với quí Hoà thượng còn Ni sư thì quay sang nói chuyện với tôi. Cầm trên tay mấy trái cây chín mọng do mấy sư cô trẻ hái, Ni sư đưa tôi bảo ăn đi, trái cây vườn ngon lắm đó. Rồi Ni sư nói “Hòa thượng Trí Quảng sức khỏe còn tốt quá, con với Hòa thượng biết nhau từ những thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, con với Ngài đồng tuế đó”. Rồi Ni sư mỉm cười. Tôi cũng mỉm cười, lòng nhẹ đi, thầm nghĩ “Ni sư dễ thương hơn hôm qua”.


Ni trưởng Chân Không đưa đoàn đi thăm các chùa 

Cùng Ni trưởng Chân Không

     Ngoài thời gian sinh hoạt cùng đại chúng như thiền tọa, thiền hành, nghe pháp, ăn cơm… tôi hay lân la đến quý thầy, cô để làm quen, tiếp xúc người này, trò chuyện người kia, thăm hỏi chuyện nọ. Nhất là gặp những thầy cô… “mắt xanh mũi lõ”, trông rất thích thú. Có lần tôi được đi tham quan vườn rau sạch do quí thầy cô trồng. Trời đã sập tối, có một thầy bảo: “Thầy (TC) bước vào vườn vờ tưới rau đi, con chụp cho tấm hình làm kỷ niệm”. Tôi mạnh dạn bước vào… diễn, trong khi mọi người cười nói rất vui,  trông rất thân thiện.

Cùng quí thầy cô Làng Mai, Sư cô Bi Nghiêm (thứ 3 trái qua) và thầy Pháp Khi (thứ 5 trái qua)


Cùng thầy Pháp Xả

     Có một câu chuyện thú vị là, chiều hôm đó, tôi trò chuyện với quí thầy cô và cư sĩ, trong số đó có một cô gái người nước ngoài, được quí thầy cô giới thiệu là nhà báo của một đài truyền hình. Cô ta đi với một người bạn trai là nhạc sĩ vĩ cầm. Cả hai cùng về Làng Mai thực tập sống chánh niệm. Thực tập được một thời gian, cả hai bèn… không yêu nhau nữa và cùng phát nguyện xuất gia. Ngày chúng tôi gặp nhau cả hai vẫn còn là cư sĩ. Về sau được nghe kể lại là họ đều đã thật sự xuất gia. Chàng trai kia chính là thầy Pháp Linh và cô nàng là sư cô có pháp danh Hiến Nghiêm.



Chị Phật tử sau này trở thành sư cô Hiến Nghiêm

     Tối về phòng nghỉ ngơi, dư âm buổi chiều đẹp như vẫn còn đọng lại, tiếng nói cười của những thầy cô đồng hương đồng khói, tiếng trò chuyện tiếng Việt lơ lớ của những người bạn đồng tu gốc Mỹ, gốc Anh… Cho tôi sự trải nghiệm về nếp sống tăng đoàn của một đạo Phật khá mới về dòng tu Làng Mai.


Trí Chơn

(Bài 14: Giờ Thiền Lạ Và Pháp Thoại Đanh) 

Tin Tức Liên Quan